NSƯT Bảo Quốc: "Phải học hoài!"

LINH ĐOAN 23/01/2011 13:01 GMT+7

TTCT - Là một trong những thế hệ nghệ sĩ hài đầu tiên nhận giải Cù nèo vàng của báo Tuổi Trẻ, sau hơn 30 năm hoạt động trong làng hài, NSƯT Bảo Quốc đến nay tiếp tục là gương mặt được khán giả yêu thích.

Chuẩn bị lễ trao giải Cù nèo vàng 2011, TTCT gặp NSƯT Bảo Quốc để nghe ông chia sẻ về tiếng cười hôm nay.

Phóng to
NSƯT Bảo Quốc và Gia Bảo trong vở Sui gia đại chiến - Ảnh: Gia Tiến

* Có thể nói trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã đoạt gần như tất cả các giải thưởng nghề nghiệp. Cù nèo vàng (đoạt giải năm 1996) có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

- Giải thưởng nào đối với tôi cũng có ý nghĩa. Riêng giải Cù nèo vàng có giá trị rất lớn đối với nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực hài. Tuổi Trẻ là tờ báo có uy tín nên việc nhận được giải này gần như đồng nghĩa với việc nghệ sĩ hài đó được khán giả tin tưởng, công chúng chấp nhận. Một lần nữa chứng minh cách diễn hài và đường hướng mình chọn là đúng đắn vì nếu diễn hài bậy bạ, dễ dãi làm sao được nhận Cù nèo vàng. Không chỉ riêng tôi mà các em cháu đi theo con đường hài hiện nay đều mong muốn được nhận giải thưởng này.

* Mỗi thời có phong cách diễn hài khác nhau. Theo ông, nét khác biệt cơ bản giữa phong cách diễn hài thời nay và trước đây ra sao?

- Ngày xưa diễn hài theo kiểu lời thoại đi đôi với hình thể. Ngày nay, cách diễn hình thể bớt đi nhiều, thay vào đó nghệ sĩ phải chú tâm khai thác lời thoại, tình huống kịch, nếu lạm dụng hình thể sẽ bị phô ngay!

* Hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực hài, ông là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi hoạt động không ngừng nghỉ và đến giờ vẫn là cái tên được cân nhắc hàng đầu. Đó là do ông giỏi thích nghi với mọi thời đại hay còn vì lý do nào khác?

- Cũng có thể do tôi chưa từng nghĩ mình đã đạt đến cái đỉnh của nghề nghiệp. Tôi cũng chưa bao giờ xem mình là thầy của các thế hệ sau. Tôi cho rằng mình chỉ hơn các em về kinh nghiệm, còn lúc nào đối với tôi, họ cũng là đồng nghiệp. Tôi luôn quan sát và nếu thấy ở họ có những điều hay tôi không ngại học hỏi. Tôi cũng chăm chỉ đọc sách báo, quan sát cuộc sống, đời sống diễn hài để cập nhật thông tin, kiến thức. Muốn giữ phong độ là phải học hoài!

* Có những lúc làng hài bị sa đà vào những tiếng cười nhạt, tục. Người nghệ sĩ cần làm gì để không thỏa hiệp với thị hiếu dễ dãi?

- Tôi cho rằng trào lưu tiếng cười dễ dãi có thể được xem là một thử thách với người nghệ sĩ. Thật ra, không phải thị hiếu dễ dãi mà do chính người nghệ sĩ tự dễ dãi với chính mình. Sau một ngày làm việc căng thẳng, khán giả có nhu cầu muốn được cười. Và khi người ta cười không phải tất cả tiếng cười đều là thỏa mãn, hài lòng. Do đó, điều mà nghệ sĩ hài cần có là thái độ bình tĩnh và bản lĩnh để lựa chọn được đúng kiểu chọc cười đắc địa và ý nghĩa. Minh chứng rõ nhất là hiện nay nhiều nhóm hài lạm dụng kiểu hài nói nhây, nói tục đã bị khán giả tẩy chay và lên tiếng trên các phương tiện truyền thông.

* Trong chương trình trao giải Cù nèo vàng năm nay, ông và cháu nội - diễn viên trẻ Gia Bảo - sẽ đứng chung sân khấu. Cảm giác của ông thế nào?

- Tôi vui lắm! Vui thứ nhất là cho bản thân. Từng tuổi này vẫn còn được làm nghề, vẫn được đứng trên sân khấu của giải thưởng lớn như Cù nèo vàng. Trong chương trình, dù tôi và Gia Bảo không diễn chung tiết mục nào nhưng việc cùng đứng trên sân khấu là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc được chứng kiến hậu duệ của mình trưởng thành. Việc xuất hiện của ông cháu tôi là điểm nhấn rõ nét nhất hình ảnh... ông truyền cháu nối, tiếng cười nối tiếp tiếng cười...

Giải Cù nèo vàng năm nay được trao cho nghệ sĩ Ái Như (vai nhà ngoại cảm trong Ngôi nhà thiếu đàn bà), đạo diễn Thành Hội (đạo diễn Mua bảo hiểm tình) và tác giả Vương Huyền Cơ (tác giả kịch bản Ông ngoại, bà nội).

Đêm trao giải diễn ra tối 21-1-2011 tại nhà hát Bến Thành, TP.HCM. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh ĐN2.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận