Cuộc chiến kỳ lạ của ông Trump

DANH ĐỨC 25/06/2017 17:06 GMT+7

TTCT- “Ngôn ngữ là vị thần Janus” hai mặt - nhà thơ người Pháp Paul Valéry từng nhận xét. Ngôn ngữ về chiến tranh càng là như thế, thậm chí còn hơn thế. “Cuộc chiến Syria” của ông Trump đang được xem là hư hư, thực thực chính bởi kiểu ngôn ngữ cũng đầy tính hai mặt như thế...

Liên quân do Mỹ cầm đầu thực hiện 20 vụ không kích nhắm vào IS gần Raqqa của Syria -Reuters
Liên quân do Mỹ cầm đầu thực hiện 20 vụ không kích nhắm vào IS gần Raqqa của Syria -Reuters

 

Hôm chủ nhật vừa rồi, 18-6, Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ (Centcom) ra thông cáo báo chí khá chi tiết “ai, cái gì, lúc nào, ở đâu, bằng cách nào, vì sao?” như sau:

Tây Nam châu Á: Vào khoảng 4h30 chiều (giờ Syria) ngày 18-6, lực lượng thân chế độ Syria tấn công thị trấn Ja'Din do lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chiếm giữ, phía nam Tabqah, làm một số chiến binh SDF bị thương và dồn SDF ra khỏi thị trấn.

Máy bay của liên quân đã tiến hành một cuộc biểu dương lực lượng và ngăn chặn đà tiến ban đầu của phe thân chế độ vào thị trấn do SDF kiểm soát”.

Trong sơ đồ tổ chức và cơ cấu hoạt động của Centcom, hoạt động được loan báo trên là của Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp - chiến dịch “Quyết tâm nội tại”.

Lực lượng CJTF-OIR này được thành lập từ một hội nghị của NATO tháng 9-2014, với sự tham gia của 10 quốc gia cùng quan điểm chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngày 10-9-2014, Tổng thống Obama tuyên bố thành lập liên minh quốc tế rộng lớn để đánh bại Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) với mục tiêu: “Chúng ta sẽ làm suy thoái và cuối cùng là hủy diệt ISIL”.

Đến tháng 10-2014, cam kết được hiện thực hóa bằng những cuộc không kích của liên quân nhắm vào IS nhằm ngăn chặn việc tổ chức này mở rộng trong lãnh thổ Iraq dọc thung lũng sông Euphrates và Tigris.

Liên quân hỗ trợ bằng không quân, huấn luyện và cung cấp đạn dược cho chính quyền của khu vực người Kurd và chính phủ Iraq lúc đó... Lực lượng này tiếp tục hoạt động không kích tới nay trên danh nghĩa “chống IS” và “tự vệ”.

Ông nói gà...

Bằng một ngôn ngữ hội đủ tính “công khai thông tin”, đúng với luật Tự do thông tin (FIOA) hiện hành ở Mỹ, song vừa đảm bảo được tính bảo mật, vừa mang tính “cáo giác” và biện minh, thông cáo báo chí của Centcom đưa thêm chi tiết:

“Sau cuộc tấn công của các lực lượng thân Syria, liên quân đã liên lạc bằng điện thoại với các đối tác Nga thông qua đường dây “giải quyết mâu thuẫn” đã được thiết lập nhằm làm xuống thang tình hình và chấm dứt nổ súng...

Đến 6h43 chiều, một máy bay SU-22 của chế độ Syria thả bom gần nhóm chiến binh SDF ở phía nam Tabqah. Và, đúng theo các quy tắc tham chiến và tự vệ tập thể của lực lượng liên quân, ngay lập tức chiếc Su-22 này bị bắn rơi bởi một máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet”.

Vụ bắn hạ máy bay Su-22 của Syria có là bất hợp pháp? Centcom trả lời luôn trong thông cáo: “Nhiệm vụ của liên quân là đánh bại ISIS ở Iraq và Syria.

Liên quân không tìm cách chống lại chế độ Syria, Nga hay các lực lượng ủng hộ họ, nhưng sẽ không ngần ngại bảo vệ liên quân hoặc các lực lượng đối tác khỏi bất kỳ mối đe dọa nào”.

Biện minh và lên án xong, Centcom khuyên nhủ: “Liên quân kêu gọi tất cả các bên tập trung nỗ lực của mình vào việc đánh bại ISIS, kẻ thù chung của chúng ta và là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, an ninh khu vực và trên toàn thế giới”.

Bản thông cáo này còn cho biết về sự tồn tại của cơ chế “giải quyết xung đột” qua đường dây điện thoại “nóng” giữa phe liên quân và Nga cũng như sự “phân ranh” trên thực tế và tạm thời giữa cánh “Syria tự do”(SDF) và phe chính phủ dọc trục đông - tây của thung lũng sông Euphrates và Tigris mà nếu vi phạm, theo Centcom, sẽ bị xử lý ngay tức khắc như trường hợp chiếc máy bay Su-22 bị bắn rơi hôm 18-6.

... Bà nói vịt

Phản ứng đầu tiên từ phía Nga có thể thấy qua việc Hãng tin Sputnik loan tải lúc 22h24 cùng ngày hôm đó:

Quân đội nhà nước Syria Ả Rập cho biết liên quân chống khủng bố do Mỹ cầm đầu đã bắn hạ máy bay của Syria ở vùng nông thôn thị trấn Raqqa..., rằng máy bay của họ đã bị bắn hạ vào giờ cơm trưa hôm nay gần thị trấn Raqqa, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ chống IS”...

Sputnik cũng cho biết: “Theo Bộ Quốc phòng Syria, viên phi công chiếc máy bay bị bắn rơi vẫn chưa được tìm thấy”. Sang thứ ba 20-6, có tin viên phi công này đã được cứu sống.

Nếu so với bản tin của Centcom mà thời gian được ghi rõ là theo giờ Syria, thì giờ giấc xảy ra vụ bắn hạ máy bay Su-22 này của không quân Syria hoàn toàn khác: theo phía Mỹ là vào cuối buổi chiều, còn theo phía Syria là vào trưa.

Sự khác nhau về giờ giấc này cũng y hệt sự khác nhau về nguyên nhân: theo phía Mỹ thì phe chính phủ tấn công SDF nên liên quân “giành quyền tự vệ”; còn theo phía Syria thì máy bay kia đang “chống khủng bố IS”, tức phía liên quân vi phạm chủ quyền.

Đây cũng là chủ đề chính của thông cáo từ Bộ Quốc phòng Syria: “Các hoạt động của liên quân là nhằm chặn quân đội Syria cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, ở những nơi quân đội chúng tôi cùng các đồng minh đang có những tiến bộ lớn lao”.

Ý nói trong trường hợp này, ở thị trấn Raqqa, quân chính phủ đang dành thắng lợi trước IS. Ngược lại, Centcom cho rằng quân chính phủ tấn công SDF.

Ngay cả địa điểm cuộc tấn công cũng khác nhau trong cách loan tin. Centcom nêu khá rõ “thị trấn Ja'Din do lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chiếm giữ, phía nam Tabqah”. Bộ Quốc phòng Syria thì mông lung hơn: “Ở vùng nông thôn thị trấn Raqqa”.

Phản ứng gay gắt nhất là của Bộ Quốc phòng Nga qua hai bản tin được Sputnik đăng liên tiếp: “Bộ Quốc phòng Nga lên án không quân Mỹ xâm lược trắng trợn Syria”, và “Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga sẽ theo dõi bất cứ máy bay nào của liên quân trong khu vực tác chiến của không quân Nga tại Syria”. Các tuyên bố nghe qua dễ cho rằng tình hình dám dẫn tới thế chiến... thứ ba.

Chiến tranh đem lại bao đau khổ, khốn cung2 cho dân thường. Ảnh Reuters

 

Bất ngờ tháo ngòi nổ

Thế nhưng trong bầu không khí nóng lên đó, xuất hiện một chi tiết đáng ngạc nhiên vì ý nghĩa của nó.

Trong bài tố cáo vụ không kích của liên quân lại kèm một cái box nhỏ, rao: “Liên quân do Mỹ cầm đầu thực hiện 20 vụ không kích nhắm vào mục tiêu IS gần Raqqa của Syria”, có hình máy bay của Mỹ như để xác nhận rằng liên quân do Mỹ cầm đầu thực sự đang không kích IS.

Cũng thế, chú thích của Sputnik về trận chiến Raqqa như xác nhận vai trò của liên quân: “Raqqa nằm trong sự kiểm soát của IS từ năm 2013, và là thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Chiến dịch tái chiếm Raqqa, được tiến hành bởi một liên quân gồm gần 70 nước, đã được xúc tiến từ tháng 11-2016”.

Tất nhiên, bản tin cũng kê các chi tiết tiêu cực của các cuộc không kích liên quân như số nạn nhân thường dân đông đảo, hoặc không được Hội đồng Bảo an LHQ hay Tổng thống Syria Bashar Al Assad cho phép...

Một bản tin khác trên Sputnik sáng 19-6, đăng thêm một phát biểu “ngoại giao” chưa từng thấy của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov:

Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ và tất cả những nước khác có lực lượng hoặc cố vấn của họ tại Syria đảm bảo sự phối hợp trong công việc của chúng ta. Các khu vực giảm leo thang là một trong những lựa chọn khả dĩ để có thể cùng nhau tiến triển.

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người tránh những động thái đơn phương, tôn trọng chủ quyền Syria, tham gia vào công việc chung của chúng ta, vốn đã nhất trí với Chính phủ Cộng hòa Syria Ả Rập”.

17h ngày 19-6, Sputnik chạy một tít làm “nhẹ nhõm” tình hình: “Nga sẽ không tự động bắn hạ bất cứ máy bay nào của liên quân”.

Theo Sputnik, phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng và an ninh Hội đồng liên bang Nga (thượng viện) Frants Klintsevich tuyên bố “Nga sẽ không tự động tấn công bất cứ vật bay nào trong khu vực của các hoạt động không lực Nga tại Syria, và các quyết định sẽ được đưa ra trong từng trường hợp riêng rẽ”.

Coi như ngòi nổ chiến tranh đã được dập nước.

Có vẻ như Nga đang muốn “nhẹ nhàng” hơn trong vấn đề Syria chứ không “thừa thắng xông lên” như trước. Trên thực địa, Nga hiện đã thiết lập khá vững chắc những đầu cầu chiến lược hải và không quân tại Syria, cũng như đã “cứu” được ông Assad.

Đấy là những thực tế “bất khả hoàn” từ trước khi nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama kết thúc. Sự “mất mát” địa chính trị này, trách nhiệm thuộc về ông Obama chứ không phải người kế nhiệm Trump.

Song, ông Putin tuy “ôm” ông Assad trong tay cũng thừa biết sự tồn tại của các phe đối lập ở Syria là một thực tế không thể xóa bỏ bằng vũ lực do có Mỹ cùng liên quân đứng sau.

Một cuộc đàm phán mới do Nga chủ xướng sẽ được triệu tập vào ngày 10-7 tại Astana (Kazakhstan), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov loan báo như thế từ Bắc Kinh ngày 18-6. Vòng đàm phán này diễn ra cùng lúc với cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn tại Geneva.

Liệu hai cuộc đàm phán này có giẫm chân nhau? Cũng ông Lavrov nói, đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura sẽ tham dự đàm phán Astana, một dấu hiệu cho thấy hai cuộc thương thuyết này không loại trừ nhau, bất quá là thêm những thăm dò dài hạn thường thấy trong các cuộc xung đột mà phần thắng chưa nghiên hẳn về bên nào nên cứ “vừa đánh, vừa đàm” thoải mái.

Trong một góc nhìn khác, vụ bắn hạ máy bay Syria này, xảy ra sau vụ ông Trump ra lệnh bắn Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat đêm 7-4 không lâu, nêu lại câu hỏi “sao lạ vậy?”.

Sau khi Nga kịch liệt lên án Mỹ, thậm chí đe dọa “Chỉ cách chiến tranh có một bước”, giờ lại có vẻ hòa hoãn hẳn.

Thật ra, những gợi ý có lẽ đã được đưa ra ngay từ hôm ấy, với phát biểu của Thủ tướng Nga Medvedev: “Hành động quân sự này là dấu hiệu rõ ràng về sự phụ thuộc cực kỳ lớn của Tổng thống Mỹ vào quan điểm của giới chóp bu lâu năm ở Washington, điều mà tân tổng thống đã chỉ trích mạnh mẽ trong phát biểu nhậm chức của ông.

Ngay sau chiến thắng của ông, tôi đã lưu ý rằng mọi thứ sẽ tùy thuộc vào việc các lời hứa của ông Trump trong cuộc bầu cử sẽ bị phá vỡ trong bao lâu trước sức ép từ hệ thống thiết chế ấy. Và chỉ hai tháng rưỡi thôi! Lớp sương mù bầu cử cuối cùng đã tan.

Thay vì một tuyên bố mạnh mẽ về một cuộc chiến phối hợp chống lại kẻ thù lớn nhất là IS, chính quyền Trump đã chứng tỏ rằng họ sẽ quyết liệt chống chính phủ hợp pháp của Syria(Daily Mail 8-4-2017).

Phát biểu “trách móc” này của ông Medvedev có ý nghĩa rõ ràng là rốt cuộc ông Trump cũng sẽ phải “trung thành với chế độ” (Mỹ) thôi, chứ đâu thể ngả nghiêng gì qua phía Nga, ngay cả khi ông Trump cùng các cộng sự đang bị bao vây vì các nghi kỵ dính líu với Nga.

Cũng lạ không kém, một tháng rưỡi sau đó, trong khi phía Nga “mềm” bớt thì Nhà Trắng lại “cương” qua phát biểu của phát ngôn viên Sean Spicer: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ gì có thể để bảo vệ lợi ích của mình. Chế độ Syria cần hiểu rằng chúng tôi sẽ giữ vững quyền tự vệ của lực lượng liên quân chống IS”...

Cuộc chiến Syria của ông Trump đầy những màn “đổi vai” bất ngờ vào lúc bản thân ông gặp nhiều rắc rối, nghiêm trọng hơn nhiều so với tình hình đầu tháng 4, khi diễn ra cuộc tấn công bằng Tomahawk vào căn cứ Shayrat (khi đó chỉ có thuộc cấp của ông Trump bị điều tra).

Lần đó, The Washington Post, truyền hình của Mỹ, thậm chí truyền hình Al Jazeera của Qatar đã nêu vấn đề vì sao cuộc tấn công nổ ra vào đúng lúc ông Trump đang ở thế “kẹt”? Kịch hay nhiều màn, vì thế, vẫn còn ở phía trước.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận