TTCT - Việc một số vụ án tham nhũng lớn đã và đang được xử lý, bên cạnh việc thanh tra những “biệt phủ” hay tích cóp này nọ, trên một bình diện nào đó, là những dấu chỉ của một chiều hướng tích cực như có thể thấy qua bảng “Chỉ số cảm nhận tham nhũng” 2016. Song, kết quả này cũng thúc giục tăng mạnh việc công khai minh bạch tài sản. Minh họa Kết quả nghiên cứu toàn cầu “Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI)” 2016 xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố hôm 25-1 năm nay đã cho thấy Việt Nam, lần đầu tiên sau bốn năm, tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 suốt các năm từ 2012 - 2015, được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176. Dù khiêm tốn, song đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực phòng chống tham nhũng (PCTN) của Nhà nước và xã hội. Đã có chút tiến bộ Góp phần làm nên một cảm nhận tiến bộ chung như thế là những bước tiến trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến PCTN như thông qua Luật tiếp cận thông tin, tiếp tục nội luật hóa quy định của Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (UNCAC) về hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước trong Bộ luật hình sự sửa đổi, cũng như việc tiếp tục kiện toàn công tác chuẩn bị để thực thi các hiệp định thương mại quốc tế đã được ký kết. Tuy nhiên xét trên thang điểm 0 -100 của bảng CPI, trong đó 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch, điểm số 33/100 năm nay cho thấy Việt Nam chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công, và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng. Kết quả này cũng tương đồng với nhận định của Chính phủ và ý kiến đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về báo cáo tổng kết công tác PCTN 2016 của Chính phủ - Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, nhận xét. Để tiến bộ hơn nữa: Kiểm soát tài sản, thu nhập Cách đây một năm, hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN qua một số lĩnh vực”, do Viện Chính sách công và pháp luật (IPL) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với TT tổ chức ngày 28-6-2016, đã nhận định sau 10 năm thi hành Luật PCTN có một số thành tựu tiêu biểu... “Tuy nhiên, việc thực hiện Luật PCTN còn một số bất cập về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn...” (nguồn: Ban Nội chính trung ương, ngày 29-6-2016). Trong một hội thảo khác ở Vĩnh Phúc trước đó, hôm 24-6-2016, tại “Hội thảo tham vấn về sửa đổi Luật PCTN”, các chuyên gia nêu ra “các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, đặc biệt tập trung vào các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” (nguồn: Ban Nội chính trung ương). Có thể thấy chỉ riêng qua hai đề mục hội thảo liên tiếp trên, có một nhận thức rõ rệt về nhu cầu minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở các cơ quan PCTN. Vấn đề còn lại là chuyển biến nhận thức này thành hành động như thế nào trong thực tế, cũng như phổ cập nhu cầu nhận thức này tới đâu trong những người có chức vụ, quyền hạn để dẫn tới chuyển biến tích cực. Kê khai kiểu nào? Thật ra, không đợi tới năm 2016 mới có những khuyến cáo về cách kê khai tài sản như thế nào cho minh bạch. Tháng 3-2012, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức tại Bangkok hội thảo khu vực về minh bạch tài chính (minh bạch hóa tài sản), do Ban liêm chính thị trường tài chính và Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp (Stolen Asset Recovery Initiative (StAR) thực hiện, với gần 40 chuyên gia trong lĩnh vực PCTN từ 15 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ Bộ Phát triển quốc tế Anh, từ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới tham dự. Tại đây, họ chia sẻ thông tin về việc thực hiện kê khai tài sản trong khu vực công của mỗi quốc gia. Hội thảo đã kết luận như sau: (1) Mẫu số chung là các nước đều đã khởi sự minh bạch hóa việc kê khai tài sản của cán bộ công chức. (2) Tuy nhiên, không có một hình mẫu kê khai tài sản duy nhất nào có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia do những khác biệt về bối cảnh, về thể chế..., dù các nước đi sau đều có xu hướng học hỏi từ những hệ thống phát triển hơn như ở các nước OECD. (3) Không có hệ thống kê khai tài sản nào của nước nào (có đại diện ở hội thảo) là hoàn hảo ngay từ đầu, hiện tại các hệ thống này cũng chưa được đánh giá là hoàn hảo. Tuy nhiên theo thời gian, các hệ thống này phát triển, vận hành tốt hơn sau khi được điều chỉnh linh hoạt. Trong thực tế, vấn đề đặt ra cho các nước khi bắt đầu tiến trình kê khai tài sản công chức là: diện đối tượng phải kê khai rất rộng, trong khi khả năng xác minh thông tin trong các bản kê khai lại rất hạn chế. Từ đó, câu hỏi đặt ra là: nên xây dựng một hệ thống kê khai tài sản ở quy mô rộng, hay nên bắt đầu với quy mô tập trung hơn? Rất nhiều quốc gia trong khu vực đã không chọn phương án quy mô tập trung. Trong khi vẫn chưa có một sự đồng thuận về phương án nào là tối ưu, họ chia sẻ nhận định chung: rất cần một hệ thống quản lý dữ liệu tốt. Đó là một hệ thống có thể lưu trữ một số lượng tương đối các bản kê khai tài sản, nhưng không vượt quá khả năng kiểm soát của hệ thống đó để có thể cho phép xác minh, kiểm tra và có phản ứng đối với những tín hiệu cảnh báo đưa ra bởi hệ thống quản lý dữ liệu đó. Hàn Quốc đã đi trước khi xây dựng xong một hệ thống có thể đưa ra cảnh báo khi có bất cứ sai lệch nào giữa bản kê khai tài sản của công chức với những đăng ký sở hữu đất đai của công chức đó. Những cảnh báo này đã giúp các cơ quan chức năng Hàn Quốc tiến hành nhiều cuộc điều tra liên quan. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp cùng những thuận lợi và rào cản tiềm ẩn, mỗi quốc gia cần có một tầm nhìn giúp định hướng những bước đi cũng như các phương thức thực hiện minh bạch hóa tài sản đối với cán bộ công chức. Tầm nhìn này phải được gắn liền với chiến lược PCTN của mỗi quốc gia. Bài báo “Minh bạch tài sản ở Việt Nam - Cần hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn” của Ngân hàng Thế giới ngày 1-5-2012 mô tả cách kê khai của Việt Nam như sau: “Trong khoảng 600.000 bản kê khai tài sản của cán bộ công chức nộp hằng năm, chỉ có 0,1% số bản kê khai tài sản này đã được xác minh và trong khi các bản kê khai tài sản này vẫn còn là bí mật đối với công chúng, tính hiệu quả của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này vẫn còn cần phải được kiểm chứng”. Ngân hàng Thế giới cũng nhận định việc kê khai tài sản ở Việt Nam sẽ hiệu quả hơn nếu các bản kê khai được công khai cho người dân và nếu số người phải kê khai tài sản ít hơn. Bài báo trên kết luận về Việt Nam như sau: “Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy việc cần phải có những biện pháp PCTN mạnh mẽ hơn trong những năm tới... Vậy các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa gia tăng cam kết về tính liêm chính sẽ là các biện pháp gì? Liệu công khai, một phần hay toàn bộ, bản kê khai tài sản của cán bộ công chức cho công chúng sẽ là một trong những biện pháp đó?”. Từ các khuyến cáo đó đến nay 5 năm đã trôi qua - một khoảng thời gian quá đủ để Việt Nam chọn một cách kê khai khác trước. Tháng 6 năm nay, Việt Nam đưa ra quy định kiểm tra, giám sát tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là một cách kê khai tập trung như đã nêu ở trên thay cho cách kê khai “đại trà” trước kia, phản ánh một sự tiếp thu các khuyến cáo của cộng đồng quốc tế. Kê khai, xác minh và sau đó? Tất nhiên, quyết định “kê khai tập trung” 1.000 người này còn quá mới mẻ để có thể thực hiện ngay các động tác kê khai, xác minh. Tuy nhiên sẽ không thừa nếu tham khảo tiếp các khuyến cáo từ hội thảo Bangkok nêu trên. Bài báo của Ngân hàng Thế giới kết luận: “Những kinh nghiệm chia sẻ tại hội thảo này cho thấy việc có một hệ thống minh bạch kê khai tài sản cán bộ công chức không phải là đã giải quyết được vấn đề tham nhũng. Không có thần dược duy nhất nào có thể chữa trị căn bệnh tham nhũng. Tuy vậy, rất đáng khích lệ khi biết rằng việc công khai kê khai tài sản của cán bộ công chức cho công chúng đã giúp báo chí và các tổ chức xã hội có thể thực hiện các biện pháp giám sát về lối sống, giám sát việc làm giàu bất chính và nhờ đó giúp các cơ quan PCTN phát hiện tham nhũng tốt hơn, ngăn chặn được tham nhũng ngay cả trước khi nó có thể xảy ra”. Nôm na mà nói, việc kê khai sẽ không ở trong vòng nội bộ, mà nên công khai để công chúng, báo chí cùng xác minh, theo dõi những chuyển động tài sản của các quan chức phải kê khai tài sản. Đây là một nhu cầu từ thực tế “bất chuyển biến”. Việc một giám đốc sở ở một tỉnh “tích cóp” một khối tài sản được hợp thực hóa như thế, hay việc cựu tổng thanh tra Nhà nước, tức người thanh tra của mọi người, cũng “tích cóp” tương tự, hay chuyện “tích cóp” cổ phiếu của một thứ trưởng Bộ Công thương nay bị đánh giá “vi phạm nghiêm trọng, xem xét kỷ luật”... là những thí dụ cho thấy nếu những kê khai tài sản đó được công khai, đâu cần tới Thanh tra Nhà nước hay Ủy ban Kiểm tra trung ương ra tay, mà sẽ bị công luận phanh phui từ lâu rồi. Lúc đó, tác dụng phòng ngừa sẽ mạnh mẽ hơn và sâu rộng hơn, đủ sức răn đe để các “quan” không dám “tích cóp”. Trong y tế hoặc thiên tai, hỏa hoạn..., phòng không cho xảy ra vẫn tốt hơn để xảy ra cớ sự tùm lum mới chống. PCTN cũng thế. Việc nay mới phải thanh tra, kiểm tra các trường hợp đó cho thấy đối với một số quan chức, hầu như không có bất cứ sự e ngại gì, từ dư luận xì xào đến kê khai, thanh tra, hậu kiểm, thậm chí không ai ngại bất cứ khả năng bị trừng phạt nào, nên mới tự cho phép “tích cóp” một cách “thong dong” và phô trương như vậy. Chính tâm thế nhởn nhơ “không sợ bị trừng phạt” cùng thực tại “không trừng phạt” ở môi trường xung quanh đã tạo nên những cảnh quan “biệt phủ”, thu gom... ở đây, ở kia như thế. Đó chính là lý do khiến TT khuyến nghị Việt Nam “áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để và có hệ thống đối với các hành vi tham nhũng, không khoan nhượng với tham nhũng”.■ Tags: Phòng chống tham nhũngKê khai tài sảnCông khai tài sảnMinh bạch tài sản
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.