Giáo sư Yamamoto: Nguồn dinh dưỡng cần được chắt lọc

HUY ĐĂNG 09/08/2017 22:08 GMT+7

Người Nhật và người Hàn đã làm gì để tăng chiều cao cho thế hệ tương lai?

 


Trong cùng khoảng thời gian này, nữ giới Hàn Quốc “vô địch” về cải thiện chiều cao khi tăng đúng 20cm (từ 142 lên 162cm).
Trong vòng 100 năm, từ 1914-2014, nam giới Nhật Bản đã tăng đến 14,6cm chiều cao trung bình, từ 156,2 lên 170,8cm. 

Thế giới đã phải nghiêng mình trước thành công trong việc phát triển thể chất của người Nhật Bản và Hàn Quốc. Làm được điều đó cần có một chính sách khoa học và đầy quyết tâm rất cao.

Trong tầm nhìn của người Nhật, chính sách cải thiện giống nòi của họ dựa trên hai nền tảng: khoa học và phụ nữ.

Năm 1901, trường đại học nữ đầu tiên ra đời, mang tên ĐH nữ Nhật Bản, do nhà cải cách giáo dục Jinzo Naruse thành lập. Ngay từ đầu, ông Naruse đã xác định khía cạnh khoa học đời sống, những kiến thức về dinh dưỡng là chủ đạo của trường. Tất cả phụ nữ biết chữ đều có thể vào học ở đây, trình độ và nhu cầu sẽ được phân định theo thời gian của các khóa học.

Thời gian đầu, những khóa học ngành khoa học chỉ kéo dài vài tuần. Các cô gái, bà mẹ đến đây để được truyền đạt kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, y học để có thể chăm sóc con mình tốt hơn. Sau đó có thể đăng ký vào những khóa học dài hơi hơn, chuyên sâu hơn.

Nhưng cơ bản, đông đảo phụ nữ Nhật đã được phổ cập kiến thức về khoa học dinh dưỡng cơ bản từ những khóa học này. Các bà mẹ từ đây đã hiểu được thế nào là một bữa ăn đúng chất, đủ chất cho trẻ.

Trong chính sách phát triển thể chất của người Nhật, “bữa ăn học đường” là một trong những yếu tố cơ bản nhất, quan trọng nhất. Xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, “bữa ăn học đường” ban đầu mang mục đích trợ giúp trẻ em nghèo.

Nhưng khi Chính phủ Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến dinh dưỡng, chương trình này bắt đầu thay đổi. Không chỉ để ăn cho no, “bữa ăn học đường” còn nhằm đưa học sinh Nhật Bản vào khuôn khổ của dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm tốt cho sức khỏe, trong đó sữa được xem là loại thực phẩm quan trọng nhất.

Kinh phí cho những bữa ăn này do Chính phủ Nhật Bản và một số tổ chức phi chính phủ chi trả.

Để có được một bữa ăn dinh dưỡng tiêu chuẩn là cả một quá trình dài của nền khoa học Nhật Bản. Sau Thế chiến thứ hai, Hiệp hội Y học thể thao và thể chất Nhật Bản (JSPFSM) được thành lập, mang theo một cách tiếp cận mới của người Nhật về việc phát triển thể chất.

Chính phủ Nhật Bản đặt việc cải thiện dinh dưỡng để phòng chống bệnh truyền nhiễm và tình trạng sức đề kháng thấp của người dân Nhật lên hàng đầu. Khái niệm “y học thể thao” chính thức xuất hiện. Thể thao và y học trở thành hai khái niệm đi liền với nhau.

Thông qua những nghiên cứu của JSPFSM, thể trạng, thành tích thi đấu của các VĐV Nhật được cải thiện và ở chiều ngược lại, JSPFSM tìm ra những phương thức tập luyện thích hợp cho người dân. Các nhà khoa học Nhật Bản được gửi đi khắp thế giới để học hỏi về dinh dưỡng.

 

 

Cách làm của người Hàn Quốc cũng tương tự, tập trung vào việc cải thiện dinh dưỡng và thể thao học đường. Đến nay, cả hai quốc gia này đều tạo được những phương thức riêng biệt trong việc cải thiện chiều cao.

Các nhà khoa học Hàn Quốc còn chỉ ra rằng, những yếu tố về tai mũi họng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thể trạng của VĐV.

Yang Ha-Eun - tay vợt bóng bàn 23 tuổi từng giành huy chương vàng đôi nam nữ thế giới (năm 2015) là một minh chứng. Khi đã 8 tuổi, Yang thấp hơn nhiều so với các bạn học, dù cô sớm chứng tỏ năng khiếu chơi bóng bàn. May mắn cho Yang, cô lọt vào mắt xanh của ông Seo Hyo-seok - một bác sĩ nổi tiếng của Bệnh viện Pyunkang (thành phố Gunpo).

Bác sĩ Seo chỉ ra rằng nguyên nhân Yang thấp bé xuất phát từ căn bệnh viêm mũi dị ứng của cô bé chứ không phải do chế độ dinh dưỡng có vấn đề. Ông bắt đầu cung cấp những loại thảo dược riêng biệt giúp làm sạch đường hô hấp và cải thiện sức đề kháng của Yang. Kể từ đó, cô gái này phát triển thần tốc về thể trạng, 18 tuổi đã đạt đến chiều cao 1,70m.

Giải thích về điều này, ông Seo nói: “Việc chữa được bệnh viêm mũi dị ứng khiến Yang không còn mắc các loại bệnh tai mũi họng, qua đó quá trình tăng trưởng không còn vấp phải cản trở nào nữa. Bệnh tật và sự căng thẳng là yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Chỉ cần mắc một cơn cảm lạnh thông thường, quá trình tăng trưởng sẽ bị dừng lại trong khoảng 2 tuần, tức nếu mắc bệnh 5 lần/năm, chúng ta sẽ mất đi 10 tuần tăng trưởng”.

Kể từ sau năm 2000 trở đi, thời điểm chiều cao trung bình người Hàn Quốc ổn định vào khoảng 168-170cm, Hàn Quốc luôn nằm trong tốp 10 của các kỳ Olympic.

Kết quả tương tự cũng đến với Nhật Bản. Khởi đầu Olympic vào năm 1912 với không một tấm huy chương, sau hơn 100 năm, Nhật leo lên đến vị trí 6 ở Olympic Rio 2016.

Không chỉ vậy, phần lớn số huy chương của họ còn nằm ở bơi lội và điền kinh - những môn thể thao luôn đòi hỏi thể hình tốt.■

Giáo sư Yamamoto. -Ảnh: H.Đăng
Giáo sư Yamamoto. -Ảnh: H.Đăng

 

Là một trong những nhà nghiên cứu dinh dưỡng hàng đầu của Nhật Bản, giáo sư Shigeru Yamamoto trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về quá trình cải thiện giống nòi của người Nhật và góp ý cho việc phát triển thể chất trẻ em VN.

Điểm mấu chốt trong quá trình cải thiện thể chất của người Nhật là gì, thưa ông?

- Chiều cao trung bình của trẻ em Nhật Bản đã tăng rất nhiều trong vòng 50 năm qua, khoảng 14cm. Nếu có một điều gắn bó xuyên suốt với quá trình cải thiện giống nòi của chúng tôi, thì đó chính là bữa ăn học đường. Ở Nhật Bản, bữa ăn trưa của học sinh luôn do nhà trường cung cấp.

Sau Thế chiến thứ hai, “bữa ăn học đường” là một chương trình được khuyến khích phát triển nhằm hỗ trợ trẻ em được ăn uống đầy đủ. Đến năm 1954, nó trở thành luật. Tất cả các trường học đều phải cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh.

Đã có những thời điểm manh nha ý định loại bỏ nó vì điều kiện kinh tế không cho phép. Nhưng chúng tôi phải vượt qua. Thể chất cho thế hệ trẻ quá quan trọng, nếu chúng tôi không đầu tư cho điều đó, đất nước chúng tôi còn có thể hi vọng gì vào tương lai? Những đứa trẻ cần phải đủ ăn, đủ chất dinh dưỡng trước khi lên đại học và trở thành tương lai của nước Nhật.

Trong thời gian đầu, Chính phủ Nhật chỉ đặt mục tiêu cung ứng đầy đủ thức ăn thiết yếu cho trẻ em, như sữa, thịt, cá, bánh mì... Sau đó, chúng tôi nhận thấy dinh dưỡng không phải là một bài toán đơn giản như là chỉ ăn cho no.

Sang Mỹ du học, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hoàn cảnh khó khăn của người Nhật so với một cường quốc như Mỹ, từ việc nói tiếng Anh cho đến những tư tưởng cơ bản.

Sau khi rời Mỹ, tôi sang Ghana để tìm hiểu về dinh dưỡng của trẻ em nơi đây. Trẻ em Ghana suy dinh dưỡng rất nhiều, nhưng cũng có không ít trẻ trưởng thành khỏe mạnh và cao lớn. Chúng tôi rút ra nhiều điều từ quá trình trưởng thành của trẻ em châu Phi nghèo khó để đưa ra những công thức dinh dưỡng hợp lý cho người Nhật.

Trẻ em nông thôn vẫn có thể trưởng thành, khỏe mạnh với các loại nông sản bình thường nếu có một công thức dinh dưỡng hợp lý.

Vì sao bữa ăn học đường vẫn được duy trì đến tận ngày nay, thưa ông?

- Trước nhất phải nói, người Nhật không phải ai cũng no ấm đầy đủ. Khoảng 20% người Nhật vẫn trong cảnh nghèo khổ, chúng tôi vẫn cần một chính sách chung để hỗ trợ cho họ.

Nhưng điều đó không có nghĩa những gia đình khá giả không còn cần đến bữa ăn học đường. Người lớn ở Nhật quá bận rộn với công việc, bữa ăn của họ nhiều khi được mua từ siêu thị, và không phải bà mẹ Nhật nào cũng am hiểu về dinh dưỡng.

Bữa ăn học đường vì vậy là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, đầy đủ nhất cho trẻ em Nhật Bản. Chi phí mỗi bữa ăn từ khoảng 2,2-2,6 USD, người bảo hộ của trẻ sẽ trả chi phí cho thức ăn, chi phí nhân lực do chính phủ chi trả.

Chúng tôi hiện có đến 200 thực đơn ăn uống cho các trường học, nó phụ thuộc vào thời điểm trong năm, đối tượng trẻ, hoàn cảnh sức khỏe... Trẻ em Nhật ngày nay cũng được giảng dạy đầy đủ về dinh dưỡng, tự chúng có ý thức nên ăn gì, uống gì.

Người Việt có thể học được gì từ bài học của Nhật Bản?

- Cải thiện kiến thức cho các bà mẹ, tìm hiểu công thức dinh dưỡng hợp lý cho trẻ là con đường chung. Nó còn tùy thuộc vào những hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

VN thời điểm hiện tại khác xa so với nước Nhật sau Thế chiến. Trẻ em thành thị ở VN không hề thiếu ăn, thừa mứa là khác. Điều mà trẻ em VN cần là những bữa ăn chuyên biệt, nguồn dinh dưỡng được chắt lọc, hợp lý.

Các trường học có chế độ ăn bán trú, nội trú cho trẻ em cần có thêm chuyên gia về dinh dưỡng. Ở Nhật tính đến năm 2010, chúng tôi có hơn 12.000 chuyên gia dinh dưỡng phân phối đều ở các trường học, trong số đó có khoảng 3.400 là giáo viên dinh dưỡng.

Người Việt không hề thấp, tôi nghĩ chiều cao trung bình của các bạn đã tạm ổn. Điều quan trọng là phải có sức khỏe tốt. Tất nhiên khi ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao hợp lý, có một cuộc sống khỏe mạnh, chiều cao cũng sẽ tăng lên.

Điều mà trẻ em VN cần cải thiện nhất là bệnh béo phì. Tỉ lệ béo phì của trẻ em thành thị VN quá cao. Để trẻ béo phì là lỗi của phụ huynh, của người lớn, mọi người cần phải được phổ cập kiến thức về dinh dưỡng nhiều hơn.

Thêm vào đó, tôi thường thấy các học sinh VN ăn vặt khá nhiều ngoài đường, trước cổng trường. Chưa kể đến chuyện có hợp vệ sinh hay không, những thức ăn đó không phải là nguồn dinh dưỡng hợp lý, có thể dẫn đến bệnh béo phì cho trẻ. Ở Nhật điều đó không xảy ra vì người Nhật không cho trẻ tiền khi đi học, chuyện ăn uống đã có nhà trường lo.■

Để có được chương trình “bữa ăn học đường”, nước Nhật đã phải trải qua một cuộc chiến kinh tế thực sự. Khó khăn kinh tế khiến Bộ Tài chính Nhật đề nghị chấm dứt chương trình “bữa ăn học đường”, nhưng bị phản đối dữ dội. Đến năm 1954, Chính phủ Nhật Bản khẳng định tương lai của “bữa ăn học đường” khi thông qua Luật ăn trưa ở trường học. Ban đầu, luật này chỉ áp dụng cho trường tiểu học nhưng hai năm sau áp dụng cho cả trung học. Cả nước Nhật đã phải thắt lưng buộc bụng trong một thời gian dài để nuôi lớn một thế hệ trẻ trung hơn, khỏe mạnh hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận