Thái Lan: Quân chủ và quân đội

DANH ĐỨC 26/10/2016 15:10 GMT+7

TTCT - Chủ tịch Hội đồng Cơ mật hoàng gia nhiếp chính trong khi thủ tướng cựu quân nhân nắm hành pháp với bản hiến pháp mới được dân bỏ phiếu: đó là bối cảnh chính trường Thái Lan sau khi Quốc vương Bhumibol băng hà.

Thủ tướng của chính quyền quân sự Prayuth (giữa) và các tướng lĩnh quân đội trong lễ tang nhà vua -wsj.com
Thủ tướng của chính quyền quân sự Prayuth (giữa) và các tướng lĩnh quân đội trong lễ tang nhà vua -wsj.com


Binh sĩ và cảnh sát đã phải giải tán một đám đông tụ tập dai dẳng ở Phuket yêu cầu thực thi công lý ngay lập tức đối với một người mà họ cho là xúc phạm Quốc vương Bhumibol - “bị cáo” là một phụ nữ đã post một bài “khi quân” trên Facebook.

Tờ Bangkok Post 16-10 loan tin này và cho biết thêm rằng đó là đám đông thứ nhì trong hai ngày liên tiếp đã xuống đường ở miền nam Thái Lan trừng trị những kẻ phạm tội khi quân.

Trong vụ đầu tiên, đám đông giận dữ đã ập đến một nhà máy sữa đậu nành ở Phuket ngay hôm thứ sáu, yêu cầu bắt giữ con trai của chủ nhà máy, buộc cảnh sát quân sự và dân sự cuối cùng phải giải tán đám đông mà không ai bị thương hoặc bị bắt giữ.

Về vụ thứ nhất, cũng theo Bangkok Post, trưởng công an huyện Bophut Thewes Pleumsud khẳng định đã bắt giữ người phụ nữ vì vi phạm mục 212 của bộ luật hình sự liên quan đến việc “khi quân”, cho dù không viết gì đến quốc vương song lại đề cập đến thái tử kế vị và quan nhiếp chính Prem Tinsulanonda.

Còn trong vụ thứ nhì, cảnh sát đã không bắt giữ con trai chủ nhà máy sữa đậu nành do bài viết “không trực tiếp khi quân”. Đến sáng thứ hai 17-10, Bangkok Post loan tin “nóng” cho biết chính phủ đã yêu cầu các công dân Thái hãy cư xử một cách thích đáng và kiềm chế việc post những “nội dung không thích hợp” trên mạng vào lúc mà cả nước đang thọ tang Quốc vương Rama IX.

Yêu cầu này được đưa ra sau vụ xuống đường chống khi quân thứ ba diễn ra hôm chủ nhật 16-10.

Việc bắt giữ và cáo buộc những người phát biểu về hoàng gia hay về tội khi quân là những dấu hiệu cho thấy hai thái độ đối nghịch trong lòng xã hội Thái: đại đa số tôn kính nhà vua quá cố cùng hoàng gia, trong khi một thiểu số không như thế.

Việc bắt giữ người phụ nữ bị đám đông nguyền rủa, ngay cả sau khi người này đã bái quỳ xin lỗi trước chân dung đức vua cho thấy lòng tôn kính của đại đa số người dân đang là “tối thượng”, vượt lên mọi “nghĩ ngợi” về thời cuộc.

Và việc chính phủ nhắc lại nghiêm lệnh cấm khi quân là một dấu hiệu khác cho thấy việc duy trì một trật tự như đã và đang có, nhất là từ sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân hiến pháp mới nhất trí thông qua hôm 7-8 năm nay, là yêu cầu tối thượng đối với xã hội Thái trong khuôn khổ “chặt chẽ” của bản hiến pháp mới này.

Bản hiến pháp duy trì trật tự hiện tại

Bản hiến pháp được cử tri Thái bỏ phiếu tán thành hôm 7-8 đã thể hiện yêu cầu duy trì trật tự tối thượng nêu trên qua đoạn mở đầu: “(Hiến pháp mới) đề ra các cơ chế mới nhằm tổ chức và tăng cường việc quản lý đất nước dựa trên việc tái cơ cấu các nhiệm vụ và quyền lực của các tổ chức hiến định, quan hệ giữa lập pháp và hành pháp sao cho thích hợp.

Đây là cơ hội cho các định chế tư pháp cùng các tổ chức độc lập giám sát việc nhà nước hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả, lương thiện và sòng phẳng, cũng như tham gia vào việc phòng hoặc xử lý các khủng hoảng khi cần thiết và thích hợp”.

Có hai điểm nhấn trong đoạn mở đầu này: (1) sẽ “tái cơ cấu” tức sắp xếp lại chức năng cùng mối quan hệ của ba khối quyền lực cố hữu trong chế độ “tam quyền phân lập” sao cho không tái diễn cảnh đảng nào chiếm được quốc hội cũng sẽ giành chính quyền, như đã thấy dưới trào anh em nhà Thaksin Shinawatra; (2) “Tư pháp” tức tòa án sẽ giám sát nhà nước không chỉ trên tính hiệu quả mà còn cả về tính “lương thiện”...

Nói cách khác, nhất cử nhất động của hành pháp sẽ “được” tòa án “canh chừng” chứ không “thả nổi” như dưới trào gia tộc Shinawatra, từ các vụ tai tiếng đất đai của bà Thaksin đến vụ mua gạo tồn trữ giá cao của cô em Yingluck! Bản hiến pháp cũng báo trước rằng “việc thực thi các quyền tự do phải nằm trong khuôn khổ các quy định nhằm bảo vệ công chúng”.

Nhìn chung, đây là một bản hiến pháp ngăn ngừa mọi cơ hội quay trở lại, có thể có, của cánh Thaksin như đã từng thấy trong quá khứ, hễ cứ bầu quốc hội là Thaksin thắng và giành chính quyền, rồi lại phải lật đổ...

Trong bối cảnh đó, những cuộc bầu cử quốc hội trong đó cánh “dân túy” luôn chiến thắng, nhờ vào các biện pháp nâng đỡ người nghèo hoặc đồng tiền “mua phiếu”, sẽ không còn được tổ chức. Sẽ không có cơ hội đảng nào thắng theo thể thức phổ thông đầu phiếu, tức chiếm đa số trong quốc hội, sẽ nắm chính quyền, nhất là khi quân đội nay bổ nhiệm toàn bộ 250 ghế thượng viện!

Trong khí thế đó, không lấy làm lạ việc hôm thứ hai 17-10, công tố viện hạn đến 17-12 sẽ xử vụ 17/19 thủ lĩnh UDD (phe áo đỏ thân Thaksin) về tội hội họp bất hợp pháp chống trưng cầu ý dân. Nguyên do là phe này đã tổ chức một cuộc họp báo trong một siêu thị loan báo thành lập “trung tâm theo dõi bỏ phiếu”.

Tất nhiên, một bản hiến pháp “bêtông” như thế phải dựa vào cột trụ quý giá suốt 70 năm qua là hoàng gia.

Ngay trong câu khởi đầu, bản hiến pháp đã nêu rõ vị trí của cột trụ đầu tiên này: “Thái Lan đã liên tục gắn với việc tuân thủ các nguyên tắc của chế độ chính quyền dân chủ với quốc vương như là quốc trưởng”.

Nhà vua vẫn giữ vai trò tối thượng như được mô tả trong chương 2: - Nhà vua sẽ đăng quang ở một vị trí thờ tự tôn kính và sẽ không bị vi phạm - Không ai được đưa nhà vua ra mà tố cáo hay xúc phạm bất cứ theo cách nào - Nhà vua là phật tử và là người cầm trịch của tôn giáo - Nhà vua giữ vị trí thủ lĩnh quân lực Thái - Nhà vua chọn lọc và bổ nhiệm những người đủ tư cách làm chủ tịch Hội đồng Cơ mật cùng không hơn 18 cơ mật viên tạo thành Hội đồng Cơ mật có nhiệm vụ tư vấn nhà vua trong mọi vấn đề...

Ai nhiếp chính thật sự ?

Không lấy làm lạ những tin tức về thái tử. Đầu tiên là việc ông từ nước ngoài (Đức) về nước chỉ ít ngày trước khi vua cha qua đời. Kế đến là việc ông muốn “khoan đăng quang để có thì giờ để tang vua cha”, theo lời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trước Quốc hội Thái.

Trong điều kiện đó, chủ tịch Hội đồng Cơ mật, tướng Prem Tinsulanonda, được chỉ định làm nhiếp chính cho tới khi tân vương đăng quang.

Tướng Prem là một nhân vật vô cùng quyền thế bên cạnh Quốc vương Bhumibol, kém ông những 8 tuổi. Song, quyền thế vô địch đó là do khi ông nắm quyền chủ tịch Hội đồng Cơ mật vào tháng 9-1988, ông mới 78 tuổi, thế chỗ ông Sanya Dharmasakti, 91 tuổi, lúc đó rút lui vì sức khỏe yếu.

Từ đó đến nay đã 28 năm, nay ông Prem đã 96 tuổi. 9 năm trước, một nhà nghiên cứu về chính trường Thái là Paul Handley đã nêu câu hỏi sau trong một tham luận đọc ở Hội nghị quốc tế lần thứ 10 về Thái học ở Đại học Thammasat: “Bản thân Prem năm nay đã 87 tuổi rồi, điều đó gợi ý một câu hỏi tối hậu là ai sẽ trở thành chủ tịch Hội đồng Cơ mật khi Prem qua đời?”.

Từ đó, câu hỏi thực tế cần đặt ra là trong những cuộc họp tay ba như giữa Thái tử Vajiralongkorn với Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha về việc “thái tử muốn khoan đăng quang”, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đóng vai trò gì, và rồi ông đã là người phát ngôn loan báo kết quả cuộc yết kiến thái tử, chứ thái tử không trực tiếp loan báo ý muốn của mình.

Trước thắc mắc của dân tình, hôm chủ nhật 16-10, thái tử đã lên tiếng trấn an dân chúng rằng ông sẽ đăng quang sau tang lễ. Phiền một nỗi, ông vẫn lên tiếng qua trung gian Thủ tướng Prayut. Ông này, mới chỉ 62 tuổi, quyền hành trong tay, có dư thời gian để khuếch trương thế lực của mình.

Quả thực là quyền hành hiện trong tay cựu tướng Prayut một cách rất hợp hiến khi mà bản hiến pháp hiện tại đã được đến 61,35% số phiếu ủng hộ so với 38,65% chống (hiến pháp 2007, ủng hộ chỉ 57,8%, chống đến 42,2%).

Ba tháng rưỡi trước trưng cầu ý dân, tờ The Nation 26-4-2016 đã gọi “đây là bản hiến pháp của người thắng cuộc, chứ không phải của người dân”, nhất là khi câu hỏi phụ “Thượng viện tương lai do quân đội chỉ định có được tham gia bầu thủ tướng hay không?” đã được 58,1% phiếu đồng ý. Số phiếu không đồng ý (41,9%) tuy là thiểu số song vẫn phản ánh một sự “hiểu vấn đề” của một bộ phận dân chúng.

Giáo sư Michael H. Nelson, Đại học Thammasat (Bangkok), trong biên khảo “Sự tạo nên một hiến pháp chuyên quyền ở Thái Lan, 2015-2016”, gọi đây là một chủ nghĩa chuyên quyền kiểu Thái, cai trị bằng các cuộc bầu cử, thế chỗ cho mô hình cũ “nền dân chủ kiểu Thái”.

Theo Michael H. Nelson, hiện có một số ý kiến chấp nhận hiện trạng này, như của Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn, theo đó các cử tri Thái đơn giản là đã sống dưới quyền cai trị của quân đội gần 2 năm qua, và họ đã tích đủ thông tin về những gì đang được đặt ra cho xã hội.

Thành ra, đa số cử tri đã đi bỏ phiếu đồng ý việc luật hóa sự giám sát của quân đội lâu dài hơn. Cử tri Thái không phải là những người không biết tự mình nhìn thấy và nói lên tiếng nói của mình. Một nhà kinh doanh Thái với tờ New York Times: “Để cho giới quân nhân “bồng bế” chính phủ trong 5 năm nữa vẫn còn hơn là các ông chính khách cầm quyền”.

Trong bối cảnh đó, nền “quân chủ lập hiến theo kiểu Thái” sẽ êm ả tiếp diễn với một vai trò như ở Anh, ở Nhật, cùng lúc với một nền “dân chủ kiểu Thái mới” đang hình thành, trong đó giới quân nhân ở vị trí tối thượng.■

Không có gì thay đổi trong vị trí quốc vương so với trước. Người kế vị Quốc vương Bhumibol cũng sẽ được tôn kính như vậy, hiến pháp đã tuyên xưng như thế. Vấn đề ở chỗ lòng tôn kính dành cho quốc vương vừa quá cố là do chính ông đã tự mình dựng lên và phát triển bằng tài trí, đạo đức và lòng thương dân của ông, không hề là một di sản mà người thừa kế có thể đương nhiên thụ hưởng.

Thừa kế ngai vàng là đương nhiên, song không có nghĩa cũng sẽ đương nhiên thừa kế tình cảm yêu kính của người dân: người dân luôn biết tự mình đánh giá và so sánh. Đây là vấn đề đặt ra cho mọi đương kim thái tử, từ London, Tokyo cho tới Bangkok, không chỉ của mỗi thái tử Maha Vajiralongkorn.

Kế vị ngai vàng “vật chất” không khó, song thừa kế lòng kính yêu của dân chúng như đã và đang dành cho Nữ hoàng Elizabeth II hay Quốc vương Bhumibol không hề là chuyện “đương nhiên”.

Thái tử Vajiralongkorn, tất nhiên, phải xây dựng tình cảm đó từ đầu, song ở tuổi 64 e đã quá trễ, nhất là khi do “không biết làm gì” suốt từ ngày 28-12-1972 khi được phong làm thái tử, ở tuổi 20. 44 năm đợi kế vị quả là một thời gian dài, nhất là trong cái bóng của phụ vương quá lớn.

Có thể do chờ đợi mòn mỏi mà ông bị cho là “chểnh mảng” việc nước và “ham vui”. Cũng có những dư luận cho rằng thái tử đã từng giao du với chính Thaksin Shinawatra, đối thủ được xem là bị cả tướng Prem (năm 2006) lẫn tướng Prayut lật đổ (năm 2014).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận