Một lựa chọn chưa chạm đích cuối cùng 

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU 28/08/2017 20:08 GMT+7

TTCT - Mỗi phương án tăng thuế được đưa ra đều khó lòng tránh khỏi phản ứng của người dân - đối tượng nộp thuế hay người có liên quan đến sắc thuế.

Khi thuế tăng, người dân sẽ cân nhắc hơn trong lựa chọn mua sắm cho gia đình.-Ảnh: THUẬN THẮNG
Khi thuế tăng, người dân sẽ cân nhắc hơn trong lựa chọn mua sắm cho gia đình.-Ảnh: THUẬN THẮNG

 

Cho nên, lựa chọn sắc thuế ít có tác động đến đời sống thường ngày hay ít làm biến dạng các hoạt động kinh tế, thị trường đã trở thành vấn đề cốt yếu cần được minh thị.

Trong phương án đệ trình, Bộ Tài chính không đơn lẻ đưa ra đề nghị tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và tiêu thụ đặc biệt mà đồng thời giới thiệu phương án điều chỉnh gia giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Tại sao là thuế tiêu dùng?

Dù cho dữ liệu nghiên cứu thực nghiệm phần lớn đều cho thấy sắc thuế TNCN trên thực tế không đủ sức “bật” người lao động ra khỏi sở làm để tránh thuế thu nhập... cao thì thuế TNCN vẫn luôn có thứ tự ưu tiên thấp.

Điều này xuất phát từ tính chất chịu thuế hai lần của một khoản thu nhập: thuế từ thu nhập vừa có (tiền lương, tiền công) và thuế cho phần thu nhập phát sinh từ tiết kiệm, đầu tư của khoản thu nhập vừa có (tiền lãi). Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi đánh thuế vào cổ tức hay...

Vietlott cho dù miễn thuế đối với tiền lãi từ tiết kiệm cá nhân hay các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội. Cho nên, đây là sắc thuế được nhận định là không khuyến khích tiết kiệm và đầu tư.

Trong khi đó, với tính chất của một loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, thuế tiêu dùng có tính trung lập và không tác động đến các quyết định sản xuất, kinh doanh dù ở bất kỳ một công đoạn nào.

Nói cách khác, thuế tiêu dùng không chạm đến phần thu nhập dành cho tiết kiệm và đầu tư mà chỉ thu khi có hành vi tiêu dùng.

Đó là lý do vì sao đến nay, hầu hết các nước đều có khuynh hướng lựa chọn sắc thuế này thay thế cho một cơ cấu thuế hỗn hợp và phức tạp vốn có, và trở thành nguồn thu quan trọng, chiếm tỉ trọng khoảng 30% doanh thu thuế và khoảng 10% GDP của các nước, như kết quả nghiên cứu của OECD cho thấy.

Lẽ dĩ nhiên, bản thân thuế tiêu dùng cũng không phải là lựa chọn hoàn mỹ. Nhưng có vẻ ý kiến về sự không công bằng trong phương thức thu thuế đồng đẳng (cùng chung mức thuế suất) đặc trưng khi nhìn vào tính lũy thoái của nó, đơn cử như với thuế VAT, khó bề được giải tỏa.

Cụ thể, người có thu nhập cao (giả dụ là 100 triệu đồng) và người có thu nhập thấp (giả dụ là 10 triệu đồng) nếu cùng nộp chung mức thuế đồng nhất khi mua sản phẩm với giá 2 triệu đồng (giả dụ thuế VAT là 10%, và tiền thuế phải nộp là 200.000 đồng), thì thu nhập sau thuế của người thu nhập cao vẫn cao (97,8 triệu) và của người có thu nhập thấp vẫn thấp (7,8 triệu).

Hay nói cách khác, gánh nặng thuế tính theo tỉ lệ thu nhập của người nghèo vẫn cao hơn, và như vậy là bất công.

Thực ra, đây là lập luận có phần khiên cưỡng vì nó không dựa vào “đối tượng chịu thuế” của thuế VAT là giá trị sản phẩm được tiêu dùng mà dựa vào thu nhập... không thuộc đối tượng chịu thuế của sắc thuế này.

Mà theo lẽ thường, người có thu nhập cao sẽ có suất tiêu dùng cao, và vì vậy có nhiều... cơ hội nộp thuế và mức đóng góp thuế từ đó cũng cao hơn so với người nghèo.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thuế VAT không thật sự lũy thoái theo suất tiêu dùng, đặc biệt là lũy tiến và có tỉ lệ thuận trên suất tiêu dùng bị đánh thuế cả trong dài hạn, trong khi tính lũy thoái trên thu nhập chỉ là nhất thời.

Nhưng dù gì đi nữa, yêu cầu về tính phân hóa nhằm bảo đảm việc loại bỏ tối đa tình trạng bất công vẫn phải đặt ra. Điều này tiếp theo phụ thuộc vào việc khoanh vùng đối tượng chịu thuế cũng như mức thuế suất thay đổi.

Hinh 1 - Bieu thu thap nhap ca nhan hien tai (1)
Hinh 1 - Bieu thu thap nhap ca nhan hien tai (1)
Hinh 2 - Bieu thu thu nhap ca nhan duoc de nghi (1)
Hinh 2 - Bieu thu thu nhap ca nhan duoc de nghi (1)

 

 

Phương án điều chỉnh đã có tính phân hoá?

Về mặt lý thuyết, lựa chọn thay thế thuế thu nhập bởi thuế tiêu dùng là phương án tối ưu. Nhưng chính áp lực huy động thuế cũng như những tác động từ tính chất lũy thoái của thuế tiêu dùng trong ngắn hạn mà đến nay hầu hết các nước đều phải duy trì song song hai sắc thuế này.

Và như đã nói, tính hợp lý trong lựa chọn tăng thuế tiêu dùng của Bộ Tài chính trong lần đề xuất này là đã đồng thời cắt giảm thuế thu nhập.

Ngoài quyết định kéo giảm thuế suất thấp hơn mức 20% hiện nay đối với thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số trường hợp, thuế TNCN cũng được giãn khung theo khuynh hướng mức thuế suất ở bậc thấp hơn sẽ áp dụng cho mức thu nhập của bậc cao hơn, và vì vậy số bậc thuế cũng đã ít hơn.

Đặc biệt, bậc thuế đầu tiên với mức thuế suất 5% sẽ áp dụng cho khoản thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng thay vì 5 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Ý nghĩa quan trọng không phải là phần chênh lệch thuế mà dân chúng được hưởng mà việc giãn thuế một phần phản ánh cách tiếp cận của cơ quan quản lý thuế về mức thu nhập cần thiết đảm bảo cho chi tiêu dùng căn bản của mỗi cá nhân và tránh đánh thuế cao.

Nhưng ý nghĩa đó chỉ còn nếu như thuế tiêu dùng, đến lượt nó, cũng phản ánh tính phân hóa. Hay nói cách khác, việc áp dụng mức thuế suất tiêu dùng giảm đối với hàng hóa thiết yếu là hết sức cần thiết.

Bộ Tài chính vì vậy cần tiến hành điều tra, khảo sát để nắm bắt mô hình tiêu dùng của các hộ dân, đặc biệt là nhóm nghèo.

Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất trong phương án đề xuất của Bộ Tài chính chính là việc thuế VAT trong thời gian tới sẽ tăng “không bỏ sót”: nhóm sản phẩm từ mức thuế 5% tăng lên 6% và nhóm sản phẩm còn lại từ mức thuế 10% tăng lên 12%.

Đáng nói hơn, một số sản phẩm khác được đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi khó có thể lý giải thấu đáo tính đặc biệt của nó; như trà, cà phê và nước ngọt khác.

Với các loại nước ngọt có gas hay không gas khác, có thể lý giải được phần nào cho dù Bộ Tài chính chưa có nghiên cứu định lượng riêng ở Việt Nam để minh thị cho quyết định này như ở nhiều nước (dùng sản phẩm này là một trong những nguyên nhân gây bệnh béo phì, đặc biệt là với trẻ em).

Nhưng với cà phê, đặc biệt là trà thì khó lòng lý giải về tính đặc biệt của nó, nhất là với văn hóa ẩm thực của người Việt. Điều quan trọng đương nhiên không phải là một hai sản phẩm mà là cách thức tiếp cận được phản ánh qua đề xuất đó.

Rõ ràng, thuế VAT hay tiêu thụ đặc biệt với phương án mới đã không thật sự giải tỏa được gánh nặng thuế đối với người nghèo trên chính... phần thu nhập mà họ tiêu dùng hay chịu thuế.

Không hề phủ nhận phương thức tìm kiếm kinh nghiệm của thế giới nhưng không thể đơn giản cho rằng các nước như thế nào thì Việt Nam như thế đó.

Thậm chí, thuế suất bao nhiêu phần trăm không phải là vấn đề mà vấn đề tùy thuộc vào một cơ cấu thuế phức tạp và tỉ trọng đánh thuế giữa các sắc thuế trong hệ thống thuế của một quốc gia.

Đó là chưa kể, trong sự lý giải về quyết định tiếp nhận giải pháp pháp lý từ bên ngoài, Bộ Tài chính còn mắc lỗi khi “vô ý” bỏ qua các thông tin về thuế suất của các nước lân cận, cả về địa lý và trình độ phát triển, hay chưa đưa ra minh chứng đầy đủ để thấy rằng Việt Nam cũng thuộc nhóm nước có mức thuế suất trung bình được bộ giới thiệu. Và điều đó kết cục khiến phương án thuế mới dù đã có sự lựa chọn đúng ngay từ đầu mất dần tính thuyết phục.

Không khó để lý giải phần nào nguyên nhân của những đề xuất tăng thuế trước bối cảnh cam go của nền ngân khố quốc gia. Nhưng cho dù với phương án nào thì việc tăng thu bằng tăng thuế cũng chẳng còn ý nghĩa nếu như quá trình kiểm soát nguồn thu (cơ sở) thuế của cơ quan thuế không được tăng cường và việc chi tiêu công vẫn diễn ra theo kiểu nước chảy về chỗ... thủng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận