Chưa có kịch bản ứng phó sự cố ngập

HOÀNG LỘC THỰC HIỆN 09/10/2016 01:10 GMT+7

TTCT - Trao đổi với TTCT, đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, nhìn nhận tần suất ngập có chiều hướng gia tăng và khó lường.

Dứt khoát phải có kịch bản ứng phó với sự cố do ngập nước từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. ảnh Hữu Khoa


Ông cho biết riêng trong năm 2015, số tai nạn sự cố mà đơn vị ông tham gia ứng cứu là trên 200 vụ. Và dù chưa thống kê cụ thể nhưng sự cố liên quan đến ngập nước chiếm khá nhiều trong tổng số các vụ trên, tăng cao so với các năm trước.

Tình trạng ngập nước do mưa, triều cường gia tăng, gây thiệt hại nhiều tài sản, nhất là tầng hầm các tòa nhà. Nhưng việc bơm nước ứng cứu của lực lượng PCCC trong các trận mưa vừa qua mất khá nhiều thời gian, sắp tới đơn vị có đầu tư trang thiết bị để ứng cứu tốt hơn?

- Không chỉ nước ngập mà khi xảy ra tai nạn, nguyên tắc là phải ưu tiên giải cứu con người, sau đó mới đến tài sản, phương tiện. Với tình trạng ngập, hiện mọi giải pháp đều dựa vào kinh nghiệm và điều kiện thực tế để ứng phó, TP chưa có các kịch bản cụ thể cho vấn đề này.

Khi xảy ra mưa lớn, lực lượng PCCC TP và quận huyện chủ yếu được huy động để bơm nước, giảm ngập để dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên một số máy bơm công suất nhỏ, gây không ít khó khăn trong công tác ứng cứu.

Chúng tôi sẽ đề xuất tăng cường một số xe trạm bơm và máy bơm công suất lớn để cơ động và có thể sử dụng “2 trong 1”: vừa tham gia chữa cháy và hút nước ngập.

Về kịch bản ứng phó với các sự cố liên quan đến ngập nước hiện nay TP chưa có. Nhưng với các trận mưa xảy ra gần đây gây ngập các đường hầm giao thông, tầng hầm các tòa nhà, ảnh hưởng đến giao thông và gây thiệt hại tài sản khá lớn cho nhiều người, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bàn về vấn đề này.

Từ chiều 26-9 đến rạng sáng 27-9, trung tâm thông tin chỉ huy 114 (thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM) đã nhận trên 1.000 cuộc gọi, trong đó có tới 447 cuộc gọi của người dân yêu cầu hỗ trợ, ứng cứu do bị ngập nước. Đơn vị huy động trên 500 cán bộ chiến sĩ, trên 50 xe và máy bơm chữa cháy trực tiếp tham gia ứng cứu tại 70 điểm ngập.H.LỘC

Dứt khoát phải có kịch bản ứng phó với sự cố do ngập nước từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

Không chỉ lực lượng PCCC, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng tham gia ứng cứu sự cố liên quan ngập nước. Ông có cho rằng như vậy là quá nhiều mà thực tế hiệu quả chưa như mong muốn?

- Ứng cứu tình trạng ngập nước là một trong những nhiệm vụ của chúng tôi vì đây là vấn đề liên quan đến con người và khi mưa lớn, xảy ra sự cố, nhiều người dân gọi đến báo.

Với những trận mưa lớn như vừa qua, tôi nghĩ sự tham gia của càng nhiều lực lượng càng tốt nhằm giảm nhanh tình trạng ngập lụt, hạn chế thiệt hại cho người dân. Vấn đề là khâu phối hợp thực hiện giữa các lực lượng sao cho đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng các lực lượng tham gia mất nhiều công sức nhưng hiệu quả không cao.

Để làm được điều này, quan trọng là khâu tổ chức thực hiện. Một vụ cháy lớn luôn phải có người chỉ huy điều phối thì trong việc phối hợp xử lý, ứng phó với ngập nước cũng cần phải có một “nhạc trưởng” để kết nối, thống nhất các phương án giữa các đơn vị liên quan.

 

Đội ứng cứu ngập nước

Sau trận mưa lịch sử ngày 26-9 (vũ lượng hơn 200mm), đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp (TP.HCM) là một trong 59 tuyến đường của TP bị ngập nặng. Nhiều người chạy xe qua đường này bị chết máy nối thành dòng trong vùng nước ngập. Trong tình cảnh đó, một người đàn ông mặc áo mưa màu vàng ngược xuôi hỗ trợ đẩy xe cho người dân qua đoạn đường ngập. Những người mặc áo mưa màu vàng khác đứng đầu điểm ngập khuyến cáo người dân chọn đường khác đi, không nên qua khu vực này. Các hố ga trong vùng ngập nước được cạy lên để nước thoát nhanh... Những người mặc áo màu vàng trên của đội ứng cứu ngập nước thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.

Ông Diệp Nguyên Thịnh, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị - tổng chỉ huy đội ứng cứu, cho biết công ty đã xây dựng kịch bản ứng cứu ngập ở 52 tuyến đường thường xuyên ngập nước, nhằm giúp nước thoát nhanh hơn, hỗ trợ điều tiết giao thông, cảnh báo khu vực nguy hiểm... Khi ngập, lãnh đạo công ty phát lệnh, lập tức các nhân sự được phân công triển khai phương án: đội ứng cứu phải đến hiện trường trong 30 phút kể từ khi phát lệnh.

Diễn biến ngập được theo dõi qua hệ thống 11 trạm đo mưa tự động, 4 trạm đo triều và hệ thống 34 camera giám sát ngập. Toàn bộ các thông tin về mưa, diễn biến ngập từ các thiết bị trên được truyền dữ liệu về trung tâm để theo dõi và tổ chức việc ứng cứu. Tuy nhiên, trường hợp xảy ra trận mưa như ngày 26-9 vừa qua khó đảm bảo 100% các điểm có người tổ chức ứng cứu vì ngập quá rộng, dù công ty đã huy động gần như toàn bộ gần 800 người ra các điểm ngập để hỗ trợ thoát nước, điều tiết giao thông.QUANG KHẢI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận