​Chuyện an sinh xã hội ở Hàn Quốc

HỮU NGHỊ 18/10/2014 09:10 GMT+7

TTCT - Ở một nước mà từ khi kết thúc chế độ độc tài quân phiệt, các tướng lĩnh - cựu tổng thống lần lượt xộ khám, các chính phủ dân sự thi nhau “nâng niu dân như nâng trứng mỏng”.

Nhu cầu an sinh xã hội ở Hàn Quốc - Ảnh: The Korea Herald
Nhu cầu an sinh xã hội ở Hàn Quốc - Ảnh: The Korea Herald

Cùng lúc với Asiad Incheon 2014 khai mạc, Bộ trưởng Sách lược và tài chính Choi Kyung Hwan loan báo sẽ tăng ngân sách tài khóa 2015 ở mức 5,7%, lên đến 376 ngàn tỉ won (363 tỉ USD).

Tăng ngân sách tối đa có thể nhằm tăng sinh khí cho nền kinh tế, song cũng không để thâm thủng ngân sách vượt quá mức 2,1% GDP trong bối cảnh tăng trưởng năm 2014 ước tính sẽ vào khoảng 1,7% (*).

Cũng thế, nợ nước ngoài của chính phủ sẽ chỉ được đưa lên tới mức 35,7% GDP, so với mức nợ dự toán là 35,1% GDP năm 2014 này (Wall Street Journal 17-9-2014). 

Thứ năm tuần trước, Bộ trưởng Choi tiếp tục giải thích tăng chi ngân sách là để hỗ trợ “nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ, song tốc độ và cường độ còn yếu”, do lẽ giới kinh doanh vẫn cứ ngần ngại khi thấy doanh số và lợi nhuận giảm vì tác động của các chính sách, tỉ như chính sách tiền tệ mà từng quốc gia đối tác kinh tế của Hàn Quốc đề ra trong từng thời điểm.

Chẳng hạn việc đồng yen Nhật cứ “chủ động” giảm tỉ giá đã và đang gây khó khăn nặng nề cho các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc hướng đến xuất khẩu.

Bộ trưởng Choi quả quyết chính phủ sẽ tập trung chiếu cố vĩ mô cho đến khi kinh tế khôi phục rõ rệt, nhất định không tăng thuế để bù đắp cho việc tăng các chi tiêu an sinh xã hội mà Tổng thống Park Geun Hye đang đẩy mạnh.

Tăng an sinh xã hội: do dân, vì dân

Tờ Korea Herald cho biết năm tới sẽ tăng chi cho an sinh xã hội khoảng 10%, lên đến khoảng 120 ngàn tỉ won (khoảng 117 tỉ USD). So với tổng ngân sách năm 2015 dự trù là 376 ngàn tỉ won, có thể thấy ngân sách an sinh xã hội chiếm đến 31,9% tổng ngân sách, một con số kỷ lục!

Đảng Saenuri (Tân thế giới) đương quyền đặc biệt nhắm đến các hộ gia đình có thu nhập thấp (nhà cửa), những người cao tuổi (“tiền già”), cùng bốn khoản chi tiêu căn bản là y tế, hưu trí, bảo hiểm việc làm và bảo hiểm tai nạn lao động. 

Không chỉ Bộ Sách lược và tài chính giải thích, mà Đảng Saenuri đương quyền cũng đứng ra giải thích: “Các nhóm thu nhập thấp và công dân cao tuổi đang đối diện các khó khăn trong chi tiêu khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm như hiện nay. Để chia sẻ gánh nặng với họ, chúng tôi xem xét việc tăng thêm 10% ngân sách an sinh xã hội” (Korea Herald 10-9-2014).

Lý do Đảng Saenuri cùng đứng ra giải thích là do nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước. 

Ở Hàn Quốc, luật “Tài trợ cho các đảng chính trị” quy định ngân sách nhà nước chi cho các đảng căn cứ trên số phiếu giành được trong cuộc bầu cử quốc hội gần nhất, cứ mỗi phiếu chi 800 won (0,6 USD). Được bao nhiêu phiếu, được chi bấy nhiêu tiền, xài bấy nhiêu!

Năm 1998, Đảng Dân chủ thiên niên kỷ của Kim Dae Jung được cấp 71,3 tỉ won (55 triệu USD), Đảng Đại dân tộc (nay là Đảng Saenuri) được cấp 55,7 tỉ won (44 triệu USD), đảng về ba là Dân chủ thống nhất được 29,3 tỉ won (23 triệu USD) (theo Funding of Political Parties and Election Campaigns, International IDEA publications, p.65). 

Nhìn lại các cuộc khủng hoảng, các chính phủ đều tập trung chú ý nơi người dân. Bắt đầu là cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997, chính phủ Kim Dae Jung đứng ra trả nợ giùm cho các tập đoàn (chaebol) đang thua lỗ, điều đình với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Song cũng từ đó, ưu đãi cho các tập đoàn lần lượt được tháo gỡ và tư nhân hóa được “cục nợ” nào là thực hiện ngay. Các ngân hàng Korea First Bank và Seoul Bank được tái cấp vốn, song vốn của nhà nước sau đó sẽ được bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Song song với tái cấu trúc nền kinh tế, chính phủ Kim Dae Jung giảm bộ máy chính quyền và nhân sự hầu giảm ngân sách trung ương lẫn địa phương.

Kết quả là nay bộ máy công chức Hàn Quốc giảm xuống còn khoảng 800.000 người, hơn phân nửa ở trung ương, khoảng 300.000 ở địa phương, đa số là những công chức chuyên nghiệp không liên quan đến đảng nào, phục vụ dân số khoảng 49,3 triệu người

(theo The Establishment of Career Civil Service System in the Korean Government, Korea University, Sungkyunkwan University; The Management of Senior Civil Servants in Korea, Yonsei University, Korea).

Biên tập viên John Power của Hãng tin Yonhap nhận xét như sau về vị trí của an sinh xã hội “trong đầu” các chính phủ Hàn Quốc: “Lịch sử mà nói, Hàn Quốc đã tỏa sáng vì chi tiêu xã hội cao. Ngay từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Tổng thống Kim Dae Jung lúc đó đã có những quyết định lớn lao tiến đến một nhà nước chăm lo an sinh.

Nhưng cho dù có những gia tăng bội phần từ đó, đến năm 2010 Hàn Quốc vẫn xếp áp chót trong số các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) về mặt chi tiêu cho an sinh xã hội, chưa đến 11% GDP, trong khi bình quân trong OECD là 20% GDP”.

Hàn Quốc rượt đuổi cho bằng được các nước Âu Mỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội, ngân sách an sinh xã hội nhanh chóng được tăng lên trong từng chi tiết: năm 2012, chi cho học bổng, bữa ăn miễn phí ở trường và hỗ trợ người tìm việc đã tăng được 3,3 ngàn tỉ won (2,8 tỉ USD). 

Sang đến cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới năm 2008, Hàn Quốc, như bao nước khác, đứng trước bài toán cứu doanh nghiệp hay cứu dân.

Đảng Đại dân tộc của Tổng thống Lee Myung Bak chọn “cứu dân nghèo” trước hết bằng một chính phủ gọn nhẹ, giảm vướng mắc với các tập đoàn, dồn sức cho an sinh xã hội, giảm thuế. Đương kim Tổng thống Park Geun Hye, kế vị ông Lee Myung Bak sau khi đảng này đổi tên thành Đảng Saenuri, càng đi theo con đường này.

Tái cấu trúc kinh tế: các “đại gia” phải giảm béo

Nay trong tác động của khủng hoảng toàn cầu 2008, Hàn Quốc lại phải tái cấu trúc kinh tế.

Đầu tháng 12 năm ngoái, theo Business Korea, Bộ Sách lược và tài chính nước này đã ra lệnh cho 12 tập đoàn nợ nần nhiều nhất, trong đó có Tập đoàn điện lực Korea Electric Power Corp., Tập đoàn dầu hỏa Korea National Oil Corp... phải bán bớt tài sản, ngừng phát hành thêm trái phiếu...

Còn các tập đoàn nào không có cơ may “sống sót” như Korea Coal Corporation (than đá), Korea Gas Corp (khí đốt), tập đoàn thủy điện và điện hạt nhân, vốn hoạt động không cạnh tranh lại tư nhân, thì hoặc đóng cửa hoặc sáp nhập. 

Nhận lệnh hôm 11-12-2013, Tập đoàn Hyundai hôm 23-12 công bố ngay quyết tâm: “Bán mọi thứ gì lấy tiền mặt được”. Đầu tiên là rút khỏi lĩnh vực tài chính, và tất nhiên là giảm biên chế.

Đến ngày 11-3 năm nay, công ty “con” Hyundai Merchant Marine “mở cửa” đón hai nhà đầu tư nước ngoài, nhận 200 tỉ won (187,8 triệu USD). Đến ngày 2-5-2014, Hyundai bán luôn công ty kinh doanh khí hóa lỏng. 

Từ khủng hoảng lần thứ nhất năm 1997 đến khủng hoảng lần thứ nhì năm 2008, chính phủ luôn hoặc bỏ tiền ra “giải cứu” như vào năm 1997 hoặc nay buộc các tập đoàn phải tự “giảm béo”, đồng thời chủ trương tăng an sinh xã hội như một bù đắp chung cho mọi người, trong đó có cả số “giảm biên chế” về vườn cầm lương hưu sau khi bị giải nhiệm. 

Trên trang web của Đảng Saenuri hiện còn đăng các hứa hẹn tranh cử địa phương năm 2014, tỉ như: 

Chích ngừa miễn phí cho người trên 65 tuổi. Chính sách “Nhà ở hạnh phúc” cho nhóm dân số nghèo nhất bằng cách trợ giá mua nhà chỉ khoảng 60-80% giá thị trường (mục tiêu là 970.000 hộ, trước mắt đến năm 2017 là 140.000 căn), tăng số căn hộ nhà nước cho thuê (phải đạt 500.000 căn hộ vào năm 2017).

Thực hiện kiểm tra sức khỏe toàn quốc cho mọi bà mẹ tuổi từ 20-30. Lắp máy điều hòa nhiệt độ mọi trường lớp tiểu học, hỗ trợ hóa đơn tiền điện cho các trường tiểu học và trung học...

(*): Trong các nước OECD, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật tăng trưởng GDP quý 1-2014 cao nhất, 1,7% và 1,6%. Úc tăng 1,1%, Hàn Quốc tăng 0,9%, Đức và Anh cùng tăng 0,8%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận