Ebola: Mỹ lo ngại, Tây Phi bớt run

HỮU NGHỊ 24/10/2014 23:10 GMT+7

TTCT - Vào lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức loan báo dịch Ebola đã được chế ngự ở Senegal và Nigeria, thì tại Mỹ dân tình chưa hết “phát sốt”, đến nỗi CBS News bực quá chạy tít “Nỗi kinh sợ Ebola lan nhanh tại Mỹ hơn chính bệnh dịch đó nhiều!”.

Nhóm 30 binh sĩ Mỹ lên chiếc Air Force C-17 tại sân bay quốc tế ở Dakar (Senegal) để bay đến Liberia trong nỗ lực chống lây lan virút Ebola - Ảnh: Reuters
Nhóm 30 binh sĩ Mỹ lên chiếc Air Force C-17 tại sân bay quốc tế ở Dakar (Senegal) để bay đến Liberia trong nỗ lực chống lây lan virút Ebola - Ảnh: Reuters
Do cố gắng truyền thông cho công chúng nhanh chóng và minh bạch, chúng tôi đã vô tình cung cấp một số thông tin không chính xác sau đó cần phải được chỉnh sửa lại... 
Bác sĩ Daniel Varga (người phụ trách chỉ đạo tuyến các bệnh viện bang Texas)

Báo chí Mỹ mấy tháng nay luôn kèm theo cuối mỗi tin, bài về dịch Ebola chú giải rằng “đã có X người chết ở... trong dịch này”, vô hình trung mỗi ngày làm tăng nặng nỗi sợ hãi.

Cũng chính báo chí, khi khai thác quá đậm về cái chết của bệnh nhân Thomas Eric Duncan hôm 8-10 ở Bệnh viện Texas Health Presbyterian, đã làm dấy lên nỗi hoài nghi rằng y tế Mỹ không những không cứu chữa được bệnh nhân, mà còn để hai nữ y tá Nina Phạm và Amber Vinson trong nhóm chăm sóc đó bị lây nhiễm.

Tin tức tô đậm về việc cô Amber Vinson sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Duncan lại đã có thể khơi khơi bay từ Dallas đi Ohio hôm 10-10 rồi bay về hôm 13-10, sau đó mới báo bị sốt và bị cách ly vì nhiễm Ebola càng khiến người ta lo sợ rằng hệ thống phòng chống và cảnh báo dịch có lỗ thủng. 

Mới thứ năm tuần trước, CNN còn chạy tít “Không có gì làm chậm Ebola lại được cho đến lúc này, nhưng các văcxin thì hứa hẹn”.

Vậy mà thứ hai đầu tuần này, CNN đổi giọng phê phán: “Trong khi mối đe dọa của Ebola là có thực ở châu Phi thì cơn sợ hãi hoang tưởng dấy lên tại Mỹ là không có thực. Số ca ghi nhận được ở Mỹ chỉ có thể đếm trên số ngón hai bàn tay mà còn thừa tới hai ngón... Ebola gì! Sợ Ebola (Fearbola) thì có”!

CDC tự biện hộ! 

Trong mớ bòng bong dư luận đó của tuần trước, hôm thứ sáu 17-10 Trung tâm Phòng ngừa dịch tễ quốc gia Mỹ (CDC) phân trần trên website của mình rằng bệnh nhân tử vong Duncan khi rời Liberia lên máy bay đến Dallas không có triệu chứng gì.

CDC nhấn mạnh rằng “Ebola có thể được lan từ một người bị nhiễm chỉ khi nào người đó bị ốm có sốt cùng các triệu chứng khác”, và rằng chỉ khoảng bốn ngày sau khi tới Mỹ, các triệu chứng mới phát triển nơi bệnh nhân người Liberia kia.

Coi như CDC, vốn chỉ đạo các cơ quan khác, không có lỗi gì trong việc để cho bệnh nhân này nhập cảnh vào Mỹ, còn từ khi người này nhập viện, y tế Mỹ đã làm đúng quy định: cách ly bệnh nhân, y tế địa phương đã xác lập tất cả số người có tiếp xúc bệnh nhân này để theo dõi thường nhật trong suốt 21 ngày. 

Về vụ cô y tá Amber Vinson từ Dallas bay đi Ohio và bay về, CDC trấn an dư luận rằng hành khách bay trong nước Mỹ cực kỳ khó bị nhiễm virút Ebola, rằng nguy cơ chỉ là tối thiểu đối với những hành khách đáp chung máy bay với nhân viên y tế này.

Tuy nhiên do thận trọng, CDC đã làm việc với hãng hàng không để tiếp xúc các hành khách đi trên hai chuyến bay này. 

Chuyện hai nữ y tá bị lây nhiễm chưa dứt đã tiếp thêm chuyện một nữ nhân viên cùng làm chung Bệnh viện Texas Health Presbyterian và đang đi tàu du lịch của Hãng Carnival. Dù không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân quá cố Duncan, song có thể cô này đã xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của Duncan.

Biên phòng của Belize và Mexico đã cấm cô này lên bờ tham quan, cả tàu hốt hoảng. 4g30 sáng chủ nhật 19-10 tàu này về lại Galveston (Texas), lực lượng phòng duyên Mỹ đến lấy mẫu máu cô này đem đi xét nghiệm Ebola, may mắn là kết quả âm tính.

Song vẫn còn đó câu hỏi: Nếu kết quả dương tính thì trên con tàu lênh đênh cả tuần ngoài khơi đó sẽ có bao nhiêu trường hợp lây nhiễm theo? Chuyện này càng thêm mắm thêm muối cho những bắt bẻ chính quyền Obama.

Cho đến trước tuần rồi, chính phủ của ông Barack Obama vẫn còn đang “gióng trống, phất cờ” chống đại dịch Ebola. Thứ tư tuần rồi, Bộ Quốc phòng Mỹ loan tin thêm 100 binh sĩ Mỹ tăng viện đã đến Liberia, nâng tổng số binh sĩ Mỹ chống dịch Ebola tại Tây Phi hiện nay lên đến 565 người.

Theo kế hoạch, đến tháng 11 sẽ triển khai xong 17.000 giường bệnh tại các trung tâm điều trị bệnh nhân Ebola. Toàn bộ chi phí ước tính khoảng 750 triệu USD trong sáu tháng đầu.

Tất nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thận trọng nêu rõ rằng chỉ có ba kỹ thuật viên làm việc tại ba phòng xét nghiệm lưu động hiện thời, là những binh sĩ có tiếp xúc trực tiếp với các bệnh phẩm Ebola.

Đảng Cộng hòa không thể khoanh tay trước tình thế “trời cho”: cắt ngân sách chính quyền Obama đóng cửa bộ máy liên bang còn được, huống hồ giờ đây dịch Ebola đã đổ vô nước Mỹ!

Thứ năm tuần rồi, phân ban giám sát và điều tra thuộc tiểu ban năng lượng và thương mại (1) của Hạ viện trong tay Đảng Cộng hòa đã triệu tập một buổi chất vấn các viên chức liên quan đến “vai trò cùng các nỗ lực của các cơ quan y tế công cộng Mỹ nhằm ngăn ngừa việc lan dịch Ebola trong nước Mỹ”.

Tờ The Hill chuyên đưa tin về Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol chạy tít: “Các ứng cử viên Thượng viện tạm dừng vận động tranh cử để về nghe điều trần về Ebola”! 

Không lạ lùng khi các lời khai ở buổi chất vấn đó được nhấn mạnh trên báo chí cuối tuần trước, cùng lúc với những xúc xiểm mang tính đảng phái.

Tờ Huffington Post, bênh ông Obama, cảnh báo “trò mị dân nguy hiểm của Đảng Cộng hòa về Ebola”, tờ Washington Post cự lại ngay: “Thật phi lý khi cáo buộc rằng chỉ Đảng Cộng hòa mới phải bị trách do đã cắt ngân sách nghiên cứu Ebola!”. 

Những sai lầm chưa có câu trả lời

Trước phân ban giám sát và điều tra, giám đốc CDC Thomas R. Frieden phải thừa nhận đã có những khe hở ở Bệnh viện Texas Health Presbyterian: “Chúng tôi hiện đang theo dõi chặt chẽ các nhân viên y tế khác trong nhóm chăm sóc bệnh nhân tử vong Duncan, do lẽ giờ đây chúng tôi có lý do để tin rằng họ đã có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn”.

Thậm chí bác sĩ Daniel Varga, người phụ trách chỉ đạo tuyến các bệnh viện bang Texas (trong đó có Bệnh viện Texas Health Presbyterian), đã tự phê:

“Chúng tôi đã có sai sót. Chúng tôi đã không chẩn đoán chính xác rằng các triệu chứng của bệnh nhân đó là những triệu chứng của Ebola... Cũng thế, do cố gắng truyền thông cho công chúng nhanh chóng và minh bạch, chúng tôi đã vô tình cung cấp một số thông tin không chính xác sau đó cần phải được chỉnh sửa lại...”. 

Song hai lỗi vừa tự thú đó vẫn chưa phải là cốt lõi của vấn đề, khi người ta vẫn chưa biết chính xác làm thế nào và vào lúc nào cô y tá Nina Phạm bị nhiễm, dù cô đã sử dụng mọi biện pháp bảo vệ theo đúng phác đồ của CDC.

May mắn thay, đúng vào lúc đang hốt hoảng cao độ thì có được những thông tin của WHO. Theo đó, Senegal đã chính thức thoát khỏi Ebola từ 17-10, và đến ngày 20-10 Nigeria cũng được WHO tuyên bố ra khỏi dịch bệnh chết người này sau 42 ngày không xuất hiện ca nhiễm bệnh mới nào tại quốc gia này.

Dẫu sao, trong câu chuyện này các nước còn lại có thể đọc kỹ các bản báo cáo của các viên chức Mỹ đầu ngành trong cuộc chất vấn nêu trên, nhất là từ CDC, Viện Bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia (NIAID)... để tìm hiểu xem đâu là những gì cần tránh, những gì cần làm.

(1): Hearing on “Examining the U.S. Public Health Response to the Ebola Outbreak,” Subcommittee on Oversight and Investigations (October 16, 2014).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận