TTCT - Ngay sau vụ bắn tên lửa của CHDCND Triều Tiên sáng 29-8 bay qua Hokkaido của Nhật Bản, chuyên gia Adam Mount của Đại học Georgetown nhận xét: “Đây không chỉ là gây hấn, đây là chiến lược của Triều Tiên nhằm chia cắt liên minh của Mỹ (ở khu vực). Thông điệp với các đồng minh: Mỹ không thể bảo vệ các vị”. Thi thể lính hải quân Mỹ được vớt lên sau tai nạn tàu khu trục John S McCain. -Ảnh: USA Today Điểm nóng Triều Tiên hay Biển Đông một lần nữa đặt dấu hỏi về cam kết của Mỹ tại Đông Á. Hơn bảy tháng chính quyền mới nhậm chức, hoàn toàn chưa có một đường hướng rõ ràng của Washington ở đây. T. J. Pempel của Đại học California tại Berkeley hôm đầu tuần trên East Asia Forum đã liệt kê cả một danh sách những tác động gây thương tổn của chính quyền Donald Trump với quan hệ Mỹ - châu Á kể từ khi ông Trump nhậm chức. Theo Pempel, chỉ trong vòng sáu tháng, Washington đang tước bỏ đi những công cụ quan trọng nhất trong đối ngoại Mỹ ở khu vực. Những định hướng chính sách của Nhà Trắng, vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng với tư vấn từ những cơ quan chính sách hàng đầu, giờ “chỉ còn là những dòng tweet hung hăng như cam kết sẽ gieo rắc “ngọn lửa hận thù chưa từng thấy” chống lại Triều Tiên” - ông viết. Ưu tiên thấp Đối ngoại nói chung và chính sách châu Á - Thái Bình Dương nói riêng thực tế đang là ưu tiên thấp của Trump, xếp sau cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và cải thiện quan hệ với Nga. Đông Nam Á càng bị phớt lờ, các thể chế đa phương - bao gồm cả NATO - bị rũ bỏ, Trung Quốc bị đe dọa chiến tranh thương mại, và với Triều Tiên thì Trump liên tục đưa ra những tuyên bố bất ngờ, thiếu một sự thống nhất về chiến lược. Các đồng minh cốt lõi của Mỹ trong khu vực cho tới nay trên thực tế chỉ nhận được những hỗ trợ và trao đổi hời hợt, trong khi sự yếu kém của chính quyền đang ngày càng hiện rõ trong việc xử lý các mối quan hệ như với Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster vẫn đang loay hoay thống nhất về chính sách. Một loạt chuyên gia đối ngoại hàng đầu, kỳ cựu, từng trải và biết cách xử lý các sự cố một cách chừng mực và hiệu quả, đã từ chối không tham gia chính quyền mới - vì những bê bối và sự không hài lòng với Trump - khiến một loạt vị trí trọng yếu về đối ngoại và các vai trò then chốt ở các sứ quán Mỹ thiếu người. Thêm vào đó, đề xuất của chính quyền mới cắt giảm ngân sách cho Bộ Ngoại giao 30% trong ba năm tới đang gây thêm những mối lo ngại về nguồn lực dành cho khu vực (một số thông tin nói nguồn lực cho Đông Á bị đề xuất cắt tới 46%). Những nhân vật thường phát ngôn về chính sách của Mỹ tại Đông Á giờ thường nói chuyện nhát gừng, mập mờ và thiếu định hướng rõ ràng, dù chính thức các cam kết của họ vẫn nói sự can dự của Washington ở khu vực là không đổi. Những lo lắng thật rõ ràng: tính tới đầu tháng 6, Washington đã phải trấn an Tokyo tới 28 lần về cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công. Đồng minh tìm hướng đi riêng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho tới nay có lẽ là nguyên thủ quốc gia của một nước lớn đã “nhẹ nhàng” nhất với ông Trump từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức tới nay. Ông Abe luôn tỏ ra ủng hộ và cố gắng vun đắp xây dựng mối quan hệ với ông Trump: ông liên tục gọi điện trao đổi và không như nhiều nguyên thủ khác, chưa bao giờ công khai chỉ trích, hay thậm chí là bình luận về các cuộc khủng hoảng nối đuôi nhau của ông Trump ở Washington. Cách tiếp cận của ông Abe phản ánh điều Tokyo ý thức rất rõ: Mỹ luôn là người bảo trợ an ninh quan trọng nhất của Nhật. Nhưng giữa tất cả sự “chăm sóc” kỹ lưỡng đó, ông Abe đang bắt đầu những bước đi rất độc lập về chính sách của Nhật Bản tại khu vực. Tokyo đang cố gắng hình dung và chuẩn bị cho kỷ nguyên khi ảnh hưởng của Mỹ suy giảm. “Về mặt dài hạn, Nhật Bản cần suy nghĩ cách duy trì được trật tự cũng như tự do thương mại - giáo sư Takako Hikotani của Đại học Columbia nói với New York Times - Điều đó không chỉ là lợi ích của Nhật mà còn là lợi ích của cả khu vực”. Một bước triển khai chiến lược then chốt là việc Nhật Bản đang lèo lái 11 quốc gia còn lại trong hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để chốt sớm phiên bản TPP-11 vắng mặt Mỹ. Tokyo muốn cứu hiệp định dù không còn Washington. Về địa chính trị, trong chính sách với Triều Tiên, một số chuyên gia ở Nhật Bản cũng đã kêu gọi chính phủ nên đi theo con đường riêng. Tờ Sankei Shimbun hôm 18-8 đề xuất Nhật Bản nên tiếp cận Bình Nhưỡng trực tiếp để đàm phán vụ công dân Nhật bị bắt cóc cách đây hơn bốn thập kỷ. Một số khác đang tự hỏi những tuyên bố “đao to búa lớn” của ông Trump trong tháng này, như cam kết đổ “ngọn lửa hận thù” xuống Triều Tiên có phải là một động thái coi thường an ninh của đồng minh hay không. Xét cho cùng, Nhật Bản nằm trong tầm ngắm đầu tiên nếu Bình Nhưỡng muốn trả đũa bất cứ động thái quân sự nào. “Mọi người sẽ tự hỏi Nhật Bản chịu đựng được bao lâu nữa với những tuyên bố của Trump về Triều Tiên kiểu đó” - Tetsuo Kotani, chuyên gia tại Viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản, nói. Cùng lúc, Tokyo đang lên kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình. Bộ Quốc phòng Nhật đang xin ngân sách để mua hệ thống Aegis Ashore của Mỹ, hệ thống đánh chặn tối tân có thể bắn hạ tên lửa tấn công khi nó đang trên khí quyển Trái đất. Thậm chí còn xuất hiện cả đề xuất Nhật Bản cần phát triển vũ khí hạt nhân răn đe của riêng họ. Những dấu hỏi về “sức mạnh cứng” Giữa lúc đồng minh hoang mang như thế thì hình ảnh sức mạnh cứng của nước Mỹ, thể hiện ở những tàu khu trục hay tàu chiến tối tân, lại đang bị tổn hại nặng nề. Không có gì rõ hơn là hình ảnh tàu khu trục với tên lửa dẫn đường John S. McCain đâm phải tàu chở dầu gây ra một vết lõm lớn trên thân tàu và khiến hơn 10 thủy thủ trên tàu thiệt mạng cách đây hai tuần. Vụ việc xảy ra chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi con tàu đi vào 12 hải lý ngay sát đảo Vành Khăn, thách thức công trình đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc xây tại đó. Ý nghĩa biểu tượng của tai nạn không thể tệ hại hơn. “Một bức hình đáng giá ngàn từ, và hình ảnh con tàu rất được chú ý này (tổn hại như thế) tạo ra ảnh hưởng rất lớn” - ông Carl Thayer, chuyên gia về khu vực của Học viện Quốc phòng Úc, nói với báo giới. Hải quân Mỹ đã có quyết định vô cùng hiếm hoi là dừng toàn bộ hoạt động tuần duyên trên toàn cầu để xem xét lại quy trình. Tư lệnh Hạm đội 7, phó đô đốc Joseph Aucoin cũng đã bị cách chức ngay sau đó. Hạm đội 7 - hạm đội lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài với trụ sở ở Yokosuka, Nhật Bản - là hòn đá tảng không thể tranh cãi trong chính sách của nước này ở Thái Bình Dương và Đông Á - Đông Nam Á, dù là mang tính biểu tượng, kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch, hay để răn đe. Đáng nói hơn, sự cố tàu McCain diễn ra chỉ hai tháng sau vụ bảy thủy thủ thiệt mạng khi một tàu khu trục với tên lửa dẫn đường khác, tàu Fitzgerald, đâm một tàu hàng ngoài khơi Nhật Bản. Vào tháng 5, tàu Lake Camplain cũng đụng với một tàu cá của Hàn Quốc nhưng không có thương vong gì. Ba tháng trước đó, tàu Antietam bị mắc cạn ở vịnh Tokyo khiến hàng nghìn lít dầu tràn ra vịnh gần Yokosuka. Truyền thông Trung Quốc, vốn thường cáo buộc Lầu Năm Góc về gây hấn ở khu vực, đã được dịp mỉa mai và chỉ trích. “Tại sao những tai nạn như vậy liên tục xảy ra? Hải quân Mỹ luôn ngạo mạn, thô lỗ, phi lý và tự cao, đấy là nguyên nhân chính - tờ Nhân Dân Nhật Báo viết - Luật pháp quốc tế về tránh va chạm trên biển đã không được tuân thủ, đó là gốc rễ của những tai nạn này”. Ở Nhật Bản, những lo ngại về sự suy yếu của hải quân Mỹ dẫn tới xuất hiện lỗ hổng an ninh trên biển đang lan nhanh. Tờ Yomiuri Shimbun trích lời một quan chức hải quân Nhật Bản bày tỏ lo ngại về năng lực của quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Triều Tiên. Tại Hàn Quốc, người dùng mạng xã hội đặt dấu hỏi về việc Lầu Năm Góc triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD ở nước này, trong khi những người khác đùa rằng không cần phi đội hải đội gì để chặn tàu chiến Mỹ, mà các nước địch thủ chỉ cần đơn giản dùng các tàu... container. Joseph Chinyong Liow, trưởng khoa chính trị học so sánh ở Đại học Nayang, Singapore, bình luận trên The Straits Times gần đây rằng: những khủng hoảng ở Washington “phá hỏng khả năng chính quyền tư duy chiến lược về các vấn đề toàn cầu”. “Vị thế lãnh đạo của Mỹ đã suy giảm” - ông Liow viết và chỉ ra thực tế dù hải quân Mỹ đã tăng tuần tra ở khu vực, việc chính quyền không thể đưa ra được chiến lược lớn chung, nhất quán và có định hướng rõ ràng khiến nhiều nước trong vùng phải đặt câu hỏi: “Biển Đông quan trọng thế nào với nước Mỹ?”. Những tai nạn gần đây của hải quân Mỹ còn khiến một số đồng minh của Mỹ thấy việc phải tự tăng cường sức mạnh quân sự của họ là hợp lý. Đầu năm nay, chính quyền quân sự Thái Lan, vốn đã tăng chi phí quốc phòng đáng kể, đặt mua một số tàu ngầm mới từ Trung Quốc. Nhật Bản và Ấn Độ trong khi đó cố gắng lấp vào phần nào các khoảng trống mà Washington để lại khi giảm dần những can dự ở khu vực. Theo đánh giá của ông Thayer thì “hải quân Mỹ lúc này vẫn còn rất mạnh, nhưng cảm giác bất bại đã bị tổn thương mạnh mẽ. Uy tín của Mỹ ở khu vực đã giảm nghiêm trọng”. Còn theo Pempel, chỉ hơn sáu tháng, chính quyền Trump đã kịp làm xáo trộn rất nhiều các mối quan hệ cũ, cũng như các ràng buộc định chế và quyền lực mềm Washington gầy dựng suốt hơn 70 năm qua. Chính sách đối ngoại Mỹ phải trả một cái giá đắt vì kết quả cuộc bầu cử tháng 11-2016, và những đồng minh Đông Á có thể là những người thua nhiều nhất dù họ chẳng có chút tiếng nói nào trong cuộc bầu cử đó. ■ Tags: Cám kết của TrumpMỹ ở Đông nam áMỹ lơi Đông nam Á
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams đòi bồi thường có vô lý? HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Những ngày qua, vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard Williams, chủ nhà nơi xảy ra tai nạn ở Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại khiến nhiều người quan tâm.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.