"Mọi thứ đã thay đổi, trừ bản chất con người"

HUNGTHUAT 03/12/2012 22:12 GMT+7

TTCT - Thời đại Internet khiến những chiêu thức tiếp thị kiểu lên sóng tràn ngập, ngăn chặn đối thủ cạnh tranh, tóm lấy nhận thức của khách hàng... không còn hiệu quả cao như trước nữa.

Theo tác giả Gary Vaynerchuk, chính thời đại công nghệ cao khiến ta phải vận hành hiệu quả một “Nền kinh tế cảm ơn” (*) nếu muốn thành công!

Phóng to

Có lẽ bạn sẽ trố mắt ngạc nhiên khi thử hình dung bức tranh mà quyển sách của Gary Vaynerchuk vẽ ra: một tiệm tạp hóa tỉnh lẻ. Một ông chủ thuộc hết tên tuổi, tính tình và thói quen của những khách hàng quen thuộc. Chỉ cần người khách bước vào, ông đã có thể biết khách tìm gì để giới thiệu ngay món hàng khách cần.

Và mua bán không dừng lại ở đó. Chủ nhân còn ân cần hỏi thăm sức khỏe khách hàng, công việc, lịch nghỉ hè..., không quên tranh thủ giới thiệu với khách những mặt hàng mới liên quan, lại còn ý nhị thêm chút quà tặng để khách "đem về cho cháu"... Thời đại buôn bán qua mạng mà vẫn có những kiểu cách "cổ lỗ" như thế sao? Xin thưa, đấy chính là câu trả lời của Gary Vaynerchuk. Và đấy không phải là kiểu làm ăn xưa cổ, mà chính là cách thức để thành công.

Những "ông chủ tỉnh lẻ"?

Phóng to
Ảnh: Wiki

Gary Vaynerchuk người gốc Belarus, định cư ở Mỹ năm 1978, đồng sáng lập VaynerMedia. Tháng 10-2009, quyển sách của ông Crush it! Why now is the time to cash in on your passion đã lọt vào danh sách bán chạy nhất của Amazon. Quyển The thank you economy xuất bản năm 2011 đã được xếp vào danh sách bestseller của The New York Times.

Là bởi cùng với sự lan truyền tốc độ cao của Internet, những đòi hỏi của khách hàng về tính xác thực, độc lập, sáng tạo, chân thành và thiện ý buộc các công ty, thương hiệu phải khôi phục dịch vụ khách hàng về lại cấp độ thời cha ông chúng ta.

"Nền kinh tế cảm ơn" đưa ra bằng chứng thuyết phục: chúng ta đang bước vào "một kỷ nguyên mà việc phát triển quan hệ khách hàng vững mạnh là vấn đề sống còn đối với sự thành công của một thương hiệu hay doanh nghiệp. Sáng kiến tiếp thị theo kiểu nhồi nhét cho người tiêu dùng đã không còn đủ mạnh, sáng kiến phải kích thích được tương tác cảm xúc thì mới có tác dụng".

Cốt lõi thành công của cách thức làm ăn mới, được Gary Vaynerchuk gọi là "nền kinh tế cảm ơn", vô cùng đơn giản: cho dù thế giới thay đổi ra sao thì bản chất con người không thay đổi. Khi có ai đó làm điều gì tốt đẹp cho bạn, bạn sẽ cảm thấy biết ơn, và nếu có dịp bạn sẽ đền đáp, thậm chí có khi chẳng đợi tới dịp mà bạn sẽ làm ngay điều gì đó để người ấy vui.

Dưới góc nhìn của tác giả thì "cách chúng ta nuôi dưỡng các mối quan hệ thường là yếu tố quyết định lớn nhất đến loại cuộc đời mà chúng ta sống. Kinh doanh cũng thế. Nếu các ông chủ tỉnh lẻ phải cố hết sức để lấy lòng từng khách hàng, thì các doanh nghiệp thời Internet cũng phải ra sức định hình lời truyền miệng về cách họ đối xử với khách hàng".

Kỳ vọng thay đổi, tương tác cũng phải thay đổi

Độc giả có thể tìm thấy trong quyển sách một loạt công ty lớn nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cải thiện thành công lợi nhuận của họ bằng cách tận dụng và mở rộng các mối quan hệ nhờ truyền thông xã hội thế nào. Trong quyển sách, Gary Vaynerchuk còn tiết lộ cách các công ty quy mô hóa kiểu quan tâm thân tình, từng cá nhân đó ra toàn bộ cơ sở khách hàng, dù lớn đến mức nào, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội ra sao.

Tác giả cho rằng một khi kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi một cách đáng kể và truyền thông xã hội ngày càng phát triển thì cách các công ty tương tác với khách hàng cũng phải thay đổi. Với kinh nghiệm tư vấn, ông nêu ra 11 lý do các công ty hay dùng để biện minh cho việc từ chối đầu tư vào truyền thông xã hội, phản biện các lập luận này để chứng minh việc dấn thân vào việc tương tác mang tính cá nhân hóa với khách hàng đem lại những phần thưởng mang tính dài hạn đáng kể, trong khi càng chờ lâu thì đối thủ cạnh tranh sẽ càng đi trước xa hơn.

Những thí dụ về các thương hiệu được xây dựng hoàn toàn thông qua mạng xã hội, hay so sánh lợi ích giữa việc đầu tư mua quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, tập trung vào một nhóm khách hàng mục tiêu với việc tung ra một chiến dịch truyền thông xã hội có tính chiến lược cũng được tác giả giới thiệu tỉ mỉ.

Công việc tiếp thị đang trở nên khắc nghiệt hơn, thị trường đang vụn vỡ, phạm vi chú ý đang teo tóp trong khi lượng thông tin mọi người đang cố gắng tiếp thu tiếp tục nhân lên. Quyển sách của Gary Vaynerchuk giúp các doanh nhân có cái nhìn thấu suốt hơn về môi trường xã hội họ đang làm việc và làm cách nào để đến từng gian nhà ảo nhằm chinh phục trái tim, khối óc khách hàng...

MINH NHIÊN

____________

(*) Nguyên tác: The thank you economy, Gary Vaynerchuk. Dịch giả Mạc Tú Anh, NXB Trẻ, 2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận