Bức tranh xã hội trước mắt Hạ viện Nga khóa mới

DUY VĂN 05/10/2016 20:10 GMT+7

TTCT - Tổng thống Nga V. Putin đã hối thúc Đuma (Hạ viện Nga) khóa 7, vừa được chính thức công nhận ngày 23-9, làm việc sớm hơn dự kiến, từ ngày 5-10 thay vì đợi đúng 30 ngày sau khi được bầu theo quy trình. Ông cũng đề xuất ứng viên cho chức chủ tịch Hạ viện Nga là phó chủ tịch thứ nhất Văn phòng tổng thống Vyacheslav Volodin, một nhân vật được gọi là “hồng y xám của Điện Kremlin”.

Tổng thống Nga V. Putin (phải) tiến cử ông V. Volodin (trái) làm chủ tịch Đuma khóa 7-TASS
Tổng thống Nga V. Putin (phải) tiến cử ông V. Volodin (trái) làm chủ tịch Đuma khóa 7-TASS


Với 343 ghế (trên tổng số 450 ghế), Đảng Nước Nga thống nhất (ER, ủng hộ tổng thống Nga) đảm bảo cho mình đa số hiến pháp (tức đủ túc số 300 ghế để có thể sửa đổi, thông qua luật không cần vận động sự ủng hộ của các đảng còn lại).

Số ghế còn lại được phân bổ cho Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF - 42), Đảng Dân chủ tự do (LDPR - 39), Đảng Nước Nga công bằng (SR - 23) và 3 ghế còn lại cho các đảng nhỏ khác.

Kết quả này tạo một nền tảng ủng hộ vững chắc cho ông Putin trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2018, khi ngày càng có nhiều đồn đoán ông Putin sẽ tái tranh cử tổng thống. Chẳng thế mà khi các đảng thiểu số trong Đuma “có ý kiến”, ông Putin đã nhắc khéo họ “ai là ai?”.

Tại buổi làm việc đầu tiên của ông Putin với các đảng phái thắng cử vào ngày 23-9, chủ tịch KPRF Ghenadi Ziuganov nhận định tuy chiếm đa số trong Đuma, nhưng số phiếu ER nhận được lần này kém 17 triệu phiếu so với cuộc bầu cử 2011, đồng thời đặt vấn đề về thu nhập thấp của người Nga:

Cứ 100 người thì có tới 72 người sống với thu nhập 15.000 rúp/tháng (khoảng 250 USD), nhiều người kéo lê sự tồn tại đáng thương”, rồi nhắc lại vì sao Liên Xô tan rã: “Nó bị hủy hoại vì chủ nghĩa dân tộc và sự bài ngoại”.

Ông Putin liền “sửa lưng”: “Các ngài biết tôi nghĩ sao về việc Liên Xô sụp đổ? Lẽ ra chẳng cần phải làm điều đó. Lẽ ra có thể tiến hành cải cách, kể cả những cải cách dân chủ. Nhưng tôi muốn mọi người để ý rằng nắm quyền đất nước chúng ta khi đó chính là Đảng Cộng sản.

Không ai khác thúc đẩy tư tưởng dân tộc và những ý tưởng phá hoại khác (có khả năng) hủy diệt bất kỳ đất nước nào”. Ông Ziuganov chỉ còn im lặng.

Ai đang sống tốt ở nước Nga?

Nhưng dù sao, điều ông Ziuganov nhắc nhở cũng là một thực tế mà Đuma Nga khóa mới cùng chính quyền Nga phải đối mặt. Trước và trong đợt bầu cử, tờ báo mạng Báo Chí Tự Do (Svobodnaya Pressa) đã đăng loạt bài “Ai đang sống tốt ở nước Nga?” - một khảo sát đời sống kinh tế - xã hội Nga hiện nay.

Theo tờ báo này, những người “làm cho nhà nước” là những người có đời sống sung túc, ổn định. Cụm từ “người làm cho nhà nước” gồm các công chức, quan chức khu vực và liên bang, đại biểu quốc hội, kể cả lãnh đạo các tập đoàn và công ty nhà nước.

Căn cứ vào các con số thống kê chính thức, chỉ trong nửa năm qua lương bình quân của công chức các cơ quan liên bang tăng 3,5%, đạt 99.000 rúp/tháng, trong đó tăng cao nhất là khối lập pháp: 18,5%, lên tới 144.800 rúp; khối hành pháp tăng 3,7%, với 87.200 rúp.

Tuy nhiên, theo tờ báo trên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng vì cuộc công khai thu nhập vừa qua cho thấy một số quan chức thật sự có thu nhập “khủng”, trong đó kỷ lục thuộc về đại biểu Đuma Leonid Simonovski, với thu nhập trong năm 2015 lên tới 909 triệu rúp. 14 đại biểu khác khai có bất động sản ở nước ngoài.

Năm ngoái, tờ Forbes còn “cắc cớ” thống kê thu nhập của những bà vợ giàu nhất của các quan chức và đại biểu quốc hội, trong đó phu nhân thống đốc vùng Bryansk, bà Olga Bogomaz, dẫn đầu với thu nhập năm 2014 là 695,4 triệu rúp (trong khi thu nhập chính thức của phu quân bà là Alexander Bogomaz “chỉ” 3,3 triệu rúp).

Chính vì “nghề” đầy tớ nhân dân khá giả như thế nên số công chức nhà nước cũng tăng nhanh 15 năm qua. Hè 2015, Bộ Tài chính Nga tính: cứ 10.000 dân Nga thì có 108 công chức phục vụ (so với năm 2001 là 78 người).

Trong khi ở Ấn Độ chỉ số này là 29, Kazakhstan là 51 và Trung Quốc là 72. Kết quả là từ năm 2000-2014, chi tiêu cho quản lý công ở Nga tăng 37%.

Nhưng chất lượng thì sao? Cũng theo công bố của Bộ Tài chính, xét về chất lượng quản lý nhà nước, năm 2000 Nga xếp thứ 149/196 nước, đến năm 2013 đứng thứ 120/210 nước, các chỉ số “không cho phép nói về sự tiến triển tích cực nào trong chất lượng quản lý nhà nước”, tờ báo trích nhận định của Bộ Tài chính Nga.

Trong những người “sống tốt” ở Nga, Báo Chí Tự Do còn liệt kê thành phần “silovik” - lực lượng an ninh “mà nhiều người trong số họ cảm thấy mình như một đẳng cấp bất khả xâm phạm”.

Bằng chứng là vụ bắt giữ mới nhất (vào ngày 9-9) đại tá cảnh sát của Tổng cục An ninh kinh tế và chống tham nhũng Liên bang Nga Dmitry Zakharchenko. Lục soát căn hộ của chị ông này, người ta tìm thấy 9 tỉ rúp, còn tại căn hộ của ông ta là số tiền mặt hơn 120 triệu USD và 2 triệu euro!

Đây là xìcăngđan tham nhũng thứ hai của tổng cục trên, sau vụ bắt giữ cựu lãnh đạo cơ quan này Denis Sugrobov. Không cần phải nói vụ xìcăngđan tham nhũng này gây phẫn nộ xã hội Nga ra sao. Một số đại biểu Hội đồng liên bang (tức Thượng viện Nga) còn đề nghị khôi phục án tử hình để xử những quan tham này.

Con ông cháu cha cũng là một nhóm “sống tốt”. Họ được gọi là “giới trẻ vàng”, một tầng lớp không chính thức nhưng luôn chơi trội và coi thường luật pháp, trật tự xã hội.

Mùa xuân năm nay, cậu ấm 20 tuổi Ruslan Shamsuarov, con trai phó chủ tịch Tập đoàn dầu khí Lukoil, đã đua trên chiếc SUV Mercedes Gelandewagen ở trung tâm Matxcơva cùng một nhóm bạn. Với tốc độ 250 km/h, họ lao trên đại lộ Lenin, leo lên cả các sân chơi, lối đi cho khách bộ hành để thoát khỏi cảnh sát giao thông truy đuổi.

May mắn không gây tai nạn, các đoạn clip về cuộc rượt đuổi đã được cậu ấm và bạn bè đưa lên Internet với nhiều bình phẩm xúc xiểm nhắm vào cảnh sát giao thông. Kết quả là cậu ấm này và hai người bạn đã bị buộc tội hình sự vì “xúc phạm nhà chức trách” và “đe dọa bạo lực với đại diện chính quyền”.

Nhiều cậu ấm phạm tội khác cũng được cuộc khảo sát trên giới thiệu, mà lý do, như một lời hát của nhạc sĩ người Saint Petersburg Boris Grebenshikov: “Con cái họ phát điên vì chúng không còn ham muốn điều gì”.

Chỉ vì Mưu cầu ổn định

Loạt khảo sát còn dài, trong đó còn nhiều phân tích về kinh tế, tài chính, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực... mà trên đây chỉ là vài phác thảo bức tranh 2016. Nhìn chung, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc cấm vận của phương Tây hai năm qua cùng giá dầu xuống thấp, báo chí Nga không quá lạc quan.

Tờ báo doanh thương Nga Vedomosti còn cho rằng chương trình hành động của các đảng phái khóa 7 khá mờ nhạt. Tờ này nhắc lại một số lời hứa của ER trong khóa 6 như “đạt tăng trưởng kinh tế 6-7%/năm và trong năm năm tiếp theo sẽ trở thành một trong năm cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới”, và “giúp các công ty Nga tiến ra thị trường thế giới với những sản phẩm hiện đại”.

Hay lời hứa của SR sẽ đạt được chữ ký của Nga cho Công ước UNESCO về bảo vệ các di sản phi vật thể (mà đến nay Nga vẫn chưa phê chuẩn). Còn trong khóa 7 này, theo Vedomosti, SR “không đưa ra được lời hứa nào”. Trong khi đó, nhiều vấn đề còn ngổn ngang cho các nhà làm luật: luật con nuôi Nga, việc tự do hội họp, chuyển giao thông tin và hoạt động của các tổ chức xã hội... “nhưng chẳng nghe ai hứa hẹn gì” - Vedomosti nhận xét.

Vậy có nghịch lý không khi ER tiếp tục giành được tín nhiệm của đa số cử tri? Không chỉ thế, so với Đuma khóa trước khi ER chỉ đạt đa số đơn giản (238 ghế), trong đợt bầu cử này ER lại giành được đa số hiến pháp?

Chuyên gia của Hiệp hội Các doanh nhân trẻ Nga Denis Rassomakhin nhận định trên tờ Expert: kết quả này là “sự ủng hộ ý tưởng một nhà nước mạnh, bảo đảm, vững chắc”. Hay như đánh giá của chuyên gia Alexei Onhitshenko thuộc Trung tâm Đuma xã hội, các cử tri của ER là những người “được liên kết bởi ý tưởng vì một quốc gia mạnh mẽ và ổn định”.

Việc Nga sáp nhập Crimea, chính sách thời cấm vận và gần đây là những cải tổ mạnh mẽ các cơ cấu an ninh Nga được xem là những chỉ dấu của “nhà nước mạnh” này.■

Về ứng viên chủ tịch của Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin (dự kiến được Đuma phê chuẩn vào ngày làm việc đầu tiên 5-10), các nhà bình luận chính trị Nga đánh giá đây là một “nhân vật cải cách, nhà tư tưởng, người khởi xướng nhiều thay đổi trong đời sống chính trị đất nước” (Lenta, 23-9), hay như Hãng tin Meduza đối lập gọi là “hồng y xám của Điện Kremlin”.

Trong số những thay đổi mang dấu ấn Volodin có việc tự do hóa luật các chính đảng, khôi phục việc bầu cử trực tiếp thống đốc vùng và đại biểu khu vực. Trên thực tế, ông Volodin là người thực hiện những ý tưởng cải cách của ông V. Putin, điển hình như cuộc bầu cử Đuma mới đây.

Năm 2014, nhằm mục đích gắn hoạt động của Đuma trực tiếp với các khu vực, ông Putin đã ký một đạo luật khôi phục hệ thống bầu cử hỗn hợp, trong đó việc bầu cử Đuma Nga sẽ theo hai danh sách: danh sách đảng phái và danh sách đại biểu khu vực.

Một nửa đại biểu (225 người) sẽ được cử tri các khu vực bầu cử trực tiếp chọn ra, 225 ghế còn lại sẽ được phân bổ giữa các đảng phái thắng cử. Ông Volodin đã thực hiện thành công ý tưởng này. Cuộc bầu cử hỗn hợp ngày 18-9 đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá là “hợp lệ, dân chủ, công bằng”. Còn với Tổng thống V. Putin, ông Volodin đã đảm bảo cho ER có được đa số hiến pháp.

Là một đại biểu Đuma dày dạn ở các khóa 3, 4 và là phó chủ tịch Hạ viện khóa 5, sau khi tham gia bộ máy chính quyền tổng thống từ năm 2011, V. Volodin phụ trách chính sách đối nội. Ấn bản mạng Meduza.io bình luận: “Và chính sách này tỏ ra hiệu quả. Đến năm 2016, Nga đã là một đất nước khác - không còn những kẻ muốn phản kháng, còn chính phe đối lập bị đập tan.

Ngược lại, Kremlin đạt được mức ủng hộ cao của dân chúng, mặc cho khủng hoảng kinh tế”. Việc ông Putin tiến cử V. Volodin, theo nhận xét của nhà kinh tế Vladislav Inozemtsiev đăng trên tờ Vedomosti, “như một thử thách mà nếu vượt qua, ông Volodin có thể được cất nhắc lên cao hơn, không loại trừ cả việc trở thành người kế nhiệm ông Putin”.

Và do “sức nặng chính trị” của ông Volodin, nhà bình luận trên tin rằng “ảnh hưởng của Đuma Nga khóa 7 có thể gia tăng, thoát khỏi tai tiếng là “máy in điên” (ám chỉ việc thông qua những đạo luật vội vàng với cách tiếp cận hời hợt, thiếu nghiên cứu của vài Đuma trước)”. Trên cơ sở này, có thể nói Đuma khóa 7 đã được chuẩn bị cho những diễn biến lớn hơn sắp tới ở Nga: năm bầu cử tổng thống 2018.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận