Dự án thành phố dung nạp

HẢI MINH 19/03/2017 16:03 GMT+7

TTCT - Với dân số chính thức gần 15 triệu người, Bangkok (Thái Lan) giống một cách kỳ lạ với các đô thị lớn của Việt Nam về cả lịch sử phát triển lẫn những vấn đề phát sinh đi theo, trong đó có câu chuyện vỉa hè...

Vỉa hè Bangkok đã là cuộc chiến kéo dài một thế kỷ, nhưng sức sống của những gánh hàng rong chưa bao giờ lụi tàn                   -BBC


Theo thống kê năm 2010 của Cơ quan Quản lý hành chính vùng đô thị Bangkok (Bangkok Metropolitan Administration, tức BMA), BMA đã cấp phép cho 664 khu vực bán hàng rong và vỉa hè trong thành phố, với khoảng 20.000 đơn vị kinh doanh hoạt động trong các khu vực này.

BMA cũng lên một danh sách khoảng 19.000 đơn vị kinh doanh vỉa hè và hàng rong không có phép ở khoảng 750 vị trí trong thành phố.

Tuy nhiên, các chuyên gia Gisèle Yasmeen và Narumol Nirathron đánh giá trong một nghiên cứu tháng 5-2014 có tựa đề “Vending in Public Space: The Case of Bangkok” (tạm dịch: Bán hàng rong ở không gian công cộng: Trường hợp Bangkok) rằng ước tính của BMA là quá thấp.

Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Thái Lan từ năm 2003 ước tính lượng lao động ở các hàng rong - quán cóc tại thủ đô Thái Lan phải từ 250.000 tới 380.000!

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc hợp thức hóa hàng rong và vỉa hè bằng luật lệ không dễ dàng: từ một mẫu 2.648 hộ kinh doanh ở một khu vực cụ thể, số cửa hàng “hợp pháp” ở các khu vực được chỉ định chỉ chiếm 18,7%.

Lịch sử lâu đời

Bán hàng rong và hàng quán vỉa hè ở không gian công cộng - nhất là đồ ăn thức uống - là một truyền thống rất lâu đời ở khu vực Đông Nam Á, có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa bản địa, theo các tác giả nghiên cứu.

Tuy nhiên, bước ngoặt với các hoạt động này, nhất là ở những quốc gia Đông Nam Á lục địa, là từ khi có sự xuất hiện của những người di cư từ Trung Quốc, đặc biệt là giai đoạn thế kỷ 18-19, đồng thời với quá trình đô thị hóa và chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ giai đoạn giữa Thế chiến thứ nhất và thứ hai.

Ở Bangkok chẳng hạn, việc bán rong đồ ăn được truy nguyên từ thời các vua Rama I-III (cuối thế kỷ 18 tới giữa thế kỷ 19).

Ở dưới nước, các chợ nổi nổi tiếng của Bangkok do người Thái làm chủ, trong khi trên đất liền là các thương nhân người Hoa di cư.

Việc bán hàng rong - lúc bấy giờ chưa có khái niệm lấn chiếm vỉa hè, hay thậm chí là trật tự đô thị - trở thành một chiến lược sinh tồn với những người di cư, không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ nông thôn ra thành thị.

Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa - thực dân hóa tạo ra cả cung và cầu cho hoạt động này. Những yếu tố đóng góp vào hiện tượng này bao gồm sự bất bình đẳng thu nhập giữa đô thị Bangkok và các vùng nông thôn xung quanh, cũng như việc chuyển đổi dần nền sản xuất từ thuần túy nông nghiệp sang bắt đầu xuất hiện những giai cấp - tầng lớp đông đảo không còn sống dựa vào nghề nông.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 ở Đông Nam Á, mà hệ quả là rất nhiều người lao động trong các lĩnh vực chính thức mất việc, đã xuất hiện một đợt bùng nổ hàng rong và quán vỉa hè ở Bangkok.

Đó cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển đổi về ý thức trong chính sách của chính quyền thủ đô Thái Lan về vấn đề hàng rong và buôn bán vỉa hè. Các hoạt động kinh tế phi chính thức kể từ đó được coi là những yếu tố đóng góp rất giá trị cho nền kinh tế.

Chính quyền nhận ra các gánh hàng rong không chỉ là hoạt động bình thường của một thị trường tự do, mà còn là mạng lưới “an sinh xã hội tự nhiên” tối quan trọng cho những người nghèo trong bối cảnh nhà nước không thể cáng đáng hết được, nhất là ở các thời kỳ khó khăn, khủng hoảng.

Sự năng động của nền kinh tế hàng rong và vỉa hè là điều không hệ thống bảo hiểm thất nghiệp nào theo kịp. Dần dần theo thời gian, chúng trở thành một phần không thể tách rời của cả nền kinh tế lẫn văn hóa Bangkok.

Đằng sau mỗi hàng quán vỉa hè, mỗi gánh hàng rong là tình trạng kinh tế rất phức tạp. Nhiều người trong số họ chỉ kiếm đủ sống qua ngày, nhưng cũng không ít hàng quán chiếm vỉa hè tích tụ được tư bản, gia nhập tầng lớp trung lưu và cả những người cực giàu có.

Tác giả Nirathon đã thấy rằng các yếu tố chung dẫn tới thành công cho các doanh vụ như thế là sự tự tin và vị trí của hàng quán.

Nhưng dù họ giàu hay nghèo, những người bán hàng rong và vỉa hè rất tài tình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực mà họ có. Với những người nghèo là các nguyên liệu thô rẻ tiền, trong khi với những người giàu là vốn liếng và tri thức kinh doanh.

Giống như tất cả những người có thu nhập khác, các đối tượng kể trên thuộc thành phần có thể thu thuế và luật thuế Thái Lan liệt kê hàng rong và quán vỉa hè trong hạng mục số 8 - tức doanh nghiệp, thương mại và các hoạt động kinh doanh khác.

Cụ thể, những hàng quán có thu nhập hơn 30.000 baht (khoảng 850 USD) mỗi năm sẽ phải kê khai thuế, không tuân thủ sẽ bị phạt 200 baht (khoảng 5,6 USD).

Tất nhiên, quy định này hầu như là không thể thực hiện và hầu hết hộ kinh doanh khai mức thu nhập thấp hơn nhiều so với mức phải đóng thuế. Vấn đề là trong một nền kinh tế tiền mặt cũng như phi chính thức, nhà chức trách hầu như không có phương tiện hữu hiệu nào, cũng như không có đủ nguồn lực để kiểm tra và xử lý, nhất là trong dài hạn.

Việc chiếm dụng các không gian công cộng như vỉa hè của người buôn bán tất nhiên cũng gây ra xung đột lợi ích với các nhóm sử dụng khác. Một nghiên cứu thực địa của Sareena Sernsukskul và Pattama Suksakulchai đã chỉ ra điều này.

Nghiên cứu với tựa đề “Street Vendors & Bangkok Urban Space” (tạm dịch: Hàng rong đường phố và không gian đô thị Bangkok) đã khảo sát khu Soi Convent năm 2011 và thấy có xung đột giữa những người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè và Đại học Chulalongkorn, định chế đại học uy tín nhất Thái Lan, ở khu vực quảng trường Siam gần một nhà ga tàu điện.

Trường Chulalongkorn sau đó kiện những người bán hàng lên một ủy ban của thành phố và họ đã phải giải tán. Đây là một trường hợp rất điển hình cho “kinh tế chính trị vỉa hè” ở Bangkok, khi những khu vực đất vàng giá trị cao rất thường xuyên gây tranh cãi giữa các bên có lợi ích liên quan.

Một điều tất nhiên nữa là việc buôn bán ở vỉa hè ảnh hưởng tới người đi bộ. Tháng 6-2013, trên Facebook ở Thái Lan đã xuất hiện một chiến dịch “Nói không với hàng quán vỉa hè” để “đòi lại không gian cho người đi bộ” (ở địa chỉ https://www.facebook.com/saynostall).

Trang này đăng nhiều hình ảnh dẹp hàng quán và vỉa hè thông thoáng. Tính tới ngày 13-3-2017, trang đã có hơn 22.000 lượt “thích”.

Chính quyền nên làm gì?

Việc giám sát hàng rong - quán vỉa hè của chính quyền Bangkok bắt đầu từ năm 1941 với các quy định điều chỉnh đầu tiên. Năm 1972, BMA được thành lập sau khi sáp nhập hai thành phố Bangkok và Thonburi ở hai bên bờ sông Chao Phraya.

Thống đốc đầu tiên của BMA, nhậm chức năm 1973, đã mở một chiến dịch lớn truy quét quán vỉa hè và hàng rong để “giữ gìn vệ sinh” và “lập lại trật tự”.

Theo đó, việc buôn bán được cho phép ở một số khu vực cố định, nhưng bị cấm ngặt nghèo ở những vùng khác. BMA cũng thành lập lực lượng cảnh sát trật tự đô thị vào năm 1978 để thực thi các quy định này.

Tuy nhiên, cuộc suy thoái kinh tế 1979-1982 đã buộc chính quyền phải lùi bước trong các nỗ lực “đường thông hè thoáng” của họ, mà quay sang ủng hộ các gánh hàng rong tạo ra việc làm và thu nhập.

Giai đoạn 1981-1992, BMA - với cuộc cải cách lực lượng cảnh sát trật tự đô thị thành Cục Thực thi pháp luật đô thị (Tesakit) vào năm 1986 - lại quay sang cứng rắn, nhấn mạnh ba điều kiện: vệ sinh, an toàn và trật tự.

Thống đốc BMA từ năm 1985-1992, trung tướng Chamlong Srimuang, nổi tiếng là một lãnh đạo mạnh tay, đã thiết lập những “đặc khu” cho người bán hàng rong với các tiêu chuẩn cụ thể về an toàn, vệ sinh và trật tự.

“Bangkok phải là một thành phố sạch sẽ, gọn gàng và đáng sống” - BMA cho biết trong một thông báo năm 1991 và các gánh hàng rong cùng vỉa hè nhếch nhác bị cho là biểu hiện của tình trạng “kém phát triển”.

BMA dưới thời tướng Srimuang có kế hoạch - chỉ tiêu cụ thể giảm số hàng rong và quán vỉa hè trong giai đoạn 1992-1996, tiến tới cấm hẳn việc bán thức ăn ngoài đường phố giai đoạn 1997-2001. Tuy nhiên, kế hoạch này không bao giờ được hiện thực hóa và chính sách của Bangkok sẽ thay đổi tùy vào việc thống đốc nào nắm quyền.

Đầu những năm 1990 là thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Thái Lan, nhưng năm 1997 “bong bóng” vỡ và nền kinh tế suy sụp. Vỉa hè và các gánh hàng rong lại trở thành cánh tay cứu vớt quan trọng cho chính quyền, tạo ra việc làm và thu nhập cho những tay cựu môi giới chứng khoán nay đã hết thời.

Thay vì truy quét hàng rong và quán vỉa hè như trong quá khứ, chính quyền đổi thái độ, cung cấp những khoản vốn hạt giống có thể lên đến 4.000 baht (113 USD) cho những người nghèo để họ khởi sự chiếc xe đẩy bán rau của mình.

Các chương trình cho vay vi mô tương tự của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã giúp giải tỏa rất nhiều sức ép kinh tế cho Thái Lan lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn này, người bán hàng rong và vỉa hè của Thái Lan cũng bắt đầu tự tổ chức lại thành những nhóm giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề khi họ gặp rắc rối với chính quyền, hay xung đột lợi ích liên quan tới chỗ họ bán hàng.

Sự thay đổi quan điểm diễn ra nhanh chóng. Tới lúc chuyển giao thế kỷ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 9 (2002-2006) của chính quyền trung ương Bangkok thậm chí đã đề cập tới cả “những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như hàng rong và buôn bán vỉa hè”, nhấn mạnh vai trò “giảm đói nghèo” và “phương tiện tự túc kinh tế quan trọng” của các đơn vị kinh doanh này.

Chính sách hạn chế và giảm bớt số lượng hàng quán của BMA bị hủy bỏ, thay vào đó họ tập trung vào “trật tự và vệ sinh”. Năm 2002, quy định về bán hàng ở các không gian công cộng tại vùng đô thị Bangkok đi vào hiệu lực với các hướng dẫn cho người buôn bán, chi tiết tới cả vệ sinh cá nhân, cách ăn mặc và chuẩn bị dụng cụ nhà bếp.

Chính quyền cũng yêu cầu những ai buôn bán ở vỉa hè phải trả thêm chi phí vệ sinh cho thành phố, cũng như lắp đặt các máy rửa chén hợp vệ sinh tại khu phố Tàu.

Người lao động trong những lĩnh vực phi chính thức, vốn trước đây không có bảo hiểm y tế, giờ được quyền xin cấp bảo hiểm theo Chương trình bảo hiểm toàn dân 2002.

Đến năm 2003, dưới thời thủ tướng Thaksin Shinawatra, chính quyền mở rộng thêm quyền hạn cho dân vỉa hè, khi các giấy phép sử dụng không gian công cộng giờ có thể dùng làm tài sản thế chấp ở ngân hàng để vay vốn.

Năm 2011, BMA thậm chí còn khởi động một chiến dịch với tên gọi “Hàng rong: Sức quyến rũ của Bangkok”, với năm khu chợ ngoài trời được tổ chức để thu hút khách du lịch.

Câu chuyện hàng rong và vỉa hè ở Bangkok, sau gần một thế kỷ vật lộn, giờ có vẻ đã bắt đầu có hướng ra, dù như nhiều đô thị châu Á khác, hành trình đó sẽ còn rất dài.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận