Nước Mỹ sẽ đối ngoại ra sao với tổng thống mới?

PHẠM VŨ LỬA HẠ 06/11/2016 17:11 GMT+7

TTCT - Trong các cuộc bầu cử dân chủ, cử tri nói chung quan tâm nhiều tới các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại. Nếu có để ý thì cũng rất chung chung, vì chính sách đối ngoại quá rắc rối trong khi họ lo nghĩ nhiều hơn những chuyện “cơm áo gạo tiền” trước mắt.

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton bắt tay tại cuộc tranh luận ở Đại học Washington ngày 9-10-2016 tại St Louis, Missouri -AP
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton bắt tay tại cuộc tranh luận ở Đại học Washington ngày 9-10-2016 tại St Louis, Missouri -AP


Elizabeth N. Saunders, nhà chính trị học ở Đại học George Washington, nói rằng có nhiều bằng chứng cho thấy cử tri Mỹ không biết nhiều về các chi tiết cụ thể của chính sách đối ngoại. Theo bà, cử tri có khuynh hướng chọn ứng cử viên mình thích trước, rồi xem lập trường của họ là quan điểm của chính mình; đó là cách đơn giản để nhìn nhận một thế giới phức tạp.

Trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ở các vòng sơ bộ gần như mọi ứng cử viên của hai đảng lớn đều phớt lờ chuyện đối ngoại, chỉ tập trung vào các thông điệp quốc nội nhằm trước tiên kiếm đủ phiếu để được đề cử đã.

Trong tình hình đó, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, từng là ngoại trưởng, cũng chưa vội tận dụng kinh nghiệm ngoại giao của mình. Bà chỉ tăng cường độ bàn về đối ngoại trong chặng nước rút và ở ba cuộc tranh luận tay đôi trực tiếp cuối cùng với Donald Trump.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa có bàn chuyện đối ngoại cũng chỉ là những điệp khúc như xây tường dọc biên giới với Mexico hoặc cấm cửa người Hồi giáo.

Đối với ông Trump, chính sách đối ngoại không hẳn vì mục đích đối ngoại, mà là kênh để tiếp cận cử tri về ý thức hệ, để minh họa cho khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, để khai thác ước nguyện của cử tri mong có một lãnh tụ mạnh mẽ, quyết đoán.

Tựu trung, sự tương phản về cương lĩnh đối ngoại giữa bà Clinton và ông Trump là sự khác biệt giữa chủ nghĩa quốc tế và đa phương với chủ nghĩa dân tộc và dân túy; giữa đại đồng và cô lập, coi nước Mỹ là trên hết. Thử điểm qua lập trường của hai đối thủ lớn nhất còn lại về những vấn đề đối ngoại quan trọng nhất hiện nay của nước Mỹ.

Nhập cư

Nhập cư được ông Trump đưa thành vấn đề đặc trưng trong chiến dịch của mình. Khi tuyên bố ra tranh cử vào năm 2015, ông nói rằng Mexico đang đưa những kẻ phạm trọng tội, như hiếp dâm, sang Mỹ. Ông cũng đề nghị trục xuất hơn 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp pháp đang sinh sống ở Mỹ.

Sau khi bất ngờ tới Mexico vào tháng 8-2016 để gặp Tổng thống Enrique Peña Nieto, ông Trump có bài phát biểu ở Arizona, đề ra kế hoạch cải tổ nhập cư gồm 10 điểm.

Bài phát biểu này lặp lại nhiều đề xuất mà ông đưa ra trong cương lĩnh chính sách năm ngoái và nhiều diễn văn khác trước đây, trong đó có lời hứa dựng bức tường dọc toàn bộ biên giới phía nam của Mỹ dài khoảng 1.600km, tăng gấp ba số nhân viên thi hành luật lệ nhập cư và hải quan, buộc các doanh nghiệp trên toàn quốc dùng hệ thống E-Verify để xác minh xem nhân viên có được phép làm việc ở Mỹ, trục xuất tội phạm không phải công dân, cắt hỗ trợ của liên bang cho những thành phố “trú ẩn” (địa phương có chính sách hạn chế hợp tác với các cơ quan di trú liên bang), và hạn chế nhập cư hợp pháp.

Ông Trump còn muốn chấm dứt chính sách của Mỹ cấp quốc tịch cho con sinh tại Mỹ của những di dân không có giấy tờ hợp pháp.

Ông đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án tối cao vào tháng 6-2016 giữ nguyên lệnh cấm tạm thời đối với một chương trình nhập cư mà nếu được thực hiện, thì sẽ tạm thời không trục xuất và cấp thị thực làm việc cho cha mẹ không có giấy tờ hợp pháp của các công dân Mỹ và thường trú nhân ở Mỹ.

Bà Clinton gọi cải tổ nhập cư là một vấn đề kinh tế và có tính gia đình. Bà nói sẽ đấu tranh để có luật nhập cư toàn diện nhằm tạo ra lộ trình cấp quốc tịch trọn vẹn và bình đẳng cho hơn 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp pháp.

Bà ủng hộ và hứa sẽ mở rộng các hành động hành pháp của chính quyền Obama để hoãn trục xuất và cấp thị thực làm việc tạm thời cho gần một nửa số người không có giấy tờ hợp pháp, bất chấp phán quyết hồi tháng 6-2016 của Tòa án tối cao giữ nguyên lệnh cấm đối với một hành động hành pháp đó.

Tháng 10-2015, bà Clinton nói Mỹ nên chấp nhận tới 65.000 người tị nạn Syria, nhiều hơn hẳn con số 10.000 do Tổng thống Obama đề xuất.

Mấy tuần sau, sau các vụ khủng bố ở Paris và San Bernardino, bà kêu gọi phải cảnh giác hơn trong việc sàng lọc di dân tới Mỹ, nhưng khuyến cáo không nên cấm nhập cư dựa trên quốc gia xuất xứ hoặc tôn giáo.

Ông Donald Trump trong chiến dịch vận động bảy thành phố liên tiếp tuần này ở bang Florida. Ông tuyên bố muốn Apple sản xuất các thiết bị của mình ở Mỹ thay vì tại “Trung Quốc và Việt Nam”-Thanh Tuấn
Ông Donald Trump trong chiến dịch vận động bảy thành phố liên tiếp tuần này ở bang Florida. Ông tuyên bố muốn Apple sản xuất các thiết bị của mình ở Mỹ thay vì tại “Trung Quốc và Việt Nam”-Thanh Tuấn

 

Trung Quốc

Ngay từ diễn văn mở màn chiến dịch tranh cử vào tháng 6-2015, ông Trump nêu đích danh Trung Quốc để đả phá, xem đó là một trong những kẻ thù hàng đầu của Mỹ. Ông cho rằng trong những năm gần đây Trung Quốc đã qua mặt Mỹ, nhất là về thương mại và chính sách kinh tế. Ông cáo buộc Trung Quốc bán phá giá hàng xuất khẩu và phá giá nhân dân tệ.

Tháng 10-2015, ông Trump đưa ra kế hoạch cải tổ quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Ông hứa khi lên làm tổng thống sẽ chính thức định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, mạnh tay xử lý nạn tin tặc, và dọa đánh thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc nếu nước này không chịu soạn lại các hiệp định thương mại.

Ông Trump cũng hứa giảm thuế suất doanh nghiệp Mỹ, giảm nợ quốc gia, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông để ngăn ngừa việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở các đảo nhân tạo tại vùng này, siết chặt luật lệ chống việc ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ và chống trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông cho rằng các chính sách đó sẽ củng cố vị thế đàm phán của Washington với Bắc Kinh. Ông phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong hồi ký Những lựa chọn khó khăn năm 2014, bà Clinton viết rằng mối quan hệ Mỹ - Trung không thể xếp vào loại bạn hay thù.

Bà đã nhận định mối bang giao Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ khó khăn nhất của Mỹ, nhưng cũng cho rằng hai nước chia sẻ một mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện. Bà nói chính quyền sắp tới phải tiếp tục xây dựng lòng tin và hợp tác với Trung Quốc về nhiều thách thức quốc tế, như Bắc Triều Tiên và biến đổi khí hậu, trong khi giữ cạnh tranh trong giới hạn có thể chấp nhận được.

Thời làm ngoại trưởng, bà Clinton là nhân vật chủ chốt trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama.

Chuyến công du chính thức đầu tiên của bà trong vai trò ngoại trưởng Mỹ vào năm 2009 có những điểm dừng ở Nhật, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc với mục đích đề cao tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Clinton thường chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền. Khi là đệ nhất phu nhân năm 1995, bà có bài phát biểu tại một hội nghị Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh, trong đó ngầm chỉ trích Chính phủ Trung Quốc về cách đối xử phụ nữ và chính sách một con.

Năm 2008, bà kêu gọi tổng thống George W. Bush tẩy chay lễ khai mạc Olympics ở Bắc Kinh, nêu lý do bạo lực chính trị ở Tây Tạng và Trung Quốc không gây áp lực buộc Sudan chấm dứt bạo lực ở Darfur.

Hàng rào dọc biên giới ở Nogales, Arizona -Tomas Munita/The New York Times
Hàng rào dọc biên giới ở Nogales, Arizona -Tomas Munita/The New York Times

 

Nga và NATO

Bà Clinton nói Mỹ cần phối hợp với Nga về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, nhưng hợp tác với các đồng minh để khi cần hạn chế những xâm phạm của Nga, chẳng hạn như ở Ukraine. Bà nói Putin xem Mỹ là “đối thủ cạnh tranh” và muốn tái thiết lập phạm vi ảnh hưởng của Nga trong khu vực láng giềng trong khi phô diễn sức mạnh ở những nơi khác như Trung Đông.

Theo bà Clinton, Mỹ nên ứng phó bằng cách củng cố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nâng cao an ninh năng lượng của các nước châu Âu, mà trong đó nhiều nước lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

Bà Clinton muốn có nhiều biện pháp cứng rắn hơn để trừng phạt Putin vì đã xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea cũng như ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Khi làm ngoại trưởng, bà Clinton đã nỗ lực kiến tạo nhiều hợp tác hơn giữa hai nước. Năm 2009, bà chụp hình chung với ông Putin trong đó hai người cùng nhấn một nút “tái khởi động” (reset) lớn màu đỏ, biểu trưng cho mong muốn hợp tác nhiều hơn với Nga. Nhưng một số người chỉ trích cách tiếp cận này đã thất bại và khuyến khích sự hiếu chiến của Nga.

Trong khi đó, ông Trump đã mớm ý tưởng một liên minh mới với Nga, cho rằng cần tái khởi động quan hệ để giảm những căng thẳng ở Syria và những nơi khác. Tổng thống Putin từng có nhiều lời khen ngợi ông Trump.

Do cảm nhận là hai người có vẻ niềm nở với nhau, và có mối quan hệ mật thiết giữa Matxcơva và một số cố vấn hàng đầu của ông Trump, một số giới ở Mỹ suy đoán rằng nếu ông Trump làm tổng thống Mỹ thì sẽ rất có lợi cho Putin.

Ông Trump nói rằng do ông Putin không tôn trọng Tổng thống Obama, Nga mạnh dạn can thiệp ở Ukraine. Năm 2015, ông chỉ trích Obama không làm điều đáng làm ở Ukraine, dù ông không nói cụ thể chính sách của Mỹ nên ra sao. Tuy nhiên, ông có kêu gọi các nước châu Âu khác hợp sức ủng hộ Ukraine.

Thảng hoặc ông Trump ca ngợi phong cách lãnh đạo của Putin (cho điểm A) và nói ông sẽ thích nếu được gặp Putin. Ông Trump nói nhờ kinh nghiệm kinh doanh của mình và thường xuyên tới Matxcơva, ông có thể sẽ có “mối quan hệ tuyệt vời với Putin”.

Về Trung Đông, ông Trump cho rằng Mỹ nên để các lực lượng Nga tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria. Hồi tháng 10-2015, ông gọi các cuộc không kích của Nga ở Syria là một điều tích cực, nhưng cũng nói có thể Nga cũng sa lầy như Mỹ ở Trung Đông.

Quan hệ của Mỹ với NATO là một những vấn đề nhiều bất đồng nhất giữa hai ứng cử viên này. Đầu năm 2016, ông Trump nghi vấn liệu NATO, liên minh ra đời cách đây mấy chục năm để ngăn ngừa Liên Xô, vẫn còn giá trị trong môi trường an ninh hiện nay.

Ngoài ra ông cho rằng Mỹ đóng góp tiền của quá nhiều cho NATO so với lợi ích hưởng được, trong khi Clinton xem NATO có vai trò thiết yếu đối với lợi ích của Mỹ ở châu Âu. Tuy không tiếc lời chỉ trích, ông Trump hứa nếu làm tổng thống, ông sẽ tôn trọng các cam kết hiệp ước của Mỹ trong NATO, trong đó có bảo vệ các nước Baltic tránh bị Nga xâm lấn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận