​Giải mã tư tưởng Lý Quang Diệu

GIÁP VĂN DƯƠNG 28/03/2015 20:03 GMT+7

Ngày 1-6-2010, tôi lần đầu đến Singapore để bắt đầu hành trình mới: đến đây để làm việc. Theo tôi là cả một gia đình, vì thế tôi có chút hồi hộp, tất nhiên cả băn khoăn liệu mảnh đất này có phù hợp với cuộc sống mới của gia đình mình?

Họa sĩ 20 tuổi Ong Yi Teck dành 15 giờ vẽ chân dung ông Lý Quang Diệu với các đường nét được tạo ra bằng cách viết hàng ngàn lần tên của ông - Ảnh: channelasia.com

Trên đường từ sân bay Changi về NUS (ĐHQG Singapore), tôi thật sự ấn tượng bởi cây cối và cảnh quan hai bên đường. Ai đó nói chỉ nhìn cách người ta đối xử với động vật là biết xã hội đó văn minh đến nhường nào thì với tôi, chỉ cần nhìn vào cách người ta đối xử với cây cối ven đường cũng biết chính quyền sở tại tốt đến mức nào.

Lý do của nhận định này rất đơn giản: Việc đối xử tốt với động vật và thú cưng chịu ảnh hưởng nhiều bởi hành vi của các cá nhân, vì chúng thường sống chung với người. Còn với cây cối ngoài đường, do thiếu vắng mối liên hệ thân thuộc như thú cưng trong nhà thì chỉ chính quyền mới có khả năng quan tâm và chăm chút cho chúng.

Đó chính là một thước đo mức độ tốt xấu và hiệu quả trong hoạt động của chính quyền.

Một ngày sau, chúng tôi đi mua sắm để ổn định cuộc sống mới. Tôi quan sát người dân Singapore trong không gian sống thật sự của họ: siêu thị, cửa hàng và đặc biệt tại các khu ăn uống bình dân lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Quan sát cách họ nói chuyện và làm việc hơi ồn ào và thiếu phong cách riêng.

Cảm nghĩ tức thời lúc ấy của tôi là sự trưởng thành về văn hóa chưa bằng sự trưởng thành về kinh tế của đất nước này. Sự trưởng thành ấy, là cảm giác đồng nhất về văn hóa của một dân tộc không đậm đặc như ở những nơi tôi đã đi qua.

Tôi luôn cảm nhận được bản sắc đặc trưng này khi ở Việt Nam hoặc đến làm việc tại các nơi khác, nhưng ở Singapore thì không. Tôi chợt hiểu điều này là hiển nhiên vì cho đến lúc đó, Singapore mới 45 tuổi.

Bắt đầu từ lúc đó, tôi để tâm đến việc tìm hiểu bí quyết của Singapore, đặc biệt là bí quyết lãnh đạo của người lập quốc Lý Quang Diệu. Việc này không dễ chút nào, vì nó không chỉ đòi hỏi những quan sát mà còn phải có trải nghiệm thực tế. Sau một thời gian sống và làm việc tại Singapore, tôi bắt đầu hiểu ra nhiều điều có tính cách nền tảng cho sự phát triển của đất nước này.

Lần theo dấu vết đó, tôi nhận ra: chúng phần lớn bắt nguồn từ chính ông Lý Quang Diệu.

Sức mạnh ở con người

Ông Lý Quang Diệu trong một bài phỏng vấn năm 2007 đã thổ lộ: Ngay từ lúc khai sinh, Singapore được cho là không nên tồn tại và không thể tồn tại. Lý do là Singapore thiếu vắng các yếu tố cơ bản nhất để hình thành một quốc gia, đó là: một dân số đồng nhất, một ngôn ngữ chung, một văn hóa chung và một vận mệnh chung.

Singapore thuở ban đầu chỉ là một làng chài và một cảng biển nhỏ. Tài nguyên thiên nhiên không có. Nông nghiệp không có. Điện và nước cũng không thể tự túc và luôn trong tình trạng bị nước láng giềng Malaysia đe dọa cắt điện, cắt nước.

Nhưng ông Lý Quang Diệu đã nhận ra một điều: tài nguyên quan trọng nhất và duy nhất của Singapore là con người. Từ đó, ông xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài, bất kể nguồn gốc xuất thân, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính. Trong một phát biểu năm 1966, ông nói: “Trao cơ hội bình đẳng cho mọi người bất chấp địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, chúng ta có thể khai thác được những điều tốt đẹp nhất từ người dân”.

Chính sách trọng dụng nhân tài này đã phát triển thành hệ tư tưởng quốc gia của Singapore. Nó giữ vai trò chi phối trong việc tuyển dụng công chức, ban hành cũng như thực thi các chính sách phát triển lớn.

Nếu phải gọi tên ý thức hệ chủ đạo của Singapore là gì thì không sợ sai lầm khi nói rằng đó là: Trọng dụng nhân tài.

Chính vì thế mà ngay cả sau khi ông Lý Quang Diệu đã rút lui khỏi vị trí thủ tướng, chính sách trọng dụng nhân tài vẫn được Singapore triển khai rộng rãi và rốt ráo.

Có thể nêu ra hai ví dụ điển hình trong những năm gần đây, đó là: chính sách cấp học bổng cho các sinh viên Singapore xuất sắc đi học và nghiên cứu ở các đại học nổi tiếng trên thế giới và chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài về khoa học - công nghệ đến làm việc tại Singapore, thông qua nhiều ưu đãi đặc biệt như tăng thêm 18% lương và hỗ trợ nhà ở trong ba năm cho người nước ngoài đến làm việc tại các viện nghiên cứu trọng điểm.

Chiến lược thu hút nhân tài này trong những năm gần đây còn mở rộng xuống bậc học phổ thông, khi Singapore liên tục đi săn lùng và cấp học bổng cho các học sinh xuất sắc trong khu vực đến Singapore học tập, tất nhiên với điều kiện sau khi ra trường phải làm việc một số năm nhất định tại đất nước này.

Trong số các học sinh này, có một phần là các học sinh xuất sắc của Việt Nam.

Nhưng người tài là gì? Đặc điểm lớn nhất của người tài và là tiêu chuẩn để phân biệt người tài với các loại chuyên gia giả danh khác, là kết quả của công việc. Chính kết quả thực tiễn của công việc mới là thước đo để đánh giá người tài, chứ không phải bằng cấp hoặc các phát biểu tầm chương trích cú.

Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ New York Times năm 2007, ông nói: “Chúng tôi không có ý thức hệ”. Ngạc nhiên thay, không có ý thức hệ lại chính là ý thức hệ của ông Lý Quang Diệu và của Singapore.

Ông giải thích đơn giản về việc không bị ràng buộc bởi ý thức hệ khi làm việc bằng cách đặt câu hỏi: “Cái này có được việc không? Nếu được việc thì hãy thử. Nếu thấy tốt thì cứ tiếp tục. Nếu không thì xé bỏ, thử cái khác”.

Cách tiếp cận của ông tất yếu dẫn đến tư tưởng thực dụng trong điều hành đất nước. Nhiều người không thích tư tưởng thực dụng này và cho rằng nó thiếu lãng mạn, không đủ tầm vóc. Nhưng đây lại là sự thực dụng sáng suốt vì nó đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề.

Nó như thanh kiếm sắc cắt bỏ mọi rườm rà của lý luận để đến chỗ cần phải đến, làm việc cần phải làm, đó là mục tiêu duy nhất và xuyên suốt: phát triển Singapore.

Nhờ đó, chỉ sau bốn thập kỷ, Singapore đã từ một làng chài vươn mình trở thành một trong những đất nước phát triển, an toàn và sạch sẽ nhất thế giới.

Cốt tủy là sự trung thực

Trọng dụng nhân tài là tư tưởng chủ đạo của Lý Quang Diệu. Nhưng thế nào là trọng dụng nhân tài?

Trọng dụng nhân tài không đơn thuần là trả lương cao, dù trên thực tế đây là một yếu tố cốt yếu, khi Singapore trả lương cho đội ngũ công chức, đặc biệt là các lãnh đạo hàng bộ trưởng trở lên, mức lương vào hàng cao nhất thế giới.

Trọng dụng nhân tài cũng không đơn thuần là tạo môi trường tốt để nhân tài làm việc. Rất nhiều nơi đã làm như thế. Họ thậm chí còn dùng các mỹ từ như “trải thảm đỏ để đón nhân tài”, nhưng không ở đâu thành công như ở Singapore. Nhiều khi còn bị phản tác dụng, nhân tài bỏ đi vì những va chạm thực tế thường khắc nghiệt hơn mộng tưởng của hai phía.

Hai cách trọng dụng nhân tài trên đây có tính cách nửa vời, vì hiệu quả nằm ở sự hài lòng và trách nhiệm tự giác của phía người được trọng dụng. Nói theo cách dân dã, chính phủ không “nắm đằng chuôi” trong phi vụ “trọng dụng nhân tài” này.

Cách trọng dụng nhân tài của ông Lý Quang Diệu rất đặc biệt và rất hiệu quả vì mang tính khoa học và có hệ thống, cũng không phụ thuộc vào cảm xúc và trách nhiệm của người được trọng dụng. Nó làm một cỗ máy vận hành trơn tru dựa trên cơ sở của lý tính chứ không phải cảm xúc hay nhiệt huyết nhất thời của cả hai phía.

Cách làm của ông Lý Quang Diệu là nhìn thấu bản chất của các tương tác xã hội và cách thức vận hành của hệ thống, từ đó chọn ra một đặc tính trọng yếu nhất làm nền tảng, rồi phát triển thành cơ chế để vận hành cả hệ thống và văn hóa cho toàn xã hội.

Bất cứ người tài nào cũng phải có và quan trọng hơn là phải hành xử dựa trên đặc tính này. Nếu không, anh ta sẽ bị loại ra khỏi hệ thống để nhường chỗ cho người khác.

Vậy đặc tính đó là gì mà quan trọng đến vậy?

Thật thú vị, câu trả lời lại hiển nhiên đến mức hầu như mọi người đều biết. Đó đơn giản là: sự trung thực.

Từ sự trung thực của một cá nhân, ông Lý Quang Diệu đã mở rộng thành sự trung thực của cả một hệ thống. Thước đo của sự trung thực này chính là độ minh bạch trong cấu trúc và cơ chế vận hành của nó.

Vì thế, chính quyền do ông thiết kế không có chỗ cho sự dối trá nhập nhèm. Trong hệ thống đó, công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”.

Singapore như hiện tại là một địa chỉ sạch bóng tham nhũng trong một khu vực mà nạn tham nhũng rất phổ biến. Các thể chế đã được lập ra để giữ cho nó như vậy, ví dụ như văn phòng chống tham nhũng. Mọi người thăng tiến dựa trên năng lực của họ chứ không phải sắc tộc, ngôn ngữ hay tín ngưỡng của họ. Nếu chúng ta giữ vững được những thể chế này, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bộ. Đó là hi vọng lớn nhất của tôi.
Ông Lý Quang Diệu

Kết quả là ông Lý Quang Diệu có được một chính phủ trung thực, trong sạch và minh bạch nhất thế giới, làm đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của Singapore.

Sự trung thực cũng được ông Lý Quang Diệu phát triển thành văn hóa cho toàn dân Singapore. Chính vì thế, bên cạnh tư tưởng thực dụng và hài hòa dân tộc, sự trung thực được thừa nhận là một trong ba trụ cột phát triển của Singapore, là cơ sở để quản lý và điều hành xã hội. 

Chính tư tưởng trọng dụng nhân tài dựa trên sự trung thực này, cộng hưởng với việc đặt lợi ích của đất nước lên trên hết đã tạo ra người khổng lồ Lý Quang Diệu và câu chuyện thành công Singapore. Đây có lẽ là bài học lớn nhất mà ông để lại cho hậu thế, đặc biệt là cho những nước đi sau, trong đó có Việt Nam.  

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận