Chi bạo cho tàu cá

TRẦN TRỌNG 28/06/2017 17:06 GMT+7

TTCT- Không dễ để tìm được các thống kê về lực lượng tàu đánh cá của Trung Quốc này do tính chất “vùng xám” của nó.

Đội tàu cá Trung Quốc biểu dương lực lượng -ibtimes.com
Đội tàu cá Trung Quốc biểu dương lực lượng -ibtimes.com

 

Tuy nhiên, một báo cáo về ngư nghiệp và nghề cá của Liên Hiệp Quốc năm 2012 cho thấy Trung Quốc là nước có đội tàu đánh cá lớn nhất ở châu Á với khoảng 700.000 tàu, bao gồm 200.000 tàu thường xuyên hoạt động trên biển.

Đội tàu cá xa bờ này đã mở rộng hoạt động tới gần như mọi đại dương trên toàn cầu, ở Tây Phi, Bắc Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương, biển Nhật Bản, thậm chí cả Đại Tây Dương. Đáng nói là những hỗ trợ của chính phủ và các chính quyền địa phương cho đội tàu cá là cực kỳ hào phóng.

Tàu lớn, tàu nhỏ đều được hỗ trợ

Bài viết “Đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc” đăng trên tạp chí South Asia Defence and Strategic Review (số 10, tháng 11 và 12-2016) cho biết chính quyền hỗ trợ cho các tàu lớn từ 4 - 5 triệu nhân dân tệ (600.000 - 750.000 USD) chỉ riêng chi phí hoạt động, bao gồm nhiên liệu.

Các tàu nhỏ cũng có thể được hỗ trợ tới 1 triệu nhân dân tệ. Theo China.com, việc cải tạo tàu chỉ áp dụng cho các tàu cá có giấy tờ chứng nhận đầy đủ, nhất là tàu cũ, tàu gỗ và các tàu khi hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Chính quyền nhấn mạnh yêu cầu “chỉ đóng tàu vỏ thép hoặc vỏ thép và kính”, việc cải tạo, đóng mới tàu cá phải “gắn với phát triển kinh tế địa phương và chuyển đổi phương thức sản xuất nghề cá” nhắm tới việc nâng cao sự an toàn và mức độ khả dụng của trang thiết bị trên tàu, với mục tiêu song trùng phát triển ngư nghiệp lẫn phát huy ảnh hưởng trên biển.

Nguồn ngân sách được chia sẻ giữa trung ương và địa phương, với quy định rõ ràng mức hỗ trợ cho mỗi tàu của trung ương không quá 30% kinh phí cải tạo đóng mới, và phải dưới một mức trần tối đa.

Là một nước cũng phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng, chính quyền đã quy định tiền hỗ trợ chỉ được chi ra theo tiến độ thực hiện và những tàu được hỗ trợ không được bán trong vòng 10 năm, trừ trường hợp chủ tàu mắc bệnh hoặc tử vong, nếu bán phải bồi hoàn mức hỗ trợ.

Do hầu hết các tỉnh ven biển cũng là những tỉnh giàu nhất Trung Quốc, các chính quyền địa phương thường đủ năng lực tài chính để hỗ trợ mạnh tay cho đội tàu cá.

Một số liệu được Erickson dẫn lại cho thấy vào năm 2013, chính quyền của chỉ một thành phố như Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông đã có thể cung cấp khoản tiền 194 triệu nhân dân tệ (28,4 triệu USD) hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho 2.650 tàu cá của thành phố này.

Còn theo website ngành thủy sản Trung Quốc, từ năm 2011, tỉnh ven biển Quảng Đông đã có chính sách hỗ trợ ngư dân thành phố Giang Môn đóng tàu mới.

Đến năm 2014, tỉnh này đã hỗ trợ 3,8 triệu nhân dân tệ, mỗi tàu được hỗ trợ từ 100.000 - 150.000 nhân dân tệ.

Trong năm 2012, Quảng Đông đã được giải ngân 296.000.000 nhân dân tệ cho việc cải tạo đóng mới tàu cá, mỗi năm tỉnh này đóng mới gần 200 tàu cá. Và đến năm 2015, Quảng Đông có 1.886 tàu cá vỏ thép. Còn ở tỉnh Sơn Đông, năm 2016 chính quyền tỉnh chi 130.900.000 nhân dân tệ ngân sách cho việc cải tạo đóng mới tàu cá. Và đó mới là những khoản hỗ trợ trực tiếp tính đếm được.

Nguồn: Greenpeace (dựa trên Niên giám ngư nghiệp thường niên của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc)

 

Nhiệm vụ kép của đội tàu cá kiểu Trung Quốc 

Trong một báo cáo công bố tháng 2-2017 về ngư nghiệp bền vững, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi chấm dứt những hỗ trợ có hại với nghề cá từ chính quyền dẫn tới đánh bắt thiếu bền vững và đẩy nhân loại vào tình thế có thể không đáp ứng được mục tiêu bảo tồn nguồn cá của Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo này tiết lộ chính quyền Trung Quốc ước tính đã chi ra tới 17 tỉ euro (19 tỉ USD) trong giai đoạn 2011 - 2013, tức trung bình 5,56 tỉ euro mỗi năm cho đội tàu cá. “Vô phương cạnh tranh với một mức độ hỗ trợ như thế” - báo cáo viết.

Báo cáo cho thấy khoản tiền khổng lồ đó không chỉ được chi ra trực tiếp cho đội tàu cá mà còn bao gồm rất nhiều nghiên cứu khoa học, đầu tư cho hạ tầng và tài chính (các khoản vay, bảo hiểm…) với tác động gián tiếp cực kỳ quan trọng nhưng khó thể tính đếm.

Chính quyền cũng xây dựng một hệ thống khen thưởng công khai để khuyến khích các tàu cá tham gia đội dân binh, với những sự kiện thường xuyên được tổ chức trong các cuộc họp mặt của giới quân sự cấp tỉnh.

Hàng loạt giải thưởng được trao cho các ngư dân và đội tàu có thành tích cao, không chỉ để khuyến khích nghề cá mà còn để tạo ra một kiểu lòng tự hào và trách nhiệm với tổ quốc của lực lượng dân binh.

Mỗi năm Bắc Kinh vẫn bỏ ra 2-3% ngân sách quốc phòng cho lực lượng dân binh nói chung. Tuy nhiên, trong khi trên bộ lực lượng này chủ yếu do chính quyền các địa phương đảm nhiệm, thì ở biển đó là một nỗ lực từ cấp cao nhất.

Tính chất mênh mông của đại dương và sự quốc tế hóa của các xung đột đòi hỏi điều đó. Stratfor viết trong một bài nhận định tháng 6-2016 là các đơn vị ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông tập trung cho các năng lực tấn công nhắm vào Đài Loan.

Ngoài thực hiện việc tuần tra, thám báo, dân binh trên biển ở những vùng này còn đóng vai trò trợ lực cho hải quân chính quy trong trường hợp nổ ra xung đột với Đài Loan. Trong khi đó, dân binh ở Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam phụ trách Biển Đông.

Trong những vùng nước tranh cãi, không phải tàu sân bay, tàu chiến, máy bay, hay tên lửa, mà tàu đánh cá và các ngư dân là lá bài tẩy của Trung Quốc.

Nhà chức trách Trung Quốc coi ngư dân và các tàu cá là công cụ quan trọng để mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng và áp đặt tuyên bố chủ quyền ở những vùng nước tranh chấp - Zhang Hongzhou (Trương Hoành Châu), chuyên gia ở Trường quan hệ quốc tế S.

Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nói - Các ngư dân đang ngày càng trở thành tiền tuyến trong các tranh chấp ở Biển Đông, và những sự cố liên quan tới họ có nguy cơ dẫn tới những căng thẳng ngoại giao và an ninh lớn giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực”.

Chính quyền Bắc Kinh đang giúp ngư dân của họ tiến ra càng xa bờ càng tốt, trợ cấp về nhiên liệu, tài trợ đóng những con tàu vỏ thép lớn, và mở rộng hệ thống định vị qua vệ tinh - được cung cấp miễn phí - cho khoảng 50.000 tàu cá, theo Washington Post năm 2016.

Với trang bị rất tốt đó, các tàu cá Trung Quốc có thể gửi tín hiệu xin viện trợ khẩn cấp về cho đội tàu tuần duyên (hải giám và hải cảnh) cũng hùng hậu không kém để biết chính xác vị trí mà họ cần sự hỗ trợ, nhất là khi có xung đột nổ ra.

Đó là một thứ chiến lược khá giống với sự kết hợp bộ binh - kỵ binh - pháo binh trên bộ từng giúp Napoléon Bonaparte tung hoành ở châu Âu.

Được gọi không che giấu là “hải thượng dân binh” - binh sĩ kiêm (ngư) dân trên biển - lực lượng tàu cá này được chia làm hai loại: “cơ cán dân binh” - tức “cơ bản” và “cốt cán”, nhóm tàu nòng cốt được vũ trang mạnh hơn; và “phổ thông dân binh” - tức tàu cá thường.

Ở những điểm nóng đặc biệt, như Trường Sa và Hoàng Sa, hệ thống “quân - cảnh - dân liên phòng” được thiết lập với sự tham gia của quân đội, cảnh sát biển và ngư dân, theo nghiên cứu “Dân binh Trung Quốc” của các tác giả Andrew S. Erickson và Conor M. Kennedy (https://www.cna.org/cna_files/pdf/Chinas-Maritime-Militia.pdf).

Nổi bật trong những đơn vị "ngụ binh ư dân" này là đội dân binh Tanmen (Đàm Môn, theo tên một địa điểm ở đảo Hải Nam). Đội dân binh này đã được đón ông Tập Cận Bình tới thăm vào tháng 4-2013, tức ngay sau khi ông nhậm chức.

Nhóm dân binh Đàm Môn đã có kinh nghiệm đánh bắt cá và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực đảo Hoàng Sa từ tận năm 1985 và là những chiếc thuyền cá chủ chốt trong cuộc đụng độ ở bãi cạn Scarborough với Philippines năm 2012, kết thúc bằng việc Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn khu vực này.

Họ cũng đóng vai trò quấy rối, hư trương thanh thế và bảo vệ giàn khoan di động Hải Dương 981 trong vụ đặt trái phép giàn khai thác dầu khổng lồ này ở lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông năm 2014.■

Nguy cơ làm cạn kiệt nguồn hải sản

Tháng 8-2016, chính Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Han Changfu (Hàn Trường Phú) nói với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc rằng đã đến lúc nước này phải giảm đội tàu cá, hiện là lớn nhất thế giới, để bảo vệ nguồn hải sản.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Han rất chung chung và không kèm theo bất cứ con số hay kế hoạch cụ thể nào. Ông nói hiện ở “các vùng biển do Trung Quốc kiểm soát”, mỗi năm sản lượng hải sản đánh bắt ở mức bền vững là 8-9 triệu tấn, nhưng đội tàu cá nước này lại đang hoạt động với công suất 13 triệu tấn.

Trung Quốc hiện tiêu thụ hơn 1/3 tổng sản lượng hải sản của thế giới, và Ngân hàng Thế giới dự báo mức này còn tăng thêm 30% nữa tới năm 2030.

Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu hải sản lớn, là nhà xuất khẩu số 1 vào thị trường Mỹ, nơi một nghiên cứu cho thấy 20-32% lượng hải sản nhập khẩu là được đánh bắt trái phép.

Các chuyên gia môi trường đều cảnh báo tốc độ khai thác như hiện nay có thể dẫn tới sự tuyệt chủng hàng loạt ở Biển Đông lẫn vùng biển Tây Phi, cũng là những nơi đội tàu cá Trung Quốc hoạt động mạnh nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận