Triều Tiên, hạt nhân và những ngụ ý địa chính trị

NGUYỄN PHƯƠNG VĂN 08/09/2017 20:09 GMT+7

TTCT - Ngày 5-9, chỉ hai ngày sau vụ thử bom nhiệt hạch gây chấn động Trái đất cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, CHDCND Triều Tiên lại có động thái rất quan trọng mà Reuters ở Seoul đưa tin: Di chuyển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) về bờ biển phía tây. Tại sao?

Bom EMP hoạt động như thế nào?
Bom EMP hoạt động như thế nào?

 

Bước nhảy lượng tử

Thử nghiệm kích nổ bom nhiệt hạch và bắn thử tên lửa liên lục địa là hai mảnh ghép lớn của một chiến lược quân sự: thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để gắn lên tên lửa tầm xa và tên lửa này có thể bắn vượt đại dương tới đất của kẻ thù.

Trước đó hai ngày, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Đây là lần thử vũ khí hạt nhân thứ sáu của Bình Nhưỡng.

Vụ nổ thử nghiệm này được kênh truyền hình PBS của Mỹ gọi là một bước nhảy lượng tử (quantum leap) trên con đường trở thành cường quốc hạt nhân của Triều Tiên.

Tờ Wall Street Journal cho rằng vụ thử hạt nhân này hé lộ kế hoạch về một vụ tấn công “xung điện từ” vào nước Mỹ.

Tờ báo này cho rằng Triều Tiên có ý tưởng tấn công nước Mỹ bằng xung điện từ (Electromagnetic Pulse: EMP).

Tấn công EMP có thể thực hiện bằng cách kích nổ một quả bom hạt nhân cách bề mặt Trái đất hàng chục kilômet, với mục đích đánh sập toàn bộ hệ thống lưới điện trên mặt đất của quốc gia mục tiêu.

Một kế hoạch lý thuyết như thế đã được các chuyên gia đề cập đến từ lâu, nhưng phải đến lần thử vũ khí hạt nhân cuối tuần rồi Triều Tiên mới chính thức nhắc đến chiến thuật này trong một thông cáo đưa ra vào sáng chủ nhật (3-9).

Thông cáo nói Triều Tiên đã có thể lắp một trái bom hydro (còn gọi là bom H hay bom khinh khí) lên một tên lửa tầm xa.

Quả bom này, như Triều Tiên tự nhận, là một quả bom nhiệt hạch có sức công phá lớn, có thể kích nổ ở rất cao trên không trung và tạo ra một vụ tấn công EMP cực mạnh.

Không giống như quả bom nguyên tử (bom A) ném xuống Nhật Bản năm 1945, tấn công EMP không trực tiếp làm chết người hay sập nhà, thay vào đó các sóng điện từ tạo ra từ vụ nổ hạt nhân sẽ phá hủy hệ thống truyền tải điện và các thiết bị điện tử trên mặt đất, giống như một luồng sét khổng lồ đánh xuống mặt đất vậy.

Tất nhiên cách tấn công này vẫn gián tiếp giết người và làm rối loạn xã hội do sẽ làm tê liệt bệnh viện, hệ thống cấp nước, các nhà máy và rất nhiều cơ sở dân sự khác đang vận hành dựa trên hạ tầng điện, Internet và các nền tảng điện tử - kỹ thuật số khác.

Năm 2008, Quốc hội Hoa Kỳ đã đặt hàng một báo cáo về vấn đề này.

Bản báo cáo cho biết một vụ tấn công EMP có thể làm tan vỡ và gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng hạ tầng thiết yếu đang nâng đỡ hoạt động của toàn bộ xã hội Hoa Kỳ (có thể tải về toàn bộ báo cáo ở địa chỉ: www.empcommission.org).

Mối lo ngại này không hề là chuyện khoa học viễn tưởng. Năm 1962, khi quân đội Hoa Kỳ thử nghiệm một quả bom hydro ở Thái Bình Dương, đã xảy ra một vụ mất điện trên diện rộng tại Honolulu, cách địa điểm thử nghiệm gần 1.600km.

Năm 1989, một vụ nổ công suất lớn trên Mặt trời, vốn là một lò phản ứng nhiệt hạch khổng lồ, đã phóng ra một đám mây hạt tích điện đánh vào từ trường Trái đất và làm mất điện trên diện rộng ở Quebec, Canada.

Những người lạc quan cho rằng các vụ tấn công EMP khó gây hại cho hệ thống viễn thông hiện đại. Vụ nổ thử nghiệm bom H của quân đội Mỹ năm 1962 có công suất khá lớn, 1,4 megaton, đã không làm hư hại hệ thống điện thoại ở Hawaii.

Một số nhà vật lý có tư duy thực dụng lại cho rằng Bình Nhưỡng sẽ chọn cách tấn công bằng vũ khí hạt nhân theo kiểu kinh điển, tức là ném bom, hoặc bắn tên lửa hạt nhân thẳng vào các thành phố lớn, sẽ dễ dàng hơn về mặt kỹ thuật cũng như hiệu quả tàn phá lớn hơn, thay vì triển khai một vụ tấn công EMP như họ vừa đe dọa Hoa Kỳ.

Các kỹ sư điện lại có ý nghĩ khác. Họ cho rằng không cần đổ một núi tiền vào để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa làm gì bởi các hệ thống truyền tải điện của Mỹ đã được chống sét rất tốt rồi, nay chỉ cần nâng cấp hệ thống dự phòng cho tình huống khẩn cấp là được.

Nhưng có lẽ các kỹ sư điện của Mỹ cần tính toán thêm bởi trong tình huống tấn công hạt nhân, Triều Tiên sẽ ra tay theo cách mà các nhà vật lý Mỹ đã phân tích: họ sẽ chọn cách đơn giản hơn về kỹ thuật mà có tác động tàn phá lớn hơn.

Tức là họ sẽ sử dụng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân để tấn công theo kiểu truyền thống.

Những ngụ ý địa chính trị

Để hiểu hết ảnh hưởng địa chính trị của vụ thử hạt nhân vừa rồi, trước hết cần làm rõ một số khái niệm cơ bản.

Thế giới đã bỏ đơn vị đo (thứ nguyên) động đất cũ là Richter (đặt theo tên Charles F. Richter, người phát triển thang đo sức mạnh động đất này vào năm 1935).

Thang đo Richter (Richter Scale) không thể hiện chính xác độ mạnh của các trận động đất lớn, nên người ta nghĩ ra hệ đo động đất mà hiện thế giới đang sử dụng:

Thang cường độ mômen (Moment Magnitude Scale). Chữ cường độ/độ lớn (magnitude), rất thú vị, là một thuật ngữ đã được dùng trong thiên văn học (thường được dịch là cấp độ).

Cấp độ được tính theo logarith cơ số 10. Nghĩa là cứ tăng 1 cấp độ của thang đo thì cường độ rung chấn mặt đất tăng lên 10 lần.

Tờ Wall Street Journal nói cơn địa chấn nhân tạo ở Triều Tiên hôm 3-9 có cường độ 6,3, mạnh gấp 10 lần cơn địa chấn năm ngoái có cường độ 5,3 cũng từ một vụ thử hạt nhân khác.

Hạt nhân, dịch từ tiếng Anh “nuclear”, trước đây còn dịch là hạch tâm (hạch = hạt, tâm = nhân). Vũ khí hạt nhân sử dụng năng lượng do các phản ứng liên quan đến hạt nhân của nguyên tử.

Lúc đầu công nghệ kém, người ta dùng năng lượng phân hạch, nghĩa là phân chia hạt nhân (nuclear fission), tức là một hạt nhân nặng phân chia ra thành các hạt nhân nhẹ hơn, quá trình phân hạch này tạo ra năng lượng rất lớn.

Quả bom ném xuống Nhật là bom phân hạch, còn gọi là bom nguyên tử và được ký hiệu là A (A là viết tắt chữ Atom, tức nguyên tử).

Sau đó công nghệ phát triển, người ta sử dụng năng lượng nhiệt hạch (thermonuclear), hoặc còn gọi là hợp hạch hay tổng hợp hạt nhân (nuclear fusion), tức là hai hoặc nhiều hơn hạt nhân nguyên tử nhẹ hợp nhất với nhau để thành một hoặc vài hạt nhân nguyên tử nặng hơn (và phóng ra các hạt hạ nguyên tử); quá trình này giải phóng rất nhiều năng lượng.

Bom hydro còn được dịch là bom khinh khí (giống như khí cầu sử dụng khí hydro cũng được gọi khinh khí cầu) vì sử dụng phản ứng nhiệt hạch và sử dụng đồng vị nguyên tử hydro.

Điều thú vị là phân hạch và hợp hạch (nhiệt hạch) là các phản ứng hạt nhân trái ngược nhau, nhưng trong bom khinh khí lại có cả hai phản ứng này.

Trong một quả bom nhiệt hạch, tức bom H, thường phải có một quả bom phân hạch, bom A, để tạo ra một vụ nổ sơ cấp. Năng lượng của vụ nổ sơ cấp sẽ kích hoạt vụ nổ thứ cấp sinh ra nhiều năng lượng hơn nữa.

Lý do là phản ứng hợp hạch (phản ứng tổng hợp hạt nhân) chỉ xảy ra ở điều kiện nhiệt độ cực kỳ cao trong khoảng thời gian đủ lâu, chỉ có năng lượng tạo ra từ một vụ nổ nguyên tử mới tạo ra được điều kiện như vậy.

Lò phản ứng hạt nhân nhiệt hạch (thermonuclear reactor) lớn nhất mà chúng ta từng biết chính là Mặt trời. Năng lượng mà Mặt trời, cũng như các ngôi sao cường độ cao (high magnitude star), đang phát ra chính là năng lượng của phản ứng hạt nhân nhiệt hạch.

Quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng là do Mỹ ném xuống Nhật năm 1945. Khoảng 7 năm sau, năm 1952, Mỹ mới thử nghiệm thành công phản ứng nhiệt hạch. Trung Quốc cũng làm được bom khinh khí từ năm 1967.

Nhưng thu nhỏ phản ứng nhiệt hạch đủ để gắn làm đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo lại là chuyện hoàn toàn khác.

Vụ thử của Triều Tiên cuối tuần rồi được coi là một bất ngờ, nhất là khi mới năm 2016 báo Mỹ The New York Times còn đăng một bài rất dài phân tích tỉ mỉ tại sao Bình Nhưỡng chưa thể làm được việc đó.

Vì thế, khả năng phát triển được đầu đạn đủ nhỏ để gắn vào tên lửa là một biến cố lớn về cán cân vũ khí hạt nhân răn đe và cùng với đó là địa chính trị khu vực.

Vụ việc đặt ra cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ làm chính sách quốc phòng cũng như đối ngoại của ông một bài toán nan giải.

Thời điểm của vụ thử cũng cực kỳ nhạy cảm, không chỉ với Mỹ mà với cả láng giềng và đồng minh lớn của Triều Tiên là Trung Quốc. Đây đã là lần thứ ba trong vòng một năm Triều Tiên phủ bóng lên một sự kiện lớn của Trung Quốc.

Hồi tháng 5, các tên lửa của Triều Tiên được phóng đi ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh Con đường và vành đai.

Trước đó, tháng 9-2016, cũng là hàng loạt tên lửa rời bệ phóng khi Trung Quốc tổ chức Hội nghị G20. Còn lần này, vụ thử hạt nhân diễn ra vài giờ trước khi Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn mới nổi, nhóm BRICS, khai mạc.

Mỹ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Liệu chúng ta vẫn quyết có một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, hay chấp nhận điều đó giờ không còn hiện thực và thừa nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân? - Trương Liễn Khôi (Zhang Liangui), giáo sư về chiến lược quốc tế ở Trường Đảng trung ương Trung Quốc và chuyên gia về Triều Tiên, nói - Nếu các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không hiệu quả thì có nghĩa là các lệnh trừng phạt chưa đủ mạnh”.

Từ Washington, những phản ứng lần này tỏ ra rất gay gắt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, sau cuộc gặp với ông Trump, cảnh báo Triều Tiên rằng “bất cứ mối đe dọa nào với Mỹ và lãnh thổ của Mỹ, bao gồm Guam và các nước đồng mình, sẽ bị đáp trả bằng biện pháp quân sự mạnh mẽ”.

Nhưng ông Mattis, xuất hiện trước báo chí cùng chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, tướng Joseph F. Dunford Jr., cũng nói Mỹ “không định nghiền nát một quốc gia, tức Triều Tiên. Nhưng như tôi đã nói, chúng tôi có nhiều lựa chọn để làm như thế”.

Tổng thống Trump cũng úp mở về một lựa chọn cực đoan khác. Trong một tin đăng trên Twitter trước khi gặp các viên tướng, ông nói: “Mỹ cân nhắc, ngoài các lựa chọn khác, chấm dứt thương mại với bất kỳ nước nào còn làm ăn với Triều Tiên”.

Cho tới giờ, có vẻ như mọi đe dọa đã không đủ để khiến Bình Nhưỡng lùi bước.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận