TTCT - Hai tuần trước, Bộ NN&PTNT vui mừng tuyên bố “xuất khẩu gạo thắng lớn” với lượng gạo xuất khẩu năm 2011 ước đạt 7,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 3,7 tỉ USD.

Tuần sau là những thông tin đáng lo về một đối thủ cạnh tranh mới: gạo giá rẻ Ấn Độ. Tất cả một lần nữa gợi lại câu chuyện ưu tư lâu nay về người nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - chủ nhân thật sự của bát cơm châu Á - về cuộc sống mãi vẫn chưa giàu của họ.

Phóng to

Thành công trong quá khứ của ngành sản xuất lúa gạo ĐBSCL chưa phải là bảo đảm cho thành công của tương lai. Trong ảnh: thu hoạch lúa hè thu ở Vị Thanh (Hậu Giang) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Có người ví việc sản xuất lúa gạo của nông dân hiện nay như cây đòn gánh: đầu này nặng trĩu những nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao, đầu kia là tiêu thụ lúa gạo bấp bênh, giá thấp. Người nông dân vừa gánh vừa bị “lắc lư” trong thế dễ ngã.

Chỉ sau hai thập niên qua, sản lượng lúa ĐBSCL đã được nhân lên hơn gấp đôi, từ 9,48 triệu tấn (năm 1990) lên hơn 21 triệu tấn (năm 2010), kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước. Nhưng những người chủ của “bát cơm châu Á” vẫn chưa chuyển được căn bản từ vị thế của người làm ra “chén cơm đầy” để chống đói hôm qua, đến vị trí của người sản xuất ra “chén cơm ngon” để bán được giá, làm giàu.

Thách thức từ đồng ruộng

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ có 25% nông hộ tiếp cận được thông tin thị trường, 90% sản phẩm nông nghiệp được bán ở dạng thô và 60% bị bán với giá thấp; trong khi có đến 40-50% chi phí của gạo xuất khẩu liên quan đến nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.

Một nghiên cứu về “An ninh lương thực ở VN và chuỗi giá trị lúa gạo” của nhóm chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới cách đây không lâu cho rằng trong điều kiện xấu nhất VN vẫn đảm bảo an ninh lương thực, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng lúa này đã không giảm tương xứng tốc độ gia tăng sản lượng gạo mà cha mẹ chúng làm ra (xếp thứ 7/8 khu vực cả nước về tỉ lệ giảm suy dinh dưỡng trong thập niên qua).

Sản xuất nhiều gạo hơn không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực, giúp nông dân làm giàu mà cần cách tiếp cận đa ngành. Tuy hỗ trợ của Chính phủ tiếp tục được thực thi, những vị lãnh đạo cao nhất đã cam kết bảo vệ bằng được 3,81 triệu ha đất lúa... nhưng để hiện thực hóa chủ trương đó, rất cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đáp ứng cho mục tiêu chính trị - xã hội - công cộng và kinh tế - thương mại - lợi nhuận của người trồng lúa.

Thành công trong quá khứ của ngành sản xuất lúa gạo ĐBSCL chưa phải là bảo đảm cho thành công của tương lai. Một cách tiếp cận “làm như mọi khi” chắc chắn sẽ không hiện thực hóa được tiềm năng của ngành này.

Từ đồng ruộng ra thương trường

Làm gì để giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL trở thành “doanh nhân sánh vai”, để “doanh nhân hóa nông dân” - một trong những yêu cầu đặt ra để hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo vùng đất chín rồng?

Thương trường là cạnh tranh, muốn cạnh tranh phải có nguồn lực và kiến thức, không chỉ kiến thức làm ruộng, trồng cây, nuôi cá mà cả kiến thức quản lý đồng vốn, quản trị doanh nghiệp, về thị trường, hệ thống phân phối tiêu thụ... Đòi hỏi khắc nghiệt từ thương trường buộc những người nông dân ngày nay phải chuyển từ tư duy “làm ra nhiều nông sản” sang “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”, với chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Người nông dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành trồng lúa, đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn... là những cách thức giúp đòn gánh kể trên của người nông dân được cân bằng.

Doanh nhân hóa nông dân ĐBSCL phải được diễn ra trong không gian của nông thôn đồng bằng, trong những đặc thù của nông nghiệp, nông dân. Cần đưa thương hiệu gạo ĐBSCL vào chương trình thương hiệu quốc gia để quảng bá. Một nhãn hiệu “made in Mekong Delta” cho lúa gạo đồng bằng là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường lúa gạo thế giới, cũng chính là tài sản - thương hiệu chung cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu.

“Đảm bảo cho nông dân lãi 30%”

Điều này chắc chắn cần được thực thi bằng bài toán kinh tế nhiều hơn là quyết tâm chính trị. Thời gian qua, một số cơ quan chức năng địa phương đã lấy giá lúa thời điểm trừ “chi phí đầu vào” theo cách tính riêng của mình để công bố mức lãi 30-40% của nông dân như một kiểu báo cáo thành tích.

Nhưng ai cũng biết để tạo giá trị cho một sản phẩm như lúa gạo phải bao gồm cả “hao mòn” giá trị đất đai, công cụ lao động, sức khỏe - sức lao động của người nông dân trong môi trường sản xuất nông nghiệp hiện tại (sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu...). Chắc chắn còn nhiều “chi phí” đầu vào đang bị bỏ sót trong hạch toán giá thành hạt lúa với góc độ một ngành sản xuất hàng hóa.

Theo kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, về lý thuyết, quy mô sản xuất lúa từ 3ha/người trở lên mang lại lợi nhuận tối ưu. Nhưng với đặc thù sản xuất manh mún hiện nay, bình quân chỉ khoảng 0,4ha/hộ thì nông dân không làm giàu được. Theo tính toán, kết quả của “30% lợi nhuận” được giữ lại cho người nông dân vừa qua (nếu có) còn thấp hơn mức thu nhập 1 USD/người/ngày. Chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay quá nhiều nấc mà lại quá ít giá trị gia tăng, người nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu từ sự gia tăng đó.

Cần nói ngay rằng những mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, “công ty cổ phần nông nghiệp” mới chỉ cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao giá trị các công đoạn làm ra hạt lúa (giống, kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tác động chính sách đầu vào).

“Chuỗi giá trị” quan trọng hơn, cần sự tác động tích cực hơn lại đang nằm ở các khâu từ hạt lúa trên đồng ruộng đến hạt gạo hàng hóa trên thương trường (chống thất thoát sau thu hoạch, kho chứa, xay xát, đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu gạo). Nên ngày càng thấy những tiếng nói bức xúc hơn về việc phải liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết vùng ĐBSCL một cách thật sự mà trọng tâm là “vành đai lúa” gồm khoảng 30 huyện nằm ở các tỉnh trọng điểm gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần các tỉnh còn lại trong vùng.

Song song là đổi mới toàn diện cơ chế xuất khẩu gạo – hiện là khâu cuối cùng đang tác động mạnh mẽ vào “túi tiền” của người nông dân - trong điều kiện cạnh tranh gay gắt khi xuất hiện doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn từ năm 2012. Nên từ “chén cơm đầy” đến “chén cơm ngon”, người nông dân ĐBSCL không thể một mình đi hết chặng đường.

Theo TS Nguyễn Văn Sánh - giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, hạt gạo của nông dân hiện nay đang bị “cắn chia làm tám phần” nên lợi nhuận của người trồng lúa bị teo tóp.

Bốn phần đầu cho “bốn nhà”: nhà băng (vay vốn, đóng lãi, kể cả phải vay lãi cao bên ngoài), nhà vật tư (mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, cuối vụ trả lãi cao) chiếm khoảng 65% chi phí, nhà mình (gánh nặng chi tiêu ăn uống, chữa bệnh, học hành con cái, các khoản đóng góp...) chiếm khoảng 21% và... nhà hàng xóm (đám tiệc, giỗ quải, giao tế xã hội...).

Phần thứ năm là nhà xuất khẩu gạo mà hiệu quả kinh doanh gần như quyết định giá lúa hằng năm.

Phần thứ sáu là lúa gạo phải làm nhiệm vụ bình ổn giá tiêu dùng (CPI) cho xã hội.

Phần thứ bảy là nhiệm vụ ngoại giao trong chiến lược an ninh lương thực toàn cầu, lúa gạo là lợi ích mà nhiều nước luôn quan tâm trong đối ngoại và hợp tác.

Phần thứ tám là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận