Vì người Hàn cần khôi phục niềm tin

CHIÊU VĂN 13/05/2017 16:05 GMT+7

TTCT- Con trai của một người nhập cư từ CHDCND Triều Tiên sẽ trở thành tổng thống Hàn Quốc tiếp theo, trong một cuộc bầu cử có thể định hình phản ứng của cả cộng đồng quốc tế với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Moon Jae In sẽ đứng trước rất nhiều thử thách trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới-AP
Ông Moon Jae In đứng trước rất nhiều thử thách trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới- ảnh: AP

 

Moon Jae In và 3 lần đòi dân chủ

Các kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Moon Jae In, 64 tuổi, một cựu luật sư nhân quyền đại diện cho Đảng Dân chủ có khuynh hướng tự do, thắng cử với khoảng cách lớn: 41,4% so với các đối thủ chính Hong Joon Pyo (bảo thủ, 23,3%) và Ahn Cheol Soo (trung dung, 21,8%).

Kết quả sơ bộ cũng cho thấy tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu lên tới hơn 80%, một con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh Hàn Quốc vừa rung chuyển với vụ luận tội và phế truất tổng thống Park Geun Hye.

Cha mẹ ông Moon rời miền Bắc trong thời chiến tranh Triều Tiên. Lúc ông ra đời năm 1953, họ đang sống ở hòn đảo Goeje ở miền Nam.

Cha ông làm việc trong một trại tù chiến tranh, còn mẹ ông bán trứng ở thành phố cảng Busan. Năm 1972, ông Moon vào trường luật nhưng không theo học được bao lâu. Ông bị bắt giữ vì lãnh đạo các cuộc biểu tình chống nhà độc tài Park Chung Hee, cha của bà Park.

Chính trong tù ông lấy giấy phép hành nghề luật sư trước khi được thả ra. Năm 1982, ông và người bạn thân thiết sau này thành tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun mở một công ty luật ở thành phố Busan, tập trung vào các vụ quyền con người và quyền dân sự.

“Khi những người lao động nghèo tới tìm ông nhờ giúp đỡ, ông Moon sẽ ngồi xuống lắng nghe từng người một” - Seol Dong Il, một cộng sự cũ của ông, kể lại với Reuters về thời kỳ này.

Một lần nữa, ông Moon lại trở thành người tranh đấu, khi cùng với ông Roh, họ đóng vai trò dẫn dắt phong trào đòi dân chủ dẫn tới cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Hàn Quốc năm 1987.

Nhưng trong khi ông Roh, xuất thân từ một gia đình nông dân khiêm tốn, bước vào giới chính trị, ông Moon đã lựa chọn ở lại Busan và tiếp tục cuộc chiến vì dân chủ qua tòa án. Năm 2003, ông Roh được bầu làm tổng thống và ông Moon được vời lên Seoul để làm trợ lý, vị trí khiến ông được đặt cho biệt danh “Cái bóng của Roh”.

Không hẳn là một chính trị gia bẩm sinh, trong chiến dịch tranh cử năm 2004, cựu chính trị gia Choi Nak Jeong nhận xét ông Moon là người “bẽn lẽn” và “rất rụt rè”.

Chính ông nhận xét về mình năm 2011: “Tôi thấy rất không thoải mái. Tôi cảm thấy công việc này không hợp với tôi như thể khoác lên người một bộ quần áo không vừa. Tôi luôn nghĩ mình sẽ trở về chỗ của mình, một luật sư”.

Tuy nhiên, thời gian ông làm trong chính quyền Roh Moo Hyun, nơi ông đảm nhận vai trò chống tham nhũng, không phải là không có tranh cãi. Năm 2007, ông bị chỉ trích vì chính quyền Hàn Quốc khi đó đã tham vấn Triều Tiên trước khi vắng mặt không bỏ phiếu trong một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền lên án miền Bắc.

Rồi năm 2009, tổng thống Roh tự sát sau khi đã rời nhiệm sở, điều khiến cuộc điều tra nhắm vào cáo buộc ông đã nhận 6 triệu USD tiền hối lộ cũng khép lại.

Cái chết của người đồng chí đã ảnh hưởng sâu sắc tới ông Moon. Trong hồi ký năm 2011, ông viết: “Khi tôi uống vào một chút, tôi lại nhớ ngày xưa, và tôi tự hỏi mình: Roh Moo Hyun có ý nghĩa thế nào với cuộc đời tôi? Ông ấy thực sự đã định nghĩa đời tôi.

Đời tôi đã khác hoàn toàn nếu không gặp ông ấy. Nên ông ấy là định mệnh của tôi”. Có thể chính bởi điều đó, ông Moon, đã kết hôn và có hai con, quyết định vượt qua những rào cản về sở thích và tâm lý cá nhân để chạy đua cho ghế tổng thống.

Năm 2012, ông thua sát nút bà Park, nhưng lần này ông đã trở thành tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc.

Triều Tiên, nền dân chủ, và kinh tế

Ông Moon, ủng hộ một đường lối hòa hoãn hơn với Triều Tiên giống như người bạn Roh, sẽ ngay lập tức rơi vào tình thế cực kỳ thử thách trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Triều Tiên đang căng như dây đàn.

Ông cũng sẽ phải xử lý những đụng chạm trong việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đất Hàn Quốc, một vấn đề gai góc đã dẫn tới quan hệ của Seoul và Bắc Kinh xấu đi nghiêm trọng.

Mặc dù cách nhau cả nửa vòng trái đất và trong những bối cảnh khác biệt, không thể không nảy ra những so sánh giữa cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp và Hàn Quốc, diễn ra cách nhau chỉ một ngày. Ở Pháp, ông Emmanuel Macron, một nhân vật có tinh thần cởi mở và hội nhập, cũng đã thắng lớn trước ứng viên cực hữu Marine Le Pen.

Tình hình kinh tế nội bộ của Pháp và Hàn Quốc cũng đang đứng trước những chật vật giống nhau. Ngoài ra, yếu tố tác động từ bên ngoài cũng quan trọng.

Tuy nhiên, trong khi ở Pháp là mối lo ngại Nga can thiệp khiến kết quả có lợi cho bà Le Pen, qua đó làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU), thì ở Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cũng không muốn một tổng thống Hàn Quốc “diều hâu” nữa.

Nhật báo nhà nước Triều Tiên Rodong Sinmun, ngay trước cuộc bầu cử, đã gọi phe bảo thủ là “những kẻ theo đuổi chính sách đối đầu”.

“Lịch sử đối đầu liên Triều, do những kẻ bảo thủ lãnh đạo, cần phải chấm dứt và một thời đại mới để thống nhất phải được mở ra - tờ báo viết trong một bài xã luận lớn - Vì mục tiêu đó, phải đập tan âm mưu của các phe nhóm bảo thủ trong việc chiếm quyền lực (ở Hàn Quốc)”. Ông Moon giờ sẽ là tổng thống thiên tả đầu tiên của Hàn Quốc sau 8 năm.

Ông là tất cả những gì đối lập với người tiền nhiệm Park Geun Hye, con gái của một viên tướng độc tài và đã luôn mạnh tay với Triều Tiên bằng các chính sách trừng phạt. Sau khi thất cử dưới tay bà Park 5 năm trước, ông đã cùng hàng triệu người Hàn Quốc xuống đường từ cuối năm ngoái để đòi đối thủ của mình từ chức.

Đó là lần thứ ba trong đời ông đóng vai chính, đối mặt với chính quyền, trong một cuộc đi đòi dân chủ và minh bạch. Dõi theo hành trình đó cũng chính là dõi theo con đường phát triển của đất nước Hàn Quốc.

Cuộc tranh đấu vào đầu những năm 1970 bị đáp lại bằng bạo lực, trấn áp và tù tội. Cuộc tranh đấu thứ hai vào cuối những năm 1980 dẫn tới kỳ bầu cử dân chủ đầu tiên. Và cuộc tranh đấu mới nhất diễn ra trong một đất nước Hàn Quốc đã khác, để tìm kiếm một chính quyền trong sạch và dân chủ hơn.

Lựa chọn và đòi hỏi

Về đối nội, ông thề sẽ cải tổ các chaebol, những tập đoàn có tính chất tài phiệt - gia đình đang thống trị nền kinh tế, cũng như xử lý vấn đề bất bình đẳng và thất nghiệp ở người trẻ.

“Tôi xin tận hiến sức lực và linh hồn mình cho mục tiêu đó - ông nói vài giờ trước khi có kết quả chính thức - ... để xây dựng một đất nước lại có thể khiến chúng ta tự hào”. Tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại Hàn Quốc hiện đang ở mức cao kỷ lục, gần 10%.

Thanh niên nói họ mắc kẹt trong một hệ thống bất công với họ, khi mà nền kinh tế bị các chaebol thống trị. Các chaebol này thật ra sở hữu toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc, khiến không còn chỗ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động, thường là mạch máu của nền kinh tế và nơi tạo ra công ăn việc làm trọng yếu.

Những lời kêu gọi cải tổ các chaebol không mới ở Hàn Quốc, nhưng có vẻ đã đạt được động năng mới trong các năm vừa qua, và giờ được chờ đợi sẽ mạnh mẽ hơn nữa với ông Moon, một tổng thống thiên tả.

Thu nhập của 5 chaebol hàng đầu trong nước hiện chiếm một nửa GDP Hàn Quốc. Samsung, tập đoàn tài phiệt lớn nhất, chiếm 1/5 nền kinh tế quốc gia.

Trong quá khứ họ từng là đầu tàu đưa Hàn Quốc hóa rồng, nhưng giờ hầu hết việc làm ăn đã được chuyển ra các thị trường nước ngoài nên họ ít thuê mướn nhân công trong nước hơn, thậm chí không mang hết lợi nhuận về lại Hàn Quốc, nơi tăng trưởng èo uột và ít có cơ hội tái đầu tư.

Nhiều người Hàn Quốc cũng tin rằng các chaebol tạo ra một đẳng cấp đặc quyền đặc lợi trong xã hội khi giới tài phiệt bắt tay với chính quyền. Sự giận dữ đặc biệt nhắm vào “những đứa trẻ chaebol”, tức thế hệ tiếp theo của các gia đình nắm giữ tập đoàn. Họ bị coi là hư hỏng, quá nhiều đặc quyền, và hoàn toàn xa rời cuộc sống thường nhật.

Với ông Moon, nhiệm kỳ của ông bắt đầu ngay lập tức thay vì đợi 2 tháng chuyển giao như thường lệ, bởi sự đứt gãy đột ngột của nhiệm kỳ tổng thống trước. Với nhiều ứng viên, sự ổn định và các cải cách kinh tế quốc nội quan trọng hơn so với Triều Tiên.

Trước khi bỏ phiếu, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ 23% cử tri nói an ninh khu vực là vấn đề quan trọng nhất với họ.

Điều đó có thể làm ngạc nhiên người Tây phương, nhưng thật ra tình trạng quan hệ lúc nóng lúc lạnh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã là quá thường tình với người dân miền Nam.

Người Hàn Quốc đã sống nhiều thập niên trong những tuyên bố hiếu chiến và các sự cố an ninh, đến mức dần coi Triều Tiên là “một phần tất yếu” của cuộc sống, nên giờ họ quan tâm tới những chuyện gần gũi hơn cũng là điều dễ hiểu.

Bất chấp việc chính thức vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, Hàn Quốc cũng chỉ chi 2,6% GDP hằng năm cho quốc phòng.

Tỉ lệ này theo lẽ thường khó thể tăng dưới quyền một tổng thống “bồ câu” như ông Moon, nhưng với việc Tổng thống Trump của Mỹ trước khi đắc cử đã nói về việc các đồng minh phải chia sẻ với Mỹ chi phí an ninh cho chính họ, những diễn tiến sắp tới sẽ phụ thuộc vào việc ông Trump triển khai lời hứa đó tới đâu.

Những mục chính mà ngân sách quốc phòng tăng thêm của Seoul có thể phải tính tới là phòng vệ dân sự (tức chuẩn bị cho thường dân đề phòng các cuộc tấn công của Triều Tiên vào những thành phố lớn), tăng lương cho lính nghĩa vụ (hiện vẫn là bắt buộc với mọi nam thanh niên trên toàn quốc), thông tin tình báo, tự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, và an ninh mạng tốt hơn.

“Moon không hẳn là ứng cử viên ưa thích nhất của tôi về chính sách với Triều Tiên, nhưng tôi bỏ phiếu cho ông ấy vì ông ấy là người có khả năng nhất chuyển các nguồn lực của chính quyền vào những điều thực sự quan trọng - cử tri Lee Ah Ram, 39 tuổi, nói với báo Anh The Guardian - Chúng tôi cần một nhà lãnh đạo khôi phục được lòng tin của người dân vào chính quyền đã bị hủy hoại sau vụ bê bối bà Park”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận