Các vấn đề bức bách của ông Macron

DANH ĐỨC 17/05/2017 03:05 GMT+7

TTCT- Sau chút hội hè mừng chiến thắng tối chủ nhật trong khuôn viên điện Louvre, sáng hôm sau (thứ hai 8-5), ông Emmanuel Macron đã “ra mắt” trong lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức...

Minh họa
Minh họa


Cũng ngày hôm đó, ông nhận được những nhắn nhủ không êm ả của chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Sang thứ ba 9-5 là bức thư đòi “chia sẻ quyền hành” của chủ tịch Tổng công đoàn Lao động Pháp (CFDT)

Tại sao cánh của ông Macron đã chọn khuôn viên điện Louvre - xưa kia là cung điện hoàng gia Pháp - làm địa điểm mừng thắng lợi bầu cử?

Không phải ông Macron (dám) tự cho mình là đấng quân vương mới, mà do địa điểm này là một biểu tượng của sự độc lập và chủ quyền của nước Pháp, vẫn còn sừng sững đó sau biết bao biến cố, kể cả mấy lần bị ngoại xâm đến tận Paris từ thời tể tướng Phổ Bismarck năm 1870 tới thời Hitler năm 1940.

Chính tại địa điểm giàu lịch sử này, tối hôm đắc cử, ông Macron đã thề bảo vệ nước Pháp cùng nền văn minh và các giá trị của đất nước ông.

Cũng thế, không phải vô cớ mà trong phát biểu trên truyền hình lần đầu tiên sau khi trúng cử, lá cờ của khối EU được treo sau lưng ông, khúc nhạc trỗi lên đón ông tại điện Louvre là khúc Hoan ca (Ode to joy) của Beethoven - vốn đã được chọn làm quốc thiều của EU. Đó chính là lời cam kết ở trong EU của ông.

Hai cam kết trên của tổng thống thứ 8 đệ ngũ Cộng hòa Pháp nhắm đến các cử tri bỏ phiếu cho ông. Tối hôm đó, ông còn cam kết với các cử tri đã bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen là “sẽ làm tất cả để không còn một lý do nào nữa để quý “đồng bào” phải bỏ phiếu cho các thái cực”.

Cam kết thứ ba này ắt hẳn còn là với số 4,2 triệu cử tri, tức 12% số cử tri đăng ký, đã bỏ phiếu trắng hoặc bất hợp lệ, tức bất tín nhiệm cả ông Macron lẫn bà Le Pen; chưa nói đến số 25-26% không đi bầu!

Cải thiện quan hệ với EU

Có quá nhiều chuyện để các cử tri đó bất mãn. Như những chuyện mới nhất mà bà Marine Le Pen trong cuộc tranh luận tối thứ tư tuần trước đã “nặn” ra, như chuyện nước Pháp phải nộp cho EU những 9 tỉ euro mỗi năm, hoặc chuyện do sử dụng đồng euro mà giá sinh hoạt cứ tuột dài.

Những bực dọc đó dẫn đến bức xúc: tại sao cứ phải ở lại trong EU? Là mục tiêu công kích của bà Le Pen, ông Macron thừa hiểu trong mắt những cử tri “ra khỏi EU”, EU không chỉ là một “cái gông” ở mấy chuyện vặt đó.

Bản thân ông ngay hôm thứ hai vừa qua cũng đã “nếm mùi” EU. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong một cuộc họp báo ở Berlin (Đức) đã “nhắn nhủ” ông Macron:

Chúng tôi đã phải đối diện với nước Pháp về một vấn đề đặc biệt: người Pháp xài tiền dữ quá và toàn xài không đúng chỗ. Người Pháp dành từ 53% tới 57% GDP cho ngân sách nhà nước. So với mức nợ tương đối cao của họ, chuyện này không thể kéo dài được lâu đâu...

Người Pháp phải có động tác nào đó để cho người khác thấy rằng họ đang làm những cải cách cần thiết... Lãnh đạo tương lai của nước Pháp chớ nên trông chờ vào sự rộng lượng của các đối tác châu Âu về các vấn đề này một cách một chiều”.

Tờ Challenges ngày 8-5 thuật lại chuyện này kèm chú thích: “Các phát biểu trên được đưa ra vào lúc mà EU sắp công bố (vào thứ năm này) các dự báo kinh tế mùa xuân cho các thành viên EU, trước khi sẽ công bố các khuyến cáo vào ngày 17-5. Nước Pháp đang chịu áp lực để cuối cùng cũng phải tuân thủ các quy tắc của EU, theo đó thâm hụt tài chính công phải ở dưới mức 3% GDP”.

Bản tin này, đối với các cử tri “ra khỏi EU thôi!”, chính là một biểu hiện của tố cáo “mất chủ quyền” mà bà Le Pen đã vạch ra.

Vấn đề đặt ra cho tổng thống sẽ nhậm chức vào chủ nhật này là: làm sao để nước Pháp vừa ở lại trong EU mà vẫn giữ được ấm no cho dân chúng, vừa giữ được uy tín của một nhà lãnh đạo được đông đảo dân Pháp bầu với tỉ lệ 66,10% số phiếu, so với chỉ 33,90% của đối thủ Marine Le Pen?

Cải thiện quan hệ Đức - Pháp

Khi đề xuất như thế với EU, ông Macron, từng là bộ trưởng kinh tế cắp cặp đi họp với EU, hiểu rất rõ những “dích dắc” của EU để dự kiến được việc EU sẽ phải đáp trả việc nước Pháp không bị bà Le Pen dắt ra khỏi EU.

Trước cuộc bầu cử ở Pháp, trong chính phủ liên hiệp của nữ Thủ tướng Angela Merkel, đại diện Đảng Xã hội - dân chủ (SDP) là Ngoại trưởng Sigmar Gabriel đã ra sức vận động Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble bớt cứng nhắc “giáo điều” trong các yêu cầu đặt ra cho nước Pháp, hầu giúp ông Macron, một khi đắc cử, dễ dàng xoay trở, cụ thể là du di cho Pháp được thâm thủng thêm 0,5% nữa, tức 3,5% GDP.

Việc ông Macron đắc cử đã cho phép tuần báo Die Zeit (Đức) thở phào “Ouf”, còn tờ Bild chạy tít “Cảm ơn nước Pháp”.

Một lãnh đạo Đảng Xã hội - dân chủ trong liên minh với Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo thống nhất của bà Angela Merkel, bà Gesine Schwann, phát biểu trên truyền hình ARD trong một chương trình về bầu cử ở Pháp: “Nước Đức chúng ta “khỏe hơn các nước châu Âu khác. Người Đức chúng ta thực sự có một mối nợ đối với họ”.

Đức “nợ ai”? Câu trả lời nằm trong phát biểu của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel: “Những gì chúng ta đã làm cho tới giờ đã khiến nước Pháp ngày càng lún trong khủng hoảng.

Nay, “ông bạn” Macron của tôi muốn cải cách nước Pháp, nên ông ấy cần có đủ thời gian để giải quyết việc ngân sách Pháp thâm thủng. Ai cũng rõ rằng nếu tiết kiệm chi ngân sách thì không tạo ra được công ăn việc làm”.

Thông điệp của hai nhân vật Đảng Xã hội - dân chủ này rất rõ: nếu Đảng Xã hội - dân chủ chúng tôi thắng cử, chúng tôi sẽ vui vẻ để cho ông Macron có thời giờ lo cải cách trong nước ông ấy đã.

Đây chính là một sức ép lên bà Merkel. Bà Merkel biết rằng trong suốt cuộc tranh cử ở Pháp, các ứng cử viên của Mặt trận Dân tộc (bà Le Pen) và của Nước Pháp bất khuất (ông Mélenchon) đã nhiều lần lên tiếng đả kích bà Merkel, tạo ra dư luận rằng hai đảng cực hữu và cực tả này không chỉ phủ định EU mà còn “bác bỏ” luôn thủ tướng Đức, qua đó trách nhiệm “mất nước Pháp” sẽ đổ lên bà Merkel, và sẽ tác động đến kết quả bầu cử quốc hội ở Đức vào tháng 9 tới của đảng của bà Merkel.

Câu chuyện “bội chi 3% ngân sách mà thôi” nay ông Macron phải đối diện không mới mẻ.

Trong một biên khảo từ năm 2004 mang tựa đề “Châu Âu: những hỏng hóc của cỗ máy Pháp - Đức”, tác giả Michèle Weinachter thuật lại: “Giữa Thượng đỉnh Berlin năm 1999 và Thượng đỉnh Nice tháng 12-2000, quan hệ Pháp - Đức bị đánh dấu bởi những bất đồng về những vấn đề quả thật là quan trọng, nhất là các vấn đề ngân sách”.

Trong thực tế, chuyện xích mích giữa Đức và Pháp là “chuyện thường ngày” ở “cặp đôi” mà báo chí gọi là “cặp đôi Đức - Pháp”. Nhìn lại quá trình các thượng đỉnh EU, như về vấn đề gánh nợ cho các nước “con nợ” trong EU, sẽ thấy Pháp cứ đòi một đằng, Đức gật đầu một nẻo khư khư giữ túi tiền của mình.

Cứ ức chế như thế với nhau miết chuyện tiền bạc, nên “cọ xát” lan sang nhiều lĩnh vực khác. Tháng 2 năm ngoái, tại hội nghị an ninh Munich, thủ tướng Pháp lúc đó là ông Manuel Valls đã thản nhiên chỉ trích chính sách rộng rãi cứu vớt người tị nạn của bà Merkel nên “bây giờ hậu quả là như thế đó”.

Nếu ông Valls chỉ trích bà Merkel ở Paris cũng không gây sốc bằng ngay trên đất Đức. Câu chuyện không dừng ở đó, ít lâu sau các trường song ngữ Pháp - Đức ở Pháp “được” đóng cửa! Căng thẳng đến nỗi tờ L’Express 16-3-2016 chạy tít: “Chưa bao giờ quan hệ Pháp - Đức đã lại suy sụp như thế!”.

Thành ra, nay nếu ông Macron có thể dựa vào cái thế của mình hiện tại mà hóa giải được mối quan hệ của hai “đầu tàu đẩy - kéo” của EU thì ông Macron sẽ giải thích lọt tai 10 triệu cử tri muốn ra khỏi EU, không để cho họ bị đẩy tới “những chọn lựa thái cực”.

Về phần bà Merkel, trong bối cảnh cạnh tranh “vuốt ve” ông Macron với Đảng Xã hội - dân chủ như đã thấy, bà không thể không “đấu dịu” trong đàm phán với ông Macron, mà cơ bản là bớt đòi siết chi ngân sách của Chính phủ Pháp, hầu giữ được thêm một nhiệm kỳ nữa.

Một bộ máy hoàn toàn mới 

Từ hai vấn đề cốt lõi trên, có thể thấy không dễ gì cho ông Macron yên ổn “cầm lái”. Những cuộc xuống đường của cái gọi là “Mặt trận xã hội” đã bắt đầu ầm ĩ, đúng hẹn tháng 5 lại xuống đường như một tập quán ở Pháp!

Nội dự án cắt 120.000 biên chế nhà nước trong 5 năm tới cũng đủ khiến một số người “phát điên” lên rồi. Thuyết phục được họ bằng những hành động hiệu quả trước EU và đối tác Đức sẽ giải tỏa tâm lý “tìm đến những thái cực” của họ, để đoàn kết lại người Pháp...

Song trước mắt, thách đố cấp bách nhất của ông Macron là thành lập nội các cho kịp nhậm chức cũng như để ra tranh cử quốc hội tháng 6 tới.

Đã có một số chính khách “quen thuộc” đánh tiếng tham gia Đảng “Nước Pháp tiến bước” mới đổi tên của ông Macron hay tham gia khối “đa số của tổng thống”, như các ông Bruno Le Maire - nguyên thuộc Đảng “Những nhà Cộng hòa”, ông Manuel Valls - nguyên thủ tướng của chính phủ Đảng Xã hội của ông François Hollande...

Dư luận la ó sự trở cờ này và yêu cầu ông chia sẻ quyền lực tuyệt đối, ông Macron không thể chọn một thủ tướng cánh tả hay cánh hữu mà bản thân ông đã “chê” là hết thời.

Lá thư của ông Laurent Berger, tổng thư ký Tổng công đoàn Lao động Pháp (CFDT) - tổng liên đoàn lớn nhất ở Pháp trong lĩnh vực tư nhân - đăng trên Le Monde ngày 9-5 tỏ rõ yêu cầu này:

Trong bối cảnh chúng ta hiện nay, ngài cần cảm nhận rằng ngài không đủ điều kiện cho bất kỳ tình trạng ân huệ nào. Ngài cần tự ngộ xem ngài muốn dùng thắng lợi của ngài để đưa xã hội vận động tới một tương lai chung, hoặc giả ngài thích cố lãnh đạo từ trên cao một đất nước vốn dĩ đang khát vọng một cách cầm quyền đổi mới...

Hãy chia sẻ quyền hành, hãy cho xã hội chúng ta một sự thông thoáng để thở! Hãy tin cậy các tổ chức vốn đang cho phép các cá nhân tập hợp lại với nhau để họ tự ấn định tương lai của chính họ. Không có dân chủ của (toàn) xã hội, nền dân chủ của các chính khách trở nên bất lực...”.

Lá thư trên phản ánh nhu cầu thực tế đặt ra cho ông Macron: ông cần quy tụ được những nhân vật mới có khả năng “chạm” đến một khối quần chúng rộng rãi hơn chứ không chỉ làm hài lòng dân thành thị có học cao, đặc biệt là “chạm” đến số dân chúng ở nông thôn song không làm nghề nông, những người Pháp “chính cống”, hơi ít học hơn mức trung bình và đang lạc lõng trong quá trình toàn cầu hóa.

Nói cách khác, đừng quy nạp những nhân vật mà dân chúng đã “nhẵn mặt” cùng với bên “đứng ỳ” suốt bao năm qua.

Trong bối cảnh trên, tin của tờ Libération thứ ba 9-5 là một tin khá tích cực: đã có 14 ứng cử viên quốc hội chính thức được đề cử, trễ nhất là thứ năm 11-5 thì công bố danh sách 577 ứng cử viên của “Nước Pháp tiến bước”, trong đó 70% chưa từng tranh cử quốc hội lần nào, tức không phải là những người “làm chính trị” chuyên nghiệp. Tất cả mang vóc dáng “đổi mới”.

Có hai “răn đe” từ thực tế này: (1) thắng lợi bầu cử mới chỉ có ý nghĩa hứa hẹn được đa số đồng thuận - (2) cầm quyền chính là đáp ứng cho toàn bộ dân chúng chứ không cho riêng cánh của mình - (3) khi tuyên cáo cải cách đổi mới phải cần đến những con người mới, bằng không sẽ vẫn là “bình mới rượu cũ”...■

Cơ bản, ông Macron không thể cứ để nhà nước Pháp “nợ nần” như các trào trước được. Đây vừa là một yêu cầu đặt ra cho chính sự tồn vong kinh tài của nước Pháp, mà cũng là điều kiện đặt ra cho sự “lưu lại” của nước Pháp trong EU. Ngược lại, việc nước Pháp nay còn ở lại trong EU cũng là sinh tử đối với EU. Bởi thế, trong chương trình tranh cử của mình, chính ông Macron đã đề ra mục tiêu giảm chi công 60 tỉ euro trong 5 năm, bắt đầu bằng việc cắt giảm 120.000 biên chế công chức, đồng thời cũng yêu cầu EU tự cải cách và tăng đầu tư trong EU.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận