Nước Mỹ và “Điều kinh ngạc tháng 10”

ĐỨC HOÀNG 18/06/2016 20:06 GMT+7

TTCT - Ở Mỹ, khái niệm “October surprise” (Điều kinh ngạc tháng 10) được dùng để nói về một sự kiện thời sự diễn ra ngay trước thềm bầu cử, có khả năng tác động mạnh vào những lá phiếu. “Điều kinh ngạc tháng 10” có thể đã diễn ra rồi vào tháng 6 này, trong những viên đạn bắn đi ở hộp đêm Pulse, Orlando.

Liệu vụ xả súng kinh hoàng ở Orlando có làm thay đổi cục diện chính trường Mỹ? -AP
Liệu vụ xả súng kinh hoàng ở Orlando có làm thay đổi cục diện chính trường Mỹ? -AP


Thuyết âm mưu và thực tế

Chỉ cần một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia kéo dài thêm 20 phút, Đảng Cộng hòa có thể chiến thắng trong bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Ít nhất là truyền thông Mỹ tin vào điều đó.

Đó là năm 1980, vấn đề an ninh nghiêm trọng nhất mà người Mỹ đối mặt là việc 52 công dân nước này bị bắt làm con tin ở Iran từ tháng 4-1979. Năm ấy, đương kim tổng thống Jimmy Carter và cựu thống đốc Ronald Reagan tranh cử ghế tổng thống.

Cuộc chạy đua khá sát nút. Từ trong nội bộ Đảng Cộng hòa, người ta lo lắng: một thỏa thuận giải cứu con tin vào giờ chót có thể tạo thành bước ngoặt giúp Carter thắng cử.

Nhưng điều đó đã không diễn ra. Vào ngày 20-1-1981, ngày mà Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức, Iran bất ngờ thả toàn bộ số con tin họ đang giữ. Chính xác là đúng 20 phút sau khi Reagan chính thức trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng kết thúc.

Thuyết âm mưu về một cái bắt tay giữa tổng thống Ronald Reagan và chính quyền Iran để kéo dài cuộc khủng hoảng con tin đã kéo dài hàng thập kỷ.

Các cáo buộc cho rằng để “trả công”, tổng thống Reagan đã cung cấp vũ khí cho Iran và giải phóng các tài khoản của quốc gia Ả Rập này tại Mỹ. Có những nhân vật uy tín khăng khăng tuyên bố rằng đã có một thỏa thuận như thế. Nổi bật là chính tổng thống Iran Abolhassan Banisadr thời kỳ đó.

Banisadr bị bãi nhiệm ít lâu sau khi Reagan nhậm chức - vào tháng 6-1981 - vì thách thức quyền lực của các giáo chủ Iran. Năm 1991, trong khi tị nạn tại Pháp, ông viết cuốn “Đến lượt tôi nói: Iran, cuộc cách mạng và những thỏa thuận bí mật với Mỹ”, trong đó cáo buộc Reagan và các lãnh đạo ở Tehran đã bắt tay với nhau trong vụ bắt giữ con tin năm 1980.

Các cuộc điều tra không mấy quy mô được tiến hành bởi nhiều nhóm tại Mỹ sau đó không đem lại bằng chứng xác thực nào. Nhưng câu chuyện đã đi vào huyền thoại và trở thành minh họa điển hình cho cái gọi là “Điều kinh ngạc tháng 10” - một sự kiện thay đổi cục diện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vốn diễn ra vào đầu tháng 11.

Từ lâu truyền thông Mỹ đã tin rằng một sự kiện đe dọa an ninh có thể giúp Đảng Cộng hòa, những người “chủ chiến”, thắng cử. Nhiều nhà phân tích tin rằng trước thềm cuộc bầu cử năm 2012, Israel đã định “ép” Mỹ phải bầu cho Mitt Romney thay vì Barack Obama.

Họ sẽ làm việc đó bằng cách tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Khủng hoảng an ninh diễn ra. Và các cử tri sẽ cảm thấy cần một nhà lãnh đạo cánh hữu quyết liệt trong đối ngoại, một người của phe Cộng hòa.

Năm 2013, cựu thủ tướng Israel Ehud Olmert ủng hộ thuyết âm mưu này với cáo buộc thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiêu đến 3 tỉ USD để chuẩn bị một chiến dịch tấn công Iran. Chỉ cần một quả bom Israel rơi xuống đất Iran, “Điều kinh ngạc tháng 10” đã có thể xảy ra, nhưng rất may là đã không có quả tên lửa nào được phóng đi.

“Tôi đã nói mà!”

Năm nay, “Điều kinh ngạc tháng 10” có thể đã diễn ra ở Orlando. Từ lâu, ứng viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã xoáy vào mối lo an ninh của nước Mỹ trước dòng người nhập cư có liên hệ với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Và giờ ông càng có bằng chứng cho tuyên bố đó: một người nhập cư Afghanistan từng công khai ủng hộ Taliban trên đất Mỹ, đã xách súng vào một hộp đêm của những người đồng tính, xả đạn tự do và cướp đi sinh mạng của 50 người.

Nước Mỹ và toàn thế giới chấn động. Còn Donald Trump, rất nhanh, viết một bài trên trang web của mình, nhắc cử tri nhớ rằng “tôi đã nói mà” và không quên đay nghiến sự ôn hòa của Chính phủ Obama.

Trong bài phát biểu hôm nay, Tổng thống Obama, một cách đáng hổ thẹn, đã từ chối nói từ “Hồi giáo cực đoan”. Chỉ riêng vì lý do này thôi, ông ta nên từ chức - Trump viết - Nếu Hillary Clinton, sau vụ tấn công này, cũng vẫn không thể nói từ “Hồi giáo cực đoan” thì bà ta nên rời khỏi cuộc đua tranh cử”.

Nước Mỹ đang run rẩy trong nỗi sợ. Năm 2004, nhiều người tin rằng chính việc Osama Bin Laden xuất hiện trên sóng truyền hình và đưa ra lời cảnh cáo nước Mỹ vào ngày 29-10 đã khiến cuộc chiến chống khủng bố của đương kim tổng thống George W.Bush quay trở lại là tâm điểm, góp phần vào việc ông thắng cử nhiệm kỳ thứ hai.

Bin Laden giờ đã ở dưới đáy biển, nhưng chủ nghĩa khủng bố vẫn sống dai dẳng và ngày càng phức tạp hơn, trong muôn vạn hình hài.

Vụ xả súng tại hộp đêm Pulse, Orlando cho dù có là một nỗ lực đơn lẻ của một kẻ tâm thần (động cơ chính thức chưa được nhà chức trách công bố), vẫn không khỏi khiến nhiều người nghĩ ngay tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Cách đây chưa lâu, phát ngôn viên của IS Abu Mohammad al-Adnani đã công khai kêu gọi tín đồ trên khắp thế giới thực hiện các cuộc tấn công đơn lẻ. Có nghĩa là không cần tổ chức, không cần đào tạo, ở đâu có chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, ở đó có IS, có nguy cơ khủng bố. Cử tri Mỹ biết điều đó.

Cuối bài viết sau sự kiện khủng bố ở Orlando, Trump đã không dùng chữ “nếu” trước mệnh đề “tôi là tổng thống”. Ông viết rằng “Tôi sẽ là tổng thống. Tôi sẽ bảo vệ nước Mỹ” ở thì tương lai tiếp diễn, tức là chắc chắn diễn ra.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận