Vì sao Nga phải chiều ý Trung Quốc?

PHAN XUÂN LOAN 13/09/2016 06:09 GMT+7

TTCT - Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, sau khi tặng kem cho chủ nhà, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn làm mát lòng Bắc Kinh với tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc liên quan tới phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan, về Biển Đông.

Nga đang quá cần Trung Quốc để có thể nói khác ở Biển Đông thời điểm này?  -wpcontent.com
Nga đang quá cần Trung Quốc để có thể nói khác ở Biển Đông thời điểm này? -wpcontent.com


Dưới tiêu đề “Nga đoàn kết với Trung Quốc, không công nhận phán quyết của tòa án về biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”, hãng TASS cho biết: Ngày 5-9, phát biểu tại Hàng Châu, trả lời câu hỏi của báo giới liên quan phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines ở Biển Đông, Putin nói:

Chúng tôi có quan điểm riêng về vấn đề này: trước tiên, chúng tôi không can thiệp, chúng tôi cho rằng sự can thiệp của bất kỳ cường quốc nào không nằm trong khu vực chỉ phương hại cho việc giải quyết vấn đề này”, và nêu rõ “chúng tôi đoàn kết và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này: không công nhận phán quyết từ Tòa trọng tài”.

Cùng lúc, ông giải thích: “Tôi xin nói vì sao: Đó không phải là một quan điểm chính trị mà thuần túy luật pháp, ở chỗ bất kỳ phán quyết của bên thứ ba nào phải được yêu cầu bởi các bên tranh chấp, và Tòa trọng tài phải lắng nghe lập luận và quan điểm của các bên tranh chấp. Mà như đã biết, Trung Quốc không hỏi đến Tòa trọng tài và chẳng ai nghe quan điểm của họ. Liệu có thể công nhận đó là các phán quyết công bằng?”.

Phải chăng chính vì lập luận chưa thuyết phục này mà sau đó thư ký báo chí của ông Putin, Dimitry Peskov phải “nói lại cho rõ”.

Cổng thông tin Swissinfo đưa bản tin mà tựa đề dài gần 20 từ tiếng Nga: “Peskov: Về vấn đề biển Nam Trung Hoa, Putin không nói chuyện đúng - sai, mà chỉ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong phán quyết của tòa”, cho thấy báo chí cũng vất vả không kém trong việc “đưa cho đúng” vấn đề.

Hiển nhiên là ông Peskov muốn làm rõ thêm ý ông Putin ở chỗ “không phải là quan điểm chính trị” nghĩa là gì: “Về biển Nam Trung Hoa, về các đảo, vấn đề là chúng tôi có quan điểm thế nào với phán quyết của tòa, và ông ấy chỉ đánh giá phán quyết đó. Ông ấy không nói ai đúng, ai sai. Tức ông ủng hộ quan điểm Trung Quốc liên quan đến phán quyết của tòa”.

Một số học giả Nga vẫn công khai nêu rõ Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế với lập trường đường 9 đoạn, nhưng nêu ra điều đó không phải lúc nào cũng có lợi cho Nga.

Vì sao Matxcơva lại chọn lựa thái độ “đoàn kết, nhưng không can thiệp” này? Có lẽ dễ thấy nhất là vấn đề Crimea. Tháng 3-2014, Nga đã chủ động sáp nhập Crimea, một động thái đến nay vẫn chưa được quốc tế công nhận. Mới đây, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố Ukraine chuẩn bị đệ đơn kiện Nga ra tòa án quốc tế về việc Nga vi phạm các điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Dù ông Klimkin chưa nói rõ là kiện Nga vấn đề gì, nhưng bản tin nói tòa án này cũng giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc khai thác tài nguyên trong vùng biển quốc tế.

Hồi tháng 7, một bộ trưởng Ukraine khác tiết lộ Kiev sẽ kiện Matxcơva về việc khai thác khí đốt ở biển Đen sau khi sáp nhập Crimea. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng việc thay đổi quan điểm của Nga là nhằm chuẩn bị sẵn, phòng khi phải đối mặt với đơn kiện từ Ukraine.

Quan trọng hơn, Nga đang phải tăng cường làm ăn với Trung Quốc và nhờ cậy Bắc Kinh nhiều hơn trong điều kiện bị cấm vận vì xung đột ở Ukraine. Trong chuyến làm việc ở Hàng Châu lần này, Nga đã ký với Trung Quốc tới 30 hợp đồng lớn, trong đó có thỏa thuận về cung ứng dầu từ 1,2 đến 2,4 triệu tấn/năm, hay đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”...

Trong điều kiện kinh tế Nga gặp khó khăn, kim ngạch thương mại Nga - Trung trong năm 2015 lên tới 63,5 tỉ USD, cao nhất so với các đối tác khác của Nga, theo Gazeta.ru.

Cũng theo đó, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ, nước mà Bắc Kinh có nhiều bất đồng hơn về chính trị, lên tới gần 500 tỉ USD/năm, và Trung Quốc hiện đang là đối tác kinh tế đối ngoại lớn nhất của Mỹ. “Các quan hệ kinh tế sâu sắc hơn sẽ tạo điều kiện giảm thiểu xung đột chính trị giữa hai nước” - Gazeta.ru bình luận.

Về địa chính trị, cả hai nước Nga lẫn Trung Quốc đều đang cổ xúy cho sự phát triển của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) với ý định hình thành một khối “đại Á - Âu”. Đặc biệt, trong khối này, Trung Quốc cũng đang chiếm vị thế vượt trội về kinh tế cả ở khu vực Trung Á, nơi từng là vùng ảnh hưởng “sân sau” của Nga thời hậu Liên Xô (xem thêm bài ở trang trước). ■

Trả lời TTCT về tuyên bố của ông Putin, chuyên gia Hội đồng Nga về quan hệ đối ngoại, ông Anton Tsvetov, nói phát biểu đó của ông Putin là “bất ngờ” với chính ông: “Tuyên bố của tổng thống Nga ủng hộ việc Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài về đơn kiện của Philippines là bất ngờ...

Cần nhớ là vấn đề Biển Đông gồm nhiều yếu tố, và quan trọng nhất là Nga vẫn như trước kia, giữ vị thế trung lập về các vấn đề chủ quyền. Thư ký báo chí của tổng thống đã làm rõ: vấn đề nói về chính Tòa trọng tài chứ không về bản chất tranh chấp lãnh thổ.

Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng với nước Nga, và Nga rõ ràng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những phương hướng hợp tác chiến lược, từ kỹ thuật quân sự đến năng lượng nguyên tử. Chúng ta phải thực tế trong những kỳ vọng của mình với nhau và tập trung vào việc lấp đầy quan hệ của chúng ta bằng hành động cụ thể”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận