Nước Pháp trong cuộc chiến bất đối xứng

TTCT - Cuộc thảm sát ở Nice không khác gì một cái tát vào sự biểu dương quân đội và sức mạnh của nước Pháp. Buổi sáng hôm đó, lễ diễu binh hào hùng đã diễn ra trên đại lộ Champs-Élysées để kỷ niệm ngày quốc khánh, phô bày cho thế giới thấy tính hợp nhất, lòng đoàn kết và tính tổ chức cao độ.

Chiếc xe tải kinh hoàng -businessinsider.com
Chiếc xe tải kinh hoàng -businessinsider.com


Pháp và Anh trong khối NATO là những nước có quân đội hùng hậu nhất và là đồng minh chính của Mỹ ở châu Âu. Vậy mà vài giờ sau, một kẻ cầm lái chiếc xe tải thùng đông lạnh 19 tấn đã nhạo báng tất cả điều đó, khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và 303 người bị thương tại Nice, một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất thế giới.

Niềm vui và pháo hoa trong ngày kỷ niệm chiếm ngục Bastille bỗng trở thành ký ức kinh hoàng, còn nước Pháp tỏ ra dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Kẻ thù mang trăm khuôn mặt

Ngày 16-7, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã dẹp tan mọi nghi ngờ về động cơ của kẻ thủ ác Mohamed Lahouaiej Bouhlel khi công nhận y là “chiến binh của Nhà nước Hồi giáo”.

Song tuyên bố này vẫn cần xem xét với sự cẩn trọng và những bằng chứng xác thực. Công tố viên trưởng Paris François Molins cho biết vụ tấn công ở Nice “tương thích” với những hành động khủng bố thánh chiến Jihad.

Nhiều khả năng vụ tấn công được tổ chức nhắm vào thời điểm an ninh buông lỏng sau giải bóng đá Euro, đánh vào biểu tượng của niềm vui hưởng thụ và sự ngọt ngào: thành phố nghỉ mát ở vùng bờ biển Riviera Địa Trung Hải.

Pháp và phương Tây đang lâm vào cuộc chiến tranh bất đối xứng: kẻ thù không dùng quân đội chính quy, không hầm hào công sự, không động binh rõ ràng. Chúng bất thình lình mang vũ khí xuất hiện đâu đó trên đường phố hoặc trong các tòa nhà.

Chúng trà trộn vào dân cư và bất cứ đâu cũng có thể là mặt trận: trên phố, trên xe lửa, máy bay. Không gian thường nhật vốn yên bình bỗng nhiên “nhiễm độc”. Pháp đã đi trễ một bước, họ bỏ qua những quyết định cho phép họ chủ động trong cuộc xung đột.

Người Pháp đã được cảnh báo. Chỉ hai ngày trước vụ thảm sát, người đứng đầu Cơ quan tình báo Pháp (DGSI) đã nhận định một khi hai thành trì Raqqa (Iraq) và Mosul (Syria) của IS thất thủ, các chiến binh thánh chiến sẽ tản ra khắp nơi và sẽ tìm cách tiêu diệt nhiều người nhất có thể. Bước tiếp theo, như ông giải thích, sẽ là những chiếc xe gài mìn được đưa vào thành phố.

Mỗi khi nhận bất cứ tin xấu nào, người ta mới thấy mình đã bỏ qua tình huống xấu nhất và sau đó là tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng”.

Việc đề ra các tình huống xấu vốn chỉ nhằm mục đích đề phòng. Nhưng lẽ ra phải làm ngược lại, phải xem kịch bản tồi tệ nhất là điều có khả năng xảy ra cao nhất. Kể từ vụ tấn công Charlie Hebdo, mức độ bạo lực mỗi lúc một tăng. Những kẻ khủng bố cực đoan trên đà thắng thế sẽ tiếp tục tìm cách thọc sâu vào những tử huyệt của phương Tây bằng cách nhắm vào các mục tiêu không thể đoán trước.

Vài giờ sau vụ tấn công, Tổng thống Pháp François Hollande tái khẳng định việc tăng cường can thiệp quân sự của Pháp ở Syria và Iraq. Hiện diện ở Iraq từ tháng 9-2014 và Syria từ tháng 9-2015, Pháp đóng góp thứ nhì trong liên quân chống IS do Mỹ dẫn dắt.

Tuy nhiên, chính trong lòng nước Pháp đang là tâm điểm của hiểm họa khủng bố cực đoan, phải hứng chịu ba cuộc tấn công quy mô lớn chỉ trong 19 tháng.

Có nhiều lý do cho việc này. Về mặt đối ngoại, ông Hollande đã ban bố tình trạng chiến tranh với IS. Pháp là quốc gia châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất hoạt động quân sự chống IS. Sau khi chiếm gần một phần ba lãnh thổ Iraq và Syria vào năm 2014, IS phải gánh chịu nhiều thất bại từ nửa sau năm 2015.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 14-7 cho hay IS đã mất 30-40% lãnh thổ. Tuy nhiên, sự rút lui này dẫn đến việc tăng cường hoạt động ra bên ngoài. Bộ máy tuyên truyền IS kêu gọi các chiến binh ủng hộ chuyển sang hành động ngay nơi ở hiện tại thay vì tìm cách gia nhập IS ở Iraq và Syria.

Một lý do khác là về mặt địa lý, Pháp dễ bị tấn công hơn Mỹ và Anh. Mỹ ở quá xa, còn Anh hưởng lợi nhờ biên giới được kiểm soát thuận tiện do là quốc đảo.

Theo báo cáo của Hãng tư vấn an ninh Soufan Group (Mỹ) tháng 12-2015, có khoảng 1.700 người Pháp đã sang Trung Đông gia nhập quân “cờ đen”, con số này ở Anh là 760 và Mỹ là 150. Bên cạnh những người ra đi còn là mạng lưới những người thân thích. Nhiều chiến binh IS (trong đó ít nhất 6.000 người Tunisia và 1.200 người Morocco) có liên hệ từ lâu với mạng lưới phong trào Hồi giáo bảo thủ cực đoan Salafi ở Pháp qua gia đình và bạn bè.

Cuối cùng, Jean-Pierre Filiu, giáo sư Đại học Sciences-Po, nói vấn đề còn phải xem xét ở khía cạnh văn hóa, khi việc theo dõi người ở Pháp vẫn lỏng lẻo, cộng đồng người Hồi giáo đông đảo, chính phủ nương tay với tội phạm và văn hóa cùng phong cách sống Pháp cũng bị Hồi giáo cực đoan ghét cay ghét đắng.

Theo số liệu của chính phủ, Pháp có từ 800-5.000 chiến binh thánh chiến tiềm tàng ngay trên lãnh thổ nước này. Tương tự kẻ lái xe tải ở Nice, còn có quá nhiều thành phần mà cơ quan tình báo và an ninh Pháp đã không tính tới.

Việc dùng xe làm vũ khí bằng cách liều chết hay điều khiển từ xa, đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, những xe làm vũ khí trước đây đều được gài thuốc nổ chứ không phải phóng xe điên loạn vào đám đông như ở Nice. Ý tưởng dùng xe để giết những “kẻ tà đạo” mới được nảy ra gần đây.

Các lãnh đạo IS từng đề xuất “phương pháp mới này” trong những lời kêu gọi khắp thế giới. Abou Mohammed al-Adnani, người phát ngôn IS, nói trong một thông điệp hồi tháng 9-2014: “Nếu không thể đặt bom hay dùng súng, khi tìm thấy một kẻ tà đạo Pháp hay Mỹ, hãy lấy đá nện vào đầu, lấy dao đâm hoặc đâm xe vào hắn”.

Chỉ một kẻ tấn công, bằng một xe tải, đã cướp đi mạng sống 84 người. Đây là mức độ “hiệu quả” cao nhất của một hành động khủng bố xét về tỉ lệ kẻ giết người và số nạn nhân. Ý tưởng này đã được các kíp tuyên truyền IS nhắc đến gần như tương tự.

“Dùng một xe tải, đi đến những điểm đông người nhất, cài tốc độ cao nhất để gây ra thiệt hại lớn nhất. Nếu có thể tiếp cận súng đạn, hãy dùng chúng để hoàn tất nhiệm vụ”. Cách thức được nhắc đến năm 2010 trên Inspire, tạp chí tiếng Anh do nhóm chiến binh Hồi giáo thân Al Qaeda xuất bản trên mạng, có thể đã gợi ý cho Bouhlel.

Vụ thảm sát bằng xe tải cho thấy khó khăn trong việc ngăn ngừa những cuộc tấn công không quy ước.

Con đường phạm tội của Bouhlel hay Amedy Coulibaly, kẻ tấn công khủng bố Paris tháng 1-2015, chứng tỏ lằn ranh mong manh giữa một tội phạm đơn thuần và một tín đồ cực đoan có khả năng tấn công khủng bố, chứ không rõ ràng như phân công phân nhiệm của các cơ quan chức năng.

Bouhlel có tiền sử phạm tội, từng lãnh 6 tháng tù treo vì tấn công một người đi xe môtô vào năm ngoái, nhưng chưa bao giờ thuộc danh sách có nguy cơ trở thành khủng bố.

Công tố viên François Molins cho biết Bouhlel “là người xa lạ” với các lực lượng an ninh cấp quốc gia lẫn địa phương. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve thừa nhận hắn không nằm trong cơ sở dữ liệu của cơ quan tình báo Pháp.

Ngày 16-7, bà Le Pen đã kêu gọi ông Cazeneuve từ chức khi có đến 250 người thiệt mạng vì khủng bố trong vòng 19 tháng qua trên đất Pháp. Nhưng với sự khó lường và tình trạng “hàng trăm khuôn mặt” hiện giờ của khủng bố, không chắc là người thay thế, dù là ai đi nữa, sẽ làm tốt hơn ông Cazeneuve.

Đối thủ vô hình

Vụ tấn công cho thấy sự phản ứng và phối hợp không hiệu quả của cảnh sát Pháp. Nice là thành phố có hệ thống camera giám sát dày đặc nhất nước Pháp (1.000 camera trên 342.000 cư dân).

Các động thái của kẻ khủng bố đều được camera ghi lại, từ khi hắn xuống xe đạp, lên xe tải, đến khi phóng xe điên loạn trên con đường đi bộ suốt gần 2km rồi mới bị cảnh sát bắn hạ. Câu hỏi đặt ra là khi gặp phải tình huống như ở Nice, lực lượng nào sẽ được viện tới để ngăn chặn kẻ tấn công nhanh nhất?

Vào tháng 2-2016, nhằm giúp cảnh sát can thiệp hiệu quả hơn, Chính phủ Pháp đã đưa ra kế hoạch trang bị súng trường (HK G36), áo chống đạn và khiên chống đạn AK, nhưng mới dành cho lực lượng tinh nhuệ. Thêm nữa, súng trường được để trong cốp xe chứ không đặt trên xe như cảnh sát Mỹ.

Christian Estrosi, lãnh đạo vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, cho biết trong 45 giây, chiếc xe tải đã có thể phóng đi với vận tốc 82km/h, 42 cảnh sát có mặt trên con đường đi bộ nhưng chỉ có một nửa trong số 64 cảnh sát quốc gia mà bộ trưởng nội vụ thông báo sẽ điều đến. “Đó là lời dối trá của nhà nước” - ông nói.

Với “tình trạng khẩn cấp” được ban bố ngay sau vụ khủng bố Paris ngày 13-11-2015, cho đến cuối tháng 5, cảnh sát đã tiến hành 3.694 vụ khám xét, 400 người bị quản chế. Chiến dịch Sentinelle huy động 10.000 quân nhân tuần tra trên các nẻo đường những thành phố lớn.

Trong số 20.000 người bị liệt vào danh sách “S” (Sûreté de l’État: an ninh quốc gia) tại Pháp, 11.000 người liên quan đến Hồi giáo cực đoan, được phân thành 15 mức độ khác nhau. Từ S0 - những người chỉ cần kiểm tra hành chính, tới S15 - phải bị vô hiệu hóa.

Nhưng cách ứng xử với những công dân Pháp sang Syria chiến đấu cho IS rồi quay về là một vấn đề lớn, không thể bỏ tù tất cả, và giam giữ họ thì bao lâu: 6 tháng, 1 năm hay hơn nữa?

Kẻ khủng bố Bouhlel thậm chí không nằm trong danh sách S. Hàng xóm mô tả Bouhlel là người thô bạo, khó gần, nhưng chẳng có dấu hiệu gì là Hồi giáo cực đoan. Người tài xế xe tải có ba con với người vợ đã ly thân từ một năm rưỡi nay, vốn thích nhậu nhẹt, nhảy salsa, thích gái đẹp, tập thể hình. Anh ta chẳng hô “Allah Akbar” cũng không để lại di nguyện, tuyên bố gì.

Bộ trưởng Cazeneuve cho rằng có khả năng thủ phạm đã trở nên cực đoan chỉ vài ngày hay vài tuần trước.

Một nguồn tin cảnh sát cho tờ Journal du Dimanche biết: “Mohamed Lahouaiej Bouhlel rút hết tiền từ tài khoản ngân hàng trong vòng một tuần, bán chiếc xe hơi một ngày trước quốc khánh Pháp, tuyên bố với những người xung quanh là trung thành với Hồi giáo”.

Em trai Mohamed, Jaber, kể với tờ Daily Mail rằng mới đây Mohamed đã gửi về cho gia đình ở Tunisia 240.000 dinar, tương đương 100.000 euro.

Luật sư Hugues Moutouh, cựu cố vấn Bộ Nội vụ, nhận định vụ thảm sát ở Nice đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử khủng bố ở Pháp. Thủ phạm không cần đến đai chất nổ hay súng trường tự động, mà chỉ cần một chiếc xe tải để đơn thân độc mã sát thương gần 300 người.

Không cần có mạng lưới, hậu cần, chẳng cần được huấn luyện, mà chỉ cần một bằng lái trong tay. Ông gọi đó là “khủng bố chi phí thấp”.

Để kết luận, triết gia Pascal Bruckner cho rằng đã tới lúc nước Pháp phải chọn lựa giữa những cấm kỵ lâu nay không muốn đụng đến (các quyền tự do căn bản, sự hào hiệp tiếp nhận người tị nạn) với sự sống sót của chính mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận