Loay hoay tìm chỗ đứng

NGỌC HÀ 17/04/2017 17:04 GMT+7

TTCT - Trước khi được thống nhất quản lý nhà nước về Bộ LĐ-TB&XH, các trường cao đẳng (CĐ) và CĐ nghề đều loay hoay tìm chỗ đứng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 


Nhiều năm, người ta chỉ thấy không ít trường CĐ nhấp nhổm muốn “lên” thành trường ĐH, nhiều người vào học CĐ chưa ấm chỗ cũng náo nức giấc mơ liên thông lên ĐH để có tấm bằng cử nhân...

Nỗi muộn phiền  “Sinh sau, đẻ muộn”

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, so với giáo dục phổ thông, ĐH và cả bậc trung cấp, việc định hình hệ thống các trường CĐ một cách “chính danh” tại Việt Nam tương đối muộn.

Trao đổi với TTCT, TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho biết sau năm 1975, Việt Nam mới có các trường CĐ sư phạm - được nâng cấp từ các trường trung học sư phạm. Sau năm 1990 mới xuất hiện các trường CĐ có lĩnh vực đào tạo đa dạng, CĐ nghề còn xuất hiện sau đó nữa.

Trong khoảng thời gian từ năm 1987-1990, hệ thống CĐ chỉ chưa đến 50 trường, gồm 35 trường CĐ sư phạm địa phương đặt ở các tỉnh cùng 8 trường CĐ sư phạm trung ương do Bộ GD-ĐT quản lý, đào tạo giáo viên dạy nghề, thể dục thể thao, nhạc họa, mẫu giáo, nhà trẻ.

Ngoài ra, còn có 2 trường CĐ nông lâm ở hai tỉnh Hà Tây (cũ) và Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Cầu - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, hai trường này được thành lập thí điểm tại địa phương, lại không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên đều hoạt động rất ì ạch, thậm chí được xếp vào mô hình thất bại của ngành.

“Đấy cũng chính là lý do sau này khi đào tạo bậc CĐ trong trường trung cấp, các trường đều sợ hai chữ “CĐ” nên đề xuất dùng thuật ngữ “kỹ thuật viên cấp cao” - ông lý giải.

Theo ông Khuyến, cơ cấu nhân lực trong một dây chuyền sản xuất khi đó thông thường là: kỹ sư (tốt nghiệp ĐH), kỹ thuật viên (trình độ trung học chuyên nghiệp) và công nhân (trình độ sơ cấp).

Tuy nhiên, sau năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế đòi hỏi nguồn nhân lực mới trình độ cao hơn trước.

Hệ thống máy tự động xuất hiện, đòi hỏi có đội ngũ kỹ thuật viên mới có kiến thức sâu hơn, biết đọc bản vẽ, hiểu được việc lập trình, sử dụng phần mềm, bảo trì máy móc...

Người tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp (THCN) trước đây ra làm kỹ thuật viên thì nay không đáp ứng được công việc, chỉ có thể làm công nhân.

Vì thế, đầu những năm 1990, với kiến nghị từ các trường, Vụ TTCN (sau này là Vụ Giáo dục chuyên nghiệp) đề xuất để một số trường THCN mạnh được thí điểm đào tạo kỹ thuật viên cấp cao - tiền thân của bậc đào tạo CĐ sau này.

Trong giai đoạn đầu, do trường THCN không đủ thẩm quyền ký cấp bằng CĐ, nên bộ trưởng Trần Hồng Quân đã chỉ đạo vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH trực tiếp ký văn bằng này để xác nhận người tốt nghiệp tương đương trình độ CĐ.

PGS.TS Nguyễn Đại Thành, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, nhớ lại: “Nói chính xác thì từ năm 1996 trở về trước, VN vẫn chưa có trường CĐ kỹ thuật nào đúng nghĩa.

Phải đến năm 1997, sau khi Bộ GD-ĐT tổng kết mô hình đào tạo kỹ thuật viên cấp cao, mới đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nâng cấp các trường trung học thí điểm đào tạo trình độ này lên thành trường CĐ.

Tuy nhiên, trong 6 trường thí điểm thì chỉ có 5 trường lên CĐ. Riêng trường Trung học Bưu chính viễn thông - tiền thân của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông hiện nay - từ chối cơ hội này vì đã đặt mục tiêu trở thành trường ĐH”.

Số lượng “phi mã”, chất lượng “lừng khừng”

Sau khi 5 trường CĐ mới được nâng cấp nhờ đào tạo kỹ thuật viên cấp cao thành công, bắt đầu một phong trào trường trung cấp đề nghị được nâng lên trường CĐ. Những năm đầu, quy trình rất chặt chẽ, việc thành lập mới hay nâng cấp đều được xem xét, tiến hành rất thận trọng.

“Sau năm 2000, việc thành lập các trường ĐH, CĐ phát triển nóng, dễ dãi, quá nhanh, quá nhiều. Cũng phải thừa nhận có lỗi của Bộ GD-ĐT khi không chăm chút được cho các trường như trước mà lại cấp chỉ tiêu quá nhiều, không tương xứng năng lực đào tạo thực tế.

Đó là một trong những lý do CĐ thời gian qua không thực hiện đầy đủ sứ mệnh của mình, không đạt được mục tiêu đào tạo bậc học” - ông Thành phân tích.

Từ chưa đến 50 trường CĐ trước năm 1990, đến năm 2000 có tới 104 trường. Và chỉ 7-8 năm sau đó, vào năm học 2007-2008, số lượng trường CĐ vọt lên gấp đôi, thành 209 trường.

Đỉnh điểm là từ năm học 2003-2008, mỗi năm có thêm 20-30 trường CĐ được nâng cấp từ trường trung cấp hoặc được thành lập mới.

Đến cuối năm 2016, khi thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thống nhất cơ quan quản lý GDNN, ngoài hơn 30 trường CĐ sư phạm vẫn “ở lại “ với Bộ GD-ĐT thì có khoảng gần 400 trường CĐ, CĐ nghề chịu sự quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH.

Nhớ lại thời kỳ đầu của đào tạo CĐ, ông Thành cho biết mục tiêu đào tạo khá rõ: Các ngành đều xác định người ra trường phải có tay nghề bậc 3, một số ngành còn yêu cầu “chuẩn đầu ra” tay nghề bậc 4.

“Đáng buồn, đến nay chất lượng đào tạo CĐ và ĐH đều thấp, khiến tình trạng người có bằng cấp thất nghiệp nặng nề hơn. Các trường CĐ số lượng quá nhiều, không ít ngành chỉ “học chay”, trang thiết bị có nâng lên thì cũng chỉ mang tính trưng bày, mô hình.

Một số nơi còn đơn giản hóa đào tạo bằng cách cắt một phần chương trình ĐH thành chương trình CĐ. Mất mục tiêu đào tạo kỹ thuật viên có tay nghề thực sự, hệ thống CĐ bị mờ nhạt trong hệ thống giáo dục quốc dân” - ông Thành nhận định.

Đầu năm 2015, sau khi rà soát hệ thống các trường CĐ chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT phát đi thông báo giật mình: có đến 681 ngành thuộc 147 trường CĐ trên cả nước không đảm bảo điều kiện để tiếp tục tuyển sinh (không tuyển được sinh viên trong ba năm liên tiếp, không đảm bảo đội ngũ như yêu cầu về điều kiện mở ngành - tối thiểu 4 giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành trở lên).

Theo đó, có khoảng 300 ngành đào tạo CĐ ba năm liên tiếp không tuyển được sinh viên, hàng trăm ngành đào tạo không có giảng viên nào.

Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh có đến 13 ngành, Trường CĐ Sư phạm Hà Nam có 19 ngành, Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk có 18 ngành... không đảm bảo điều kiện, không tuyển được sinh viên nhiều năm liên tiếp hoặc không đủ lực lượng giảng viên như yêu cầu tối thiểu.

Tất nhiên, trong bối cảnh nhiều trường CĐ phải vẫy vùng đủ cách để tồn tại, vẫn có vài trường là “điểm sáng” của hệ thống: Trường CĐ Sư phạm trung ương, Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội...

Bao giờ hết long đong?

3 hệ đào tạo cùng... cấp bằng CĐ

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 có tới ba hệ khác nhau cùng đào tạo để cấp bằng trình độ CĐ, gồm hệ đào tạo CĐ sư phạm, hệ đào tạo kỹ thuật viên cấp cao và ĐH ngắn hạn. 

Trước năm 1990, Bộ GD-ĐT đặt ra cơ chế đào tạo ĐH ngắn hạn để các trường ĐH có điều kiện mở rộng đào tạo hệ kỹ sư thực hành 3 năm với nguồn tuyển chủ yếu từ địa phương.

Dù khóa đầu cấp bằng ĐH ngắn hạn, nhưng sau đó thấy “bất ổn” so với thông lệ quốc tế nên chính Bộ ĐH và trung học chuyên nghiệp đã phải ra văn bản “quy đổi”, công nhận bằng ĐH ngắn hạn chỉ tương đương bằng CĐ.

Trước khi được chính thức thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về Bộ LĐ-TB&XH, nhiều trường CĐ đã rất khó khăn. Có trường chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi ngành tuyển 5-7 thí sinh, cố duy trì đào tạo, có trường bất lực, phải đóng cửa những ngành không tuyển được, nơm nớp nỗi lo giải thể.

Bản thân người học cũng không mặn mà gì với bậc đào tạo này. Nhiều người thừa nhận không đủ điểm đỗ ĐH thì tạm trú chân ở bậc CĐ để chờ thời cơ học liên thông, cuối cùng cũng có bằng cử nhân.

Đó cũng chính là lý do khi Bộ GD-ĐT ra thông tư 55 về quy chế đào tạo liên thông (năm 2012), bắt buộc người tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng muốn liên thông vẫn phải thi “ba chung”, tình trạng tuyển sinh CĐ hai năm 2013-2014 sụt giảm bi đát. Khi cánh cửa liên thông không còn thênh thang, người học không chọn CĐ.

Trước áp lực của bài toán tuyển sinh này, năm 2015 Bộ GD-ĐT lại chỉnh sửa quy định, không còn bắt buộc liên thông phải thi chung theo kỳ thi quốc gia nữa.

Theo PGS Nguyễn Đại Thành, hệ thống CĐ có được điểm sáng duy nhất là hết “loạn đầu mối quản lý”, nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn còn nguyên: nguồn tuyển cho bậc đào tạo này bế tắc.

Nhất là khi hệ thống giáo dục đang bị cắt khúc một cách khó hiểu: bậc phổ thông thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT, đào tạo trung cấp và CĐ lại thuộc quản lý Bộ LĐ-TB&XH, rồi tiếp nối ĐH và sau ĐH lại trở về với Bộ GD-ĐT. “Việc cắt khúc như vậy làm mất tính hệ thống, cả mục tiêu phân luồng và liên thông đều khó đạt hiệu quả”.

Thực tế, ngay khi cắt khúc hệ thống, Bộ GD-ĐT mới chỉ có ý định bỏ điểm sàn ĐH, cả Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cũng như các trường CĐ đều phản ứng mạnh mẽ, lo ĐH rộng cửa sẽ chặn đường sống của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bà Trần Kim Phương, chủ tịch HĐQT Trường CĐ ASEAN, nói thẳng rằng chính sách của Bộ GD-ĐT chính là căn nguyên khiến nguồn tuyển của các trường CĐ ngày càng trở nên teo tóp. “Các trường CĐ phải chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH thì lập tức Bộ GD-ĐT yêu cầu bỏ điểm sàn, thả cửa cho vào ĐH. Như vậy, trước khi chuyển đi, các trường CĐ đã bị cắt thức ăn, rút ống thở, làm sao tồn tại được? Trường CĐ sắp bị tiêu hủy rồi!”.

TS Lê Viết Khuyến lo ngại với kinh nghiệm quản lý CĐ nghề, e rằng Tổng cục Dạy nghề sẽ quản lý hệ thống CĐ mới, trong đó có cả các trường CĐ từ Bộ GD-ĐT chuyển sang, theo cách chỉ đạo với trường nghề. Nghĩa là sẽ đồng nhất kỹ thuật viên và người thợ làm một, không còn duy trì mô hình sản xuất gồm ba vị trí rõ ràng: kỹ sư - kỹ thuật viên - công nhân.

Cách làm ấy nếu được triển khai sẽ làm méo mó cơ cấu nhân lực. Nếu xét theo các chuẩn mực quốc tế, nghiêng theo hướng đào tạo CĐ ra làm thợ, đương nhiên làm giá trị văn bằng của VN bị thấp đi so với trình độ đào tạo tương đương trên thế giới...

Trao đổi với TTCT, ông Nguyễn Hồng Minh - tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho biết để nâng cao chất lượng đào tạo, tổng cục đã yêu cầu các trường CĐ phải thiết kế chương trình theo định hướng: tỉ lệ đào tạo thực hành từ 50% trở lên.

“Tỉ lệ đào tạo thực hành 50% chủ yếu chỉ nằm ở một số ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh. Với lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, tỉ lệ này sẽ còn phải cao hơn nữa” - ông Minh nói. Với mệnh lệnh này, những trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT trước đây vốn thường thiết kế chương trình 70-80% lý thuyết, 20-30% thời lượng cho thực hành sẽ phải thay đổi chương trình và cả cơ cấu đội ngũ giảng viên.■

 

Hệ thống CĐ đang chịu nhiều “khuyết tật” quá khứ để lại

Mục tiêu chính ban đầu của đào tạo CĐ là để đào tạo kỹ thuật viên cao cấp có trình độ sau giáo dục trung học và dưới cử nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về kỹ năng ngày càng cao về đội ngũ cán bộ kỹ thuật này.

Tuy nhiên, nước ta copy mô hình giáo dục sau trung học này chưa đầy đủ với thực tế trên thế giới. Việc kéo dài thời gian đào tạo sau trung học đến 3 năm với đầu ra là có thể làm việc trong một nghề và có thể được cung cấp kiến thức nền tảng để chuyển lên học ĐH, lấy bằng cử nhân là quá lãng phí.

Với CĐ chuyên nghiệp, thiết kế trình độ CĐ không gắn với mô tả vị trí việc làm ở trình độ kỹ thuật viên bậc cao, cộng nguồn lực (cơ sở vật chất và giảng viên) thiếu thốn nên những kỹ năng, kiến thức đòi hỏi để thực hiện nhiệm vụ ở trình độ này không đến nơi đến chốn.

Điều này dẫn đến hiện tượng hàng trăm nghề mà vị trí việc làm của bậc đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (ở ta bản chất là giáo dục sau trung học) và CĐ trùng lắp nhau ở nơi làm việc.

Mặt khác, nếu nghiêng sang mô hình CĐ nghề trước đây cũng sai nốt, vì đào tạo công nhân (thợ) chỉ thiên về đào tạo năng lực nghề đáp ứng yêu cầu tối thiểu để vào thị trường lao động, trong khi việc xử lý những vấn đề đòi hỏi kỹ năng nhận thức, suy luận, xã hội và tính toán... sẽ hạn chế.

Chưa kể học liên thông lên ĐH sẽ rất khó khăn do kiến thức nền tảng có giới hạn. Cả hai loại CĐ trước đây thực chất chưa đáp ứng được đầy đủ sứ mệnh của mình.

Trước đây, hệ thống này khó phát triển do chúng ta thiếu nhận thức đúng và thiếu một tầm nhìn phát triển hệ thống giáo dục sau trung học.

Hiện tại, việc thống nhất trình độ chỉ có một trình độ CĐ (theo khung trình độ quốc gia) là một thuận lợi cơ bản thực hiện quy hoạch, thiết kế lại chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo, sắp xếp đội ngũ và có điều kiện tập trung chỉ đạo hơn.

Tuy nhiên, thách thức còn rất lớn do khuyết tật quá khứ để lại. Việc sắp xếp hàng nghìn giảng viên dư dôi do giảm bớt nội dung giáo dục đại cương trong các chương trình CĐ trước đây ra sao? Việc bồi dưỡng kỹ năng kỹ thuật công nghệ cho giảng viên (vốn quen giảng giải nhiều hơn thực hành) thực hiện thế nào?

TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận