Lựa chọn khó khăn 

HẢI MINH 06/08/2017 16:08 GMT+7

TTCT - Những cải cách tư pháp mới đây ở Ba Lan bị Liên minh châu Âu (EU) cho là sẽ đe dọa sự độc lập của các tòa án - một nguyên tắc tuyệt đối ở mọi nền dân chủ lành mạnh.

Biểu tình phản đối chính phủ và ủng hộ EU ở Ba Lan.-Ảnh: AFP
Biểu tình phản đối chính phủ và ủng hộ EU ở Ba Lan.-Ảnh: AFP

 

Điều đó, cùng với sự nổi lên của các đảng cực hữu ở Ba Lan và Hungary, đang là vấn đề đau đầu nhất với EU kể từ Brexit. Khúc mắc nằm ở chỗ các giá trị của dân chủ không phải lúc nào cũng song hành với phát triển kinh tế.

“Châu Âu - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói vào tháng trước - không phải là một cái siêu thị”.

Ý ông Macron muốn nói đến những động thái bị coi là đi ngược lại tự do và dân chủ ở Đông Âu, mà ông chỉ trích gay gắt là dựa vào “chia sẻ tín dụng” của cả khối qua hình thức hỗ trợ ngân sách mà “không tôn trọng các giá trị chung (của EU)”.

Dù ông Macron không nêu tên cụ thể nước nào, nhiều người đã hiểu ngay ông muốn nói tới Ba Lan và Hungary.

Tiền lên tiếng

Đó là một cuộc tranh cãi rất phức tạp. Những người tự do cho rằng Hungary và Ba Lan đã hưởng lợi nhiều từ thị trường chung và các quỹ đầu tư hào phóng của EU, nhưng đang phản lại các giá trị của khối.

Ở Hungary, Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố xây dựng một nhà nước “phi tự do” (“illiberal state”, theo chính lời ông), bằng cách viết lại hiến pháp, loại bỏ các thể chế dân chủ, gây khó dễ cho các nhóm xã hội dân sự và trường đại học, tổ chức các chiến dịch bài trừ nhắm vào người nhập cư, người Hồi giáo...

Ở Ba Lan, đảng cầm quyền Pháp luật và công lý (PiS) có những bước đi tương tự. Gần đây nhất, đảng cánh hữu này đã vận động cho các dự luật (hai đã được ký ban hành) đe dọa sự độc lập của ngành tư pháp, với việc trao quyền kéo dài tuổi hưu của các thẩm phán cho bộ trưởng tư pháp - cùng quyền bổ nhiệm và sa thải các chủ tịch phiên tòa.

Những chính quyền ở Warsaw và Budapest nghĩ khác EU. Ba Lan và Hungary đã nói họ sẽ dùng quyền phủ quyết ở Hội đồng châu Âu (EC) để bảo vệ nhau trước các biện pháp trừng phạt tiềm tàng.

Vào tháng 5, ông Orban nói trừng phạt các chính sách của Hungary là “ngu xuẩn”. Ông nói Hungary đang là nước có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất ở EU.

Phó thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thì nói thẳng vào tháng 4, với báo Đức Handelsblatt, rằng “các nhà đầu tư đã bỏ phiếu bằng tiền của họ”, khi dòng vốn tiếp tục đổ vào Ba Lan, bất chấp những cáo buộc chính quyền kéo lùi dân chủ.

Sau khi chủ nghĩa cộng sản đổ vỡ ở Đông Âu, các công ty phương Tây đã nhanh chóng mở rộng sang thị trường còn mới mẻ này. Những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa ở Đông Âu từ lâu không ưa điều đó.

Jaroslaw Kaczynski, cựu thủ tướng, đương kim nghị sĩ và người sáng lập PiS, từng gọi việc đầu tư Đức ồ ạt đổ vào Ba Lan là “mối nguy với chủ quyền Ba Lan”.

Orban cũng ban hành các chính sách thù địch với các công ty đa quốc gia ngành ngân hàng, truyền thông, và bán lẻ, với việc áp đặt nhiều loại thuế và quy định lên họ để “hỗ trợ doanh nghiệp Hungary”.

Cuộc đối đầu, vì thế, rất phức tạp với những giá trị và những người nhân danh giá trị đều thấy mình xứng đáng như nhau.

Nhưng dù tấn công các tập đoàn phi sản xuất, các chính quyền Warsaw và Budapest vẫn ưu ái đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo và sản xuất.

Họ tới hai nước Đông Âu này bởi công nhân lành nghề, chi phí sản xuất thấp, hạ tầng hoàn chỉnh, thuế ưu đãi và rất gần các thị trường giá trị. Cả hai chính quyền thường xuyên có những gói hỗ trợ trực tiếp cho các khoản đầu tư lớn.

Năm 2016 chẳng hạn, chính quyền Orban đã hỗ trợ công ty sản xuất xe hơi Đức Daimler khoản tiền 48 triệu USD để hãng này xây một nhà máy mới ở đây.

Tháng 7 vừa rồi, Budapest tuyên bố cung cấp lượng vốn đối ứng hơn 10% cho việc mở rộng một xưởng sản xuất của công ty thiết bị xe hơi Pháp Sitca, và 20% nữa cho một trung tâm dịch vụ vận hành bởi Bosch, hãng đồ điện tử và kỹ thuật hàng đầu ở Đức.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều công ty phương Tây thấy các lãnh đạo Ba Lan và Hungary hiện giờ chẳng có vấn đề gì, nếu không muốn nói là những người rất hợp lý cho việc làm ăn của họ.

Tháng 2-2015, General Electric, nhà đầu tư Mỹ lớn nhất ở Hungary, đã mời Orban tới phát biểu ở lễ khai trương trung tâm vận hành toàn cầu mới của hãng tại Budapest.

Tháng 11-2015, Orban lại phát biểu trong lễ ra mắt dây chuyền sản xuất mới của Hãng xe Audi. “Khó thể tưởng tượng được Hungary ngày nay nếu không có sự hiện diện của Audi” - ông Orban nói. CEO của Audi, Rupert Stadler, đáp lại với lời tán tụng: “Ở đây chúng tôi thấy như ở nhà”.

Tháng 5-2017, Daimler mời Orban làm khách mời danh dự ở diễn đàn mở lớn cho các cổ đông hàng đầu của hãng tại Budapest.

Sự nhập nhằng của các mối quan hệ nhà nước - tư nhân, nhà nước - nhà nước, EU - nhà nước... khiến cho câu chuyện không chỉ toàn trắng và đen như nhiều người vẫn nghĩ.

Vào lúc Nghị viện châu Âu đang lên lớp Orban vì những hành vi bị coi là phi dân chủ của ông, thủ tướng Hungary lại là “cánh hẩu” với Eckart von Klaeden, người vận động hành lang khét tiếng của Daimler, và quan trọng hơn, từng là người rất được Thủ tướng Đức Angela Merkel tin cậy.

Bà Merkel phản đối gần như mọi chính sách của ông Orban: bà mở cửa với dân nhập cư, ủng hộ tự do thương mại và hội nhập hơn trong khối... Nhưng trong nội bộ Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà vẫn chưa nhất trí được với nhau.

Vào tháng 5, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án ông Orban, nhưng không ít chính các nghị viên của CDU đã bỏ phiếu chống, chưa kể những người cánh hữu khác từ Ý, Tây Ban Nha và Croatia.

Ai bảo vệ các thẩm phán

Tranh cãi mới nhất ở Ba Lan về sự độc lập của nhánh tư pháp trong chính quyền chỉ là giọt nước làm tràn ly với EU.

Từ khi lên nắm quyền năm 2015, PiS đã vô hiệu hóa và nắm quyền kiểm soát Tòa án hiến pháp, tòa cao nhất của Ba Lan, vào năm 2016. Bước đi vừa rồi của họ chỉ là một sự lấn tới nữa, với mục tiêu kiểm soát rộng hơn toàn bộ nhánh tư pháp.

Các cải cách trao quyền cho bộ trưởng tư pháp có thể thay thế các thẩm phán đã tới tuổi hưu ở tòa tối cao, đưa vào người của PiS. Bước thứ hai là trao cho quốc hội quyền kiểm soát Hội đồng Thẩm phán quốc gia, cơ quan độc lập trước kia có quyền bổ nhiệm và thăng cấp cho các thẩm phán.

Đề xuất thứ ba trao cho bộ trưởng tư pháp quyền sa thải và chỉ định những chủ tịch các tòa cấp thấp hơn.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 25-7 đã chặn hai dự luật đề xuất trao quyền cho quốc hội và chính phủ thay thế các thẩm phán tòa tối cao, nhưng đã ký ban hành luật về các tòa án thông thường.

Biểu tình đã nổ ra với sự tham gia của hàng chục nghìn người ở Warsaw đòi sự độc lập cho các thẩm phán, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29-7 chính thức mở “tố tụng về vi phạm luật EU” với chính quyền Ba Lan. EC cho Warsaw một tháng để trả lời.

Nhưng Thứ trưởng ngoại giao Ba Lan Konrad Szymanski nói với hãng tin nhà nước PAP rằng quyết định của EU là “bất công” và giải thích vị trí chủ tịch tòa ở Ba Lan chủ yếu chỉ có ý nghĩa hành chính.

Chính quyền Warsaw còn nói họ không chấp nhận bất cứ “sự tống tiền” nào từ EU với các vấn đề mà họ cho là nội bộ của nước mình.

Những nghị sĩ PiS lập luận rằng cải cách tư pháp sẽ giúp thay đổi một hệ thống tòa án tham nhũng và thiếu hiệu quả hiện do các thẩm phán không phải chịu trách nhiệm giải trình cai quản.

Cuộc tranh luận còn là câu hỏi mang tính “tồn tại hay không tồn tại” với EU: Liệu họ sẽ can thiệp tới đâu khi một quốc gia thành viên trượt dần ra khỏi quỹ đạo dân chủ lành mạnh?

Điều đó không chỉ là một sự mỉa mai khó chấp nhận với những tuyên bố của EU về một liên minh của các giá trị, nó còn gây ra những khúc mắc pháp lý khó giải, một kiểu “khủng hoảng hiến pháp” của khối này, thậm chí còn nghiêm trọng hơn vụ Brexit.

EU được xây dựng trên cơ sở “pháp quyền tối thượng” và phụ thuộc vào sự hợp tác của nhánh tư pháp độc lập ở các quốc gia thành viên để thực thi pháp luật chung của cả khối.

Nếu PiS kiểm soát được các tòa án, thì luật của EU có nguy cơ trở thành đống giấy vụn tại Ba Lan.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng PiS nhận được sự ủy nhiệm đầy đủ và trọn vẹn từ cử tri Ba Lan, với 235/460 ghế ở Hạ viện, và 61/100 ghế Thượng viện. Ghế thủ tướng và đa số ở quốc hội Ba Lan, vì thế, đều đang trong tay họ.

Các quy trình dân chủ ngặt nghèo của EU, thật trớ trêu, bản thân nó đã tạo ra sự cản trở khi khối này muốn ngăn cản một quốc gia trượt về hướng độc tài.

Ý định của thủ lĩnh PiS Kaczynski đã lộ rõ từ năm 2011, khi ông lấy Orban làm hình mẫu và hứa sẽ có ngày “chúng ta có Budapest tại Warsaw”.

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, Orban và Kaczynski đã gặp nhau ba lần trong năm đầu tiên PiS nắm quyền, và trong cuộc gặp tháng 9-2016, Kaczynski nói với Orban: “Ông là tấm gương mà chúng tôi muốn học theo”.

Cuộc tranh luận là vấn đề sống còn với EU. Tôn trọng pháp quyền không chỉ là giá trị cốt lõi của tổ chức này, mà còn là nền tảng mà trên đó EU được xây nên - chìa khóa để bảo vệ mọi giá trị cơ bản khác.

Dù EU có các tòa án riêng ở Luxembourg, việc thực thi pháp luật của cả khối dựa vào năng lực chấp pháp của từng quốc gia.

Phó chủ tịch EC Frans Timmermans đã giải thích trên trang europa.eu rằng khi tòa án Ba Lan thực thi luật EU với công dân Ba Lan, “họ đang hành động như những thẩm phán của EU”.

Tức bất kỳ cuộc tấn công nào vào sự độc lập của hệ thống tư pháp một nước thành viên chính là sự tấn công vào EU.■

Không đủ quyết tâm chính trị?

Câu hỏi lúc này là các lãnh đạo EU có đủ quyết tâm chính trị để bảo vệ các giá trị của khối hay không. Hầu hết các lãnh đạo cánh hữu cho tới giờ đã im lặng về Hungary và Ba Lan, vì áp lực lá phiếu.

Cũng Timmermans nói ông tự tin sẽ nhận được sự ủng hộ để kích hoạt điều 7 Hiệp ước Lisbon, sự trừng phạt cao nhất với một nước thành viên EU: tước quyền bỏ phiếu.

Tuy nhiên, trước khi đi tới biện pháp cực đoan đó, hiện khối đang cân nhắc một đề nghị của Đức gắn việc phân bổ quỹ từ EU cho các thành viên với những nguyên tắc dân chủ cơ bản.

Nhìn chung từ sau vụ Brexit, EU đã tránh can thiệp quá lộ liễu vào công việc nội bộ từng nước thành viên, nhưng để có một khối hội nhập hợp nhất, điều đó là không thể tránh khỏi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận