Michael Moore với Sicko

MẠNH KIM 27/05/2007 07:05 GMT+7

TTCT - Hơn 2.000 người đã đồng loạt vỗ tay sau khi xem bộ phim tài liệu Sicko của đạo diễn Michael Moore tại Nhà hát Lumiere trong khuôn khổ LHP Cannes (từ 16 đến 27-5-2007). “Tôi biết bão táp đang chờ tôi ở Mỹ” - M. Moore nói.

Phóng to
Michael Moore (thứ hai từ phải) và những nhân vật trong Sicko
TTCT - Hơn 2.000 người đã đồng loạt vỗ tay sau khi xem bộ phim tài liệu Sicko của đạo diễn Michael Moore tại Nhà hát Lumiere trong khuôn khổ LHP Cannes (từ 16 đến 27-5-2007). “Tôi biết bão táp đang chờ tôi ở Mỹ” - M. Moore nói.

Cây bút Stephen Schaefer (Boston Herald) tin rằng Sicko (124 phút, chiếu giới thiệu - không dự tranh giải tại Cannes; dự kiến chiếu tại Mỹ ngày 29-6) sẽ ăn khách hơn cả Fahrenheit 9/11 - Cành cọ vàng 2004 và là phim tài liệu đạt doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh (222 triệu USD toàn cầu). Theo tác giả kịch bản kiêm đạo diễn M. Moore, Sicko được dựng với tính hiện thực thậm chí cao hơn hai bộ phim Fahrenheit 9/11 và Bowling for Columbine (Oscar 2003 phim tài liệu; Cesar 2003 phim nước ngoài hay nhất).

Bộ Tài chính Mỹ đang điều tra xem liệu Moore có vi phạm luật cấm vận Mỹ đối với Cuba hay không khi ông đến nước này mà chẳng hề có “phép tắc”. Sự “thù địch” căng thẳng đến mức nhóm sản xuất Sicko đã phải in bản master bên ngoài nước Mỹ phòng trường hợp nó bị tịch thu (!) và M. Moore thậm chí thuê Chris Lehane (tùy viên báo chí của cựu phó tổng thống Al Gore) để giúp “đối mặt với những thế lực mà tôi đang chống đỡ”. Còn Hãng Weinstein của Harvey Weinstein đang làm mọi cách để bảo vệ M. Moore cũng như có thể phát hành Sicko tại Mỹ (Weinstein thuê luật sư lừng danh David Boies để bảo vệ quyền tự do thông tin khi thực hiện Sicko).

Sicko là bức tranh tổng thể về chính sách bất cập trong hệ thống chăm sóc y tế Mỹ, trong đó có những người Mỹ bình dân như vợ chồng Donna và Larry Smith - ở độ tuổi 50 và đều có bảo hiểm y tế. Khi Donna bị ung thư và Larry bị bệnh tim, hóa đơn thuốc men và viện phí của họ cao đến mức họ phải bán nhà và tá túc trong tầng hầm nhà cô con gái.

Trong khi người dân kiệt quệ với hóa đơn bệnh viện và chi phí thuốc men thì các công ty bảo hiểm ngày càng giàu sụ. Để tạo độ tương phản cho bức tranh Sicko, Moore đã đến Canada, Pháp và Anh nhằm đối chiếu và so sánh. Tại Anh, bất cứ toa thuốc nào được kê theo qui định khuôn khổ chương trình y tế quốc gia cũng chỉ tốn chừng 12 USD. Tại Pháp, nhà nước không chỉ trả viện phí mà còn lo luôn việc thuê người nuôi bệnh tại nhà bệnh nhân. Và tại Canada, Moore gặp một người bị tiện đứt hai bàn tay bởi tai nạn đã được nối lại tất cả ngón tay hoàn toàn miễn phí; trong khi một người Mỹ bị đứt hai ngón tay đã được bệnh viện cho biết chi phí nối một ngón tốn 60.000 USD và ngón kia tốn 12.000 USD!

Phóng to

M. Moore thoạt đầu không định đến Cuba nhưng ông “nổi sùng” khi Chính phủ Mỹ khoe về chính sách y tế “tuyệt vời” dành cho nghi phạm Al-Qaeda bị giam tại Guantanamo. Thế là Moore quyết định đưa tám nhân viên tình nguyện cứu hộ từng có mặt tại hiện trường WTC và năm bệnh nhân khác sang Cuba “để xem liệu họ có được hưởng chế độ tốt tương tự mà Chính phủ Mỹ “ưu đãi” cho Al-Qaeda hay không”.

Tất cả bệnh nhân Mỹ đưa sang Cuba đều bị khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khi được “hưởng” chế độ chăm sóc y tế tại Mỹ. John Graham, thợ mộc, đã tình nguyện làm việc suốt 31 giờ tại đống đổ nát WTC và tiếp tục nhiều tháng sau.

Thế rồi ông có vấn đề về phổi. Ngưng làm việc vào năm 2004, Graham hiện sống với 400 USD/tuần tiền trợ cấp, phải chia tay vợ và không thể gánh nổi chi phí bảo hiểm y tế cho các con. Tại Cuba, Graham trải qua năm ngày liền cho loạt xét nghiệm và tất nhiên được điều trị đàng hoàng trước khi về Mỹ. M. Moore còn “phát hiện” bệnh nhân tại Cuba chỉ tốn 0,5 USD cho một toa thuốc tốn 120 USD tại Mỹ...

Trong lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson tường trình chuyến đi Cuba (alternet.org/environment/51794), M. Moore nhấn mạnh rằng Tổng thống Bush lẫn Đảng Cộng hòa từng nhận từ Tổ chức HMO (Health Maintenance Organisations - chính sách tư nhân hóa hệ thống dịch vụ bảo hiểm chăm sóc y tế - được khởi xướng từ thời Richard Nixon) hơn 13 triệu USD trong chiến dịch tái tranh cử 2004 và hơn 180 triệu USD trong hai mùa bầu cử gần nhất; rằng giới chủ HMO đã cảnh báo nhân viên của họ “về hậu quả khó lường nếu tham gia dự án phim Sicko; dù vậy vài người đã chấp nhận rủi ro khi đứng trước ống kính nói lên sự thật về công nghiệp chăm sóc y tế Mỹ”.

Liệu M. Moore có quá cường điệu trong khi ngân sách y tế tại Mỹ lên đến 6.102 USD/người/năm so với 2.571 USD/người/năm tại các nước thuộc Tổ chức Phát triển hợp tác kinh tế (OECD)? Song chính ông Bush cũng thừa nhận “nhiều người Mỹ không thể gánh nổi chính sách bảo hiểm y tế” (trích thông điệp liên bang 2007; whitehouse.gov/news/releases/2007/01/20070123-2.html).

Còn báo cáo của Commonwealth Fund (CF, tổ chức giám sát hoạt động y tế uy tín nhất ở Mỹ) công bố trung tuần tháng 5-2007 đã chứng minh cụ thể hơn (AFP 15-5-2007): dù ngân sách bình quân đầu người cho y tế tại Mỹ cao nhất thế giới nhưng Mỹ đứng gần như chót bảng so với các nước công nghiệp xét về hiệu quả cũng như tính bất hợp lý. CF cho biết có đến 61% bệnh nhân Mỹ gặp khó khăn khi cần đến dịch vụ y tế vào ban đêm hoặc cuối tuần; chi phí bệnh nhân nội trú tại Mỹ tốn gần gấp ba so với các nước OECD (2.337 USD/ngày so với 419 USD tại Nhật). CF còn cung cấp chi tiết rằng 45 triệu người Mỹ (15% dân số) hiện không có khả năng mua bảo hiểm y tế!

Và không chỉ có M. Moore lên tiếng: mới đây (dẫn từ Washington Post 20-5) tác giả Jonathan Cohn (biên tập tờ New Republic, một trong những tờ báo hàng đầu ở Mỹ về chính sách y tế) đã tung ra quyển Sick - the untold story of America's health care crisis - and the people who pay the price (Bệnh tật - câu chuyện chưa được kể về sự khủng hoảng chăm sóc y tế của Mỹ và những người phải trả giá) mà nội dung của nó chẳng khác gì Sicko!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận