Philippines bầu tổng thống 

DANH ĐỨC 04/05/2016 22:05 GMT+7

TTCT - Thứ hai ngày 9-5 tới, cử tri Philippines sẽ đi bầu tổng thống, phó tổng thống cùng nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện... Ai sẽ kế vị Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino III? Chính sách về biển Tây Philippines sẽ thay đổi như thế nào?

Từ trái sang: ông Binay, bà Defensor Santiago, ông Duterte, bà Poe và ông Mar Roxas -atimes.com
Từ trái sang: ông Binay, bà Defensor Santiago, ông Duterte, bà Poe và ông Mar Roxas -atimes.com


Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 16 tại đất nước này, tính từ năm 1936. Tổng thống Aquino không được tái ứng cử do hiến pháp năm 1987 quy định tổng thống chỉ được làm một nhiệm kỳ sáu năm, hầu tránh khả năng xuất hiện những kẻ độc tài “lưu niên”.

Một đặc điểm khác của hệ thống bầu cử Philippines là bầu hai chức vụ tổng thống và phó tổng thống riêng rẽ chứ không liên danh, và ai nhiều phiếu nhất trong mỗi danh sách bầu sẽ chiến thắng. Thành ra, giữa tổng thống và phó tổng thống không cần thiết phải “hòa thuận” với nhau, trái lại có thể “khắc khẩu”, như trường hợp Tổng thống Aquino và Phó tổng thống Jejomar Binay, cả hai cùng sắp mãn nhiệm.

Tuy nhiên, phó tổng thống lại được ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, và ông Binay giờ đã ra tranh cử tổng thống. Do vậy, chức vụ phó tổng thống không hẳn là “hữu danh vô thực”, mà là một sự đầu tư để “chờ thời”. Cả hai chức danh tổng thống và phó tổng thống sẽ cùng nhậm chức vào ngày 30-6 tới và sẽ mãn nhiệm vào ngày đó sáu năm sau.

Một đặc điểm khác của hệ thống chính trị Philippines là đa đảng song lỏng lẻo, lỏng lẻo đến mức các chính khách có thể rời đảng này, nhảy sang đảng khác tùy ý, rồi được đảng kia... đề cử hoặc ra ứng cử độc lập. Ủy ban bầu cử (COMELEC) giám sát việc đăng ký ứng cử viên, có quyền bác bỏ việc đăng ký tranh cử của những ứng cử viên có khả năng gây phương hại quốc gia.

Việc kiểm phiếu được thực hiện từ các địa phương, cuối cùng lên đến Hạ viện. Tối cao pháp viện sẽ thụ lý các khiếu nại.

Mối thâm thù Binay - Aquino

Trong cuộc bầu cử năm 2010, nghị sĩ Benigno Aquino III của Đảng Tự do ra tranh cử với chiêu bài chống tham nhũng và đã chiến thắng nguyên tổng thống bị phế truất năm 2001 là cựu tài tử điện ảnh Joseph Estrada cùng các ứng cử viên khác.

Trong cuộc bầu cử đó, ứng viên phó tổng thống đứng chung với ông Joseph Estrada là ông Binay, thị trưởng thủ phủ tài chính Makati, thuộc Đảng Dân chủ, lại thắng ứng viên phó tổng thống đứng chung với ông Aquino là ông Mar Roxas cũng thuộc Đảng Tự do (cùng các ứng cử viên khác), nên lên làm phó cho ông Aquino để “chờ thời”.

Nay ông Binay ra tranh chức tổng thống cùng đối thủ cũ của mình là ông Mar Roxas.

Thật ra, hai nhân vật Binay và Mar Roxas từng tái tỉ thí trong cuộc bầu cử Thượng viện giữa nhiệm kỳ năm 2013, khi ông Binay liên minh cùng ông Estrada thành Liên minh thống nhất quốc gia (UNA) trong khi ông Roxas cùng Tổng thống đương nhiệm Aquino thành lập Liên minh Pnoy (tên rút ngắn gọi ông Aquino).

Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ đó nghiêng về phía liên minh Aquino-Roxas với 9 ghế Thượng viện, liên minh Binay-Estrada chỉ 3 ghế, trong một Thượng viện gồm 24 ghế.

Bên cạnh cuộc quyết đấu Binay - Roxas còn là cuộc đối đầu giữa ông Binay với Tổng thống Aquino. Ông Binay phản đối ông Aquino ra mặt trong mọi lĩnh vực.

Nội vụ càng gay gắt hơn từ khi chiến dịch chống tham ô công quỹ liên quan đến các nghị sĩ quốc hội nước này “tỉa” lần hồi các chính khách tên tuổi thân thiết với Phó tổng thống Binay, như các nghị sĩ Juan Ponce Enrile và Jinggoy Estrada!

Ngược lại, không một chính khách nào thuộc Đảng Tự do bị liên quan, khiến liên minh đối lập UNA, trong đó có ông Binay, cho rằng chiến dịch chống tham nhũng thật ra là một vụ “trấn áp chính trị”! Nội vụ không dừng ở đó, đến tháng 7-2014, chính ông Binay bị một cựu ứng viên thị trưởng thủ phủ Makati, từng bị ông Jejomar Binay Junior (tức Binay con) đánh bại ở chức vụ này, tố cáo hai cha con ông Binay là tham nhũng khi còn là thị trưởng Makati.

Đến tháng 5-2015, tòa đại hình ra phán quyết phong tỏa 242 tài khoản của ông Binay trong vòng 6 tháng. Ông Binay lại tố cáo mình bị Tổng thống Aquino “trấn áp”. Cuộc đụng độ nảy lửa Binay - Aquino sẽ là bối cảnh nền cho cuộc tranh cử lần này.

Cục diện tranh cử

Danh sách ứng viên tổng thống đầu tiên được Ủy ban bầu cử công bố hôm 21-1 gồm 8 người, song sau đó giảm còn 5 người, sau khi Ủy ban bầu cử phán quyết rằng ông Dante Valencia là một “ứng viên có khả năng gây phương hại”, và hai ứng cử viên khác rút lui.

Theo khoản 69 luật bầu cử Philippines, một người bị xem là “ứng cử viên có khả năng gây phương hại” nếu như Ủy ban bầu cử xét thấy người đó nộp đơn ứng cử nhằm [1] gây rối hay biến tiến trình bầu cử thành trò cười; [2] gây rối rắm cho cử tri do trùng tên với các ứng cử viên khác đã đăng ký trước đó; [3] không có ý định tranh cử rõ rệt.

Ứng cử viên Dante Valencia, 58 tuổi, tự khai là kỹ sư mạng, quả quyết đang nắm quyền thừa kế một tài sản khổng lồ trong các ngân hàng thế giới, một khi đắc cử sẽ rút ra để trang trải nợ nần cho đất nước Philippines, và còn dư để xóa nghèo cho dân chúng!

Một ứng cử viên “cỡ đó” bị phán quyết là “gây phương hại” là phải, và cũng là chuyện không hiếm thấy trong một số cuộc bầu cử tổng thống với mục đích khiến một số cử tri “không tập trung lắm” có thể thôi bỏ phiếu cho những nhân vật hàng đầu...

Cuối cùng danh sách tranh cử còn lại 5 người là Jejomar Binay (phó tổng thống), Miriam Defensor Santiago, Rodrigo R. Duterte, Grace Poe và Mar Roxas, đều là nghị sĩ, trừ ông Duterte là thị trưởng Davao.

Tối chủ nhật 24-4, 5 ứng viên tổng thống đối diện nhau trong vòng ba cuộc tranh luận bầu cử tại Đại học Pangasinan (thành phố Dagupan). Nội dung cuộc tranh luận truyền hình cuối cùng này tập trung vào tranh chấp trên biển Tây Philippines (Việt Nam gọi là Biển Đông) với Trung Quốc.

Trả lời một ngư dân từng bị tàu tuần duyên Trung Quốc húc đuổi, nữ nghị sĩ Grace Poe chủ trương ngoại giao là chính, song cũng tỏ rõ rằng “biển Tây không phải là hồ cá cảnh của riêng Trung Quốc” và rằng nếu đắc cử tổng thống, bà sẽ đảm bảo cho ngư dân Philippines được tự do đánh cá trong khu vực biển nhà mà không bị tàu bè Trung Quốc húc.

Bà cam kết sẽ cung cấp đủ tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines nhằm đáp ứng các ngư dân cần cứu viện. Bà cũng cam kết chính phủ sẽ cung cấp thiết bị thông tin cho ngư dân để họ có thể gọi cầu cứu lực lượng tuần duyên khi bị lấn áp bởi ngư dân nước khác. Bà Poe còn hứa cấp học bổng cho con các ngư dân cũng như tàu cá cho ai chưa có...

Bên cạnh đó, bà cho biết sẽ yêu cầu các đồng minh của Philippines chứng tỏ họ thật sự là bạn của Philippines: “Chúng ta có thể kêu gọi các đồng minh chi viện mà không để mất chủ quyền của chúng ta. Song, chúng ta phải đấu tranh cho lãnh thổ của chúng ta”.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Grace Poe tỏ thái độ về vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Ngày 11-6-2015, trong một diễn đàn tổ chức ở Manila, bà Poe đã tuyên bố:

Chúng ta thật sự cần tiếp tục vụ kiện. Cả Trung Quốc lẫn Philippines đều ký kết Công ước luật biển. Mặt khác, quan hệ với Trung Quốc của chúng ta cũng đã mấy thế kỷ rồi. Tôi nghĩ chúng ta nên nói chuyện song phương trong những lĩnh vực khác. Có nhiều việc khác cần quan tâm, như quan hệ kinh tế, viện trợ nhân đạo, trao đổi văn hóa”.

Trước mặt đại sứ Mỹ Philip Goldberg đang dự diễn đàn, bà nói:

Philippines không nên dựa vào Mỹ để tự vệ chống Trung Quốc. Tôi rất tiếc khi phải nói như thế, ngài đại sứ ạ. Tôi biết rằng Hoa Kỳ là đồng minh của chúng tôi, song chúng tôi đâu thể bắt lỗi họ được khi họ nghĩ đến lợi ích của họ. Khi đeo đuổi bất cứ cuộc xung đột nào, điều quan tâm đầu tiên mà ta cần suy tính là xem nội lực chúng ta có gì...

Liệu chúng ta có thể dựa vào Hoa Kỳ không? Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ ở trong vị thế làm điều đó. Họ cần phải cân nhắc xem họ nên làm gì”.

Bà Poe không phải là người “ghét Mỹ” bẩm sinh. Trái lại, bà bị tố là quá thân Mỹ, có chồng là người Mỹ (thậm chí phục vụ trong không lực Mỹ), chưa cư trú tại Philippines liên tục đủ 10 năm, mới bỏ quốc tịch Mỹ gần đây, nên không thể trở thành tổng thống Philippines.

Ủy ban bầu cử từng bác đơn của bà Poe, song cuối cùng Tối cao pháp viện Philippines đã tuyên bà đủ tiêu chuẩn công dân Philippines để tranh cử. Chắc chắn bà hiểu Mỹ hơn bất cứ ai, nên bà tỏ ra thận trọng. Mặt khác, bà luôn chủ trương giao thiệp, nhờ cậy thì cứ việc, song không để mất chủ quyền, bắt đầu từ chính trong đầu mình.

Một nữ ứng cử viên khác - nghị sĩ Miriam Defensor Santiago tuyên bố các phương tiện pháp lý sẽ giúp Philippines không chỉ giữ vững chủ quyền trong những vùng biển tranh chấp mà còn có thể kết thúc chính cuộc tranh chấp.

Tuy nhiên, bà cũng không loại trừ khả năng cứng rắn: “Nếu họ (Trung Quốc) ở trong vùng biển của chúng ta và lấy đi cá của chúng ta, tôi sẽ gọi tuần duyên tới và pháo kích họ, điều này tôi đã từng nói khi còn là lãnh đạo Sở Di trú”. Cuối cùng, bà trở lại với sự mềm mỏng khi nói rằng nên nói chuyện với Trung Quốc và bảo họ rằng dư luận thế giới đứng sau lưng Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển.

Hai nữ ứng cử viên này có vẻ cứng rắn hơn là nam ứng cử viên Binay. Ông này đã nổi tiếng với lập trường “đấu dịu” với Trung Quốc từ lâu. Ông Binay nói kế hoạch của ông trước hết là thương thuyết với Trung Quốc để cho ngư dân Philippines đánh cá trên biển Tây Philippines, và rằng trong khi đàm phán, chính phủ sẽ hỗ trợ ngư dân vốn liếng sinh sống.

Còn ứng cử viên Rodrigo Duterte, nguyên thị trưởng Davao, thì cho rằng tuy chiến tranh với Trung Quốc không phải là chọn lựa của ông, ông vẫn sẽ ra sức tăng yêu sách chủ quyền của Philippines trong các vùng biển tranh chấp nếu Philippines thắng kiện ở tòa trọng tài và Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết. Ông nói ông sẽ đến Trung Quốc, sẽ cưỡi môtô nước ra các đảo tranh chấp cắm cờ Philippines:

Tôi sẽ nói: Biển đảo này là của chúng tôi, mấy người muốn làm gì tôi cứ việc. Tôi bất cần! Nếu họ giết tôi, hãy khóc cho tôi, nếu muốn! Tôi sẽ khẳng định chủ quyền của chúng ta”.

Ứng cử viên Duterte cho đến trước chủ nhật vừa rồi đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, trở nên khét tiếng vì câu bông đùa về vụ một nữ truyền giáo người Úc bị cưỡng hiếp khiến Úc và Mỹ dọa tẩy chay!

Phát biểu cuối cùng, ứng viên Đảng Tự do của Tổng thống Aquino là nghị sĩ Manuel “Mar” Roxas II chế giễu ông Duterte rằng chức vụ tổng thống không phải là trò đùa hay một ván bóng bàn mà đòi cưỡi môtô nước ra đảo.

Ông “lên lớp” rằng để thúc đẩy yêu sách chủ quyền của mình, Philippines cần đưa ra các tư liệu chứng minh rằng các hòn đảo mà Philippines đang đấu tranh là thuộc về Philippines. Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ thường xuyên ngư dân đang bị Trung Quốc ức hiếp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Cho dù có “dịu hòa” hay “tếu” hoặc “mặc váy” chăng nữa, không ứng viên nào dám để lộ chút sự khiếp nhược, đặc biệt là ông Binay mà năm ngoái còn bị cho là quá “bồ câu”!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận