Trật tự dựa trên luật lệ

DANH ĐỨC 10/06/2017 16:06 GMT+7

TTCT- Việc các nước trong khu vực lên tiếng khuyên can, hô hào trong Đối thoại Shangri-La tại Singapore năm nay là một dấu hiệu cho thấy tình hình hiện như thế nào và nêu ra câu hỏi liệu luật lệ quốc tế có đang bị chà đạp hay không?

Hải quân Indonesia diễn tập chống khủng bố và cướp biển. Ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia sẽ tổ chức tuần tra chung ở biển Sulu, tây nam Biển Đông, để đối phó với các mối đe dọa khủng bố gia tăng trong khu vực -YouTube
Hải quân Indonesia diễn tập chống khủng bố và cướp biển. Ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia sẽ tổ chức tuần tra chung ở biển Sulu, tây nam Biển Đông, để đối phó với các mối đe dọa khủng bố gia tăng trong khu vực -YouTube

 

Cá lớn không được nuốt cá bé

Trong diễn văn khởi động cuộc đối thoại, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã rất “ngoại giao” song cũng rất chính xác khi mô tả tình hình khu vực qua tính ẩn dụ của câu chuyện về câu ngạn ngữ Trung Hoa mà ông Lý Quang Diệu nêu ra năm 1966, khi quốc gia Singapore mới ra đời.

Một trích dẫn hợp thời điểm, hợp địa điểm của ông Turnbull khi “người nghe” đầu tiên câu chuyện này của cố thủ tướng Singapore chính là con trai ông, Thủ tướng Singapore đương nhiệm Lý Hiển Long:

Thưa ngài thủ tướng, cha ngài và người sáng lập đất nước ngài, ông Lý Quang Diệu, hiểu sâu sắc rằng sự ổn định chiến lược không phải chuyện nghiễm nhiên. Năm 1966..., ông nói về môi trường chiến lược và trích dẫn câu nói của người Trung Quốc xưa: “Cá lớn nuốt cá bé và cá bé nuốt tép”.

Ông Lý Quang Diệu đã mô tả đất nước ông chỉ là con tép, và tự hỏi làm sao để có thể tồn tại nếu câu nói đó đúng. Đất nước đó có thể trở nên khó nuốt với các con cá lớn hơn bằng cách tự tin và mạnh mẽ làm bạn với các cá lớn khác, các liên minh mạnh mẽ và an ninh tập thể”.

Từ câu chuyện năm 1966 ấy, ông Turnbull đưa cử tọa về với thực tại của năm 2017:

Đối với các loại tôm tép, cá nhỏ, cá trung bình đến cá cỡ lớn, ở mọi kích thước, đang được đại diện ở đây hôm nay, chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hai thái cực cuộc sống và cái chết, chiến tranh và hòa bình. Câu hỏi nổi bật là ngay cả khi nguy cơ chiến tranh vẫn còn xa thì chúng ta có thể duy trì loại hòa bình nào?”.

Nước nào thuộc danh mục thủy hải sản nào, cử tọa tự hiểu.

Từ bóng gió, ông Turnbull chuyển sang cụ thể: “Để duy trì tính năng động của khu vực, chúng ta phải bảo vệ cấu trúc dựa trên luật pháp vốn đã cho phép khu vực chúng ta năng động đến bây giờ.

Điều này có nghĩa là hợp tác chứ không phải hành động đơn phương để chiếm hay tạo ra lãnh thổ hoặc quân sự hóa các khu vực tranh chấp. Điều này có nghĩa là cạnh tranh trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, chứ không phải là tham nhũng, can thiệp hoặc cưỡng ép”.

Chỉ với câu cuối này, ông đã vạch trần ba thủ đoạn chiếm lấy thiên hạ: mua chuộc, xen vào nội bộ và o ép bằng nhiều cách.

Và rồi ông kết luận: “Một khu vực năng động có thể giải quyết các vấn đề của mình chừng nào chúng ta còn rõ ràng về những nguyên tắc định hướng chúng ta: rằng sức mạnh không phải là lẽ phải, mà các quy tắc minh bạch cần được áp dụng cho tất cả - cá lớn, cá bé, tôm tép...”.

Sức mạnh của sự hợp quần

Cảnh báo về một “học thuyết Monroe mới” do Trung Quốc khởi xướng, ông Turnbull kêu gọi Bắc Kinh “xây dựng vai trò lãnh đạo mà Trung Quốc mong muốn bằng cách tăng cường trật tự khu vực vốn đã phục vụ thật tốt tất cả chúng ta”.

Học thuyết Monroe, do tổng thống Mỹ James Monroe khởi xướng năm 1823, thời kỳ nước Mỹ bắt đầu vươn lên với vai trò một cường quốc thế giới, cơ bản cho rằng “việc châu Mỹ là để người châu Mỹ (hay người Mỹ) lo”.

Theo đó, việc các cường quốc châu Âu can thiệp vào Bắc và Nam Mỹ sẽ bị coi là hành động xâm lược mà nước Mỹ cần đáp trả tương xứng.

Trung Quốc thì hiện đang nói về “việc châu Á để người châu Á lo”. Ông Turnbull nói Bắc Kinh có thể sai lầm và nhận phải những phản kháng khi cho rằng có các thế lực bên ngoài châu Á đang can thiệp vào “công việc” của người châu Á.

Ông cảnh báo: “Bán cầu này chẳng có điểm gì chung với Tây bán cầu của tổng thống Monroe. Khu vực của chúng ta bao gồm nền kinh tế lớn thứ ba, tinh vi, có năng lực, tiên tiến là Nhật Bản; một người khổng lồ đang nổi lên là Ấn Độ; và quốc gia đông dân thứ tư thế giới là Indonesia, ngày càng tự tin và thịnh vượng.

Đó là chưa nói tới nước Úc cũng như quyết tâm và khả năng của nước chủ nhà (Singapore) trong việc khẳng định và bảo vệ lợi ích của chúng ta”.

Chưa bao giờ một lãnh đạo trong khu vực lại lên tiếng kêu gọi cân nhắc lợi - hại trực diện, thẳng thắn và nhân danh tính hợp quần như thế.

Nội dung diễn văn của Thủ tướng Úc Turnbull hoàn toàn không mang tính “chia phe đánh nhau” mà là nhằm khuyên giải nên cân nhắc sao để có một nền hòa bình công bằng cho khu vực, chứ không phải thứ hòa bình chèn ép, ngột ngạt và đầy rủi ro cho các nước nhỏ, cũng như không thể coi chuyện khu vực là nội bộ giữa các bên liên quan, khi mà tính quốc tế hóa của mọi tranh chấp là không thể tranh cãi.

Sức mạnh của pháp luật

Nhưng liên minh, liên kết và tìm kiếm đồng minh bên ngoài vẫn chưa phải là cách bền vững và lâu dài để giải quyết vấn đề.

Ông Turnbull giải thích tiếp: “Những vùng nước trong đó cá lớn, cá nhỏ và tép có thể tung tăng và an toàn bơi là những nơi mà pháp luật được tôn trọng, trong đó các quốc gia riêng rẽ không sử dụng sức mạnh cưỡng ép để đe dọa hoặc bắt nạt người khác.

Môi trường mà trong đó chúng ta đã trở nên thịnh vượng bấy lâu nay chính là một môi trường mà sự tự do đó đã được duy trì và cần tiếp tục được duy trì”.

Nhắc nhở các cường quốc với trách nhiệm lớn cần kiềm chế những hành động đơn phương, bao gồm quân sự hóa lãnh thổ tranh chấp.

Ông chỉ ra cho tới nay sự ổn định ở khu vực nằm dưới sự dẫn dắt chủ yếu của Hoa Kỳ và “giờ đây, khi thế lực Trung Quốc nổi lên cùng với sự tăng trưởng được xem như là một trong những hiện tượng phi thường nhất trong lịch sử nhân loại, điều tối quan trọng là Trung Quốc cùng tất cả các cường quốc khác tôn trọng quyền của các nước khác, cá lớn tôn trọng cá nhỏ và tép.

Nếu các cường quốc làm được điều đó, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục tăng trưởng và tiếp tục các cơ hội dành cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội của tất cả các dân tộc chúng ta”.

Đồng tình với những gì thủ tướng Úc đã nói, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đăng đàn cùng chủ đề “Duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ”.

Các luật lệ quốc tế đặt ra các tiêu chuẩn cho cách hành xử chấp nhận được và không chấp nhận được với mọi quốc gia khi thực hiện tiến hành hoạt động ngoại giao, kinh tế và an ninh của mình - bà Inada nói - Các cam kết chung rằng tất cả các nước sẽ hành động đúng với luật lệ nhằm mang lại một thế giới an toàn, ổn định và toàn diện.

Đó là một thế giới mà tất cả các nước đều bình đẳng trước luật lệ. Một thế giới trong đó mỗi quốc gia đều chung những kỳ vọng về cách các nước khác hành xử như thế nào.

Một thế giới trong đó những căng thẳng và khác biệt được giải quyết một cách hòa bình mà không cần sử dụng hoặc đe dọa vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng. Một thế giới trong đó mọi quốc gia, bất kể quy mô và thế mạnh của mình, đều có cơ hội để nổi lên và thịnh vượng mà không sợ bi o ép hoặc hăm dọa”.

Để đạt được mục tiêu cao cả đó, theo bà Inada, luật lệ phải thích ứng và được điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thay đổi.

Nhật Bản cũng vậy, đã cam kết tuân thủ luật pháp trong nước và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế - bà Inada nói riêng về quốc gia mình đại diện - Chúng tôi sát cánh với những quốc gia đang cố gắng duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Nhật Bản đã thúc đẩy hợp tác thực tế với các đối tác dưới lá cờ đóng góp tích cực cho hòa bình. Để đối phó với những thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ, chính quyền Abe đã không là một người quan sát thụ động. Năm ngoái, đạo luật về hòa bình và an ninh có hiệu lực tại Nhật Bản.

Mục đích của đạo luật không chỉ để duy trì hòa bình và an ninh của Nhật Bản, mà còn góp phần một cách chủ động hơn nữa cho hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm duy trì trật tự thông qua hành động của chúng tôi, và tôi hứa rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực này”.

Nói đến “trật tự dựa trên luật lệ”, bà Inada không quên đưa ra thí dụ của sự phá luật lệ: “Về vấn đề Biển Đông, phán quyết chung cuộc trong vụ tài phán giữa Philippines và Trung Quốc đã được tuyên vào tháng 7-2016. Mặc cho thực tế là sự tuyên định này mang tính cách bắt buộc đối với cả hai phía, việc xây dựng các tiền đồn trên Biển Đông và sử dụng cho các mục đích quân sự cứ tiếp tục”.

Với bà Inada, giá như các nước có thể quyết tâm trong việc tôn trọng luật lệ và pháp quyền quốc tế như họ quyết tâm với việc bảo vệ những tuyên bố bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Bà nói: “Không có chỗ cho sự ngả nghiêng theo. Nếu chúng ta muốn tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng, chúng ta phải huy động quyết tâm, không cho phép đeo đuổi đường lối bề trên nhằm mưu cầu lợi lộc trước mắt, bất chấp lợi ích chung lâu dài.

Nay là lúc tập hợp nhau lại để bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp. Để làm điều đó, tôi tin rằng đoàn kết chính là chìa khóa”. Bà cũng nhắc tới cuộc tuần tra chung của ba nước ASEAN nói trên.

Tuy nhiên, đối tượng của tất cả những lời kêu gọi đó, Trung Quốc, có vẻ vẫn chưa sẵn sàng lắng nghe.

Sau khi đã hoàn tất các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa, năm nay Trung Quốc chỉ cử một phái đoàn rất “nhẹ ký” khác với mọi năm tới Shangri-La.

Nếu như từng có lúc cử bộ trưởng quốc phòng (2011) hoặc thường xuyên hơn là một thứ trưởng, thì đoàn Trung Quốc tới Singapore năm nay rất nhỏ, với trưởng đoàn chỉ là một trung tướng, ông He Lei (Hà Lôi), phó viện trưởng Học viện Quân sự của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Một động thái có vẻ như để làm “chìm xuồng” việc lấn chiếm và quân sự hóa hầu như đã hoàn tất ở Biển Đông, chứ không phải bởi tình hình đã dịu bớt hay bởi PLA bận chuẩn bị 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc.■

Không chỉ ngóng trông vào đồng minh lớn hơn ngoài khu vực là Mỹ, nhiều nước trong vùng cũng đã bắt đầu các hoạt động liên kết tự thân để tạo ra đối trọng cần thiết cho một vùng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình bền vững.

Ngay khi Đối thoại Shangri-La đang diễn ra, ba nước Đông Nam Á Philippines, Malaysia và Indonesia đã thông báo về một kế hoạch tuần tra chung trên biển bắt đầu ngay trong tháng 6.

Các mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan ở miền nam Philippines và Indonesia là lý do chính. Trung Quốc cũng đã được mời tham gia các hoạt động này, diễn ra ở khu vực Biển Đông nhạy cảm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận