Vì sao họ là những "đám đông cô đơn"?

VĨ ANH 24/08/2013 23:08 GMT+7

TTCT - 1. David Riesman (1909-2002) viết Đám đông cô đơn (*) khi mới vừa bước chân vào lĩnh vực xã hội học với tư cách giáo sư. Ông nhận được sự hỗ trợ từ hai nhà xã hội học có nhiều kinh nghiệm hơn là Nathan Glazer và Revel Denney.

Phóng to

Glazer giúp ông khắc họa rõ hơn những mẫu tính cách của lịch sử, còn Denney có rất nhiều hiểu biết về văn hóa nghệ thuật đại chúng. Riêng bản thân Riesman, ông viết quyển sách này dựa trên rất nhiều kinh nghiệm cá nhân từ cách ông được nuôi dạy và trưởng thành.

Đám đông cô đơn vì vậy có cái nhìn bao quát về lịch sử và đời sống đương đại, vừa có tính khúc chiết cá nhân, giúp Riesman đưa ra một hướng tiếp cận thuyết phục về các mẫu tính cách con người nảy sinh từ những nền xã hội khác nhau.

2. Trong Đám đông cô đơn, tác giả đặc tả và giải thích ba kiểu tính cách xã hội. Tính cách ở đây được hiểu là sản phẩm của xã hội, đã được “điều kiện hóa về mặt xã hội và lịch sử,” vì vậy nó không mang tính cá nhân mà là mang tính “đám đông,” và ở từng thời kỳ sẽ có một “đám đông” phù hợp nhất định.

Riesman lý giải sự chuyển biến về mặt tính cách xã hội dựa trên những chuyển biến về dân số: Thời kỳ tăng dân số tiềm năng, có mẫu người “truyền thống định hướng”, thời kỳ tăng dân số chuyển tiếp có “nội tại định hướng,” và thời kỳ dân số chớm giảm có “ngoại tại định hướng.” Xã hội Mỹ, trong sự phân tích của Riesman, đang đi dần vào giai đoạn dân số chớm giảm, vì vậy xuyên suốt quyển sách Riesman chú trọng vào sự chuyển tiếp từ nội tại sang ngoại tại.

So với mẫu người truyền thống định hướng luôn tuân thủ theo luật lệ, những người nội tại định hướng đã có được sự tự do nhất định; tuy nhiên, các hành vi xã hội của họ đã được định hướng trong quỹ đạo của một “con quay hồi chuyển”. Vì vậy, kể cả khi không còn bị áp đặt bởi truyền thống, họ vẫn bị khu trú trong phạm vi những giá trị mà họ được nuôi dạy từ nhỏ và có thể trở nên khô cứng.

Trong khi đó, mẫu người ngoại tại định hướng lại hướng về sự đồng thuận của số đông; các hành vi xã hội của họ được sinh ra từ việc quan sát đám đông và điều chỉnh bản thân để hòa nhập với những người xung quanh. Họ không bị điều khiển bởi con quay hồi chuyển tự thân như kiểu nội tại, mà bị ảnh hưởng bởi những thế lực xã hội và bởi những người cũng bị ảnh hưởng hệt như họ.

Sự cạnh tranh của kiểu người nội tại và kiểu ngoại tại vì vậy cũng khác nhau: người nội tại đặt ra một mục tiêu thành đạt và nhắm vào nó, vì vậy họ coi trọng những tiêu chí như sự kiên nhẫn, bền bỉ, còn người ngoại tại thì cạnh tranh lấy sự yêu thích của mọi người, điều này khiến họ dễ bị tác động, dễ phải thay đổi theo trào lưu của thời đại.

3. Trên cơ sở này, Riesman bàn về cách tiếp cận chính trị của các mẫu tính cách và nói về tính độc lập trong xã hội, mà tập trung vào hai kiểu nội tại và ngoại tại. Riesman cho rằng đối với người ngoại tại định hướng, quan điểm về chính trị cũng được xem như một món hàng giúp họ có được sự ủng hộ từ đám đông.

Riesman cũng rất chú ý về cách làm việc, chơi đùa, sử dụng thời gian, và tiêu thụ sản phẩm của hai mẫu tính cách nội tại và ngoại tại, từ đó ông xác định là trong một xã hội mà phần lớn là những người “thích nghi” (đi theo xu hướng xã hội), bên cạnh anh ta cũng sẽ có những người “lệch lạc” (không thể thích nghi với xu hướng) và những người “độc lập” (có thể tuân thủ xu hướng nhưng tự anh ta sẽ quyết định xem mình có muốn tuân thủ hay không).

Kết thúc quyển sách, Riesman viết: “Tư tưởng con người sinh ra tự do và bình đẳng là vừa đúng và vừa sai: con người sinh ra đã khác nhau; họ đánh mất tự do xã hội và độc lập cá nhân của mình trong khi tìm cách trở thành giống nhau” (508), cho thấy rằng mặc dù con người tồn tại dưới dạng “đám đông” (luôn ở xung quanh những người giống mình), những lựa chọn của họ không hoàn toàn mang tính cá nhân độc lập mà là sản phẩm của thời thế, vì vậy luôn đi kèm với cảm giác cô đơn và đánh mất chính mình.

4. Quyển sách Riesman viết cách đây nửa thế kỷ, theo lời giới thiệu của nhà xã hội học Mỹ Todd Gitlin, là nhằm lý giải “sự thay đổi lớn lao trong tính cách người Mỹ: khi nước Mỹ chuyển dịch từ một xã hội do các mệnh lệnh sản xuất điều khiển sang xã hội do các mệnh lệnh tiêu dùng điều khiển...

Lớp trẻ Mỹ không còn để tâm mấy đến uy quyền của người lớn nhưng cực kỳ nhạy cảm với những nhóm ngang hàng và bị truyền thông đại chúng điều khiển”.

Rõ ràng những lý giải của Riesman vẫn thời sự tới tận ngày nay, và không chỉ trong phạm vi nước Mỹ.

Đám đông cô đơn là một cuộc giải phẫu xã hội hiện đại cho cả nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, “giúp những người kiểu ngoại tại định hướng khám phá rằng ý nghĩ của chính họ và cuộc đời của chính họ cũng hoàn toàn thú vị như của người khác, rằng thật ra họ không thể nguôi khuây nỗi cô đơn của chính mình giữa một đám đông ngang hàng...” (trang 507).

____________

(*): Nguyên tác: The lonely crowd, David Riesman, Nathal Glazer, Reuel Denney - bản tiếng Việt do Thiên Nga dịch, Nhã Nam và NXB Tri Thức ấn hành, 2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận