Nhìn lại làn sóng trường quốc tế

ALAN WECHSLER 02/07/2017 17:07 GMT+7

TTCT - Nhu cầu gia tăng về một nền giáo dục “phương Tây” trên khắp thế giới đã dần định hình lại mục tiêu hoạt động của chính các mô hình tổ chức này.

Các học sinh trong trang phục truyền thống làm lễ tại đền Khổng Tử ở Nanjing (Trung Quốc) -Tân Hoa Xã
Các học sinh trong trang phục truyền thống làm lễ tại đền Khổng Tử ở Nanjing (Trung Quốc) -Tân Hoa Xã

 

Sau khi bị mất việc hai lần ở Denver, Colorado (Mỹ) vì lý do cắt giảm ngân sách, cô thủ thư trường học Jennifer Alevy đã tìm ra hướng đi mới cho sự nghiệp giáo dục của mình vào năm 2011 tại một trường quốc tế ở Kathmandu (Nepal).

Những đứa trẻ của nền văn hóa thứ ba

Các trường quốc tế ngày nay có thể khởi nguồn từ năm 1924, nhưng đã phát triển theo cấp số nhân trong vòng 20 năm trở lại đây.

Ban đầu, các trường được thành lập nhằm đảm bảo những người làm việc ở nước ngoài hoặc các nhà ngoại giao có thể cho con cái mình theo học chương trình giáo dục “phương Tây” trong khi họ làm việc tại các nước xa xôi.

Nhưng giờ đây, các trường quốc tế có thêm một nhiệm vụ khác: giáo dục con cái của những gia đình khá giả địa phương để chúng có thể đua tranh giành các suất học tại các trường đại học phương Tây, cuối cùng là có được vị trí trong các công ty đa quốc gia.

Sự thay đổi nhanh chóng này đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội cho các giáo viên Mỹ ở nước ngoài cũng như cạnh tranh gay gắt ngay trong nước Mỹ bởi một nhóm mới những người trẻ tuổi, thành thạo tiếng Anh đến từ khắp nơi trên thế giới.

Alevy hiện là điều phối viên các dịch vụ thư viện tại Trường Quốc tế Mỹ (TP.HCM), nơi dành cho các học sinh người Việt, thành lập năm 2006, có nguồn tài nguyên thư viện khá phong phú mà Alevy cũng ít thấy ở Mỹ.

Trên khắp thế giới, giáo viên được đào tạo ở Mỹ, Anh, Úc và các quốc gia nói tiếng Anh khác đang được ồ ạt nhập khẩu để dạy cho con cái các gia đình giàu có và trung lưu ở châu Á, Trung Đông và nhiều khu vực đang phát triển khác.

“Phần lớn thế giới này muốn có nền tảng bằng tiếng Anh” - Bruce McWilliams, phó chủ tịch điều hành Công ty dịch vụ Trường quốc tế ở New Jersey chuyên tuyển dụng giáo viên cho các công việc ở nước ngoài, nhận xét.

Cô Mitsuko Sakakibara, người Nhật Bản, là một kiểu phụ huynh điển hình. Con trai cô, Leon, 8 tuổi, theo học tại Trường quốc tế Hokkaido ở Niseko.

“Tôi muốn con mình có được môi trường học tập chuẩn quốc tế để xây dựng tư duy như một công dân toàn cầu ngay từ khi còn nhỏ” - cô nói và giải thích rằng cô không nghĩ con trai mình có thể có được điều này tại một trường của Nhật.

“Tiếng Anh là công cụ cơ bản để giao tiếp dễ dàng. Nó cũng sẽ tạo cho con tôi nhiều cơ hội lựa chọn nơi học tập và làm việc”.

Theo ISC, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Trung Quốc hiện có nhiều trường quốc tế nhất, với khoảng 550 trường nói tiếng Anh ở mỗi nước, nhưng Việt Nam, Ấn Độ, Bahrain và Saudi Arabia cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Hơn 20 thành phố trên thế giới có ít nhất 50 trường quốc tế nói tiếng Anh tại mỗi nơi, như Dubai (có hơn 250 trường) và Abu Dhabi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bắc Kinh, Thượng Hải, Bangkok, Tokyo, Singapore, Riyadh, Saudi Arabia và Madrid.

Học phí trung bình hằng năm tại các trường thay đổi theo từng quốc gia - tại Bangladesh là 5.200 USD, tại Singapore, con số này là 18.500 USD.

Tại một số nơi như Trung Quốc, Ấn Độ, học phí thường cao hơn mức thu nhập năm của một hộ gia đình trung bình ở nước này, khiến các trường quốc tế chỉ dành cho giới nhà giàu.

Nhận thức rõ sự thay đổi về mặt nhân khẩu học này, các trường đang ra sức tìm kiếm phương thức mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một tăng, đồng thời vượt qua các quy định hạn chế những trường học sinh bản địa có thể theo học.

Tập đoàn giáo dục Elite K-12 từ Ninh Ba, thành phố nằm bên bờ biển gần Thượng Hải, đang mở rộng tới Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô và các thành phố lớn khác của Trung Quốc.

Với mô hình theo hệ thống giáo dục Anh quốc, các trường cung cấp một chương trình song ngữ quốc tế cho người Trung Quốc.

Việc các trường này được công ty bản địa sở hữu cho phép học sinh địa phương có thể theo học tại đây và tránh được quy định của chính phủ về việc cấm người Trung Quốc tham gia học tại các trường do quốc tế sở hữu.

“Tôi muốn con cái mình là người Trung Quốc và hiểu chúng là ai, nhưng phải học tập với tầm nhìn toàn cầu và chuẩn bị sẵn sàng để theo học tại các trường đại học phương Tây” - ông Tao Sun, chủ tịch Tập đoàn K-12, chia sẻ.

Nhìn lại một vài trong số 8.000 trường quốc tế trên toàn thế giới, dễ dàng nhận ra sức hấp dẫn của chúng. Ở Dubai, trang Facebook của Trường cộng đồng Safa cho thấy hình ảnh những phòng học tập trung, khu vực chung “nơi bạn có thể chơi trò cờ bàn, quay phim bằng máy ảnh, nướng bánh ngọt hoặc thư giãn cùng máy tính trên ghế sofa”.

Gần đó, Học viện đa quốc gia GEMS có các lớp học về robot và mã hóa, hợp tác với ĐH Carneige Mellon. Trường trung học Michael E. DeBakey ở Doha (Qatar) tập trung đào tạo STEM cho các ngành thuộc lĩnh vực y khoa, trong khi học sinh tại Trường Cranleigh Abu Dhabi thỏa sức sáng tạo những vở opera của mình.

Tại Học viện dự bị đại học Nansha, Quảng Châu (Trung Quốc), các giáo viên bộ môn và giáo viên tiếng Anh phối hợp lên kế hoạch và giảng bài, đồng nghĩa với việc ngay cả trong các tiết học vật lý, kỹ năng tiếng Anh của học sinh cũng được kiểm tra.

Hãy so sánh những cách tiếp cận trên với một trường công lập điển hình ở nhiều nước đang phát triển, nơi thường có hơn 40 học sinh/lớp.

Theo các đại diện trường quốc tế, ở các trường công này, trọng tâm là việc ghi nhớ và các bài giảng mà ít chú trọng đến sự tham gia của học sinh.

Dĩ nhiên, con em các gia đình nghèo ở các nước đang phát triển thường không có điều kiện đi học, do những hạn chế về văn hóa, hoặc phải ở nhà giúp đỡ, kiếm tiền cho gia đình, hoặc không có khả năng chi trả học phí hay đồng phục. Theo UNICEF, trong năm 2013 đã có hơn 59 triệu trẻ em ở độ tuổi đi học tiểu học phải nghỉ học.

Khá nhiều trường quốc tế tiếp tục phục vụ các gia đình sinh sống và làm việc xa xứ. Do quá trình toàn cầu hóa, hơn bao giờ hết, ngày càng nhiều người lựa chọn làm việc ở nước ngoài. Điều này đã dẫn tới một thuật ngữ mới: “Những đứa trẻ thuộc nền văn hóa thứ ba”.

Chẳng hạn, hãy hình dung cả một thế hệ học sinh người Mỹ có hộ chiếu Mỹ nhưng rất hiếm khi về thăm quê nhà.

“Tất cả đều có sự liên quan. Giáo dục phải đáp ứng được nhu cầu của các thị trường tự do và nền kinh tế toàn cầu - Cynthia Nagrath, quản lý tiếp thị và truyền thông tại Nhà giáo dục quốc tế (một trung tâm dịch vụ thu xếp việc làm giáo viên ở Massachusetts) nói - Các giáo viên phải làm việc với học sinh đến từ tất cả các nền văn hóa khác nhau.

Đó là nét đẹp của các trường quốc tế. Học sinh từ mọi nơi trên thế giới cùng nhau học tập bằng tiếng Anh”.

Một tiết học môn Lịch sử tại Trường Quốc tế Á Châu, TP.HCM -QUANG ĐỊNH
Một tiết học môn Lịch sử tại Trường Quốc tế Á Châu, TP.HCM -QUANG ĐỊNH

 

Mối lo bất bình đẳng trong giáo dục

Nhưng Monica Gallego Rude, một cựu nhân viên trường quốc tế, sau nghiên cứu về trường quốc tế (lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành giáo dục học), cho biết hiện tượng này không phải lúc nào cũng mang tính tích cực.

“Tôi tin tưởng giáo dục quốc tế, nhưng vì một vài lý do, không phải lúc nào mô hình này cũng là tốt nhất. Thứ nhất, học sinh học tiếng Anh đôi khi tụt hậu hơn so với bạn bè đồng trang lứa trong ngôn ngữ mẹ đẻ.

Thứ hai, một số giáo viên quốc tế không được đào tạo về văn hóa để có thể hiểu được các hành vi của học sinh. Ví dụ, ở một số nền văn hóa, trẻ không được giao tiếp bằng mắt với những người lớn hơn.

Tuy nhiên, một giáo viên phương Tây có thể coi việc thiếu liên lạc bằng ánh mắt thể hiện sự không quan tâm hoặc thiếu tôn trọng. Bên cạnh đó, một trường quốc tế kinh doanh vì lợi nhuận có thể vẫn nhận các học sinh không có nền tảng học tập chắc chắn chỉ để hoàn thành mục tiêu tuyển sinh”.

Rude kết luận: “Mối lo lớn nhất của tôi là loại hình trường học này sẽ gây ra bất bình đẳng trong giáo dục toàn cầu.

Các gia đình được ưu tiên ở những quốc gia không nói tiếng Anh trả tiền để có được cơ hội tham gia vào thị trường nói tiếng Anh, trong khi những người kém may mắn hơn sẽ phải đạt được các kỹ năng ngôn ngữ bằng cách khác, nếu không, họ sẽ bị chặn lại”.

Với các giáo viên Mỹ, trường quốc tế là cơ hội để họ được làm việc tự do hơn bên ngoài lãnh thổ Mỹ, nơi giáo dục công đang bị cuốn vào các cuộc tranh luận chính sách về chấm điểm bài thi và ngân quỹ, làm giảm sự chú ý tới các lớp học.

Tiếp đến là sự cắt giảm việc làm. Thống kê từ Nhà Trắng dưới thời Obama, từ năm 2008 - 2012, hơn 300.000 việc làm thuộc lĩnh vực giáo dục đã bị cắt giảm. Điều này xảy ra đúng vào thời điểm có thêm hơn 1 triệu học sinh thi tuyển vào các trường công so với 10 năm trước đây.

Hãy so sánh điều này với cuộc sống của một giáo viên quốc tế: Ngoài những trải nghiệm phong phú về văn hóa và du lịch, còn có một số lợi ích khá hấp dẫn khác.

Trong khi tiền lương cho việc làm ở nhiều nước thường thấp hơn tiền lương ở Mỹ, thì mức lương khởi điểm ở đây là từ 20.000 đến gần 40.000 USD/năm, tùy địa điểm công tác.

Giáo viên thường nhận được một khoản tiền nhà và vé khứ hồi về nước miễn phí hằng năm, con cái họ được miễn giảm học phí. Họ không phải lo về việc cắt giảm việc làm hay ngân sách thường niên bị từ chối.

Cộng đồng trường học loại này gồm các bậc phụ huynh biết đánh giá và những đứa trẻ tập trung, năng động. Đó là còn chưa đề cập đến mức chi phí sinh hoạt thấp ở các nước đang phát triển.

Vì thế, nhiều giáo viên không bao giờ trở lại nước mình. Shannon Fehse, 37 tuổi, đến từ Chicago, đã nghe về các trường quốc tế sau khi gặp một giáo viên quốc tế khi đang học đại học. Sau đó, cô quyết định chọn giáo viên quốc tế làm nghề của mình.

Trong 13 năm qua, cô đã dạy học ở Đài Loan, Colombia, Mexico và Trung Quốc. Hiện cô dạy tại một trường ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Song cô cũng nói thêm rằng công việc có một số hạn chế. “Có rất nhiều điều bạn bỏ lỡ. Và khi trở về nhà, bạn thấy mình đã thay đổi đáng kể, quan điểm của bạn, tư tưởng của bạn. Những người ở nhà không phải lúc nào cũng hiểu. Thật khó để giữ quan hệ với mọi người như bạn đã từng làm”.

Sự cạnh tranh đặc biệt căng thẳng với việc làm tại các trường quốc tế ở những nơi phổ biến. Tuy nhiên, nhu cầu giáo viên quốc tế vẫn đang tăng. Theo bà Cynthia Nagrath (Tổ chức Nhà giáo dục quốc tế - TIE, chuyên tuyển dụng giáo viên quốc tế): “Chúng tôi chắc chắn cần nhiều giáo viên hơn nữa”.

Học sinh Trường quốc tế Deira tại Dubai (UAE)
Học sinh Trường quốc tế Deira tại Dubai (UAE)

 

Cạnh tranh trên nhiều khía cạnh

Tất cả sự tăng trưởng này đặt ra những câu hỏi về tương lai. Mỹ và các nước phương Tây có thể trông đợi điều gì khi ngày càng nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tốt nghiệp với một nền giáo dục phương Tây, đồng thời thành thạo ngôn ngữ và văn hóa tiếng Anh?

Đối với các trường đại học tại Mỹ, sự gia tăng nhanh chóng những học sinh nước ngoài được Mỹ hóa đầy háo hức này lại là một tin tốt trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với việc số lượng đăng ký dự tuyển đang suy giảm - đặc biệt khi học sinh nước ngoài thường đóng đầy đủ học phí.

Theo David Di Maria - phó giám đốc Văn phòng các chương trình quốc tế trường đại học bang Montana, sự cạnh tranh ngày càng tăng của các ứng viên là học sinh nước ngoài “dẫn đến việc các trường đại học tập trung nhiều hơn vào tuyển dụng học sinh quốc tế”.

Những trường đại học đang phải đối mặt nhiều thách thức trong tuyển sinh do sự chuyển dịch về mặt nhân khẩu học nay có thể dựa vào học sinh nước ngoài để tăng tỉ lệ người học.

Cùng lúc, những trường đại học khác tại Mỹ đang chứng kiến sự tăng trưởng kỷ lục và sự quan tâm từ những học sinh nước ngoài có thể giúp gia tăng sự đa dạng của trường hoặc tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế.

Theo Viện Giáo dục quốc tế, tại Mỹ, 5,2% sinh viên đại học đến từ nước ngoài. Viện này khẳng định trong báo cáo dự án năm 2016 rằng Mỹ tiếp tục là nơi thu hút nhiều học sinh nước ngoài nhất trên thế giới, với hơn 1 triệu học sinh mỗi năm đến Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, con số này có thể bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Di Maria chỉ ra rằng nhiều trường đại học ở những khu vực như Trung Đông và châu Á cũng đang phát triển. Ông nói: “Các nước có truyền thống gửi học sinh du học giờ đang trở thành các nước tiếp nhận học sinh”.

Còn việc làm tại Mỹ thì sao? Richard Gaskell, giám đốc các trường quốc tế tại Tổ chức nghiên cứu ISC, cho biết: “Sự tăng trưởng của các trường quốc tế có thể dẫn tới nhiều sự cạnh tranh hơn, đặc biệt là đối với các công việc đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng cá nhân tốt như cộng tác, tư duy bền bỉ và sáng tạo.

Theo bà Ettie Zilber, tư vấn viên các trường quốc tế: “Trong tương lai, người Mỹ có thể thấy ít cơ hội làm việc cho các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài hơn.

Các tập đoàn đa quốc gia sẽ cân nhắc nhiều trước khi gửi một gia đình ra nước ngoài công tác. Thay vào đó, việc thuê người bản xứ, những người đã từng học tập và tương tác với giáo viên, chương trình giảng dạy, giá trị và văn hóa phương Tây sẽ là sự thay đổi thông minh”. Và “Cạnh tranh luôn tốt cho sự phát triển” - bà bổ sung.■

(Zac Herman,

chuyển ngữ từ The Atlantic)

Sự phát triển kinh ngạc

20 năm trước, chỉ có khoảng 1.000 trường quốc tế tiếng Anh trên toàn thế giới. Hầu hết học sinh tại các trường này là con của các gia đình làm việc ở nước ngoài như các nhà ngoại giao, phóng viên, chuyên viên của các tổ chức phi chính phủ (NGO), kỹ thuật viên và quản lý cấp trung.

Ngày nay, có hơn 8.000 trường quốc tế phục vụ 4,5 triệu học sinh với 420.000 giáo viên. 80% học sinh là từ chính nước sở tại nơi trường đặt địa điểm. Trong 10 năm tới, các chuyên gia dự kiến số trường quốc tế sẽ tăng gấp đôi: lên hơn 16.000 trường và 8,75 triệu học sinh trên toàn thế giới.

(Theo Công ty tư vấn chuyên thu thập dữ liệu, tư vấn trường quốc tế ISC của Anh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận