Tiếng nói của dòng sông

HÀ QUANG MINH 08/04/2017 23:04 GMT+7

TTCT- Khi thông tin Hà Nội tái khởi động dự án đã nằm trên bàn giấy gần 2 thập niên qua - dự án khu đô thị sông Hồng từ cầu Mễ Sở tới cầu Hồng Hà, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu chuyện nóng của đô thị hôm nay, câu chuyện vỉa hè và những bậc tam cấp mới bị đập bỏ.

Sạt lở nhà dân cất trên hành lang ven sông ở thành phố Cần Thơ-Chí Quốc
Sạt lở nhà dân cất trên hành lang ven sông ở thành phố Cần Thơ-Chí Quốc

 

Phải thừa nhận các bậc tam cấp lấn ra vỉa hè là bằng chứng cho những hành động vi phạm quy định và pháp luật của thị dân.

Và cái gì vi phạm phải bị xử lý rốt ráo theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Song các bậc tam cấp ấy cũng là bằng chứng của một vấn đề còn lớn hơn hành vi vi phạm pháp luật. Đó chính là vấn đề quy hoạch tổng thể đô thị suốt nhiều thập niên qua.

Hãy tự đặt ra câu hỏi cho chính mình rằng: “Các vỉa hè đã đập bỏ những bậc tam cấp có sạch đẹp không?”. Chắc chắn chúng ta phải thừa nhận rằng nó xấu xí vì sự nham nhở, vì sự bất cập đối với sinh hoạt dân cư.

Và chúng ta thêm một câu hỏi nữa rằng: “Tại sao các hộ dân ở mặt tiền thường thích tôn nền cao đến thế so với mặt đường?”. Dễ hiểu, nếu bạn từng sống trong cảnh sau một cơn mưa rào phố bỗng thành sông, bạn chắc chắn muốn tôn nền nhà mình lên cao hơn để tránh cái nạn nước lụt tràn vào nhà mỗi ngày mùa mưa.

Nước ngập đô thị, cái đó có phải do lỗi của dân hay không? Xác quyết là không. Nó là lỗi của quy hoạch. Và chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng từ năm 1954 tới nay, chúng ta chưa bao giờ có một quy hoạch tổng thể cho một vùng dân cư thật sự khoa học. Các đô thị hiện đại của VN đa số đều được xây dựng bởi người Pháp.

Mỗi TP đều cần một kiến trúc sư trưởng đủ tầm, đủ tiếng nói, đủ độ tin cậy để khi xây dựng, tái thiết, cải thiện một khu vực nào đó của đô thị, người đó phải có quyền lực nhất định đủ để chấp thuận hay bác bỏ.

Và khi không có một quy hoạch tổng thể, mang tính trọng tâm và xương sống cho cả TP, tình trạng nhà xây tự phát, chỉ phục vụ sự thuận tiện của chính mình đã khiến hình thành những bậc tam cấp phải đập đi suốt thời gian qua.

Và cái cách đập bỏ cũng chỉ là biện pháp tạm thời, chứ không phải giải pháp tổng thể. Người dân cần một giải pháp tổng thể, TP cũng cần giải pháp tổng thể. Có như vậy sự chỉnh sửa quy hoạch sẽ làm TP đẹp lên, chứ không làm nó nham nhở đi như đợt đập bỏ một loạt vi phạm hôm nay.

Quay lại với siêu dự án TP ven sông Hồng, thật sự vấn đề quy hoạch tổng thể là điều tôi bận tâm nhất. Ai chịu trách nhiệm là kiến trúc sư trưởng đủ tầm thuyết phục đây? Dự án đó sẽ tương tác thế nào với phần đô thị còn lại của Hà Nội?

Nó sẽ có tác động gì tới những khu vực tiệm cận? Và việc bêtông hóa nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thoát nước, khi Hà Nội ngày càng dễ ngập hơn với những kinh nghiệm kinh hoàng mà chúng ta đã chứng kiến vài năm nay?

Và tác động môi trường sẽ ra sao khi dòng sông Hồng chính là cái “điều hòa” nhiệt độ tự nhiên hữu hiệu nhất của Hà Nội cả ngàn năm nay rồi? Đó là còn chưa kể đến chuyện xây dựng các công trình ven sông đòi hỏi rất nhiều về kiến thức địa chất.

Nói như kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, là “quy hoạch phân khu nằm trong tổng thể quy hoạch chung nên nhất thiết phải tuân thủ quy hoạch chung”, chúng ta nhận ra rằng trong chính quy hoạch chung ấy thì dòng sông cũng là một phần cực kỳ quan trọng và việc quy hoạch đòi hỏi một ứng xử công bằng với nó.

Và trong ứng xử công bằng với dòng sông, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đưa ra một ý kiến rất trọng lượng mà những người quy hoạch các dự án sông Hồng và Ba Son (ven sông Sài Gòn) cần phải lắng nghe thật sự.

Đó là “trong quy hoạch, sông Hồng phải được khai thác với ý nghĩa là cảnh quan và việc thoát nước ra sông Hồng phải được xử lý, kiểm soát nghiêm ngặt”. Chúng ta hãy tưởng tượng hàng chục ngàn hộ dân mới, với ý thức không cao, sẽ xả thải ra sông Hồng mỗi ngày.

Lượng thải ấy có thể sẽ không chỉ giết chết một dòng sông, mà còn giết chết cả các địa phương ở vùng hạ lưu sông.

Tuần vừa rồi, ở New Zealand có một câu chuyện rất hay liên quan đến một dòng sông. Đó là sau 140 năm thương lượng với chính quyền, người Maori bản địa đã khiến chính quyền phải thừa nhận một số quyền pháp lý tương đương với quyền con người đối với dòng sông Whanganui.

Người Maori coi dòng sông ấy là tổ tiên của mình, nên họ đòi hỏi điều đó dai dẳng. Nhưng cái văn minh là chính quyền đã thừa nhận quyền nhân thân cho một con sông, điều cho thấy họ ứng xử với dòng sông rất nhân bản, họ trân trọng nó bởi họ biết con người sống dựa vào nó.

Câu chuyện ấy có thể đánh thức chúng ta, những người Việt, những người vốn dĩ khác biệt so với nhiều dân tộc khác ở một điểm: thay vì xây dựng đô thị trên các ngọn đồi, chúng ta thường có xu hướng xây dựng đô thị ở các vùng ven sông.

Nếu con sông được coi như một con người và có quyền cất tiếng nói của mình, nó sẽ nói gì với những nhà quy hoạch?

Tất nhiên sông không cất tiếng nói như con người, nhưng nó sẽ nói bằng những phản ứng của mình, như cách nó lầm lũi xói vào một tòa nhà ở Cần Thơ để con đường nội bộ cứ sạt lở dần. Thiên nhiên luôn cất tiếng nói đúng lúc vậy!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận