Những ưu tiên của ông Duterte

DANH ĐỨC 06/05/2017 15:05 GMT+7

TTCT - Việc báo chí nhất loạt chạy tít “Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN không nhắc tới phán quyết của tòa The Hague” là điều không khó hiểu. Vấn đề là sau đó tình hình sẽ như thế nào cả với Philippines lẫn với ASEAN?

Ông Duterte thăm tàu chiến Chang Chun ngày 1-5. Người mặc bộ quốc phục Trung Quốc là Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa -rappler.com
Ông Duterte thăm tàu chiến Chang Chun ngày 1-5. Người mặc bộ quốc phục Trung Quốc là Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa -rappler.com

 

Mỗi tổng thống đều có một tầm nhìn cùng những ưu tiên cầm quyền riêng. Chọn lựa ưu tiên nào là tối thượng cho đất nước là quyền của nhà lãnh đạo đó, sau khi đã được dân chúng ủy nhiệm.

Thành ra, việc ông Rodrigo Duterte tự thể hiện mình như thế nào qua Thượng đỉnh ASEAN ở Manila cuối tuần qua sẽ chỉ được đánh giá bằng những kết quả hay hậu quả sau đó.

Chính vì thế, sẽ là phi lý và không thực tế nếu so sánh cách nhìn thế sự của ông Duterte với người tiền nhiệm trực tiếp Benigno Aquino, vốn khác nhau như mặt trăng, mặt trời.

Nếu buộc phải so sánh, có lẽ sẽ là hợp lý hơn nếu so sánh ông Duterte với cựu tổng thống Fidel Ramos. Cụ thể hơn, có thể so sánh bài diễn văn khai mạc Thượng đỉnh ASEAN Manila 2017 với bài diễn văn ở thượng đỉnh ASEAN Bankgok 1995 của ông Ramos.

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 6-2016, ông Ramos được tổng thống mới nhậm chức Duterte tin cậy bổ nhiệm làm đặc phái viên của tổng thống sang Bắc Kinh để “hàn gắn quan hệ”.

Mà ngay cả với chính “người đưa tin” tin cẩn Ramos, những chính sách và lý lẽ của ông Duterte tháng 4-2017 vẫn khác biệt không ít với những gì ông Ramos nói tháng 12-1995.

Nhấn mạnh gì trong diễn văn khai mạc?

Sau những lời chào hỏi, ông Duterte bắt đầu bài diễn văn khai mạc bằng cách tự giới thiệu ông, tuy là “mới”, song cũng đủ “thâm niên” và trải nghiệm ASEAN để có một tầm nhìn mà ông tóm tắt như sau:

Trong 10 tháng ở chức vụ tổng thống, tôi đã có đặc quyền gặp lãnh đạo các nước thành viên ASEAN. Các chuyến thăm của tôi đã là cơ hội để thảo luận các vấn đề và mối quan tâm chung ở cấp độ song phương. Đó cũng là dịp để trao đổi cởi mở và thẳng thắn về các lợi ích chung cho khu vực”.

Khác với những lần ứng khẩu “bốc đồng” mà nhiều người so sánh với ông Donald Trump, phát biểu soạn sẵn của ông rất “ngoại giao”, cân nhắc từng chữ, không bỡn cợt, trái lại như đinh đóng cột:

Từ những tương tác giá trị này, chúng tôi đã xác định được ưu tiên hàng đầu trong vai trò chủ tịch của Philippines như sau: xây dựng một ASEAN hướng đến người dân và tập trung vào người dân, duy trì một khu vực hòa bình và ổn định, hợp tác về an ninh hàng hải, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và dựa trên sáng tạo, tăng cường sự linh hoạt của ASEAN, và thúc đẩy ASEAN trở thành một mô hình cho tinh thần khu vực và một đối tác ở quy mô toàn cầu”.

Một cái nhìn rất “vị nhân dân” và “duy hòa bình”. Sau khi mở đầu khá rào đón, ông Duterte đi sâu vào chủ điểm “vị nhân dân”:

Người dân các nước ASEAN chia sẻ nguyện vọng chung rằng quyền lợi và phúc lợi của người dân (phải) được bảo vệ và phát huy. Người dân muốn một nguồn sinh kế ổn định, một mái nhà che đầu, giáo dục chất lượng cho con cái họ, chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, một chính phủ hòa bình và ổn định và một nền kinh tế năng động.

Đấy là những chỉ số của sự thịnh vượng, tôn trọng và nâng cao phẩm giá con người. Hôm nay đây, tôi tuyên bố rằng người dân của chúng ta đáng được hưởng những điều này. Và hơn thế nữa”.

Khó mà tranh cãi với ông Duterte về ưu tiên đó khi “điều răn” lấy người dân là trung tâm là từ chính Hiến chương ASEAN!

Đến đây, ông muốn khuyên nhủ một số nhà lãnh đạo khác trong ASEAN: “Mỗi khi ra nước ngoài tôi đều muốn gặp người Philippines ở nước ngoài để nghe chuyện của họ, và để họ cảm thấy rằng tổng thống và chính phủ thật sự quan tâm đến họ.

Quý đồng sự lãnh đạo trong ASEAN của tôi, không nghi ngờ gì, có thể liên hệ đến câu chuyện của tôi”.

Tất nhiên, các đồng sự mà ông Duterte muốn thuyết phục “hãy liên hệ đến câu chuyện của tôi” về người dân Philippines đang tha phương cầu thực khắp thế giới không phải là Thủ tướng Lý Hiển Long của đảo quốc Singapore tiên tiến hay Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei dầu hỏa, mà là những nhà lãnh đạo ở các nước ASEAN “cùng cỡ” với Philippines: hãy lo cho dân chúng đi, đừng có lo gì khác cho phức tạp và... nghèo thêm!

Ở một đất nước như ở Philippines, nơi mà trẻ thơ nằm ngủ ngay trên xe đẩy bán hàng của cha mẹ giữa đại lộ Roxas náo nhiệt (cũng là nơi tòa đại sứ uy nghi của Mỹ tọa lạc), thì rõ ràng cơm no áo ấm, mái nhà che nắng mưa chính là ước ao của đa số người dân trong mọi xã hội.

Quả là rất “vì dân”! Không lấy làm lạ tại sao cuối quý 1 vừa qua, theo Reuters, tỉ lệ ủng hộ ông Duterte ở Philippines vẫn cao ở mức 78% tuy đã giảm từ tỉ lệ 85% ghi nhận vào tháng 12-2016.

Thành ra, việc ông Duterte chọn ưu tiên cầm quyền của ông là “vì dân” và tất cả cho cuộc chiến chống ma túy thay vì chọn việc “bảo vệ biển Tây” (tức Biển Đông) càng có “cơ sở quần chúng”!

Trong khi chờ đợi công ăn việc làm, cơm no áo ấm từ vốn đầu tư của Trung Quốc, thì tạm khoan nghĩ tới chuyện đối đầu với Trung Quốc, và những tranh cãi đã phần nào xao nhãng bởi thành tích trừ khử những “tay buôn ma túy” của nhà chức trách.

Còn tại sao ông Duterte chọn chống ma túy thay vì chống tham nhũng như nhiều người tiền nhiệm, thì đó cũng là toàn quyền của một vị tổng thống dân cử mà cũng thực tế: chống ma túy mà không xét xử ở tòa, “thi hành án tại chỗ” thì dễ có ngay kết quả, còn chống tham nhũng “phức tạp lắm”!

Ông Duterte chào cờ trên tàu chiến Chang Chun ngày 1-5 - Ảnh: rappler.com
Ông Duterte chào cờ trên tàu chiến Chang Chun ngày 1-5 - Ảnh: rappler.com

 

Khoan nói chuyện tranh chấp?

Theo dõi suốt bài diễn văn khai mạc của ông Duterte, những ai quan tâm đến chủ đề an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của đất nước Philippines đã chỉ nghe được đúng hai câu cùng một định hướng “duy hòa bình”.

Đầu tiên ông nói: “Trên mặt trận chính trị và an ninh, chúng tôi nhận thấy rằng các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đang thử thách quyết tâm của chúng ta trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực”.

Thường thì đối diện thách đố an ninh người ta hay nói đến quyết tâm chống trả, đấu tranh, thậm chí thề thốt sẽ chiến thắng. Riêng ông Duterte lại hô hào đối phó bằng “quyết tâm thúc đẩy hòa bình”!

Nhưng có lẽ chủ trương hòa bình bằng mọi giá khó dựa trên cơ sở tự nguyện lúc này, khi cán cân lực lượng và cách hành xử của các bên ở Biển Đông đang có sự khác biệt quá lớn.

Câu tiếp theo ngay sau câu trên giản lược tình hình theo chiều hướng tương tự: “Các diễn biến địa chính trị và chiến lược trên toàn cầu cũng tạo ra thách thức đối với các lợi ích và mục đích chung của chúng ta, nếu không muốn nói là cả sự an toàn của môi trường chúng ta!”.

Cả bài diễn văn tuyệt nhiên không thấy bóng dáng những tranh chấp và bất đồng không thể nói là đã dàn xếp được ở Biển Đông bấy lâu nay, mà chính Philippines chứ không ai khác đã phải chịu lép nhiều bề.

Nhưng mọi chuyện dễ hiểu hơn bởi cùng lúc Thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Manila thì cũng là lúc khu trục hạm mang tên lửa Chang Chun của Trung Quốc cập cảng Davao.

Ông Duterte đã phải khá hối hả họp xong Thượng đỉnh ASEAN là tới ngay Davao, vốn cách Manila cả ngàn cây số để lên thăm tàu này. Một trận bóng rổ và thi kéo co giữa các thủy thủ trên tàu và binh sĩ Philippines đã diễn ra nhằm “thắt chặt thêm tình hữu nghị”.

Quả là một không khí khác hẳn so với chỉ hai năm trước thôi, khi mà các tàu tuần duyên của Trung Quốc còn dùng súng nước xua đuổi mọi tàu Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough sau “sự biến Hoàng Nham” (tên Trung Quốc gọi Scarborough) bắt đầu từ năm 2012, và tới nay thì coi như đã xác lập sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc ở đây.

Vì thế, không có gì đặc biệt khi trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN, ông Duterte không hề nhắc tới việc lấn chiếm, biến bãi đá thành căn cứ quân sự, càng không nhắc tới phán quyết của tòa trọng tài The Hague bác bỏ mọi yêu sách vô căn cứ trên Biển Đông mà Philippines phải lao tâm khổ tứ mới giành được.

Cũng đừng lấy làm lạ việc báo Trung Quốc loan tin từ ngày 1-5 về một lệnh cấm đánh cá do Trung Quốc áp đặt hằng năm “bắt đầu có hiệu lực” trên một vùng biển mà nói ít nhất thì vẫn còn là vùng tranh chấp chủ quyền!

Khi chính Chủ tịch ASEAN không xem đó là thách đố với an ninh, hiểm nguy cho hòa bình, thì việc Bộ ngoại giao nước chủ nhà tránh đề cập đến vấn đề tranh chấp là đương nhiên.

Thật ra toàn bộ câu chuyện này và những diễn tiến lúc thăng lúc trầm của nó đã kéo dài nhiều thập niên.

Đến đây, thật đáng nhắc diễn văn của ông Ramos ở Thượng đỉnh ASEAN Bangkok tháng 12-1995, vốn nhấn mạnh yêu cầu đoàn kết khu vực: “Bất chấp các yêu sách chồng lấn của một số thành viên ASEAN với một số khu vực trên biển Hoa Nam (tức Biển Đông), ASEAN vẫn phải đoàn kết làm một...”.

Ông cũng tự tin khi nói một cơ chế manh nha về an ninh chung của ASEAN (nhưng đến nay vẫn chỉ là diễn đàn): “ASEAN đã thiết lập Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), trong đó các nước chúng ta cùng các nước khác có lợi ích trong khu vực tham vấn nhau về các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực”.

Các công cụ của ASEAN như ARF, ADMM, ADMM+... cho tới nay rốt cuộc chỉ dừng lại ở mức độ diễn đàn, phát biểu, tìm hiểu, bày tỏ ý kiến, còn trên thực địa việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các bãi đá ở cả Hoàng Sa và Trường Sa có vẻ đã sắp tới giai đoạn nghiệm thu, cùng lúc với việc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Cũng tháng 12-1995 đó, ông Ramos đã vạch ra một tầm nhìn hợp lý cho khu vực mà tới nay lại trở thành ảo mộng xa vời.

Chúng ta cần tiến xa hơn ngay cả các cuộc tham vấn rất hữu ích hiện nay về biển Hoa Nam (tức Biển Đông), và bàn đến các biện pháp nhằm phi quân sự hóa khu vực đó và bảo toàn các tài nguyên thiên nhiên cùng sự cân bằng sinh thái cùng với các nước khác, song nếu có thể do chính ASEAN chúng ta tự làm trong nội bộ ASEAN...”.■

“Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ quan ngại về những chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua cũng như các tác động nhiều mặt đối với ASEAN và mỗi quốc gia thành viên... Trước tình hình và yêu cầu đó, Thủ tướng đã có một số đề xuất cụ thể. Đó là ASEAN cần đề cao trách nhiệm của thành viên và tinh thần cộng đồng, nhất là lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực, hướng tới một cộng đồng ASEAN có vai trò và trách nhiệm trên trường quốc tế”. (theo Chinhphu.vn, ngày 29-4-2017)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận