Ván cờ mới của Nga

DUY VĂN 20/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Những diễn tiến dồn dập ở Trung Đông, triển vọng về một liên minh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc chiến Ukraine đột ngột nóng lên trong tuần lễ vừa qua cho thấy ý đồ rộng lớn hơn của Kremlin từ từng động thái đơn lẻ. Nhưng đó sẽ là sự gia tăng ảnh hưởng hay chỉ là gánh nặng thêm với nền kinh tế Nga vốn đã căng thẳng.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M của Nga ở Hamadan, Iran -southfront.org
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M của Nga ở Hamadan, Iran -southfront.org


Ngày 16-8, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lần đầu tiên Nga đã sử dụng căn cứ không quân Hamadan ở Iran phục vụ cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Al Nusra ở Syria từ 30-9-2015 đến 14-3-2016, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút các lực lượng và phương tiện chủ chốt khỏi Syria, Nga đã thực hiện 7.800 vụ không kích, phá hủy gần 15.000 địa điểm Hồi giáo cực đoan, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Theo lời tổng thống Nga, lý do Nga cắt giảm quy mô chiến dịch “Báo thù” là “công việc hiệu quả của quân đội chúng tôi” đã “tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình”.

Thế nhưng đến nay, “tiến trình hòa bình” vẫn chưa thực hiện được. Một trong những nguyên nhân là bất đồng giữa Nga với Hoa Kỳ trong việc xác định những ai là “phe đối lập ôn hòa” có thể ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tờ Kommersant ngày 17-8 cho hay mặc dù Hoa Kỳ đã hứa tách các đại diện “đối lập ôn hòa khỏi phe khủng bố Al Nusra nhưng đến nay họ vẫn chưa thực thi”.

Mặt khác, quân đội Syria đến nay vẫn chưa bảo đảm được việc chốt chặn biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, được xem là kênh tiếp tế vũ khí cho quân khủng bố. Tình hình còn khó khăn ở chỗ quân đội của Tổng thống Assad cần thời gian để phục hồi nguồn lực sau những trận chiến kéo dài, nhưng không thể, do phe đối lập đã tranh thủ thời gian tập hợp lại và triển khai phản công ở nhiều mặt trận chủ chốt.

Điều đó khiến không quân Nga phải “đưa ra nhiều giải pháp khẩn cấp” hỗ trợ quân đội Syria. Trong số các mặt trận này, ác liệt nhất là ở vùng lân cận thành phố Aleppo, nơi theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Al Nursa đã thành lập binh đoàn với 7.000 tay súng có trang bị xe tăng, pháo và các vũ khí khác.

Cho đến nay, các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga Tu-22M3 thường cất cánh thực hiện nhiệm vụ từ căn cứ Mozdok (Bắc Ossetia) và phải vượt tới 2.000km, qua biển Caspian và từ đó vào không phận Iran và Iraq.

Bay từ các sân bay Nga là rất tốn kém với ngân sách quốc phòng Nga hiện nay. Tại Syria, trên nguyên tắc, Nga có thể sử dụng các căn cứ không quân của Syria, nhưng trong số những căn cứ Syria còn đang hoạt động, không căn cứ nào có thể tiếp nhận máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Trong khi đó, theo Al-Masdar News, sử dụng căn cứ Hamadan của Iran sẽ giúp giảm 60% khoảng cách bay từ Nga tới Syria, tăng hiệu quả không kích và giảm chi phí.

Andrei Florov, chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, cho biết từ nay Nga có thể sử dụng song song hai căn cứ Mozdok và Hamadan, có thể tăng nhóm máy bay tham gia không kích mà không cần triển khai trong lãnh thổ Syria, nơi các binh sĩ Nga có thể bị tấn công bằng súng cối hay tên lửa vác vai.

Nhắc khéo vụ máy bay Su-24 Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng 11-2015, ông này nói: “Mất trực thăng là một việc, mất máy bay ném bom tầm xa là một việc hoàn toàn khác”.

Động thái hợp tác này của Nga và Iran cho thấy Matxcơva và Tehran muốn nhắc nhở các cường quốc khu vực rằng họ là hai đấu thủ chủ chốt trong cuộc xung đột Syria mà thế giới không thể làm ngơ.

Trong khi Nga chỉ mới công khai tham gia không kích từ tháng 9 năm ngoái thì sự có mặt của Iran đã được ghi nhận từ lâu trước đó trên các chiến trường Syria (bằng các chuyên gia cố vấn và huấn luyện, bên cạnh các nhóm Hồi giáo Shiite từ nhiều nước được Iran tài trợ).

Các trận chiến quanh Aleppo hiện nay có ý nghĩa quyết định, nhất là sau khi phiến quân Syria ngày 6-8 tuyên bố đã phá vỡ vòng vây kéo dài hàng tuần qua của quân đội chính phủ Assad. Đây là một bước lùi đối với quân đội ông Assad, sau khi quân chính phủ đã thu hẹp được khu vực do phiến quân kiểm soát quanh Aleppo hồi tháng 7.

Trong khi các tay súng do Iran hỗ trợ (gồm Hezbollah, các nhóm Shiite ở Iraq và Afghanistan) có thể tham chiến trên bộ cùng với quân đội Syria, họ rất cần yểm trợ từ trên không. Đó là lý do Iran và Nga, theo những người trong cuộc, đã thỏa thuận rất nhanh việc sử dụng căn cứ Hamadan.

Cho đến nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã “lấy làm tiếc” trước việc Nga sử dụng căn cứ Hamadan, và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ “sự quan ngại” của ông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cảnh báo đang nghiên cứu liệu “việc sử dụng căn cứ Hamadan có vi phạm nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran hay không”.

Đáng nói hơn, bên cạnh việc Nga sử dụng căn cứ Hamadan, báo chí Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã nhắc đến liên minh ba nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, theo hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ IRNA và theo các hãng tin Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nghi ngờ về khả năng xuất hiện một liên minh như thế trên thực tế, bởi mỗi nước đều xuất phát từ mục tiêu riêng của mình trong những quan hệ chằng chịt với phương Tây mà không ít khi những mục tiêu này va đập lẫn nhau.

Với Hoa Kỳ, Ankara phật ý vì Mỹ vẫn dùng vấn đề người Kurd và nhân quyền để gây sức ép lên chính phủ của ông Erdogan, thậm chí đã dọa trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO, chưa kể việc Ankara cáo buộc Washington “chống lưng” cho giáo sĩ Fethullah Gullen, đang lưu vong ở Mỹ, tiến hành cuộc chính biến bất thành mới đây.

Nhưng về mặt lợi ích, Ankara không thể gây hiềm khích với EU lẫn Mỹ, những đối tác thương mại và quân sự lớn nhất của họ. Dù có xích lại gần Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ khó đánh đổi các mối quan hệ đó, dù người cầm quyền có là ai.

Về phần Matxcơva, việc dàn hòa với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Putin từng cay đắng cáo buộc Nga bị “đâm sau lưng” (trong vụ máy bay Nga Su-24 bị bắn rơi) cũng chỉ có ý nghĩa chiến thuật nhiều hơn. Nga cần thêm đồng minh trong cuộc chiến ở Syria.

Nhưng Ankara sẽ không vì ủng hộ Assad mà loại bỏ phe đối lập Sunni ở Syria trung thành với mình. Chính sách chống Nga của Ankara đã được thực hiện từ lâu, trước “sự cố Su-24”, bằng việc hỗ trợ phe đối lập chống Assad và viện trợ hậu cần cho IS. Iran, thuộc dòng Hồi giáo Shiite, và Thổ Nhĩ Kỳ, dòng Sunni, cũng chưa bao giờ thật sự hòa hợp ở khu vực Trung Đông, nơi mà hai nước cạnh tranh quyết liệt về ảnh hưởng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận