Thế giới Ả rập giữa hai ông hoàng

DUY VĂN 05/07/2017 16:07 GMT+7

TTCT- Có gì chung giữa việc thay đổi thái tử kế vị ở Saudi Arabia và cuộc phong tỏa ngoại giao Qatar?

Quốc vương Saudi Arabia Salman (trái) và ông hoàng Qatar Tamim bin Hamad Al Thani thời còn mặn nồng (ảnh chụp ở Doha tháng 12-2016) -Getty Images
Quốc vương Saudi Arabia Salman (trái) và ông hoàng Qatar Tamim bin Hamad Al Thani thời còn mặn nồng (ảnh chụp ở Doha tháng 12-2016) -Getty Images

 

Người trị vì Saudi Arabia hiện nay là quốc vương Salman 81 tuổi, con trai và người thừa kế trực tiếp vị vua sáng lập triều đại cai trị đất nước hiện nay Abdul Aziz Al-Saud.

80 năm trước, sau khi đánh bại tất cả các đối thủ trong một cuộc chiến tương tàn, với sự hỗ trợ của người Anh, Abdul Aziz Al-Saud đã lên nắm quyền ở Saudi Arabia. Theo di chúc của ông, người thừa kế ngai vàng phải là các con trai của ông, theo đúng thứ tự tuổi tác, tức ngai vàng được kế vị bởi các anh em từ lớn đến nhỏ.

“Đảo chính cung đình”?

Và như thế, các con trai của Abdul Aziz Al-Saud lần lượt thay nhau nắm quyền. Cho đến thập niên 1980, khi vua Fahd (anh trai của Salman) đang trị vì Saudi Arabia, vẫn còn bốn người con trai của vua Abdul Aziz Al-Saud còn sống, và ai cũng đã ngoài 60.

Họ hiểu sớm hay muộn cũng sẽ không còn người kế vị ngai vàng trực tiếp theo di nguyện của cha, nên đã thương lượng về thứ tự kế vị.

Theo đó, trong trường hợp người kế vị trực tiếp cuối cùng qua đời thì lên nắm quyền sẽ là con trai trưởng của con trai đầu của cố quốc vương lập quốc Abdul Aziz Al-Saud, tức cháu nội đích tôn. Việc truyền ngôi sẽ được thực hiện theo tôn ti, từ cháu sang cháu.

Vì vua Abdul Aziz Al-Saud đông con trai nên thứ tự “xếp hàng” rất dài. Đến nay, vài chục người cháu nội của vua Abdul Aziz Al-Saud đang đợi đến lượt của mình.

Mohammed bin Salman, con trai 31 tuổi của quốc vương Salman đang tại vị, người vừa được phong làm thái tử ngày 21-6-2017, không phải là người đứng đầu danh sách kế vị này. Ứng viên số một hiện nay là anh họ của ông, hoàng tử, bộ trưởng nội vụ Mohammed bin Nayef, mặc dù ông này cũng không phải là con trưởng.

Thỏa thuận từng được điều đình 30 năm trước đã bị vua Salman phá vỡ. Mặc dù một số hình thức khác vẫn được chấp hành: hội đồng hoàng gia được triệu tập, tiến hành bỏ phiếu, nơi đa số phiếu ủng hộ Mohammed bin Salman, nhưng từ cuộc bỏ phiếu này người ta thấy trật tự kế vị ngai vàng được thiết lập từ thời đức vua sáng lập Abdul Aziz Al-Saud đã không còn hiệu lực.

Một số nhà quan sát không ngại dùng từ “đảo chính cung đình” để nói về thay đổi này. Từ nay người kế vị Saudi sẽ đưa ra luật lệ mới để chuyển giao quyền lực, trên thực tế là sáng lập một triều đại mới.

Mohammed bin Salman gặp Tổng thống Mỹ Donald trump. Ảnh AP

 

Người kế vị mới

Thái tử Mohammed bin Salman là con trai của người vợ thứ (và có thể là người được sủng ái nhất) của đức vua Salman trị vì Saudi hiện nay.

Tham vọng, thông minh và kiêu ngạo, Mohammed bin Salman nhận được một nền học vấn lý tưởng và từ lâu không che giấu vai trò của mình trong vương quốc dầu hỏa. Trong một trả lời phỏng vấn cho NBC, ông đã tuyên bố về “Kế hoạch 100 năm của Mohammed bin Salman”.

Bản chất kế hoạch này: Saudi Arabia không thể tiếp tục tồn tại nhờ dầu hỏa. Thời hạn khá dài để thực hiện kế hoạch riêng của ông cho thấy rõ ý định thừa kế ngai vàng của hoàng tử xứ vàng đen này.

Mohammed bin Salman, giờ đã là thái tử, đang triển khai tích cực các hoạt động trong lĩnh vực chính trị - quân sự. Với chức vụ bộ trưởng quốc phòng, tháng 3-2015 ông đã bất ngờ điều quân Saudi sang nước Yemen láng giềng, không thống nhất hành động cả với lực lượng an ninh lẫn đồng minh Hoa Kỳ.

Mục đích của thái tử Salman: ủng hộ chính phủ và Tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi, người lên nắm quyền sau các sự kiện “Mùa xuân Ả Rập”, trong cuộc chiến của ông với người Houthi, được cho là do Iran hậu thuẫn.

Ở Bahrain, quân đội Saudi Arabia đứng ra bảo đảm quyền lực cho vua Hamad, người suýt mất ngai vàng cũng vì “Mùa xuân Ả Rập”, nhưng trụ lại được nhờ sự can thiệp quân sự từ cường quốc láng giềng.

Ở một trong những quốc gia chủ chốt của thế giới Ả Rập là Ai Cập, Saudi đã bơm vào nhiều tỉ USD. Ở Syria, Saudi hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho một số nhóm nổi dậy.

Ở Libya đang bị tàn phá, Saudi khẳng định ảnh hưởng bằng con đường viện trợ quân sự và vật chất cho lực lượng của tướng Khalifa Haftar. Qua tất cả những động thái đó, thái tử kế vị của Saudi đang cho thấy rõ tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Riyadh ra sao.

Chuyến thăm quốc gia đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là tới Saudi Arabia. Hình thức và kết quả chuyến đi được xem như sự gật đầu phê chuẩn của Hoa Kỳ cho các hoạt động tích cực của ngôi sao đang lên Mohammed bin Salman.

Hợp đồng bán vũ khí cho Saudi trị giá 350 tỉ USD trong 10 năm, với khoản mua bán 110 tỉ USD có hiệu lực ngay lập tức là minh họa rõ nét nhất cho sự “hợp tác an ninh” giữa hai đồng minh lâu đời này, dù dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama của ông đã phần nào lạnh nhạt.

Ngày 14-2-1945, tại cuộc gặp lịch sử với tổng thống Franklin Roosevelt, quốc vương Saudi lúc bấy giờ Abdul Aziz Al-Saud đã ký với Hoa Kỳ thỏa thuận được gọi là “Pact Quincy” (do ký trên hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Quincy) gồm hai điểm chính:

Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho quyền lực của triều đại Saudi vẫn còn non trẻ. Đổi lại, Saudi bảo đảm an ninh năng lượng cho Hoa Kỳ.

Từ thập niên 1960, lợi ích chung của Riyadh và Washington đã mở rộng đáng kể. Hoa Kỳ được Saudi hậu thuẫn trong cuộc chiến chống các phong trào dân tộc - cánh tả Ả Rập mà thủ lĩnh là lãnh đạo Ai Cập Abdel Nasser.

Mối quan hệ này càng được thắt chặt vào thập niên 1980 trên cơ sở hỗ trợ các lực lượng Mujahideen chống lại quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Riyadh giúp Washington tấn công kinh tế Liên Xô bằng cách gia tăng khai thác dầu và hạ giá dầu trên thị trường thế giới.

Nhờ Riyadh, Washington đã đạt được ba mục tiêu chính cùng lúc: làm suy yếu vị thế Liên Xô về địa chính trị, phá hoại ảnh hưởng của những người dân tộc Ả Rập, thành lập một đối trọng với Iran sau cuộc cách mạng 1979.

Một liên minh mà đôi bên cùng có lợi: Washington bật đèn xanh cho phiên bản cực đoan, không khoan nhượng Wahhabism của phe Hồi giáo Sunni.

Hàng nghìn đền thờ và thánh đường Hồi giáo được xây dựng bằng tiền của Saudi trải từ Nigeria đến Indonesia, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong học thuyết của Hồi giáo Sunni trên khắp thế giới.

Bước ngoặt trong quan hệ giữa hai đối tác chiến lược Mỹ và Saudi là tháng 8-2013, khi tổng thống Obama từ chối phê chuẩn cho không quân Mỹ đánh bom Syria theo yêu cầu của Riyadh. Một trong những lý do của ông Obama, theo một cuộc phỏng vấn của ông với The Atlantic, là “không muốn Washington biến thành con tin cho lợi ích của hoàng gia Saudi”.

Những phát biểu của ông Obama cho thấy sự bất hòa giữa Washington với Riyadh, khi ông Obama cho rằng “Saudi nên học cách sống chung với Iran trong khu vực, hơn thế nữa, học chia sẻ ảnh hưởng cùng Iran”.

Bằng cách đó, ông Obama ám chỉ Washington sẽ không như trước, bảo vệ cho Saudi trong trường hợp xung đột nổ ra với Iran.

Cũng theo bài báo đó, ông Obama đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của Hồi giáo Wahhabism với sự ổn định của châu Á: “Saudi và những nước Ả Rập vùng Vịnh khác đã đổ tiền của, thầy giáo và truyền giáo vào Indonseia. Vào thập niên 1990, Saudi tích cực tài trợ cho các thánh đường Wahhabis và truyền bá các phiên bản cực đoan của Hồi giáo mà hoàng gia Saudi thúc đẩy”.

Khi được hỏi ông có coi Saudi là đồng minh của Hoa Kỳ hay không, ông Obama đáp rằng mọi chuyện “rất phức tạp” và gọi những lãnh đạo vương triều Saudi là “những kẻ ngồi không hưởng lợi” (free riders) từ sự bảo đảm an ninh của Mỹ.

Chính vì thế mà bộ trưởng quốc phòng Bin Salman cuối năm 2015, khi tham dự một cuộc gặp giữa ông Obama và vua Salman, đã phá bỏ mọi thủ tục lễ tân khi “chen ngang” và “độc thoại” chỉ trích chính sách đối ngoại của Washington.

Giữa hai ông hoàng

Gió đã xoay chiều sau khi ông Trump đắc cử tổng thống và chọn Saudi là nước công du đầu tiên, kèm theo gói hợp đồng vũ khí choáng ngợp.

Những diễn biến đó nói lên hai điều, theo nhà bình luận Artur Kebekov trên Life.ru: “Một: thái tử Mohammed bin Salman đang nhắm tới “ngai vàng” không chỉ của Saudi, mà cả thế giới Ả Rập, và hai: với hợp đồng 110 tỉ USD, Mohammed bin Salman, không giống ông nội, sẽ dựa vào sức mạnh của chính mình”.


Nhưng kế hoạch của Mohammed bin Salman có thể gặp một trở ngại: một ông hoàng khác cũng của một xứ sở Ả Rập, chỉ hơn Mohammed bin Salman 5 tuổi và kế vị trong một cuộc chuyển giao hòa bình năm 2013.

Ông hoàng này cũng cố tác động lên chính sách khu vực: từng là nhà tài trợ cho “Mùa xuân Ả Rập”, đất nước ông là nơi đồn trú của căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất khu vực.

Nhưng ngoài Mỹ, ông hoàng này còn cố gắng duy trì sự hữu hảo với một số đối tác mà Riyadh và Washington khó lòng chấp nhận: Iran và Nga (với Mỹ), và có thể Israel (với Saudi, mặc dù chỉ trong làm ăn kinh tế).

Ông hoàng đấy còn sở hữu tập đoàn truyền thông có lẽ là uy tín nhất của thế giới Ả Rập hiện nay - Al Jazeera. Ông có khả năng tài chính dồi dào, và nhắm tới một chiến lược năng lượng độc lập về khí đốt. Đó chính là tiểu vương Qatar - Tamim bin Hamad Al Thani.

Hai ngôi sao không thể cùng sáng như nhau trên một bầu trời. Xung đột nổ ra ngay sau chuyến công du của ông Trump: ngày 5-6, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain, Libya, tiếp đó là Maldives, Mauritania và Comoros tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Lý do không thiếu: quan hệ của Qatar với Iran, tài trợ cho “Anh em Hồi giáo”, ủng hộ lực lượng Hezbollah của người Shiite, Al Nousri và thậm chí Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)...

Động thái của Saudi đã gây chia rẽ rõ rệt trong khu vực. Qatar bị phong tỏa kinh tế và thương mại. Ngay lập tức, Iran tuyên bố sẵn sàng cung cấp lương thực cho Qatar, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không những không tham gia cuộc tẩy chay mà còn lên án hành động này, đồng thời tuyên bố tăng gấp ba xuất khẩu vào Qatar và đặt thêm căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.

Ngày 19-6, Thổ Nhĩ Kỳ đưa các lực lượng đầu tiên đến Doha trong một cuộc tập trận chung.

Đáp lại “tối hậu thư” 13 điểm của Saudi với Qatar (trong đó đòi cắt đứt quan hệ với Iran, chấm dứt hoạt động kênh truyền hình vệ tinh Al Jazeera, chấm dứt ủng hộ khủng bố, chấm dứt hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ...), Doha khẳng định không chấp nhận sự áp đặt và can thiệp của nước ngoài.

Những căng thẳng hiện nay chắc chắn sẽ chưa dừng. Các nhà bình luận đưa ra nhiều dự báo, từ khả năng một cuộc “đảo chính nhà nước” ở Qatar để loại bỏ đối thủ của Saudi, đến việc Doha sẽ dựa vào không chỉ Tehran và Ankara, mà có thể cả Nga và Mỹ trong cuộc đối đầu với đối thủ mạnh hơn họ nhiều là Saudi.

Một số nhà bình luận không loại trừ các bên sử dụng những nhóm cực đoan cho những mục đích của mình. Khả năng nổ ra “chiến tranh lạnh khu vực” được nhắc đến sau vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Iran và lăng giáo chủ Khomenei ngày 7-6, cũng như việc Bộ Nội vụ Saudi tuyên bố đã ngăn chặn thành công vào ngày 24-6 mưu toan tấn công khủng bố vào thánh đường Mecca.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận