Giành được chính quyền đã khó…

HẢI MINH 11/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT- Bà Aung San Suu Kyi, một nhà đấu tranh dân chủ phi thường, đang đứng trước thách thức xem ra còn lớn hơn nữa của việc cân bằng các lợi ích, đảm bảo an ninh, hòa hợp và quản trị một đất nước còn kém phát triển.

Những thách thức với việc điều hành nhà nước có thể còn lớn hơn với bà Aung San Suu Kyi so với việc đấu tranh đòi được dân chủ -Vogue


Tính chính danh của nền dân chủ còn non trẻ ở Myanmar phụ thuộc rất lớn vào khả năng quản trị nhà nước của chính quyền mới, thông qua sự cải thiện về mặt kinh tế và đời sống cho người dân, cũng như thiết lập lại ổn định, vượt qua những chia rẽ sắc tộc, tôn giáo và xây dựng một nền hòa bình bền vững.

Bộn bề ngổn ngang

Ngày 30-3, bà Aung San Suu Kyi, giờ được gọi là “cố vấn nhà nước cấp cao” (State Counseller), đã có bài phát biểu trước toàn thể quốc dân đồng bào - một dạng thông điệp liên bang - nhân kỷ niệm một năm ngày Myanmar chuyển đổi từ chế độ độc tài quân sự sang nền dân chủ.

Nhà tranh đấu đã kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ Liên đoàn Dân tộc dân chủ (NLD) - đảng chính trị của bà, cảm ơn người dân Myanmar vì “sự kiên nhẫn và cảm thông của họ cho chính quyền trong năm đầu tiên giữa những chỉ trích nhắm vào NLD” và điểm lại một số thành tựu đạt được trong thời gian ngắn ngủi đó, bao gồm việc “thúc đẩy các luật lệ bảo vệ người dân” và hủy bỏ những luật cũ “từng được dùng cho mục đích đàn áp”, hay “những tiến bộ lớn trong chăm sóc y tế với các nỗ lực loại bỏ bệnh lao, sốt rét và HIV/AIDS”.

Về đường hướng phía trước, bà nói nhiệm vụ của chính quyền chủ yếu sẽ tập trung vào việc tạo công ăn việc làm, giao thông tốt hơn và cải thiện tình trạng cung cấp điện.

Có mặt ở Yangon những ngày này, tôi thấy thành phố đã thay đổi khá nhiều so với 4 năm trước, khi cuộc chuyển giao đang bước vào những ngày quyết định.

Vỉa hè vẫn bị lấn chiếm bởi hàng rong, giao thông đang ngày càng trở nên khó khăn vì hạ tầng yếu kém, trong khi lệnh cấm xe máy đã khiến số xe hơi tăng đột biến, điện vẫn bị cúp mà không báo trước, nước sinh hoạt cũng có thể bị cúp nhiều ngày - dù Yangon, với 5,1 triệu dân, là thủ phủ thương mại của đất nước.

Nhưng đồng thời cách nơi tôi ở không xa, những sạp báo dù nhỏ bé cũng đã xuất hiện The New York Times, The Economist và nhiều tờ báo lớn nước ngoài khác trên quầy, đường phố vẫn rợp bóng cây với chim chóc sống ngay trong những khu đô thị đông đúc và một bầu không khí háo hức về những cơ hội mới với sự nhộn nhịp khác hẳn ngày trước, bất chấp cái nắng tháng 3 như đổ lửa.

Tờ Tia Sáng Mới Toàn Cầu Myanmar (The Global New Light of Myanmar), một cái tên thật hợp với bối cảnh lúc này - tờ báo tiếng Anh duy nhất trong nước - đăng nhiều loạt bài dài nhân kỷ niệm một năm sau đổi mới.

Đó vẫn còn là những bài báo mang dáng dấp của kiểu thông tin cũ với 2-3 trang dày đặc chữ “Thành tích sau một năm” của lần lượt từng bộ ban ngành, bao gồm Bộ Ngoại giao (cũng do bà Aung San Suu Kyi làm bộ trưởng), Bộ Điện lực và năng lượng, Bộ Dân tộc thiểu số, các chính quyền bang..., nhưng những điểm mới cũng đã rõ ràng.

Bài xã luận ngày 30-3 của Tia Sáng Mới chẳng hạn, kêu gọi người dân “học hỏi các nước phát triển” và “làm việc chăm chỉ hơn”.

Ngọn nguồn bài viết là bởi một quyết định của chính quyền mới vừa được thông qua, rút ngắn số ngày nghỉ tết truyền thống ở Myanmar (vào hạ tuần tháng 4) từ 10 ngày chỉ còn 5 ngày. Vài vụ biểu tình lẻ tẻ đã nổ ra phản đối quyết định này.

Khin Maung Oo, tác giả bài xã luận, viết: “Chúng ta có quyền tự do bày tỏ suy nghĩ và mong muốn, (nhưng) tôi nghĩ rằng kiểu biểu tình như thế sẽ không bao giờ có tác dụng và thật vô lý khi chúng ta nói chúng ta sẵn sàng làm việc chăm chỉ vì đất nước, nhưng rồi chúng ta lại đòi nghỉ nhiều hơn”.

Thật ra, tranh cãi về số ngày nghỉ lễ có lẽ là nỗi lo nhỏ nhất với chính quyền mới lúc này. Những thách thức lớn hơn rất nhiều đang chờ đợi nền dân chủ non trẻ của Myanmar phía trước và tính chính danh của nó, cùng với NLD và người lãnh đạo huyền thoại Aung San Suu Kyi, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có thể làm gì tiếp theo.

Không phải vô cớ mà bà Aung San Suu Kyi nói cảm ơn người dân về “sự kiên nhẫn” của họ. Dù đã nhận được sự ủy nhiệm gần như tuyệt đối từ người dân - 86% trong cuộc bầu cử năm 2015, NLD và bà Aung San Suu Kyi đã nhận không ít chỉ trích trong thời gian vừa qua.

Công cuộc dân chủ hóa vẫn còn là một chặng đường rất dài. Vấn đề sắc tộc và an ninh cũng đầy thách thức. Bà Aung San Suu Kyi chịu rất nhiều sức ép quốc tế, vì NLD và chính quyền mới bị cáo buộc phớt lờ với số phận bi thảm và những cuộc thanh trừng nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya thuộc bang Rakhine.

Ở bang miền bắc giáp biên giới Trung Quốc Kachin, nhóm vũ trang thiểu số lớn nhất trong vùng, KIA, đã từ chối ký vào Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) - một nỗ lực nhằm thiết lập nền hòa bình ổn định và bền vững của chính quyền Nay Pyi Taw.

Nền kinh tế Myanmar, với tất cả triển vọng của nó, cũng còn bộn bề ngổn ngang. Ngay tại thủ phủ kinh tế Yangon, mới 63% người dân được tiếp cận nước sạch, điện không ổn định, các hạ tầng kinh tế cơ bản còn thiếu thốn trầm trọng.

Số liệu từ Hội nghị thượng đỉnh về cơ sở hạ tầng Myanmar 2017, diễn ra từ ngày 29 đến 31-3, cho thấy Myanmar hiện cần hàng chục tỉ USD cho các hạ tầng cơ bản bao gồm đường sá, mạng lưới điện, nước sạch, cảng biển, hệ thống vận tải công cộng...

Hạ tầng viễn thông và di động là một câu hỏi hóc búa khác với mức độ phủ Internet còn rất thấp, chi phí kết nối và sử dụng cao gấp 7 lần so với ở Việt Nam tính tương ứng theo thu nhập bình quân đầu người, theo báo cáo của Lu Xingang - giám đốc tiếp thị về giải pháp mạng của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, người có mặt tại hội thảo nói trên.

Hạ tầng về luật pháp cũng đang trong cảnh tranh tối tranh sáng, sau quá nhiều năm đóng cửa với bên ngoài và hầu như không tồn tại lĩnh vực kinh tế tư nhân thật sự.

Chẳng hạn, Luật công ty của Myanmar hiện được ban hành từ năm... 1914 và gần như chưa có những điều khoản điều chỉnh cho các yếu tố nước ngoài. Luật công ty mới dự kiến chỉ được ban hành trong năm nay, ông Pedro Jose Fausto Bernardo của Công ty luật Kelvin Chia ở Yangon, trao đổi với chúng tôi.

Các hạ tầng pháp lý khác cho việc kinh doanh và cai quản đất nước nói chung cũng đang ở giai đoạn hoàn toàn sơ khởi.

Toàn bộ sự ủng hộ và “kiên nhẫn” mà người dân có thể dành cho NLD cùng lãnh đạo của họ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết từng bài toán cho giới đầu tư, kinh doanh ở khu vực tư nhân và những vấn đề dân sinh cụ thể đó.

Hành trình chông gai mới

Vai trò cá nhân quá lớn của bà Aung San Suu Kyi cũng đang bị đặt nghi vấn. Ngoài vai trò cố vấn cấp cao của nhà nước - một vị trí được tạo ra để “lách luật” với hiến pháp do chính quyền quân sự trước đó soạn thảo cấm bà ngồi vào ghế tổng thống, bà còn đảm nhiệm các vị trí bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng văn phòng tổng thống và chủ tịch nhiều ủy ban.

Được mô tả là một người quản lý chi li, bà “đòi xem mọi dự thảo trước khi nó được trình cho quốc hội” - báo Anh The Guardian dẫn lời một nguồn tin riêng của họ.

“Vấn đề là không có người làm chính sách thật sự nào trong nội các của bà ấy” - nhà phân tích chính trị Myanmar Myat Ko nói.

Thêm vào đó, quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát nhiều bộ then chốt cũng như các lực lượng sức mạnh. Về phần NLD, ngay từ đầu họ đã chịu điều tiếng khi dư luận phát hiện một số tân bộ trưởng dùng bằng cấp giả.

Phải thấy rằng sau nhiều năm tranh đấu và với tình hình phát triển của đất nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi không có nhiều lựa chọn. Những người có kinh nghiệm quản trị nhà nước thì thuộc chính quyền cũ, mạng lưới gần gũi với bà cũng nhỏ, hậu quả của việc bà bị quản thúc và truy bức một thời gian dài trước kia.

Những vấn đề như người Rohingya và lập lại hòa bình là rất phức tạp và đòi hỏi các cuộc thương lượng kéo dài, chưa kể quyền lực lớn của quân đội khiến bà cố vấn cấp cao chỉ có khả năng quyết định giới hạn, nhưng chính quyền cũng được kỳ vọng nhiều hơn trong một số lĩnh vực mà họ đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến giảm 30% trong một năm tính tới ngày 31-3, theo báo cáo của Nikkei Asian Riview. Sự sụt giảm này được giải thích một phần bởi chính phủ chưa có một viễn kiến kinh tế rõ ràng.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là điều luật 66D khét tiếng trong luật về viễn thông Myanmar. Lợi thế đa số người của NLD ở quốc hội lẽ ra cho họ cơ hội hủy bỏ điều luật này, vốn cho phép chính quyền bỏ tù những ai chỉ trích nhà nước trên Facebook.

Tuy nhiên, chính quyền mới thay vì thế lại bắt đầu sử dụng điều luật nhằm tấn công những người chỉ trích. Tới đầu năm 2017, ít nhất 38 người đã bị truy tố vì tội lăng mạ trên mạng, bao gồm hai người đã gọi Tổng thống chính thức Htin Kyaw là “đồ ngốc”.

Giải thích với Guardian, Win Htein, người phát ngôn NLD, nói: “Xin nói với mọi người cảm thấy thất vọng với bà Aung San Suu Kyi hay với chúng tôi là hãy nhìn vào lịch sử... Chúng tôi đã tranh đấu hơn 27 năm, trải qua bao nhiêu gian khổ. Lúc này là còn quá sớm. Họ đã kỳ vọng quá nhiều”.

Ông cũng trình bày rằng việc quản trị nhà nước còn bao gồm cuộc thương lượng liên tục với phe quân đội: hiện Đảng Liên minh đoàn kết vì phát triển (USD) đối lập do quân đội ủng hộ đang định đưa ra quốc hội xem xét liệu vai trò cố vấn cấp cao nhà nước của bà Aung San Suu Kyi có phải là vi hiến hay không.

Myanmar thật sự là một trường hợp rất thú vị ở Đông Nam Á và thế giới nói chung. Bên cạnh họ là nền dân chủ lớn nhất thế giới (Ấn Độ, với 1,2 tỉ dân), một thể chế dân chủ - quân chủ lập hiến chưa hoàn chỉnh, nơi nhà vua không chỉ có cương vị biểu tượng mà còn có quyền lực không nhỏ (Thái Lan) và một chế độ toàn trị.

Bà Aung San Suu Kyi, trong khi đã là một nhà đấu tranh dân chủ phi thường, đứng trước thách thức xem ra còn lớn hơn nữa của việc cân bằng các lợi ích, đảm bảo an ninh, hòa hợp và quản trị một đất nước hơn 60 triệu dân còn kém phát triển.

Không phải nhà đấu tranh nào cũng có thể trở thành một nhà quản trị giỏi, nhưng ít ra các nền tảng đã bắt đầu bám rễ ở Myanmar. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận