Khủng hoảng Triều Tiên: Lối thoát ở đâu?

DANH ĐỨC 22/04/2017 21:04 GMT+7

TTCT - Vụ phóng tên lửa hôm chủ nhật 16-4, tuy chỉ là “pháo xịt” nên Mỹ tuyên bố “không chấp nhất”, là một dấu hiệu nữa cho thấy sự cương quyết của CHDCND Triều Tiên không coi các nghị quyết “cấm chỉ” của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào đâu.

Ảnh không đề ngày đăng trên KCNA vào tháng 3-2017 cho thấy các tên lửa của Triều Tiên đang rời bệ phóng-KCNA
Ảnh không đề ngày đăng trên KCNA vào tháng 3-2017 cho thấy các tên lửa của Triều Tiên đang rời bệ phóng-KCNA


Những diễn biến dồn dập quen thuộc đó càng cho thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo là ở Bắc Kinh.

Triều Tiên có những lý lẽ riêng để giải thích tại sao dứt khoát phải sở hữu vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, giống như những lý lẽ giải thích tại sao Mỹ vẫn tiếp tục đóng quân ở Hàn Quốc và tập trận với quân đội nước này - điều mà Triều Tiên luôn phản đối quyết liệt. Song vấn đề là thời gian càng trôi đi thì “nguy cơ hạt nhân” sẽ không chỉ còn ở dạng tiềm tàng nữa.

Binh bị là trên hết

Hai “trụ cột” của chế độ Bình Nhưỡng từ thời nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il là (1) “binh bị là trên hết” (Songun, tức “Tiên quân chính trị”, chính trị lấy quân sự làm đầu) và (2) tinh thần “chủ thể” (Juche, tức “Chủ thể tư tưởng”).

Định đề “binh bị là trên hết” thể hiện trong chính sách và thực tế là (1) ưu tiên số một cho đầu tư, chi tiêu cho quốc phòng, và (2) nhãn quan của Quân ủy trung ương và các tướng lĩnh quyết định chính sách đối ngoại.

Triển khai hai chính sách tối thượng này chính là tạo cơ sở cho sự tự chủ (chủ thể) quốc gia. Có thể gọi đó là cách nhìn mang tính “đặc sắc Triều Tiên”, khác với cách nhìn của các nước khác, mà thường chỉ nhắm vào những mục tiêu như cơm no áo ấm cho dân lành.

Việc Triều Tiên chọn “binh bị trên hết” giải thích tại sao Triều Tiên thừa tiền để nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển tên lửa và bom hạt nhân, nhưng lại nhường việc cứu đói cho Liên Hiệp Quốc.

Từ lâu Chương trình Lương thực thế giới (WFP), không xa lạ gì ở Việt Nam những năm 1980 với những khẩu phần gồm mấy lạng đường, mấy lạng dầu ăn mỗi tháng của Liên Hiệp Quốc viện trợ, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn dinh dưỡng bổ sung tối thiểu cho một bộ phận dân Triều Tiên.

Một thông báo mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Giữa những căng thẳng chính trị, khoảng 18 triệu người dân CHDCND Triều Tiên tiếp tục sống trong cảnh không có an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, thiếu các dịch vụ cơ bản, bao gồm 10,5 triệu người, tức 43% dân số, thiếu ăn.

Thiên tai đủ loại, đặc biệt là hạn hán lan rộng được điểm thêm bởi các cơn lụt hầu như hằng năm càng làm tăng các đòi hỏi cứu trợ nhân đạo ở đây”.

Theo Chỉ số thiếu ăn toàn cầu (GHI) của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, Triều Tiên xếp hạng 98/118 nước và thuộc nhóm “đói nghiêm trọng”.

Chính vì thế, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Triều Tiên năm nay đang vận động 114 triệu USD để duy trì gói viện trợ WFP. Các số liệu này có thể coi là khá đáng tin bởi hoạt động của Liên Hiệp Quốc tại Bình Nhưỡng là có thật và từ lâu chính Triều Tiên không phản bác các số liệu của WFP.

Nói cho ngay, chuyện thiếu đói hay thiếu dinh dưỡng không còn khó hiểu khi ngân sách và ngoại tệ có hạn dành cho “binh bị trên hết”.

Việc hàng triệu người dân hò reo mỗi khi phóng tên lửa hay thử hạt nhân thành công cũng trở thành tự nhiên với lòng tin vào “tự chủ tư tưởng” trước âm mưu thôn tính và phá hoại của “đế quốc Mỹ” và “tay sai Hàn Quốc”, một niềm tin không hề bị thách thức.

Thật ra, không chỉ người dân, ngay cả trong quân đội Triều Tiên cũng có những bộ phận phải “nhường” cho chọn lựa tên lửa và hạt nhân, tỉ như không quân nước này vẫn còn sử dụng các máy bay của chiến tranh Triều Tiên cách đây khoảng 65 năm do các máy bay cổ lỗ sĩ đó (F-5, F-7..., tương đương Mig 15, 17 do Trung Quốc sản xuất) không có sức đe dọa hủy diệt bằng tên lửa và bom hạt nhân, khi mà chủ thuyết của Triều Tiên luôn là ra tay trước, là đe dọa biến Mỹ, Hàn, Nhật thành bình địa.

Bởi mong muốn nhất quán đó, có vẻ rất khó thuyết phục Bình Nhưỡng đi tới một giải pháp chính trị và ngưng chương trình tên lửa cùng hạt nhân của họ.

Như một minh chứng, cho tới giờ hi vọng dàn xếp một giải pháp qua đàm phán mới hay tiếp tục đàm phán 6 bên đều bế tắc.

Việc Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson bay sang Hàn Quốc “to nhỏ” một đề xuất gì đó cho tương lai, sau khi Mỹ có chính quyền mới, hay việc Bộ trưởng ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault cuối tuần rồi sang Bắc Kinh thăm dò một đề xuất mới, cũng sẽ là vô vọng tự thân nếu chưa có được câu trả lời từ Bình Nhưỡng!

Binh lính Hàn Quốc tái hiện trận sông Nakdong năm 1950 trong kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên-AFP

Binh lính Hàn Quốc tái hiện trận sông Nakdong năm 1950 trong kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên-AFP

 

Bắc Kinh muốn gì?

Sở dĩ mọi việc trên bán đảo Triều Tiên cứ “quay mòng mòng” theo những hỉ nộ ái ố của ông Kim Jong Un có một phần trách nhiệm không nhỏ của Trung Quốc.

Tháng 3-2016, sau khi Bình Nhưỡng thử thêm một thiết bị hạt nhân - điều bị Liên Hiệp Quốc cấm qua hàng loạt nghị quyết mà chính Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận; rồi sau đó phóng thêm hai tên lửa tầm ngắn; đồng thời tuyên bố sẽ triệt hạ mọi tài sản của Hàn Quốc ở Triều Tiên, thì từ Bắc Kinh, thông điệp đưa ra là không rõ ràng.

Trung Quốc nói họ muốn các bên ngưng những hành động khiêu khích nhau và giữ bình tĩnh đừng cho leo thang căng thẳng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là Hong Lei (Hồng Lỗi) đặc biệt nhấn mạnh: “Mỹ và Hàn Quốc đã khởi sự một cuộc tập trận quy mô lớn ở Hàn Quốc, buộc Triều Tiên phản ứng mạnh mẽ trước điều mà họ cảm nhận như một mối đe dọa”.

Với tư cách đồng minh lớn, Trung Quốc tất nhiên phải có lời lẽ cảm thông với Triều Tiên, nhưng việc chỉ nhìn nhận “cảm nhận bị đe dọa” của Bình Nhưỡng mà bỏ qua những đe dọa san bằng Hàn Quốc bằng bom hạt nhân cho thấy sự thiên lệch có thể khiến chiếc nút thắt ở bán đảo Triều Tiên không thể nào gỡ ra được.

Và không chỉ từ những tuyên bố chính thức, giới học giả nước này cũng nhiều người cảm thông với Bình Nhưỡng. Zhang Liangui (Trương Liễn Khôi), chuyên gia về Triều Tiên học của trường Đảng thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói việc Triều Tiên đe dọa hủy diệt Hàn Quốc là “tuyên bố biểu tượng, mang tính phản kháng”.

Theo ông Zhang, “không chắc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có bùng phát thành xung đột vũ trang hay không, do lẽ Mỹ và các đồng minh sẽ cứ tiếp tục hành động buộc Triều Tiên phản ứng”.

Một học giả khác của Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao tên là Shi Yongming (Thời Vĩnh Minh) cũng phàn nàn rằng Mỹ - Hàn đang gây sức ép quân sự và chính trị với Triều Tiên khi liên tục tập trận với nhau.

North Korean female soldiers smile before a parade to commemorate the 65th anniversary of the founding of the Workers' Party of Korea in Pyongyang October 10, 2010. REUTERS/Petar Kujundzic  (NORTH KOREA - Tags: POLITICS MILITARY ANNIVERSARY)
Những nữ binh sĩ Triều Tiên tại lễ diễu binh kỉ niệm 65 năm thành lập đảng Công nhân Triều Tiên năm 2010. REUTERS

 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc vẫn đều đặn thông qua các nghị quyết cấm Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân ở Hội đồng Bảo an mỗi khi có dịp.

Những biến cố gần đây trên bán đảo cho thấy tình thế không dễ dàng với Bắc Kinh: họ không muốn lùi bước về mặt địa chính trị ở Triều Tiên, nhưng đồng thời sẽ khó chấp nhận một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nghèo đói và bất ổn ngay tại cửa ngõ đông bắc nước mình.

Đó là một tình thế cân bằng mong manh được duy trì thông qua việc mở hay cắt viện trợ cho Triều Tiên.

Một cuộc chiến tranh Triều Tiên nữa là điều chắc chắn Trung Quốc không muốn, nhưng nếu chế độ của ông Kim Jong Un sụp đổ, hàng triệu nạn dân Triều Tiên có thể tràn sang biên giới, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ mà Bắc Kinh chưa thể sẵn sàng xử lý.

Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra một tuyên bố cảnh báo tình hình căng thẳng ở Triều Tiên phải từng bước xuống thang bởi nó đang có nguy cơ bước vào “một giai đoạn không thể đảo ngược và không thể kiểm soát”.

Không hề ngẫu nhiên, từ Washington, Mỹ loan đi thông điệp là “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược giờ đã chấm dứt”.

Cho tới giờ thì cả các nước can dự trực tiếp, Triều Tiên và Hàn Quốc, lẫn những cường quốc đứng sau, Trung Quốc và Mỹ, vẫn chưa có hành động gì thái quá ngoài các tuyên bố, nhưng để từng bước xuống thang và giải quyết bế tắc, những lá bài tẩy có lẽ đang nằm cả trong tay Bắc Kinh.

Theo National Interest, ngay cả điều mà Triều Tiên tự nhận là “tiến bộ kỹ thuật tên lửa vượt bậc” của họ, tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 được phóng hôm 12-2 vừa rồi e là cũng có xuất xứ từ...

Trung Quốc, bởi theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng chưa thể tự phát triển động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa! Ngoài quan hệ chính trị, thương mại Trung Quốc - Triều Tiên cũng là yếu tố khiến Bắc Kinh có rất nhiều phạm vi để hành động trong mọi cuộc thương lượng liên quan.

Reuters ngày 12-4 cho biết nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên trong quý 1-2017 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Triều Tiên tăng 54,5%.

Một trong những “định đề” ngoại giao quen thuộc của Trung Quốc trong quan hệ với Triều Tiên là “vận mệnh tương đồng”. “Vận mệnh” này đã được hai nước tỏ rõ ngay từ đầu những năm 1950, qua chiến tranh Triều Tiên và kéo dài tới nay, bất chấp những đồn thổi gần đây là đã xuất hiện rạn nứt trong giới lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thành ra rốt cuộc, câu trả lời cho câu hỏi liệu có một giải pháp hòa bình nào cho vấn đề Triều Tiên hay không vẫn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hai quốc gia đồng minh này, chứ không phải Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, khi các nghị quyết cho tới nay đều là vô nghĩa đối với Bình Nhưỡng.

Chính Mỹ nhận thức rõ điều này, thể hiện qua cuộc họp báo điện thoại của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17-4. Nhà báo Nick Wadhams của Hãng Bloomberg hỏi đại ý: Liệu Trung Quốc có thay đổi lập trường về Triều Tiên?

Liệu cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình mới đây ở Mar-a-Lago và cuộc gặp Tillerson - Dương Khiết Trì có kết quả gì liên quan tới điều đó?

Trả lời: “Tổng thống Trump rất hi vọng Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy rất mạnh của họ với mạch máu kinh tế của nền kinh tế Triều Tiên cho nỗ lực này... Và Trung Quốc đã nói rõ họ cam kết với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ làm hết sức vì điều đó”.

Câu trả lời của trợ lý Thorton cho thấy khá rõ là lối thoát của cuộc khủng hoảng Triều Tiên không ở Washington, Seoul, hay thậm chí Bình Nhưỡng, mà là ở Bắc Kinh. Thành ra, điều mà ông Trump đã làm được ở Syria không hẳn, nếu không muốn nói là khó lòng mà làm được ở Triều Tiên.■

5 nguồn ngân quỹ chính của Triều Tiên

Dù là một quốc gia gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Triều Tiên vẫn có nguồn lực cho những chương trình vũ khí cực kỳ tham vọng, thông qua 5 nguồn chính, theo các nhà phân tích.

1. Trung Quốc: Khoảng 3/4 thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc.

2. Lao động gửi về từ nước ngoài: Lao động Triều Tiên ở Trung Quốc và Nga là nguồn ngoại hối quan trọng cho Bình Nhưỡng. Các mặt hàng xuất khẩu khác của nước này là than đá và quặng mỏ, giúp họ thu về tiền nhân dân tệ, đôla Mỹ và euro.

3. Bán vũ khí: Chuyên gia Anwita Basu của Economist Intelligence Unit nói Triều Tiên có bán vũ khí cho một số nước châu Phi, có thể có hợp tác hạt nhân với Iran, và đang định mở rộng thị trường tại các nước châu Á và Trung Đông. Năm 2016, Ai Cập từng chặn một tàu Triều Tiên mang theo 30.000 súng phóng lựu PG-7 và các trang thiết bị vũ khí khác.

4. Thuốc: Triều Tiên có “một ngành công nghiệp dược hàng nhái khá mạnh”, theo chuyên gia Robert Manning của Atlantic Council.

5. Tấn công mạng: Triều Tiên được cho là đứng đằng sau vụ tấn công mạng khiến các quỹ đóng ở Bangladesh thiệt hại 81 triệu USD vào tháng 3-2017.(Theo CNBC)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận