Nga cũng xoay trục?

TTCT - Tổng thống V. Putin đã ký sắc lệnh về Quan điểm mới của chính sách đối ngoại Nga 2016. TTCT đã mời chuyên gia đối ngoại Nga Anton Tsvetov giới thiệu những điểm mới so với thông điệp năm 2013.

Việc kênh truyền hình quốc tế Nga RT và Đài Sputnik bị Nghị viện châu Âu chỉ trích lại được Quan điểm 2016 đánh giá lạc quan và nêu rõ Nga cần “đưa tới các nhóm cộng đồng thế giới quan điểm của Nga đối với các tiến trình quốc tế”
Việc kênh truyền hình quốc tế Nga RT và Đài Sputnik bị Nghị viện châu Âu chỉ trích lại được Quan điểm 2016 đánh giá lạc quan và nêu rõ Nga cần “đưa tới các nhóm cộng đồng thế giới quan điểm của Nga đối với các tiến trình quốc tế”


Ngày 1-12, Quan điểm mới của chính sách đối ngoại Nga đã được công bố, một văn kiện toàn diện trình bày những ưu tiên trong chính sách đối ngoại Nga, hình thành quan điểm của đất nước trước những vấn đề cơ bản và những nguyên tắc quan hệ quốc tế.

Phiên bản quan điểm trước được Tổng thống Putin ký năm 2013 là phiên bản đầu tiên kể từ khi ông trở lại Điện Kremlin. Từ đó đến nay quanh nước Nga đã có nhiều thay đổi, vì thế cần cập nhật văn kiện này.

Có thể nói những nhiệm vụ then chốt trong chính sách đối ngoại Nga hầu như không thay đổi, đặt việc bảo đảm an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ đầu tiên của Nga, đồng thời củng cố nhà nước pháp quyền và các định chế dân chủ.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là bảo đảm môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều thú vị là mục tiêu củng cố “vị thế của Liên bang Nga như một trong những trung tâm ảnh hưởng của thế giới hiện đại” được đặt thành mục riêng so với Quan điểm năm 2013.

Ngoài ra, nhiệm vụ củng cố vị thế của các phương tiện truyền thông đại chúng Nga trong không gian thông tin toàn cầu và truyền đạt quan điểm của Nga đến công chúng toàn cầu cũng được đặt vào một điều khoản riêng.

Chống khủng bố: Không chính trị hóa và tiêu chuẩn kép

Chương mô tả môi trường chính trị toàn cầu có một số thay đổi. Nếu trong Quan điểm 2013 nó bắt đầu bằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì trong văn bản 2016, trọng tâm được đặt ở sự phức tạp ngày càng tăng của hệ thống thế giới, ở sự hình thành thế giới đa trung tâm.

Quan điểm 2016 nói về một thế giới mới, phức tạp hơn, nơi cạnh tranh giữa các đấu thủ cũ và mới bao trùm những lĩnh vực khác nhau, từ việc tiếp cận tài nguyên và công nghệ cho đến văn hóa và các giá trị. Yếu tố những thay đổi sắp tới của phương thức công nghệ có thể dẫn tới sự căng thẳng trong cạnh tranh toàn cầu cũng được giới thiệu.

Giống văn kiện 2013, Quan điểm 2016 nêu một trong những nguyên nhân của sự bất ổn toàn cầu là sự cạnh tranh giữa những trung tâm quyền lực cũ và mới, mong muốn của “phương Tây lịch sử” muốn duy trì sự thống trị trong các vấn đề quốc tế.

Nói về việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, Nga vẫn đặt Liên Hiệp Quốc ở vị trí trung tâm như một tổ chức không thể thay thế.

Trong số các công cụ “lãnh đạo tập thể” mà Nga coi trọng có BRICS (các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nhóm G20, SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải), RIK (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Trong danh sách này đã biến mất nhóm G8 - tổ chức mà Nga không còn là thành viên.

Được gọi là “mối đe dọa kiểu mới” và dành hẳn một mục riêng là nhóm “Nhà nước Hồi giáo”, khác biệt với “mức độ tàn bạo chưa từng có”, nhắm tới sự thành lập nhà nước riêng và gia tăng ảnh hưởng của mình từ “Đại Tây Dương tới Pakistan”.

Quan điểm 2016 cung cấp một giải pháp: thành lập “một liên minh quốc tế rộng lớn”, “không có chính trị hóa và tiêu chuẩn kép”.

Không gian phát triển Á- Âu theo góc nhìn Nga

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất đối với chúng tôi trong Quan điểm mới chính là chương “Các ưu tiên khu vực của chính sách đối ngoại Nga”.

Trong đó vị trí đầu tiên trong các ưu tiên - như truyền thống - vẫn là khu vực gần với nước Nga - không gian hậu Xô viết và Liên minh kinh tế Á - Âu. Tiếp đó là không gian châu Âu - Đại Tây Dương, một số nước EU, quan hệ với các tổ chức OSCE, NATO và Hoa Kỳ, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Mỹ Latin và cuối cùng là châu Phi.

Mối quan tâm của Nga đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương được giải thích bởi việc nước Nga nằm trong khu vực này. Những sáng kiến hội nhập có thể mang lợi ích cho việc phát triển Siberia và Viễn Đông được ưu tiên, đồng thời với việc thành lập trong khu vực “một kiến trúc an ninh và hợp tác toàn diện, cởi mở, minh bạch, công bằng”.

Trong số những định dạng ưu tiên, vị trí đầu tiên là SCO, tiếp đó là quan hệ đối tác đối thoại với ASEAN. Đây là lần đầu tiên, Quan điểm đối ngoại đặt ra mục tiêu đạt được quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN.

Trong Quan điểm 2016 có một ý tưởng khá mới về việc thành lập “quan hệ đối tác kinh tế - không gian phát triển chung của các quốc gia - thành viên Cộng đồng kinh tế Á - Âu (EAEC), SCO và ASEAN”.

Ý tưởng này lần đầu tiên được nghe thấy trong thông điệp liên bang của tổng thống năm 2016 và từ đó đã được bổ sung công thức “đối tác Á - Âu lớn”. Trong khi đó, ví dụ, không nói về việc ghép EAEC với sáng kiến của Trung Quốc “Vành đai kinh tế của con đường tơ lụa”.

Sau khi đặt ra các nhiệm vụ phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Nhật và hai đất nước trên bán đảo Triều Tiên, Quan điểm đề cập “việc tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam, mối quan hệ về truyền thống được đặt đầu tiên trong hàng các đối tác Đông Nam Á.

Khác với Quan điểm 2013 đề nghị mở rộng quan hệ hợp tác với “các nước ASEAN khác”, lần này văn kiện nêu tên một số nước cụ thể là Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Vẫn nhắc tới chế độ miễn thị thực với EU

Đặc biệt, mục về quan hệ Nga - EU được bổ sung bởi mô tả chi tiết những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các tác giả Quan điểm chỉ ra “những mâu thuẫn mang tính hệ thống đã tích lũy trong 1/4 thế kỷ qua” trong khu vực, thể hiện qua “sự mở rộng địa chính trị” của NATO và EU với mong muốn tiến đến hình thành “một hệ thống an ninh và hợp tác chung châu Âu”.

Ngoài ra, Quan điểm chỉ ra “Hoa Kỳ và các đồng minh” đã tiến hành đường lối kiềm chế và gây áp lực với Nga - điều phá hủy sự ổn định khu vực và toàn cầu.

Cùng với điều này, văn kiện nói về những lợi ích lâu dài trong việc tạo lập một không gian cho hòa bình, trong việc phát triển các quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác để giải quyết những nhiệm vụ chung như cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn nạn di trú bất hợp pháp; nhắc đến “trách nhiệm đặc biệt” của Nga và Hoa Kỳ đối với tình trạng ổn định chiến lược ở quy mô thế giới.

Điều thú vị là trong quan hệ với EU vẫn giữ lại mục chuyển động dần theo hướng bãi bỏ chế độ visa đối với nhau, động thái trở thành “xung lực” để củng cố hợp tác.

Thú vị là bởi sau cuộc khủng hoảng Ukraine, có cảm tưởng rằng chế độ miễn thị thực với EU sẽ vẫn là một giấc mơ đối với người Nga khi hai bên đang cấm vận lẫn nhau và sự hồ nghi vẫn chưa thuyên giảm.

Trong ngày ấn hành Quan điểm 2016, ông Putin đã trình bày thông điệp liên bang năm, nơi chính sách đối ngoại được dành rất ít thời gian. Người đứng đầu nhà nước tập trung vào những vấn đề kinh tế - xã hội, điều rất hợp lý khi hiện nay đây mới là mối đe dọa lớn nhất cho sự phồn vinh của nước Nga, cho chất lượng cuộc sống công dân Nga và thậm chí cho an ninh dài hạn.■

P.X.L. dịch

Đối với sự can thiệp từ bên ngoài

Quan điểm 2016 nói Nga “có ý định chống lại việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thứ ba nhằm mục tiêu lật đổ các chính phủ hợp hiến”. Những mưu toan này được thực hiện “bằng cách ủng hộ các chủ thể không phải nhà nước”, kể cả các tổ chức khủng bố và cực đoan. Đồng thời lặp lại luận điểm về việc chống “sử dụng các quan điểm nhân quyền như một công cụ đàn áp chính trị và can thiệp”.

Về các đe dọa quân sự

Nga vẫn cho rằng ít có khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn, bao gồm cả khả năng chiến tranh hạt nhân, nhưng gia tăng nguy cơ tham gia của các nước lớn nhất vào những cuộc xung đột địa phương. Quan điểm 2016 nhắc rằng NATO không chỉ xích gần tới biên giới Nga, mà còn gia tăng hoạt động quân sự. Và kết luận vẫn như cũ: “Liên bang Nga có thái độ tiêu cực đối với việc mở rộng NATO”.

Với châu Âu

Trong phần dành cho việc tích cực hóa quan hệ với các nước châu Âu, bên cạnh Đức, Pháp, Ý có nêu thêm Tây Ban Nha, nhưng không nêu Hà Lan và hoàn toàn biến mất mối quan hệ với Anh.

Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu cấm vận Nga, Quan điểm 2016 đưa ra công thức khá cứng rắn liên quan đến các biện pháp bảo vệ trong ngoại thương với đoạn nói về “sự cần thiết ứng phó hiệu quả với các hành động kinh tế không thân thiện của các nước ngoài”.

Với Hoa Kỳ

Quan điểm 2016 cũng phản ánh cái nhìn của Nga đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ. Trong Quan điểm 2013 Nga muốn đạt được việc bảo đảm (hệ thống này) không nhằm chống lại sự răn đe hạt nhân của Nga, nhưng Quan điểm 2016 nêu rõ khả năng đáp trả: “Nga coi việc thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Hoa Kỳ là mối đe dọa với an ninh quốc gia của mình và có quyền có biện pháp thích hợp”, đồng thời nhấn mạnh: “Nga không công nhận việc Hoa Kỳ thực hiện quyền tài phán bên ngoài lãnh thổ... và có quyền phản ứng mạnh mẽ trước những hành động không thân thiện, trong đó có việc củng cố quốc phòng và thông qua những biện pháp đáp trả, đối xứng”.

Với Trung Đông

Việc đánh giá các diễn biến ở Trung Đông thay đổi đáng kể so với phiên bản 2013 vốn nhận định tình hình Trung Đông là “mong muốn trở về với những cội rễ văn minh truyền thống” và “đổi mới kinh tế, chính trị của xã hội dưới những khẩu hiệu giá trị Hồi giáo”. Quan điểm 2016 nói về “sự lây lan khủng bố quốc tế” trong khu vực này: “Những giá trị tư tưởng được áp đặt từ nước ngoài và những mô hình hiện đại hóa” đã làm gia tăng “phản ứng tiêu cực của xã hội”, dẫn tới “sự giải thích méo mó về những giá trị tôn giáo”, dẫn đến chủ nghĩa khủng bố.

Với Ukraine

Quan hệ với Ukraine được dành hẳn một mục (56), trong đó Nga quan tâm “phát triển các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, tinh thần trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, xây dựng quan hệ đối tác tuân thủ các lợi ích dân tộc của mình”. Matxcơva nhận định sẵn sàng dành những “nỗ lực cần thiết” để điều phối “xung đột bên trong Ukraine”.

Công nghệ thông tin và Internet

Trong phần này xuất hiện luận điểm về việc chống lại áp dụng công nghệ thông tin vào các mục tiêu chính trị quân sự. Ngoài ra, lần đầu tiên trong Quan điểm mới của chính sách đối ngoại Nga nhắc tới Internet, khẳng định Nga đấu tranh cho những quy tắc phổ quát, nhắm tới quốc tế hóa việc quản lý Internet trên cơ sở công bằng.

(Tổng hợp từ đánh giá của các báo Kommersant, Izvestia, RIA Novosti)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận