Những giới hạn vô hình

LOAN PHƯƠNG 08/03/2017 00:03 GMT+7

TTCT - Các nhà khoa học thường vẫn hay dẫn một câu được cho là của Albert Einstein: “Bạn chưa thật sự hiểu được một điều nếu như bạn không thể giải thích điều đó với bà nội mình”.

Bộ sưu tập nữ khoa học gia của LEGO -Twitter
Bộ sưu tập nữ khoa học gia của LEGO -Twitter

 Dù cho những lời đó có đúng của Einstein hay không, chúng đã được nhắc không biết bao nhiêu lần để tuyên ngôn rằng cần phải giải thích một vấn đề khoa học sao cho ngay cả bà nội bạn cũng hiểu. Mệnh đề giả định ở đây là bà nội của bạn là một cụ già chẳng biết gì về bitcoin hay thống kê Bayes.

Nhưng tại sao lại là “bà nội”, mà không phải là “ông nội” bạn? Sự khác biệt có vẻ chẳng ý nghĩa gì, nhưng lại phản ánh định kiến rất lâu đời rằng đàn ông giỏi giang hơn phụ nữ trong khoa học.

May mắn là chúng ta đã vượt qua rồi thời kỳ mà những phụ nữ xuất chúng trong khoa học như Rosalind Franklin, Cecilia Payne-Gaposchkin, hay Lise Meitner bị xem thường chỉ vì giới tính của họ. Tuy nhiên, trong khi nữ quyền đã được cải thiện trong nhiều lĩnh vực, riêng trong khoa học, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Định kiến lâu đời

Phụ nữ không phải là không thích thú hay không giỏi xử lý các vấn đề khoa học (thật ra, rất nhiều khi điều ngược lại mới đúng: bà nội bạn phải tìm cách đơn giản để giải thích cho bạn những vấn đề phức tạp của cuộc sống, và khoa học).

Vấn đề với phụ nữ trong khoa học thêm phức tạp bởi cả với những người cực kỳ tài năng, thành tựu sự nghiệp của họ bị cản trở bởi một trách nhiệm nữ giới - cũng mang tính định kiến: chăm lo cho gia đình.

Hãy lấy một ví dụ, về nhà khoa học về động cơ tên lửa quá cố Yvonne Brill (chắc chắn không phải kiểu bà nội mà bạn dám ngồi giảng giải về khoa học với bà ấy). Bài điếu văn cho Brill (1924-2013) trên báo New York Times viết: “Bà đã theo chồng mình từ công việc này tới công việc khác và mất 8 năm nghỉ việc để nuôi dạy 3 đứa con”.

“Bà là người mẹ tuyệt vời nhất thế giới” - con trai bà Matthew nói. Nhưng Yvonne Brill, là một nhà khoa học tên lửa xuất sắc, người mà vào đầu những năm 1970 đã chế tạo ra hệ thống phản lực giúp các vệ tinh liên lạc không đi trượt khỏi quỹ đạo của chúng.

Sau này, bài điếu văn trên New York Times đã được thay đổi chút ít, nhưng bản gốc phản ánh sự phân biệt giới tính ngầm ẩn. Từ “nhưng” ở trong đoạn trên ngụ ý rằng là một người mẹ tuyệt vời có thể mâu thuẫn với việc là “một nhà khoa học tên lửa xuất sắc”.

Chính các nhà khoa học cũng dễ rơi vào định kiến này. Trong một nghiên cứu năm 1999, nhà nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Milwaukee, Rhea Steinpreis và các cộng sự đã gửi cho các thành viên trong trường một bản sơ yếu lý lịch xin việc không có thật, với chỉ cái tên trong đó là được thay đổi thành tên nam hoặc nữ. Với cùng một đơn xin, ứng viên nam giới có khả năng được tuyển dụng cao hơn nữ giới.

Tình hình đó có vẻ chẳng thay đổi gì trong thế kỷ mới. Năm 2012, nhà nghiên cứu của Đại học Yale, Corinne Moss-Racusin, và các cộng sự lặp lại đúng nghiên cứu đó, yêu cầu trường đánh giá hồ sơ xin việc cho một vị trí quản lý phòng thí nghiệm.

Giống như nghiên cứu của Steinpreis, ứng viên nam được đánh giá cao hơn ứng viên nữ và được chấp nhận mức lương khởi điểm cao hơn, dù lý lịch công việc của họ là như nhau.

Ngay cả nếu nữ giới đạt được một vị trí cao trong giới khoa học, các nghiên cứu của họ cũng ít được chú ý hơn. Cũng năm 2012, tạp chí khoa học danh giá Nature đã thống kê việc đánh giá trên chính các bài báo của họ và thấy rằng nữ giới chỉ nhận được 14% tổng đánh giá.

“Còn rất nhiều việc phải làm” để cải thiện sự bình đẳng trong nghiên cứu khoa học, bài báo trên Nature kết luận.

Đó là một vòng tròn nghiệt ngã: phụ nữ càng khó thăng tiến trong khoa học, càng ít được chú ý và bị phân biệt đối xử, lại càng có ít phụ nữ tham gia lĩnh vực này.

Một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard năm 2008 cho thấy “thiếu cơ hội thăng tiến” là lý do then chốt khiến phụ nữ không mặn mà với các lĩnh vực khoa học cơ bản.

Dữ liệu thu thập bởi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ thì cho thấy trong các lĩnh vực kỹ thuật và sinh học, trong khi phụ nữ chiếm hơn một nửa số sinh viên ở bậc đại học, thì ở mức giáo sư có nhận lương, họ chỉ còn chiếm 20-25% tổng số và phần lớn từ bỏ con đường học thuật và khoa học trước ngưỡng cửa lấy tấm bằng tiến sĩ.

Tuy nhiên, nếu như trong quá khứ có thể chỉ trích các nhà khoa học nam giới là định kiến và phân biệt, thì hiện giờ điều đó không còn đúng nữa. Ngày nay, hiếm có nhà khoa học nghiêm túc nào lại nghĩ rằng phụ nữ không thể thành công, trong bất cứ lĩnh vực gì.

Câu chuyện, vì thế, phức tạp hơn nhiều. Có thêm phụ nữ trong các cơ quan quyền lực về khoa học cũng không giúp những người cùng giới tính với họ tăng thêm cơ hội được tuyển dụng hay xuất bản, điều mà Steinpreis và Moss-Racusin đều đã chứng minh trong các nghiên cứu của họ.

Thực tế này nhấn mạnh một định kiến khó bỏ: ngay cả phụ nữ cũng có thể tin rằng nam giới giỏi giang, hay ít ra là hiệu quả hơn, trong lĩnh vực khoa học.

Vấn đề còn ở chỗ trong khi tỉ lệ nữ khoa học gia đã được cải thiện đáng kể, ít ra là ở các nước đang phát triển, họ không thể trụ lại lâu trên đỉnh cao nghề nghiệp.

Nghiên cứu The Athena Factor: Reversing the Brain Drain in Science, Engineering and Technology (tạm dịch: Yếu tố Athena: Đảo ngược sự chảy máu chất xám trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ) của Trung tâm Chính sách lao động - đời sống thành phố New York cho thấy trong khi 41% các khoa học gia, kỹ sư và chuyên gia công nghệ “có bằng cấp cao” là phụ nữ, chỉ sau 10 năm khởi nghiệp, 52% họ sẽ rời bỏ các lĩnh vực này.

Và phụ nữ có thể Làm gì để thay đổi?

Đối mặt với tất cả những thử thách đó, phụ nữ trong khoa học phải làm gì? Trong lĩnh vực khoa học cơ bản, rất nhiều đề xuất đã được đưa ra.

Các trường đại học ở một số nước châu Âu được yêu cầu phải thực thi các chính sách lao động thân thiện với gia đình nhằm giữ lại các phụ nữ có thể bỏ việc vì lý do chăm sóc con cái. Quy trình tuyển dụng cũng cần linh hoạt hơn.

Ngoài ra, các bé gái ngay từ nhỏ cần được khuyến khích tiếp xúc với khoa học (ở một mức độ nhiều hơn các bé trai), điều vốn ít nhiều vẫn bị cản trở bởi định kiến xã hội. Các nhóm hỗ trợ cho khoa học gia nữ để có những người đỡ đầu tốt cũng là một ý tưởng hay.

Tại châu Âu, một tổ chức phi lợi nhuận của các khoa học gia nữ mang tên Nền tảng châu Âu cho các nhà khoa học nữ (European Platform of Women Scientists, tức EPWS), đại diện cho lợi ích của 12.000 nhà khoa học nữ (không chỉ ở châu Âu) ở mọi giai đoạn trong sự nghiệp của họ, tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận với đủ kiểu định chế quốc gia, châu Âu và quốc tế nhằm hỗ trợ các thành viên của mình.

Nghị trình của EPWS gồm 3 điểm chính có thể dùng làm hình mẫu cho các tổ chức vận động cho nữ quyền trong khoa học ở khắp nơi: trước hết, phụ nữ cần được trao thêm tiếng nói trong vấn đề nghiên cứu chính sách;

thứ hai, các phân tích về giới trong nghiên cứu và khoa học cần được phổ biến rộng rãi hơn để nâng cao ý thức của những người có trách nhiệm; và cuối cùng, việc xây dựng mạng lưới và mối quan hệ là rất quan trọng, thông qua những tổ chức như chính EPWS, bởi lẽ phụ nữ - nhất là ở Á Đông - thường thiếu các mối quan hệ cần thiết, chứ không phải là tài năng, để thăng tiến trong môi trường khoa học.

Với một sự nghiệp cụ thể, tiến sĩ Theresa Burt de Perera của Đại học Oxford khuyên nhủ: “Công việc học thuật thường rất mệt mỏi, tôi làm việc theo giờ giấc như bình thường, phải đón các con lúc 5h30 chiều và muốn chơi với con mình. 

Chúng tôi ăn tối ở nhà cùng nhau bất cứ khi nào có thể và giờ đi ngủ là 9h tối cho bọn trẻ. Tôi thường xuyên phải làm việc qua 9h tối và để mọi thứ ổn thỏa, bạn phải sắp xếp trước mọi thứ. Tôi biết chính xác mình sẽ làm gì trong 3-4 tháng tới”.

Perera cũng khẳng định bà đã không thể xử lý ổn thỏa cuộc đời cá nhân và sự nghiệp nếu không có sự hỗ trợ của chồng. “Anh ấy chịu trách nhiệm 50% trong việc chăm sóc con nhỏ, chúng tôi là một đội, đó là cách duy nhất khiến mọi việc khả thi” - bà nói.

Tiến sĩ Katrina Lythgoe ở khoa dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm, Imperial College London, thì nói vượt qua rào cản tâm lý cũng rất quan trọng:

Tôi cho rằng phụ nữ có khuynh hướng cảm thấy bất an về năng lực của họ nhiều hơn nam giới, điều khiến họ thường sớm rời con đường khoa học và học thuật, và tôi nghĩ cảm nhận của họ về khoa học là họ không thể làm bán thời gian hay đồng thời vừa làm việc vừa chăm lo cho gia đình. Tôi cho rằng những suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai. Những người tài năng không cần phải đi theo con đường truyền thống”.■

Nếu các nữ khoa học gia cũng được đối xử như minh tinh màn bạc

Ngày 23-2, giới khoa học Mỹ đón nhận một tin buồn khi tiến sĩ Mildred Dresselhaus - giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), với các nghiên cứu về tính chất cơ bản của carbon giúp biến nó thành một siêu sao trong khoa học vật liệu và công nghệ nano - qua đời ở tuổi 86. Câu chuyện của tiến sĩ Dresselhaus là rất điển hình cho cuộc đấu tranh vì nữ quyền trong khoa học.

Bà sinh trong một gia đình người nhập cư Do Thái - Ba Lan nghèo khó, lớn lên ở khu Bronx khiêm nhường nhưng học rất giỏi, giành nhiều học bổng, tốt nghiệp trường danh giá, xuất bản hơn 1.700 tài liệu khoa học, đồng tác giả 8 cuốn sách và rất nhiều giải thưởng cấp nhà nước của Mỹ, nhưng cho tới khi qua đời, bà vẫn khá vô danh, ngay trong giới khoa học.

Hồi tháng 2, ngay trước khi qua đời, tiến sĩ Dresselhaus đã tìm thấy chút danh tiếng với văn hóa đại chúng khi bà là nhân vật chính trong một quảng cáo trên truyền hình của Hãng General Electric, vốn tự hào sử dụng nhiều nhân vật nữ trong giới nghiên cứu và lãnh đạo của công ty.

Trong đoạn quảng cáo, những bé gái chơi với búp bê hình Dresselhaus, đội tóc giả kiểu Dresselhaus và mặc áo có tên Dresselhaus, các bậc cha mẹ đặt tên con gái mới sinh của họ là Millie (tên thân mật của Mildred), và các nhà báo đưa tin rầm rộ về việc Dresselhaus xuất hiện trước công chúng.

“Sẽ ra sao nếu chúng ta đối xử với các nhà khoa học nữ của mình như với các ngôi sao điện ảnh? - giọng đọc quảng cáo nói - Sẽ ra sao nếu Millie Dresselhaus cũng nổi tiếng như những nhân vật của công chúng?”.

Trong một nỗ lực khác để biến điều đó thành hiện thực, hãng đồ chơi nổi tiếng thế giới LEGO cũng đã tham gia vào việc gây dựng danh tiếng cho các nhà khoa học nữ với dự án Women in NASA (Phụ nữ ở Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ) của họ, với năm nhà khoa học và phi hành gia nữ xuất hiện trong bộ sưu tập đặc biệt của hãng đồ chơi lắp ráp này:

Sally Ride, nữ phi hành gia người Mỹ đầu tiên vào vũ trụ; Margaret Hamilton, người phát triển phần mềm cho các nhiệm vụ của chuỗi phi thuyền Apollo; Katherine Johnson, nhà toán học tính toán quỹ đạo cho các phi thuyền Mercury và Apollo; Mae Jemison, bác sĩ và là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên bay vào vũ trụ; Nancy Grace Roman, một trong những giám đốc điều hành đầu tiên của NASA.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận