​ĐI QUA MỘT NĂM CHIẾN TRANH THÔNG TIN

Phan Xuân Loan 23/02/2015 01:02 GMT+7

Thế giới đã đi qua năm 2014 với nhiều biến động. Đặc biệt, chiến tranh thông tin liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine giữa Nga với các nước phương Tây ngày càng ác liệt.

Sinh viên Ukraine trong thông điệp video kêu gọi sinh viên Nga hãy “kiểm chứng những gì tai nghe, nghi ngờ những gì mắt thấy”. Ảnh: YouTube

Chiến tranh thông tin không mới. Định nghĩa về nó trên từ điển mở Wikipedia tiếng Anh viết: “Thuật ngữ Chiến tranh thông tin (IW) khởi đầu là một quan điểm quân sự Mỹ liên quan đến việc sử dụng và quản trị công nghệ thông tin truyền thông để giành lợi thế trước đối thủ.

Nó bao gồm việc thu thập thông tin chiến thuật, bảo đảm một trong những thông tin này là đúng; phát tán các tuyên truyền và thông tin sai lạc để làm nản lòng hay thao túng kẻ thù và công chúng, phá hoại chất lượng của thông tin đối phương và khắc chế các cơ hội thu thập thông tin của đối phương”.

Dựa trên định nghĩa này thì năm 2014 có quá nhiều thí dụ về việc “phát tán...thông tin sai lạc để làm nản lòng hay thao túng kẻ thù”. Như trong sự cố máy bay MH17 bị bắn rơi trên vùng trời đông Ukraine hồi tháng 7-2014 đã có bao nhiêu hình ảnh, video clip xuất hiện để chứng minh phe thân Nga hay các binh sĩ Ukraine bắn hạ. Ngay cả những kênh trung ương cũng “mắc bẫy”, như kênh 1 truyền hình Nga hồi tháng 11 đã phát đi những thông tin họ cho là “hình ảnh vệ tinh chấn động về việc máy bay Ukraine bắn hạ MH17” mà sau đó bị chứng minh là giả.

Trước đó, nhà báo Jim Clancy của CNN cũng đăng một video hồi tháng 5 về các dân quân chống Kiev bắn rơi máy bay ở Donestk. Đoạn video này về sau được chứng minh là quay ở... Syria! Có thể liệt kê không ít sự cố báo chí này trong năm qua do thiếu kiểm chứng, xác minh những thông tin trôi nổi mà không rõ “ai đó”, nhưng với những mục đích quá rõ, đã tung lên Internet.

Chiến tranh “trực diện”

Cuộc chiến thông tin 2014 không chỉ gói trong những “cái bẫy” nêu trên. Nó còn đi xa hơn trong các cáo buộc trực tiếp lẫn nhau giữa các phương tiện truyền thông hai phía.

Điển hình nhất là cuộc đối thoại nảy lửa giữa nhà báo kỳ cựu của CNN Christiane Amanpour với người dẫn chương trình “In the now” của RT Anissa Naouai (1). Hôm 24-11, nhà báo Christiane Amanpour đã mời chính khách đối lập Nga, cựu thủ tướng Mikhail Kasyanov và nhà báo Anissa Naouai (quốc tịch Mỹ, làm việc cho kênh RT ở Mỹ) đến CNN tranh luận về đề tài “cuộc chiến tuyên truyền nóng của chính quyền Nga”. Anissa Naouai đã đáp trả Christiane Amanpour không chút nhân nhượng quanh những cáo buộc RT đưa tin một chiều về Ukraine, về việc điện Kremlin hạn chế CNN làm việc ở Nga, quanh việc chính quyền và báo chí Nga có thổi phồng không khi gọi chính quyền Kiev hiện nay là “dân tộc”, “tân phát xít”...

Trả lời câu hỏi cuối của nhà báo Christiane Amanpour “có lành mạnh không cho một xã hội chỉ ăn kiêng với (thông tin) một phía?”, Anissa Naouai khẳng định RT luôn đưa thông tin nhiều phía, điều nhà báo Amanpour có thể dễ dàng kiểm chứng. Không chỉ thế, Anissa Naouai còn “đập” lại: “Thật lố bịch khi câu hỏi này được đặt ra bởi một người 15 năm tuyên truyền cho đường lối của Bộ Ngoại giao Mỹ”, và dẫn chứng trên những sản phẩm của Christiane Amanpour từ Nam Tư đến Iraq, Syria...

Đối thoại chấm dứt ở đó bằng nỗi thất vọng của nhà báo CNN Christiane Amanpour: “Tôi tưởng chúng ta có thể có một cuộc trò chuyện người lớn. Nhưng không thể!”. Bình luận về cuộc “đốp chát” này, một tờ báo Lebanon kết luận nhà báo huyền thoại của CNN Amanpour đã “bị bầm giập và đánh bại” (2)!

Không chỉ CNN, kênh truyền thông Anh BBC cũng có “ân oán” với RT. Đó là trong một phỏng vấn nhà báo RT Afshin Rattansi trên BBC hôm 8-1-2015, nhà báo BBC Andrew Neil đã chỉ trích “nghiệp vụ kém cỏi” của RT khi đài này lại để một nhà báo phỏng vấn trực tiếp cha mình trên sóng RT, mà Neil nêu đó là trường hợp của nhà báo Anastasia Churkina với cha mình là đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Anatoli Churkin. (Thực tế là con gái của Churkin chưa bao giờ phỏng vấn cha mình “trong bất kỳ hình thức nào”, theo RT). RT đã yêu cầu BBC xin lỗi và rút lại bịa đặt này. Ngày 16-1-2015, BBC đã phải thực hiện động thái đính chính và công khai xin lỗi (3).

Một vài tờ báo Anh cũng “soi” RT khá kỹ. Nhà báo Ireland Bryan McDonald trên website RT ngày 13-1 thống kê: chỉ trong hai tháng của năm 2014, trên tờ Guardian đã có 13 bài báo, hoặc một phần hoặc hoàn toàn, nói về kênh RT. Trong đó có thông tin sai sự thật, theo McDonald.

Chính quyền vào cuộc

Cuộc chiến thông tin càng nghiêm trọng hơn với bóng dáng của chính quyền phía sau những diễn biến này.

Ngày 31-12-2014, kênh truyền hình cáp Mỹ CNN đã ngưng phát sóng ở Nga. Lý do được nêu, theo người đứng đầu Cơ quan Giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor A. Zharov, là do một đạo luật mới ở Nga.

Theo đó, đến năm 2016, Nga sẽ hạn chế vốn nước ngoài trong các phương tiện truyền thông có chủ sở hữu nước ngoài xuống chỉ còn 20%. CNN phải tạm dừng phát sóng để chuẩn hóa lại các điều kiện làm việc theo luật mới này. Ngày 27-1-2015, Roskomnadzor cho biết đang cùng CNN “đàm phán nối lại việc phát sóng”, theo một bản tin trên tờ Báo Nga. (Dĩ nhiên là có không ít đồn đoán không thể kiểm chứng cho rằng đây chẳng qua là cách CNN bị “trả đũa” do đòn cấm vận của Mỹ và phương Tây đánh vào Nga).

Trong khi đó ở châu Âu, hôm 10-11 Cơ quan Giám sát truyền thông Anh (Ofcom) đã triệu đại diện RT tại London lên gặp và dọa sẽ trừng phạt theo quy định do RT đã “thiên vị và không công bằng” khi “dành ít thời gian đưa quan điểm của chính phủ lâm thời Ukraine trong khi dành nhiều sóng hơn cho đối thủ của họ (tức cho Matxcơva)”. Các mức trừng phạt sẽ dao động từ phạt tiền tới rút giấy phép, đóng cửa.

Trong một sự kiện khác, khi đưa tin về sự cố máy bay MH17 trong bốn ngày từ 17 đến 22-7, RT bị tố cáo thiên vị. Ofcom đã bắt RT trình 30 giờ video các bản tin này để xem xét. Cuối cùng, Ofcom kết luận “không phát hiện có vi phạm nào” của RT theo các cáo buộc trên (4)!

Mới đây, trong một trả lời phỏng vấn trên The New York Times ngày 22-1, tân chủ tịch Hội đồng giám sát truyền thông Mỹ (Broadcasting Board of Governors - BBG) Andrew Lack đã gây bão trên báo chí Nga khi gọi kênh RT là một “thách thức” cùng loại với “nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm khủng bố Boko Haram” (5). RT đã gửi thư tới NY Times, BBG, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu giải thích, gọi đây là “một xìcăngđan quốc tế” khi đặt kênh RT ngang với những tổ chức khủng bố.

Và hứa hẹn “ác liệt” 2015

Cũng theo bài báo NY Times nói trên, BBG vốn là một cơ quan có nhiệm vụ giám sát độc lập tất cả phương tiện truyền thông Mỹ do nhà nước tài trợ (như VOA, Đài phát thanh châu Âu tự do, Đài phát thanh châu Á tự do...). Ngân sách 2014 của BBG là 733 triệu USD.

Trước khi Andrew Lack được giao về chấn chỉnh cơ quan này, BBG chỉ mới hoàn thành nhiệm vụ như một cơ quan điều phối các chương trình phát sóng chứ chưa làm được việc “chống lại các quan điểm thù địch và nghi ngờ về người Mỹ ngày càng tăng ở nước ngoài, cụ thể là từ Trung Quốc và Nga trong cao điểm chiến tranh thông tin”, theo NY Times. Nay, với sự cầm trịch của cựu chủ tịch NBC News, bài báo tin Andrew Lack sẽ tạo nên “một biển thay đổi” ở BBG.

Ông Andrew Lack vừa nhận chức chủ tịch Hội đồng giám sát truyền thông Mỹ, hứa sẽ mang lại “một biển thay đổi” trong việc đối phó với thông tin chống lại Mỹ - Ảnh: Reuters

Từ phía Nga, bên cạnh kênh RT với ngân sách 2014 là 291 triệu USD, phát sóng đi hơn 100 nước và có lượng khán giả hơn 700 triệu, tháng 11-2014 Nga đã đưa thêm Sputnik International vào hoạt động.

Sputnik International sở hữu một trang tin và đài phát thanh tiếng Anh, thay thế RIA Novosti và Đài Tiếng nói nước Nga. Dự kiến năm 2015 Sputnik sẽ phát tới 30 thứ tiếng đi 130 thành phố ở 34 nước. Từ Trung Quốc, bài báo NY Times cũng nhấn mạnh Trung Quốc đang mở rộng mạng lưới truyền thông, mà Đài truyền hình trung ương (CCTV) hiện đã có tới 70 văn phòng quốc tế, một số nằm ở những nơi mà “Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng”.

Đặc biệt, trong cuộc chiến thông tin hiện nay, “tham chiến” không chỉ có những lực lượng quy ước. Ngày 28-1 vừa rồi, Bộ trưởng Chính sách thông tin Ukraine Yuri Stets tuyên bố kế hoạch lập một “đội quân Internet” - một trung tâm điều phối các blogger - để chống lại những “binh đoàn Internet” của Nga (6).

Cùng ngày các sinh viên Kiev cũng đã gửi tới các sinh viên Nga một thông điệp video, kêu gọi giới trẻ Nga “vén bức màn thông tin, kiểm chứng những gì tai nghe, nghi ngờ những gì mắt thấy...”, “đừng để bị xả rác trong đầu bằng những tin giả và sai lệch”, “hãy thông minh và trong sạch hơn những trò chơi chính trị”...(7).

Những diễn biến này cho phép khẳng định: cuộc chiến thông tin 2015 sẽ chỉ có thể gay cấn hơn, thậm chí ác liệt hơn!

DÂN CHỦ NỞ HOA KHÔNG LÂU...

(Trích bài viết của tổng biên tập kênh RT Margarita Simonyan trên website RT hôm 8-12-2014, sau khi đến gặp tổng biên tập WikiLeaks Julian Assange đang lánh nạn chính trị trong Đại sứ quán Ecuador ở London).

“Tuần trước tôi đến gặp Assange ở đại sứ quán. Cuộc trò chuyện đương nhiên là mật. Vì vậy tôi chỉ viết lại những gì Assange đề nghị tôi công bố. Khi chưa quá muộn.

Assange kể tôi nghe chuyện đóng cửa kênh truyền hình người Kurd ở Đan Mạch. Chuyện này ông ta biết được nhờ nắm trong tay những thông tin ngoại giao cũng như những câu chuyện chấn động khác đã khiến ông nổi tiếng...

...Kênh truyền hình người Kurd phát ở Đan Mạch bởi ở những nơi khác, phù hợp hơn để đặt đài truyền hình Kurd, người ta không cho thành lập. Truyền hình này phát sóng cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ không thích chút nào. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắn tiếng và thậm chí nói thẳng với đồng minh của họ ở NATO - Đan Mạch - là tốt nhất nên đóng cửa đài này dưới một cái cớ tốt đẹp nào đó. Nhưng Đan Mạch trả lời rằng không có nguyên cớ nào, họ đã kiểm tra nhiều lần, đài này không tuyên truyền khủng bố và nói chung thì đại loại là chúng tôi dân chủ.

Nhưng dân chủ nở hoa không lâu. Cho đến khi... ngài Thủ tướng Rasmussen chưa trở thành ứng viên tổng thư ký NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn cửa ứng viên của ông ta vì cái đài người Kurd bất hạnh đó. Những ông lớn bèn họp và quyết định: số phận một kênh truyền hình, hơi thở trong lành duy nhất của cả một dân tộc là cái giá không lớn lắm so với cái chức tổng thư ký NATO. Và họ quyết định ngay lập tức tìm cho ra các dấu hiệu của chủ nghĩa cực đoan (trên kênh truyền hình người Kurd).

Nhưng họ không tìm thấy chủ nghĩa cực đoan, chỉ thấy vài điều xấu xí nào đó khác. Trong tay WikiLeaks có một ghi chép mật trong đó chính ông Barack Obama đề nghị giải quyết vấn đề người Kurd “một cách sáng tạo”. Để thế giới văn minh không bị cáo buộc là bóp nghẹt tự do ngôn luận. Và mọi việc đã được làm như thế.

“Họ cũng sẽ làm thế với các vị”. Assange nói với tôi. Và tôi sẽ kể cho bạn với nỗi buồn rằng tôi không nghi ngờ điều đó chút nào. Tôi chưa kịp rời khỏi London, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết, nơi... có chỉ thị trực tiếp về việc xác định ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng Nga ở châu Âu và phối hợp “các biện pháp đối phó từ phía các chính quyền địa phương”.

Nói cách khác, nhà chức trách Mỹ sẽ gây áp lực trên toàn châu Âu để người ta xua đuổi chúng tôi. Điều đó đang diễn ra. Trong năm qua chúng tôi đã cùng lúc phải trải qua nhiều xu hướng không phải là dễ chịu nhất...

...Không được mang điện thoại vào đại sứ quán, tôi để lại ở chỗ người bảo vệ - một bác lớn tuổi và hiếu kỳ ngồi trước cửa căn nhà đặt đại sứ quán. Khi tôi bước ra, ông làm điệu trêu tôi, bảo này cô, tôi chỉ trả điện thoại khi cô cười thôi. Tôi cười, và ông trả điện thoại kèm câu hỏi tôi làm nghề gì, dĩ nhiên là ông cũng thú vị muốn biết ai đang đến gặp Assange.

- Bác có xem kênh truyền hình RT không? Tôi là tổng biên tập - tôi đáp.

Và tôi không nói đùa, người bảo vệ thay đổi nét mặt, nhảy khỏi ghế.

- Thật không? Chẳng lẽ?! Không, tôi không tin?! Sao, thật à? - ông lặp đi lặp lại, ngay lập tức không còn vẻ điệu đàng.

Tôi đưa ông tấm danh thiếp, ông yêu cầu tôi ký tên vào đó vì nếu không “ở nhà tôi không ai tin là tôi nói chuyện với sếp RT”. Thì ra ông cùng gia đình xem truyền hình RT mỗi ngày vì nếu không “chúng tôi sẽ không biết chuyện gì thật sự đang xảy ra trên thế giới, như những con lừa đang chỉ xem BBC ấy”.

Tôi nói tất cả chuyện này để làm gì? Để chuẩn bị cho điều mà các bạn sẽ không chờ đợi..."

(Nguồn: http://russian.rt.com/article/63434)

Nguồn:

(1): amanpour.blogs.cnn.com/2014/11/21/full-transcript-mikhail-kasyanov-and-anissa-naouai/

(2): en.annahar.com/article/192673-cnn-legend-left-bruised-and-defeated-wheated-when-accused-of-shocking-bias-by-rt

(3): rt.com/op-edge/223487-bbc-apologizes-rt-reporter/

(4): russian.rt.com/article/70183

(5): www.nytimes.com/2015/01/22/us/broadcasting-board-of-governors-names-chief-executive.html?_r=0

(6) www.newsru.com/world/28jan2015/internetarmy.html

(7): www.youtube.com/watch?x-yt-cl=84838260&x-yt-ts=1422327029&v=jA4uUZgDi6g

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận