Cuộc đấu vương quyền và những thay đổi đối ngoại của Trump

THANH TUẤN 23/04/2017 17:04 GMT+7

TTCT - Nhắc đến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong gần 100 ngày qua, một trong những dấu ấn lớn nhất thường được nói đến là cuộc đấu giữa các phe trợ lý.

Ông Donald Trump (phải) và ông Tập Cận Bình bắt tay trong cuộc gặp tại Florida (Mỹ) mới đây -express.co.uk
Ông Donald Trump (phải) và ông Tập Cận Bình bắt tay trong cuộc gặp tại Florida (Mỹ) mới đây -express.co.uk

 

Điều này khá dễ hiểu khi trong gần 50 năm quản lý, ông Trump thường xuyên duy trì các phe đối lập nhau như một cách tối ưu hóa bộ máy của mình. Ông thích những đấu đá như vậy như một cách tạo động lực.

Ba nhóm quyền lực

Ở cánh tây Nhà Trắng, các nhóm được chia ra làm ba.

Phe đầu tiên là của “ông trùm” Steve Bannon, người cổ xúy tư tưởng cực hữu, chủ nghĩa dân tộc và một loạt ý tưởng dân túy mà ông Trump theo đuổi trong giai đoạn tranh cử.

Phe thứ hai gồm con rể ông Trump - Jared Kushner, con gái ông Trump - Ivanka, ông Gary Cohn (cố vấn kinh tế) và bà Dina Powell (phó cố vấn an ninh quốc gia).

Cả hai người cuối từng làm lãnh đạo Goldman Sachs và phe này thường được gọi là nhóm “Phố Wall” hoặc bị phe Cộng hòa chỉ trích là “bọn Dân chủ” vì quan điểm ôn hòa và từng có thời là đảng viên phe Dân chủ (bản thân ông Trump cũng từng 5 lần đổi đảng phái, 5 năm trước ông từng là người phe Dân chủ).

Phe cuối cùng là của chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cựu chủ tịch Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa và là bạn thân của chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Ông Bannon được coi thỉnh thoảng dùng ông Priebus trong một số sự vụ.

Trong mô hình Nhà Trắng truyền thống, vai trò lớn nhất thường rơi vào chánh văn phòng Nhà Trắng, người thường vào vai lèo lái mối quan hệ với cả Quốc hội và các nhánh khác nhau của chính quyền.

Nhưng trong chính quyền Trump, vai trò đó thường là cuộc chạy đua giữa “ông trùm” Bannon và người con rể Jared Kushner.

Giai đoạn đầu, ông Bannon gần như có quyền lực tuyệt đối khi hầu hết các chính sách của ông Trump đều hướng theo quan điểm dân túy cực hữu của ông, từ lệnh cấm nhập cư, lật đổ bộ luật y tế của ông Obama cho đến cứng rắn về thương mại với Trung Quốc và các nước láng giềng.

Các cuộc đấu quyền lực của ông Bannon hầu như nhằm tiêu diệt các nhóm còn lại và để củng cố quyền lực tuyệt đối của mình.

Nhưng thời thế đang thay đổi và cuộc chiến giờ đang ngày càng nhắm vào chính ông Bannon, từng là nhân vật thân tín số một của ông Donald Trump.

Có thời điểm ông Trump từng xếp ông Bannon vào cuộc họp cao nhất của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) trong khi loại cả giám đốc CIA cũng như giám đốc Cơ quan tình báo NSA. Nhưng đến đầu tháng này, ông Trump đã hạ cấp và loại “ông trùm” ra khỏi NSC.

Cả Washington lúc này đang đồn đoán liệu ông Bannon sẽ còn tồn tại được bao lâu nữa. Sự cô lập của Bannon sau khi ông thất bại trong cuộc đấu quyền lực với Jared Kushner - con rể và là cố vấn khác của ông Trump.

Ông Kushner đang ngày càng được gọi là “bộ trưởng của các bộ” trong cơ cấu quyền lực của Trump. Dấu hiệu rõ nhất của việc này là khi trong vài cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump đều bác bỏ tầm quan trọng của ông Bannon trong chiến dịch tranh cử.

“Tôi chính là chiến lược gia cho bản thân mình” - ông Trump nói với Michael Goodwin, cây viết của tờ New York Post, hôm 11-4.

Các cố vấn của ông Trump nói ông chủ Nhà Trắng rất khó chịu khi những người thân cận của ông Bannon vẫn thường khoe khoang rằng ông Bannon là kiến trúc sư trưởng cho chiến thắng của ông Trump, là ngọn cờ đầu của phong trào dân túy và chủ nghĩa dân tộc hiện tại mà định hướng phần lớn chính sách của ông Trump.

Chỉ sau đó một ngày, trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, ông Trump nhấn mạnh thêm ông Bannon chỉ là phụ tá và là “một gã làm việc cho tôi”, và “chỉ tham gia chiến dịch vào phút cuối”.

Sự thay đổi vận mệnh của ông Bannon cũng cho thấy sự khác thường trong cách điều hành Nhà Trắng của ông Trump: cấu trúc trách nhiệm trong nhóm trợ lý của ông Trump không rõ ràng và thường làm những nhiệm vụ đôi khi là rất khó khăn: thắt chặt về nhập cư, giảm bớt những luật định, lật ngược chính sách y tế của ông Obama.

Ông Bannon thường xuyên nói mình là người triển khai những lời hứa tranh cử này. Nhưng đến nay việc triển khai này đã liên tục gặp trục trặc: tòa án chặn lệnh cấm nhập cư của tổng thống, việc lật đổ chính sách y tế của ông Obama không giành được đủ phiếu.

Những người thân cận Trump nói ông ngày càng khó chịu với những đấu đá nội bộ - cũng như cách công chúng đang nhìn nhận chính quyền của ông.

Trong cuộc trao đổi rất dài của ông Trump với ông Bannon tuần trước, Tổng thống Trump nhắc lại yêu cầu rằng vị chiến lược gia trưởng và các đối thủ của mình cần chấm dứt tình trạng đấu đá nhau.

Trong bài phỏng vấn với tờ New York Post, ông Trump nói: “Steve là anh chàng tốt, nhưng tôi nói họ cần giải quyết cho xong, không thì tôi sẽ ra tay”.

Trong cuộc trao đổi riêng, ông Trump được cho là có những lời chỉ trích nặng nề hơn nhiều với ông Bannon. Ông nói thẳng luôn ông Bannon “không phải là người hoạt động đồng đội” tốt.

Ông Bannon dường như đã nhận ra được mối nguy hiểm và giờ đang cố gắng im lặng hơn nhiều trong các hoạt động Nhà Trắng. Ông Bannon cũng nói với những người thân cận rằng ông hiểu mình không thể ngày nào cũng ném bom và cần lựa chọn các trận chiến của mình một cách cẩn trọng hơn.

Những thay đổi phe phái nhân sự của ông Trump cũng đang thể hiện rõ trong đường lối đối ngoại của vị tổng thống khác thường này.

Kushner (giữa) được coi là người chiến thắng trong cuộc đấu quyền lực với Bannon (phải)-Reuters
Kushner (giữa) được coi là người chiến thắng trong cuộc đấu quyền lực với Bannon (phải)-Reuters

 

Mềm mỏng với Trung Quốc, cứng rắn lại với Nga

Từng một thời mềm mỏng với Nga và cứng rắn với Trung Quốc, chính quyền Trump đang nhanh chóng thay đổi thái độ trong vài tuần gần đây.

Quan điểm thay đổi của ông Trump đối với hai cường quốc này đang đưa Washington trở lại gần hơn với quỹ đạo quen thuộc trong chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama: kiềm chế, cứng rắn với Nga; giữ quan hệ cân bằng với Trung Quốc.

Quan điểm thay đổi của ông Trump có thể làm hài lòng một số nhóm trong nội bộ Mỹ, vốn vẫn giữ quan điểm thù hằn với Nga. Nhưng sự thay đổi của ông đối với Trung Quốc có thể khiến một số đồng minh của Mỹ ở châu Á e ngại Washington sẽ phớt lờ những động thái cứng rắn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Có thể ông Trump đã phát hiện cách tiếp cận kiểu “đổi chác” của Trung Quốc phù hợp hơn trong việc đạt được các mục tiêu của mình trong chính sách đối ngoại.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tìm cách tiếp cận mối quan hệ dựa trên cơ sở hai cường quốc tôn trọng khu vực ảnh hưởng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ.

Bắc Kinh đặc biệt chú trọng tiếp cận ông Trump qua người con rể Kushner (như việc đàm phán hợp đồng mua bán bất động sản lớn ở New York). Cách tiếp cận cân bằng quyền lực kiểu vậy cũng là cách tiếp cận truyền thống của Nga. Matxcơva không muốn Washington xâm lấn vào các vùng ảnh hưởng truyền thống của họ.

Nhưng việc Nga bị cáo buộc tham gia tác động tới bầu cử Mỹ cũng như bầu cử ở một loạt nước châu Âu khiến Washington rất khó chấp nhận mong muốn này của Nga.

Việc Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và việc ông Trump muốn theo đuổi chính sách cứng rắn hơn - như việc bắn 59 quả tên lửa Tomahawk mới đây để trả đũa việc Syria dùng vũ khí hóa học - cũng khiến Nga khó nhượng bộ được ông Trump lúc này.

Cuộc “trăng mật” ngắn ngủi của ông Trump với ông Putin vì vậy dường như đã chấm dứt. Cả Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có thiên hướng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và đều không muốn ai vuốt mặt mình - điều này càng dễ khiến hai bên đối đầu khi lợi ích hai bên có nhiều điểm đối đầu.

Sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại này của ông Trump khiến giới chính trị gia Washington cũng như giới quan sát thế giới bất ngờ, kể cả với người được coi là thất thường và hay thay đổi kiểu Trump.

Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Trump thường xuyên ca ngợi ông Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và “rất thông minh”.

Ông Trump thường xuyên chỉ trích những người muốn cứng rắn với Nga ở Mỹ là “ngu ngốc” và nói chính sách của ông với cựu thù cũ thời chiến tranh lạnh sẽ là “cùng hợp tác để giải quyết một số vấn đề bức thiết của thế giới”.

Thái độ của ông Trump với Matxcơva khi đó càng đẩy thêm những nghi ngờ rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump và phía Nga đã cùng hợp tác để ông Trump thắng cử - cáo buộc hiện đang được FBI điều tra.

“Thật sự, nếu chúng ta hợp tác với Nga và đánh bại ISIS, đó sẽ là điều tốt, không có gì là tệ” - ông Trump nói trên đài phát thanh hồi tháng 10. Nhưng đến tuần trước, thông điệp của ông Trump đã khác hẳn: Mỹ và Nga đối đầu ở Syria.

“Chúng ta không đồng nhất quan điểm với Nga chút nào - ông Trump nói - Có thể đây là thời điểm quan hệ xấu nhất từ trước tới nay”.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong cuộc họp báo với lãnh đạo NATO, liên minh quân sự hình thành trong thời chiến tranh lạnh để đối phó với Liên Xô. Ông Trump từng chỉ trích NATO là “lạc hậu” nhưng giờ thì nói NATO “không còn lạc hậu”.

Trong khi thay đổi quan điểm với Nga, ông Trump đang chìa tay ra với Trung Quốc. Trong cuộc gặp mới đây nhất với ông Tập Cận Bình ở Florida, ông Trump đã ca ngợi ông Tập Cận Bình là “tuyệt vời” và “người rất đặc biệt”.

Trong nhiều năm trời, ông Trump vẫn chỉ trích Trung Quốc là “ăn cướp bữa trưa” của nước Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, Trump liên tục đưa ra những lời hứa sẽ gọi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ”.

Ông thậm chí đe dọa chiến tranh thương mại và chỉ trích thặng dư thương mại của Trung Quốc là một trong những vấn đề nghiêm trọng của kinh tế Mỹ.

Ông Trump hiện ngày càng tập trung vào mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên giữa lúc Bình Nhưỡng sắp tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo. Và giờ ông đang mong muốn Trung Quốc sẽ giúp đỡ trong việc gây áp lực đối với Bình Nhưỡng.

Tuyên bố gần đây của ông Trump là “Tôi nghĩ Trung Quốc đã rất đang nỗ lực” trong vấn đề Triều Tiên.

Cùng với đánh giá này, ông Trump nói ông sẽ không gọi Bắc Kinh là kẻ thao túng tiền tệ - động thái được coi là nhượng bộ đối với ông Tập, sau khi không tiếp tục lời đe dọa từ bỏ chính sách “Một Trung Quốc”, vốn liên quan trực tiếp đến câu chuyện Đài Loan - vốn là vấn đề được coi là lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh.

Vậy thì ông Trump, người luôn khoe về khả năng thương lượng các hợp đồng, đạt được điều gì từ vụ này? “Mỹ chưa được gì từ Trung Quốc - Evan Medeiros, cựu cố vấn về châu Á của ông Obama, nói với AP - Câu hỏi là nếu như họ không đem lại những gì ông ấy muốn thì điều gì sẽ diễn ra?”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận