Clean Bandit - phù thủy âm nhạc hay những kẻ lười biếng

NICK D. 27/07/2014 02:07 GMT+7

TTCT - Album New Eyes của Clean Bandit, mới được phát hành đầu tháng 6, trở thành một bữa tiệc âm nhạc vừa quen thuộc vừa mới mẻ, đơn giản nhưng rất đặc sắc, vừa đủ sôi động cho những bữa tiệc mùa hè.

Ban nhạc chơi nhạc điện tử Clean Bandit - Ảnh: wordpress.com

Một đĩa đơn có cái tên vô nghĩa Rather Be vừa xuất hiện hồi tháng 1 ở Anh đã chiếm ngay vị trí đầu bảng xếp hạng và trụ bốn tuần liên tiếp, được đóng mác đĩa đơn bạch kim hai tháng sau đó, tổng cộng đã bán ra 977.000 bản, vượt cả Get Lucky của Daft Punk về kỷ lục số lượt nghe trên trang nghe nhạc online Spotify. Ngay lập tức, cái tên Clean Bandit, ban nhạc đứng đằng sau Rather Be, trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất.

Trò nghịch ngợm của Clean Bandit

Một sáng tạo không kém phần thú vị của Clean Bandit là việc sử dụng những giọng hát hoàn toàn lạ lẫm do chính họ tìm kiếm và mời hợp tác, khiến các ca khúc của họ nghe càng tươi mới. Thành công của Rather Be đã trở thành bệ phóng cho sự nghiệp của cô ca sĩ mới toanh Jess Glynne, người vừa mới đây phát hành single đầu tay trong sự nghiệp của mình. Và đĩa đơn tiếp theo Extraordinary được dự đoán sẽ lăngxê thành công giọng ca Sharna Bass, người được chính Clean Bandit gọi là “Rihanna của phía đông London”.

Clean Bandit là một ban nhạc chơi nhạc điện tử được thành lập từ năm 2009 trong lòng thành phố Đại học Cambridge của nước Anh, đó là nơi các thành viên gặp nhau khi đang là sinh viên của Trường Jesus thuộc Đại học Cambridge. Nhưng có lẽ không hoàn toàn công bằng khi gọi Clean Bandit là một ban nhạc điện tử vì có đến hai trong số bốn thành viên xuất thân là những nghệ sĩ đàn dây, và có rất nhiều tác phẩm của họ được sáng tác trên nền những bản giao hưởng cổ điển nổi tiếng.

Ý tưởng thành lập Clean Bandit bắt đầu từ việc Grace Chatto suốt ngày bắt bạn trai Jack Patterson nghe cô kéo đàn. Jack thu âm những bài tập đó của Grace và bắt đầu remix chúng với các nhạc cụ điện tử của anh. Rồi họ viết lời cho những bản nhạc này và những ca khúc đầu tiên ra đời.

Cái tên Clean Bandit của họ có nguồn gốc từ một khái niệm trong tiếng Nga do quá khứ từng sinh sống tại Nga của cả Chatto và Patterson, có nghĩa là “Tiểu quỷ nguyên chất”, ám chỉ âm nhạc của họ vốn chỉ là một trò nghịch ngợm.

Vậy trò nghịch ngợm đó như thế nào?

Âm nhạc của Clean Bandit thật ra chẳng có gì mới mẻ: nữ nghệ sĩ violon tài danh Vannesa Mae từng gây bão trên toàn thế giới khi kết hợp tiếng vĩ cầm réo rắt của cô với nhạc điện tử từ năm 1995. Nhưng Clean Bandit không phải không có sự sáng tạo riêng của họ: thứ âm nhạc điện tử của họ chủ yếu được tạo ra từ chiếc máy synth của thập niên 1980 để tạo ra một không khí âm nhạc đậm chất disco của thập niên này, rồi lại được thêm thắt những tiếng bass đặc trưng của thứ âm nhạc deep house rất thời thượng hiện nay.

Sự kết hợp kỳ lạ này cộng với tiếng vĩ cầm thoắt ẩn thoắt hiện rất khéo léo và tài tình khiến âm nhạc của Clean Bandit vừa phấn khích lại vẫn rất dịu dàng, mạch lạc nhưng cũng rất mơ hồ.

Chiều sâu từ sự đơn giản và sơ đẳng

Có những ca khúc được mở đầu bằng tiếng vĩ cầm réo rắt hay tiếng piano ngọt ngào sặc mùi cổ điển khiến bạn ngỡ mình đang nghe một album nhạc semi-classic lãng mạn nào đó, nhưng ngay lập tức bộ gõ sẽ xuất hiện và kéo bạn về thực tại, đẩy dần tâm trạng của bạn vào trạng thái phấn khích, để rồi tiếng vĩ cầm xuất hiện trở lại, cùng với âm bass dịu dàng và trầm ấm đưa bạn vào một trạng thái ngơi nghỉ và thư giãn hoàn toàn dễ chịu cho đến tận giây cuối cùng.

Lại có những ca khúc bắt đầu bằng những âm thanh điện tử đặc trưng của disco rất sôi nổi, kích thích bạn nhảy múa và vĩ cầm sẽ lại xuất hiện, mơn trớn và dịu dàng vuốt ve, rồi vút cao lên và kết thúc một ca khúc sôi nổi bằng cách rất riêng đóng mác Clean Bandit.

Và khi đặt những ca khúc này cạnh nhau thì album New Eyes của Clean Bandit, mới được phát hành đầu tháng 6, trở thành một bữa tiệc âm nhạc. Bạn chắc chắn sẽ nhún nhảy, nhưng cũng không cưỡng được việc nhắm mắt lại để thả hồn theo thứ nhạc du dương và không kém phần da diết kia.

Trước thành công bất ngờ và choáng ngợp của Clean Bandit, có nhiều nhà phê bình âm nhạc đã phê phán âm nhạc của họ thật ra là thứ âm nhạc lười biếng: cấu trúc âm nhạc đơn giản, kỹ thuật phối và công cụ âm nhạc khá sơ đẳng.

Clean Bandit đã không thèm giải thích thì chớ, lại còn như cố tình khẳng định sự đơn giản và sơ đẳng trong phong cách của họ bằng những video clip tự thực hiện: chúng đều sử dụng diễn viên nghiệp dư, được quay và gia công thô sơ như thể những video gia đình quay trong những kỳ nghỉ mát.

Thế nhưng ẩn chứa trong cả âm nhạc và những video của Clean Bandit là những ý tưởng và một chiều sâu chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc. Và đó có lẽ chính là điều kỳ diệu trong âm nhạc của họ: chúng lay động ta bằng sự gần gũi và chân thật mà ta không còn có thể tìm thấy trong những sản phẩm nhạc pop được sản xuất quá cầu kỳ và điêu luyện trong những năm gần đây.

Và mặc cho các nhà phê bình có nói gì, đến giờ hơn nửa năm sau khi Rather Be được phát hành, cả thế giới vẫn lẩm nhẩm hát theo câu hát “when I am with you, there’s no place I’d rather be... no no no no no no, no place I’d rather be”. Lời phán xét cuối cùng dành cho các nghệ sĩ đương nhiên thuộc về công chúng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận