Một quan điểm tiến hành chiến tranh mới

KHẢI NAM 27/06/2017 17:06 GMT+7

TTCT- Những lý do nào khiến Matxcơva “mạnh tay” với những cuộc biểu tình gần đây của giới trẻ Nga do nhà đối lập Navalnyi huy động? Quyển sách của nhà địa chính trị Nga Valeri Korovin, Thế chiến thứ ba - Chiến tranh mạng lưới (*), sẽ giúp bạn phần nào lý giải câu hỏi này.

M.N.
M.N.

 

Với khái niệm mới chiến tranh mạng lưới, trí tưởng tượng thường vẽ nên gần như một biểu tượng biếm họa: một tin tặc cắm đầu vào máy vi tính, bẻ khóa tài khoản ngân hàng hay phát tán virus và thư rác.

Nhưng rồi ta nhận ra đó là một quan điểm tiến hành chiến tranh thực sự mà Lầu Năm Góc mới trang bị, và qua những diễn biến gần đây ở Afghanistan, Iraq và Libya, ta biết cơ quan này chẳng hề đùa cợt.

Chiến tranh mạng lưới là một kế hoạch quân sự mới nhất, cho phép thực hiện việc chiếm đóng lãnh thổ và chiến thắng đối phương mà không cần sử dụng vũ khí thông thường.

Nó sử dụng những mạng lưới xã hội, không phải mạng Internet, mà là những mạng lưới của xã hội thật sự, những cộng đồng con người thực của xã hội, những tập thể thực, những phong trào và tổ chức... để tạo những tiền đề cho việc hình thành một bối cảnh cần thiết.

Có nghĩa là đặt một lãnh thổ, một quốc gia hay dân tộc trước sự kiện rằng từ nay họ sẽ phục tùng những mô hình chiến lược khác, cần phải chuẩn bị xã hội và tạo dựng một bối cảnh để xã hội tiếp nhận những chuyển đổi triệt để về chính trị xã hội một cách bình thường và thậm chí tích cực.

Trong tình trạng như thế, xã hội sẵn sàng phục tùng những mục đích mới, tiếp nhận logic của người khác và có thể coi là đã bị xâm chiếm...

minh hoa

Từ tập thể sang mạng lưới

Có thể hình dung Internet như một mô hình có tính tham chiếu của mạng lưới. Nhưng ngoài nó ra còn có những mạng lưới khác: mạng lưới các quán ăn, các mạng lưới thương mại, mạng lưới các tổ chức tôn giáo, những giáo phái, các câu lạc bộ thanh niên, những mạng lưới thành lập và xúc tiến các thương hiệu (hay các meme)...

Trong xã hội mạng lưới, việc tuyên truyền và phổ biến thông tin (và tương ứng là thế giới quan) có thể diễn ra không cần tác động ngay lập tức, trực tiếp. Ở đó, chức năng tập hợp, huy động của nhà nước không còn là quyết định.

Nôm na, giờ đây nhà nước không còn là trở ngại cho những tiến trình mạng lưới, chúng diễn ra xuyên qua nhà nước, bỏ qua nó, thâm nhập và vượt qua các biên giới, chúng thật sự mang tính quốc tế. Trước đây, việc truyền đạt thông tin, áp đặt thế giới quan và theo đó là sự quản lý, chỉ có thể trong quá trình chiếm đoạt không gian, nhà nước hay chinh phục nhân dân.

Trưởng ban biên tập văn phòng Matxcơva của The Financial Times, một người Mỹ tên Charles Clover, định nghĩa về bản chất của cách tiếp cận mạng lưới như sau:

Đó là một hệ thống, một kết cấu không “đầu”, không người lãnh đạo. Nó không có thứ bậc mà nằm ngang, một cơ cấu phi tập trung. “Không gian thông tin” - đó không phải là hệ thống phân cấp”...

Nhớ lại các sự kiện tháng 8-2008 ở Nam Ossetia, Clover lúc nào cũng lặp lại đúng một chuyện: “Không ai bảo tôi phải viết gì, viết thế nào, không ai kiểm duyệt các bài báo của tôi, không ai định hình nội dung, can thiệp những gì tôi viết. Tôi làm theo ý mình, hoàn toàn tự do.

Khi các sự kiện ở Tskhinval bắt đầu, tự tôi - chứ chẳng ai gọi tôi từ Washington - mua vé đi đến Gruzia. Và ở đó, tại Tbilisi, tôi nhận được các băng cassette thích hợp từ chính quyền Gruzia.

Tự tôi viết về việc Nga ra tay trước, đánh bom Gruzia, bằng cách đó đã thực hiện hành vi xâm lược chống lại một đất nước nhỏ bé đang trong giai đoạn hình thành nền dân chủ. Bởi vì tôi thấy tình hình như thế ở Tbilisi”.

Rồi ông ta thừa nhận: “Sau đó một tháng tôi hiểu mọi chuyện không như vậy. Tôi viết một bài báo khác, rằng mọi chuyện hoàn toàn không như trước, tôi thú nhận đã sai, không phải Nga mà chính Gruzia đánh trước. Chúng tôi là một tờ báo nghiêm túc, vì thế một tháng sau chúng tôi viết cải chính, bác bỏ thông tin này”.

Nhưng bản chất vấn đề là ở chỗ một tháng sau thì chẳng còn ai quan tâm tới chuyện đó. Trong chiến tranh mạng lưới, yếu tố quyết định là tính linh hoạt của việc ra quyết định và thực hiện nó...

Bởi những gì thời sự 5 phút trước, 10 phút sau có thể hoàn toàn mâu thuẫn với tình huống trước. Khái niệm “thời điểm” tương tác với chiến lược mạng lưới của những thị trường chứng khoán, các nhà môi giới, những ai chuyên bán mua cổ phiếu.

Nếu cổ phiếu tăng giá trong 10 phút, thì 12 phút sau nó đã sụt. Ai không kịp bán trong 10 phút, sau 12 phút sẽ không thể bán...

Tấn công chủ quyền bằng meme

Có thể ai đó đã nghe về con người này: Aleksei Navalnyi và kế hoạch của ông ta “RosPil”? Bản thân Navalnyi xuất hiện thế này: tình cờ mua cổ phiếu của Rosneft, Gazprom, Lukoil, Surgutneftegaz, GazpromNeft, ông ta có quyền truy cập thông tin nội bộ của các công ty này.

Chọn lọc một số thông tin trong đó, ông đăng từng đoạn nhỏ lên blog: “Tôi là chiến sĩ đấu tranh chống tham nhũng, mà tất cả tham nhũng đều từ Đảng Nước Nga thống nhất”.

Tiếp theo, Navalnyi truyền đi qua các khán giả Internet của mình công thức giản đơn: “Nước Nga thống nhất - đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp” (viết tắt là PZHIV). Công thức này nhanh chóng được phát tán và biến thành meme virus.

Nhằm hỗ trợ nó, một số lượng lớn meme phụ, hình ảnh và video clip được tạo ra. Và khi chúng được chuyển qua hàng nghìn người dùng thì ngay cả người không quan tâm gì tới chính trị - ghé qua Internet lúc nào cũng va phải công thức này, các demo hình ảnh này, truyện tranh, biếm họa sử dụng nó - theo thời gian anh ta bắt đầu tin một cách vô thức rằng ai cũng nghĩ như vậy.

Anh ta quen với việc rằng đó là chuyện thường ngày, đó là cái chung, rằng “Nước Nga thống nhất - đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp” đã trở thành một châm ngôn, một định đề.

Điều kiện chính cho khả năng sống sót và sức mạnh của meme là việc phát tán nhanh, đồng loạt và rộng khắp. “Mọi người đều sử dụng, nên tôi cũng dùng”.

Ở đây động lực chính là bản năng bắt chước. Khi người khác thấy ai post gì đó, “tôi cũng muốn post!”, thậm chí không suy nghĩ khi post lại. Mở danh sách bạn bè ra xem, một người bạn post meme này, người thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư post lại, bấm nút đi, có gì mà tiếc chứ?

Bấm và bấm, và cùng cảm nhận. Vui mà. Meme trở thành một meme hoàn chỉnh khi nào nó có tính đại chúng, khi nó ở khắp nơi.

Thời gian bầu cử, tháng 12-2011, chúng diễn ra. Đảng Nước Nga thống nhất (EP), như mọi khi, nhận được đa số trong nghị viện, trong cộng đồng Internet liền xuất hiện sự bất hòa nhận thức. “Cái gì vậy?

Tôi đã thấy hàng triệu lần, tất cả đều thấy và biết EP - đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp. Vậy mà sao nó được đa số phiếu? Thật căm phẫn!” - bạn nghĩ. Nhưng 80% dân Nga không sử dụng Internet, độ bao phủ Internet ở các khu vực là 6%, Matxcơva 30%, trung bình cả nước chỉ 20%...

Và 80% dân Nga không nghe gì về đảng lừa đảo và trộm cắp, về các meme, họ đi bầu và EP nhận được đa số phiếu.

Nhưng meme PZHIV tạo ra nào phải cho họ, mà để cho những người tích cực sử dụng Internet, những người luôn online, nắm được mọi xu hướng, mọi meme.

Họ vì sao đó chẳng đi bầu... nhưng lại biết chắc “EP” là “đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp”. Mà đảng này lại thắng. Điều đó làm phẫn nộ nên họ xuống đường khi thấy thông báo trên Twitter: “Những ai không đồng tình với việc đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp được đa số phiếu hãy đến quảng trường”...

Đám đông cổ vũ, máy ảnh chụp hình, CNN phát sóng. Mà tất cả trước đó tưởng chừng vô hại: Navalnyi viết, post lên mạng, mọi người post lại, phát tán, kết quả là thế đấy. Meme, khi tiếp cận có suy nghĩ, rõ ràng, hợp lý, nó là vũ khí giúp thay đổi chế độ...

Cách mạng rối búp bê

Tạo ra meme mới là khởi đầu, nó cần được truyền đi, phải lan tỏa. Và xuất hiện hiện tượng “cách mạng rối búp bê” - một bản nâng cấp chất lượng của “cách mạng màu”.

Trên hai tay người ta mang hai búp bê để chúng biểu diễn một tình huống thú vị nào đó... Tấn tuồng sân khấu diễn ra, căng thẳng, hồi hộp, nhưng bạn không thấy sau bức màn, cả hai đều được điều khiển bởi cùng một người, kẻ tay này đeo một búp bê, tay kia một búp bê khác.

Ở thực tế mạng lưới đang nói đến, điều đó thể hiện ở việc tồn tại một số lượng giới hạn các trung tâm kiểm soát nhiều nhân tố mạng lưới - những con người riêng biệt, những người này đến lượt mình kiểm soát cái gọi là những tài khoản ảo ở các mạng xã hội khác nhau.

Kết quả là một người có liên hệ với một nút mạng sẽ tái sản xuất qua số lượng lớn những tài khoản ảo một bộ các ý tưởng được đặt hàng, tạo ra cảm giác tính quần chúng cho một quan điểm, một ý kiến, một hiện tượng, thậm chí cả một hệ tư tưởng nào đó.

Ở đây nói về việc hiện hữu một người dùng cụ thể, kẻ tạo ra và quản lý một số lượng lớn các tài khoản ảo. Anh ta lập ra 20 tài khoản giả và điều khiển tất cả.

Một người khác tạo 30 tài khoản giả. Kết quả là có 50 kẻ ảo đang tích cực tranh luận với nhau, mỗi người bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng cả hai người dùng này đều dính líu với một trung tâm duy nhất điều khiển các người dùng.

Hãy coi thống kê: 2% người dùng Twitter tạo ra 60% toàn bộ nội dung phổ biến trên mạng, 5% người dùng tạo ra tới 75% nội dung.

Đại sứ quán Hoa Kỳ đăng quảng cáo trên job.ru tìm người cho những dự án mạng, lương 85.000 rúp. Không nhất thiết phải sống ở Matxcơva, có thể sống ở Makhachkal (thành phố miền nam nước Nga, thủ phủ CH Dagestan) cũng được.

Sống ở Makhachkal, lương 85.000 rúp, không tệ chút nào. Cần phải làm gì? Xây dựng 30 tài khoản ảo và theo lệnh đồng bộ post lại một nội dung. Anh chỉ cần ngồi đó, người ta gửi một posting đến và anh post lại trên 30 tài khoản ảo.

Trên khía cạnh thực hành công nghệ, điều này có nghĩa hoạt động xã hội của toàn bộ số đông được điều khiển bởi một số trung tâm giới hạn.

Và về sau, quần chúng mới điên cuồng kết nối vào quy trình này, khi đó việc phát tán nội dung tiếp tục diễn ra một cách tự phát. Nếu meme sống sót, nó sẽ tự sao chép lại chính mình.

Nhưng từ đầu, việc tạo ra và thúc đẩy một meme là từ một số chuyên gia cần mẫn, phục vụ cho một khách hàng cụ thể chi trả cho họ làm việc đó, có thể là một tập đoàn công nghiệp, một cấu trúc nhà nước hay phi nhà nước...■

(*): Thế chiến thứ ba - Chiến tranh mạng lưới, dịch giả Phan Xuân Loan, NXB Trẻ, tháng 6-2017.

Một cái tin tưởng vô thưởng vô phạt xuất hiện trên Bangkok Post ngày 12-6-2017: “Điều tra like giả dẫn tới nhà điều hành mạng địa phương” cho biết cảnh sát Thái đã bắt giữ ba người Trung Quốc với gần 500 chiếc iPhone và 347.200 sim card của điện thoại Thái.

Điều tra sơ bộ cho biết ba người này khai họ được một công ty Trung Quốc thuê cho một chiến dịch tạo các pageview giả, like giả và chia sẻ trên WeChat, một ứng dụng của Trung Quốc cung cấp dịch vụ tin nhắn và truyền thông xã hội. Mục đích của “công ty Trung Quốc” này là gì?

Trong khi chờ đợi câu trả lời từ điều tra của Thái Lan, ứng dụng meme và “cách mạng rối búp bê” của Valeri Korovin có thể phần nào giải thích hoạt động tạo pageview và like giả này để làm gì!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận