Tự do học thuật

NGỌC LỮ 10/10/2013 23:10 GMT+7

TTCT - Nếu ai từng đọc cuốn sách Tạo dựng tương lai của Frank H. T. Rhodes (nguyên chủ tịch Ủy ban Khoa học quốc gia, thành viên Hội đồng cố vấn chính sách giáo dục của tổng thống Mỹ) thì đều biết đến chiến lược phát triển giáo dục đại học Hoa Kỳ trong thế kỷ 21.

Trong đó Rhodes đã nêu lên một trong những yếu tố quyết định nhất cho sự thành công của giáo dục đại học chính là “duy trì quyền tự trị đại học, sự độc lập sinh động của tập thể giảng viên và quyền tự do học thuật mạnh mẽ...”.

Ý tưởng này thật sự không mới, mà là sự tiếp nối đầy trách nhiệm của nền giáo dục Mỹ đối với Ý niệm đại học (*) mà Karl Jaspers đã đưa ra vào giữa thế kỷ 20.

Tự do hàn lâm

Karl Jaspers (1883-1969) là một trong những triết gia quan trọng nhất của thế kỷ 20. Là nạn nhân của chủ nghĩa phát xít Đức, Jaspers đấu tranh cho nền dân chủ và kêu gọi tái lập nền giáo dục theo những giá trị, mà Ý niệm đại học là tác phẩm tiêu biểu.

Tác phẩm đã ra đời gần 70 năm nhưng những ý tưởng thâm thúy, sôi nổi của Jaspers vẫn còn sức hấp dẫn và thuyết phục của một cương lĩnh giáo dục nhân bản, đầy tính viễn kiến (như lời nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu). Jaspers đã đòi hỏi ngay từ đầu sự “độc lập”, sự “tự do” của đại học.

Đại học là một cộng đồng gồm các học giả và sinh viên dấn mình vào nghĩa vụ tìm kiếm chân lý. Nó là một cơ cấu điều hành những công việc riêng dù có nhận được tài trợ, quyền tài sản lâu đời hoặc sự giúp đỡ của nhà nước hay không... Bất luận thế nào, sự tồn tại độc lập của nó phản ánh ước vọng rõ ràng hay sự bao dung liên tục về phía người sáng lập.

Nó tìm thấy sự tự trị - thậm chí được cả sự tôn trọng của nhà nước - từ khái niệm bất hủ về tính chất vượt quốc gia, tính chất toàn cầu: tự do hàn lâm. Đây là những gì đại học yêu cầu và những gì được thừa nhận. Tự do hàn lâm là một đặc quyền đòi hỏi nghĩa vụ giảng dạy chân lý, bất chấp ai đó bên ngoài hay bên trong đại học muốn hạn chế nó.

Đặt vấn đề ngay từ đầu, như thể là một “chân lý” tiên quyết, và đeo đuổi chân lý đó thì Ý niệm đại học sẽ giải quyết hết mọi vấn đề liên quan đến giáo dục, khoa học. Và chính trong tác phẩm này, Jaspers đã trình bày, giải quyết rõ ràng từng vấn đề. Thứ nhất, bàn về đời sống trí thức. Nó là huyết mạch của trường đại học. Thứ hai, những mục tiêu của đại học. Đây là phần quan trọng nhất trong Ý niệm đại học.

Theo Jaspers, nhiệm vụ của đại học có thể khu biệt vào ba chức năng: nghiên cứu, truyền thụ học vấn và giáo dục đưa tới văn hóa. Và vấn đề cuối cùng là những đòi hỏi cần thiết cho sự tồn tại của đại học. Ông đã đưa ra hai “đòi hỏi” tiên quyết: nhân tố con người; nhà nước và xã hội. Trong đó ông đã không ngần ngại phân tích những hạn chế của các nhân tố đó.

“Ngăn ngừa những bại hoại”

Ý niệm đại học tiên quyết là độc lập, tự do. Nhưng không vì thế mà không có sự giám sát của nhà nước, xã hội. Ngược lại, Jaspers nêu rõ sự giám sát của nhà nước là cần thiết.

Mục đích của sự giám sát nhà nước chính là để ngăn ngừa những bại hoại mà một đại học hoàn toàn độc lập có thể gặp phải. Bởi “sự sợ hãi cạnh tranh bên ngoài và sự sợ hãi kiệt xuất có chiều hướng biến những cơ quan tự quản lý thành những bè phái độc quyền chú tâm vào việc bao che sự tầm thường của chính họ...

Hệ thống bình chọn riêng mình nó sẽ không tạo ra được những con người ngày càng tốt hơn nữa và thay vì thế sẽ bênh vực một mẫu số chung tồi tệ”.

Vì thế sự giám sát của chính phủ có một ý nghĩa quan trọng đối với đại học. Nhưng giám sát theo kiểu “lấy những quyền lợi chính trị can dự một cách trực tiếp vào đời sống đại học, (thì) khi ấy sự quản trị của nhà nước trở thành mối đe dọa với đại học”. Cho nên nhà nước chỉ làm chức năng một người giám sát khắp nơi về sự đoàn thể của đại học.

Và đại học chấp nhận một cách tin cẩn sự giám sát của nhà nước chừng nào điều này không xung đột với mục tiêu lý tưởng về chân lý. Bởi giám sát của nhà nước có thể có những lúc bảo vệ đại học chống lại những hành vi tổn hại tới lý tưởng đích thực của chính đại học.

Định hình một triết lý giáo dục phù hợp cho từng quốc gia không phải dễ. Nhưng có những giá trị tư tưởng mang tính khai minh thì không bao giờ được bỏ qua trong quá trình định hình triết lý này. Và Ý niệm đại học của Jaspers chắc hẳn phải được xem “như một giá trị cốt lõi”.

“Ý niệm về đại học có được sức mạnh giáo dục của nó từ lòng hiếu tri nguyên thủy của con người. Nó cho con người có học cả sự chắc chắn về mục đích cùng sự khiêm tốn lớn lao...”

KARL JASPERS

(*): Ý niệm đại học, Karl Jaspers, Hà Vũ Trọng - Mai Sơn dịch, NXB Hồng Đức, quý 2-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận