Alice Munro: Phù thủy chữ nghĩa

TRẦN THỊ HƯƠNG LAN (*) 20/10/2013 20:10 GMT+7

TTCT - Có vẻ như sự kiện nhà văn Canada Alice Munro được vinh danh ở giải Nobel văn học 2013 là khá bất ngờ đối với độc giả Việt Nam. Xét về độ “phủ sóng” tên tuổi thì nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami được kỳ vọng hơn nhiều.

Tuy nhiên, giới phê bình văn học thế giới từ lâu luôn liệt bà vào số những tác giả xuất sắc của nền văn học đương đại Canada cũng như văn học viết bằng tiếng Anh, và xem bà là ứng viên của giải thưởng danh giá nhất này.

Bà nội trợ đoạt giải Nobel văn học

Phóng to
Alice Munro - Ảnh: thestar.com

Trước đây bà từng đoạt được vô số giải thưởng, trong đó phải kể đến giải Man Booker International 2009 cho cống hiến trọn đời, ba giải Governor General’s Prize của Chính phủ Canada, hai giải Giller, giải W.H. Smith Literary Award. Nhiều truyện ngắn của bà được đăng tải trên The New Yorker, The Atlantic Monthly, The Paris Review.

Sinh năm 1931 tại Ontario, Canada, sự nghiệp sáng tác của bà gồm một tiểu thuyết (Lives of girls and women) cùng 14 tuyển tập truyện ngắn như Open secrets; Runaway; The view from Castle Rock; Too much happiness; Hateship, Friendship, Courtship, Loveship, Marriage... Bà được ví như Eudora Welty, Anton Chekhov, James Joyce ở tầm cỡ mô tả cuộc sống con người nơi quê hương mình. Những tác phẩm của bà đã được dịch ra 14 thứ tiếng.

Tác giả “sách giáo khoa tâm lý phụ nữ”

Những truyện ngắn thời đầu của Alice Munro hầu như đều “mang chiều sâu của tiểu thuyết”. Về sau, kể từ Runaway (giải Giller 2004) tới Too much happiness (2009), bà giảm thiểu rối rắm để đặt mình vào tâm thế người kể chuyện. Có ý kiến cho đó là “rũ bỏ hào quang cũ”, hoặc đơn giản là bà đã “hết hơi”.

Tuy nhiên, với người yêu và hiểu Munro, sự chuyển dịch mang tính cách mạng này chẳng gây ngạc nhiên. Amazon.com từng lo ngại bà hay lặp lại môtip và mô tả tính cách nhân vật hơi quá. Song, đa số lại bênh vực bà là người kể chuyện với độ chính xác khó ai bì, đến nỗi bà được nhận xét chẳng khác nào “Shakespeare khi mô tả những nhân vật của ông”.

Đề tài bà mổ xẻ nếu không là thói đỏng đảnh trong tình yêu của nông dân Canada - mắc kẹt giữa khát khao và nhược điểm của mình - thì cũng là về cái sâu xoáy phức tạp của những mối quan hệ, trong đó người ta xung đột để hiểu nhau và để hiểu chính mình. Vùng Ontario quê hương là chất liệu cho bà đào xới, đưa những phụ nữ và đàn ông trôi vào trôi ra khỏi quỹ đạo của họ, bị câu kéo bởi những thế lực thần bí, đôi khi cái ác ẩn hiện, rình rập, rồi bùng phát, gây ra những hệ quả không ngờ.

Khả năng lột tả tâm trạng nhân vật của bà phải được gọi đúng tên là “người viết sách giáo khoa tâm lý phụ nữ bằng truyện ngắn”. Phù thủy chữ nghĩa là đây. Trong Runaway, bà tung tẩy sao đó mà một tiểu thư sẵn sàng chạy theo anh dạy cưỡi ngựa. Một cô gái xuất sắc nhất quyết đi tìm bằng được ông đánh bắt tôm ở hóc bà tó. Phu nhân một bác sĩ danh giá lại tâm tưởng một kẻ “sơn lâm mãi võ”. Còn cô giữ trẻ trong Hateship, Friendship, Courtship, Loveship, Marriage thì dan díu với ông chủ nhà. Hệ lụy là nỗi cay đắng dằng dai. Bà để họ “trốn chạy” nhưng chạy không thoát. Tất cả diễn ra tự nhiên như vốn dĩ chúng phải vậy.

Không kể lể nỗi khổ của phụ nữ là bị bạo hành hay bị túng thiếu, Munro xoáy mạnh vào nỗi giằng xé của phụ nữ trong những cọ xát đời thường, với những người họ yêu thương. Đàn ông trong truyện của bà không hề bị đổ tội. Việc gì bà phải bêu riếu đàn ông khi mà chính diễn biến tâm lý của phụ nữ đã đẩy họ đến những hành động xốc nổi, dễ bị lên án? Diễn biến tâm lý tựa như thói thất thường của thời tiết xô đẩy phụ nữ vào nếp sống ủ ê, bải hoải.

Bà tinh tế đến từng chi tiết. Trong Mắc lỡm (tuyển tập Trốn chạy), tôi cảm phục cái cách bà theo dõi cô y tá nhẫn nại vào thư viện lục lọi tất cả những gì có thể về lịch sử, địa lý, tôn giáo, thơ ca của đất nước Montenegro (Nam Tư cũ), quê hương người yêu cô gặp đúng một lần trong đời. Chỉ vin vào mỗi mẩu giấy con anh ta dúi cho cô lúc chia tay, ghi tên vùng núi chẳng là cái chấm nào trên những tấm bản đồ cô tìm, mà cô gái chịu sống lầm lũi cả đời. Nỗi đau mới gặm nhấm làm sao! Thậm chí, với đứa con gái tàn độc bỏ mẹ ruột của mình để đi biệt tăm biệt tích trong Nín lặng, chắc chắn cô ta sẽ bị độc giả rủa xả đích đáng. Nhưng, phải chăng Munro muốn lý giải rằng bà mẹ trong cơn tan nát tột cùng, tiếc thương “chồng” đã vô tình để lộ ra cái hố đen sâu hoắm trong tâm can bà, khiến đứa con kinh sợ đến nỗi phải bỏ chạy (?).

Thật trùng hợp, nhưng là trùng hợp một cách cố ý như những nhát cọ tô đậm vào những đường nét tính cách và số phận nhân vật bà đã vẽ nên trong các tác phẩm của mình. Ở tuyển tập cuối cùng - Dear life (2012) - cũng lại những diễn biến tâm lý ấy áp vào những nhân vật phụ nữ khác, trong những bối cảnh khác. Có ý kiến chê lối đặt tựa của bà là manh mún.

Những con chữ “Amundsen,” “Pride,” “Haven”... trượt vút qua mắt người đọc như thể những tấm biển chỉ đường trên xa lộ miền quê hun hút, rợn người. Cũng cốt truyện thay đổi đột ngột, các nhân vật bị xoắn vặn bởi những biến cố hi hữu, chỉ có Chúa trời mới sắp đặt nổi. Xe lửa (lại xe lửa) xem ra là sân khấu cho người ra diễn vở kịch cuộc đời của chính mình. Một anh lính “bỗng nhiên” tái hợp vị hôn thê. Vị cảnh sát, sau này là cai ngục, mãi mới ngộ ra căn nguyên nỗi ám ảnh của vợ mình, một cách ngẫu nhiên. Người phụ nữ có chồng dan díu với gã hát rong bà gặp ở lễ hội mùa hè. Munro gắp ra những sự kiện lạc lõng trồi lên bề mặt của những mảnh đời tù túng, bị giam hãm. Hoàn toàn không nuông chiều lối ước lệ của thể loại truyện ngắn.

Một lần nữa, môtip chủ đạo của bà là tra tấn nhân vật nhưng không giải phóng được họ. Kẻ từ bỏ cuộc sống mẫu mực, thách thức văn hóa và tập tục ắt phải gánh chịu sự phỉ báng. Kết thúc thương tâm là tất yếu cho kẻ dám đi ngược lại với cỗ máy đang vận hành đều đều của cộng đồng. Nhân quả chăng? Sự trừng phạt ghê gớm nhất cho người phụ nữ là bị mất con. Trật tự bất thành văn sẽ tái lập. Cuộc sống lại tiếp diễn giữa những cơn va đập của con người.

Phóng to
Một tuyển tập của Alice Munro đã được chuyển ngữ ở VN

Truyện ngắn lên ngôi

Những cuộc tằng tịu trái luân lý, những mối quan hệ lủng củng rất dễ bị phán xét là lặp lại lối mòn. Nhưng tựu trung, chẳng phải trong thực tế đời người cũng chỉ luẩn quẩn bên bàn ăn và trên chiếc giường thôi sao? Hãy nhìn dưới góc độ tâm lý học thực thụ, rằng trong khi đàn ông có lối tư duy theo kiểu những vòng tròn đồng tâm thì phụ nữ lại suy nghĩ giống như những vòng tròn Olympic (Men are from Mars, women are from Venus, John Gray, Mỹ).

Chẳng phải bà đang chứng minh sự quay cuồng trong não bộ người phụ nữ đó sao. Chính phụ nữ ngụp lặn trong ma trận của mình. Đàn ông hiện hữu vô tình, đúng với bản chất cố hữu của họ. Những vòng tròn đan xen nhau chằng chịt, để rồi ngoắt theo hướng người đàn ông hay bất cứ thứ gì trôi vào đúng lộ trình của chúng. Lý do thật vụn vặt. Chỉ cần cái cung cách treo bộ yên ngựa, chỉ cần cái việc thốt ra tên vài vị thần Hi Lạp, hay có khi chỉ là cái mõm con chó cưng cũng khiến phụ nữ bị xâu chặt vào người đàn ông nào đó.

Giải Nobel được trao cho nhà văn vì thành tựu trọn đời hơn là vì tác phẩm cụ thể. Alice Munro được vinh danh, đồng nghĩa truyện ngắn lên ngôi. Bà nhận được tin khá bất ngờ. Nó khiến bà kinh ngạc. Với một nhà văn tài hoa có cuộc đời bình dị, có khuynh hướng tránh xa sự phô trương thì đây là quả ngọt. Chúng ta hãy chờ gặp lại bà ở lễ trao giải tại Thụy Điển vào ngày 10-12.

“Tình yêu và hôn nhân không bao giờ là chuyện tầm thường”

Vinh danh Alice Munro, Ủy ban Nobel nhận được sự hân hoan đồng thuận của các nhà văn, nhà báo tên tuổi khắp thế giới, cho rằng đây là quyết định chính xác.

Tác giả Jeffrey Eugenides, giải Pulitzer 2003, tuyên bố bà là bậc thầy truyện ngắn, nhưng còn “bậc thầy hơn ở sức tái lập”.

Nhà văn Lorrie Moore, giải Rea Award 2004, bày tỏ: “Đây là chiến thắng cho những nhà văn kính trọng bà, cho cả những dịch giả chuyển ngữ tác phẩm của bà. Một chiến thắng nhờ lòng dũng cảm, quyết theo đuổi những đề tài của mình. Bà nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu và hôn nhân không bao giờ là chuyện tầm thường. Chúng nhào nặn hình hài cuộc sống của con người, dù đúng dù sai”.

Chủ nhân giải Pulitzer 2009, Elizabeth Strout, thừa nhận: “Một cách thầm lặng và kiên định, Alice Munro dạy tôi nhiều điều về thuật viết lách. Lần nào đọc tác phẩm của bà ấy cũng đều khiến tôi hưng phấn như nhau”.

Nhà văn Jonathan Franzen, giải National Book Award 2005, khẳng định: “Alice Munro luôn đặt tôi vào trạng thái suy tư về chính cuộc đời mình: về những quyết định tôi đã đưa ra, những điều tôi đã làm và chưa làm, về bản chất con người tôi, về viễn cảnh cái chết”.

(*): Tác giả là người chuyển ngữ cuốn Trốn chạy (Runaway) của Alice Munro do Nhã Nam xuất bản năm 2012.

Nguồn tham khảo:

http://www.amazon.de/Runaway-Stories-Alice-Munro/dp/140004281X

http://www.goodreads.com/review/show/45459823

http://www.quillandquire.com/reviews/review.cfm?review_id=7798

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận