Zakhar Prilepin: “Tôi hát về những gì tôi thấy”

PHAN XUÂN LOAN 13/08/2016 01:08 GMT+7

TTCT "Tôi nhìn cách mà thế giới phương Tây, một tỉ vàng (*), “những ngài da trắng” đối xử với Syria, với Afghanistan, Libya. Tôi nhìn cách họ đối với bất cứ một nền độc lập nào, cho dù đó là nước Nga hay bất cứ ai khác, và tôi có cảm tưởng thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa những thảm họa lớn. "

Nhà văn Zakhar Prilepin
Nhà văn Zakhar Prilepin

“Trong văn xuôi từng biến mất bóng dáng nhân dân"

Ô vuông trắng là một trong những truyện ngắn của ông được dịch và đăng trên tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần sau một thời gian dài vắng bóng văn học Nga hiện đại trên tuần san. Điểm qua một số truyện ngắn của ông, tôi thường thấy ông nhắc tới cái chết (dù tình cờ trong Ô vuông trắng - cũng là về cái chết). Cái chết trẻ thơ, cái chết người lớn... Vì sao?

- Ô vuông trắng nhìn chung là truyện ngắn đầu tiên của tôi, và những tác giả trẻ (thật sự khi đó tôi 30 tuổi) thường mải chơi trong sầu uất và những dự cảm tự tử khác.

Nhưng nói chung đó không phải là câu chuyện của tôi. Tôi cho rằng nếu độc giả Việt Nam biết đến những quyển sách của tôi, họ sẽ hiểu chủ yếu những truyện ngắn của tôi còn nói về hạnh phúc bất tận, về niềm vui sống.

Từ góc khác, nếu các đồng chí của tôi chết trong chiến tranh hay chết vì buồn thì làm sao tôi có thể không kể về họ? Nhưng ngay khi đó nó cũng không phải là nói về cái chết. Mà là về ký ức.

Ông có một loạt truyện ngắn về tuổi thiếu niên quậy phá. Vì sao ông có mối quan tâm đến lứa tuổi này? Vì ký ức của ông gắn với họ, hay ông có đặt ra mục tiêu giáo dục nào đó?

- Không mục tiêu giáo dục nào cả. Đơn giản là có một lúc nào đó toàn bộ văn học Nga được dành để nói về những giám đốc cỡ trung, các nhà tài phiệt và những bà vợ của họ.

Trong văn xuôi đã biến mất bóng dáng nhân dân đúng nghĩa. Khi mới bắt đầu viết, tôi chẳng biết một nhà tài phiệt nào, và bây giờ tôi cũng không quan tâm tới họ. Tôi lớn lên ở làng quê, trải qua thời niên thiếu trong một thành phố nửa băng đảng và giờ lần nữa trở lại miền quê.

Lẽ đương nhiên, tôi hát về những gì mình thấy. Còn thì tôi đã lớn lên giữa bọn thiếu niên quậy phá. Vui vẻ, khinh xuất và vô lo.

Ông có thể nói rõ hơn về việc “trở lại làng quê”. Tôi còn nhớ trong Bà, ong vò vẽ, dưa hấu, ông viết về làng quê mà “dường như ai đó đã rứt khỏi nó cái ruột tháng tám mật ngọt, và chỉ còn lại màu xám xịt với những con ruồi cuối cùng trên đó”...

- Đúng, hiện giờ tôi sống trong một ngôi làng nhỏ, giữa những cánh rừng hẻo lánh. Ở một làng quê chỉ có ba người dân, ngoại trừ tôi. Đơn giản là một vùng rất xa xôi, hoang vắng. Còn làng quê chị nói là một làng quê khác...

Trong truyện ngắn trên tôi viết về một làng quê đã phải trải qua “những cải cách tự do” - nơi dưới thời Xô viết mọi việc từng tốt đẹp, nở hoa và tỏa hương.

Vì sao trong các tác phẩm của ông, hình ảnh những ông bà nội ngoại thường được mô tả rõ nét hơn, gắn bó hơn với nhân vật chính so với cha mẹ nhân vật? Có nhà phê bình ví những ông bà nội ngoại trong các truyện ngắn của ông như một đất nước Liên Xô đã mất... Vì sao có sự đứt đoạn này?

- Không, tôi vẫn mô tả nhiều về người cha chứ. Chỉ là các bạn cảm thấy thế thôi. Thậm chí hình ảnh thường xuyên nhất của tôi là người cha quá cố. Còn các ông, bà - vâng, họ chính là đại diện của đất đai, dòng giống của những làng quê ấy, của những nề nếp sinh hoạt ấy, của cuộc sống mà hiện nay đã không còn nữa.

Ông tôi - Semyon Zakharovich Prilepin - sinh năm 1914, năm bắt đầu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từ trước cách mạng. Đã quá lâu rồi, ông đã từng chiến đấu, bị bắt giam trong các trại tập trung Đức - tôi nhớ ông rất rõ. Với tôi, ông là sự nối kết trực tiếp với lịch sử.

Về danh dự và phẩm giá

Những “người theo dõi” ông trên FB đều biết về những chuyến đi cứu trợ của ông tới Donbask, Lugansk ở đông Ukraine. Ông nghĩ sao, liệu có gì khác biệt giữa tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc hiện nay ở Nga không?

- Không có mối liên hệ nào cả. Chủ nghĩa yêu nước của đại bộ phận xã hội Nga đó là chủ nghĩa yêu nước của một gia đình lớn nhiều dân tộc - chủ nghĩa yêu nước của đất nước lớn nhất thế giới, có số đường ranh giới lớn nhất.

Ngược lại, sự căm thù Nga của những nhà dân chủ tự do, kỳ lạ thay, nó lại khá gần với chủ nghĩa dân tộc. Nhìn chung, tốc độ mà những nhà tự do và những phần tử thân phát xít tìm thấy sự thông cảm lẫn nhau đang làm tôi lo sợ.

Điều đó xảy ra ở Ukraine, ở một số nước châu Âu, ví dụ như Romania và Ba Lan. Ở Nga, may thay, tất cả chỉ mang tính nửa vời. Nhưng ngày mai thì mọi thứ có thể thay đổi.

Thay đổi theo hướng nào, theo ông?

- Ngày mai, chẳng hạn, nếu chính quyền Kremlin lung lay và đột nhiên người ta thấy những nhà hoạt động tự do như Navalnyi hay Khodorkovsky, giới trẻ với xu hướng ủng hộ phát xít, giới trí thức tự do và báo chí tự do Nga (rất đông và rất có ảnh hưởng) cùng với những khoản tài trợ từ phương Tây tìm thấy nhau.

Và thay cho nước Nga bảo thủ với nền kinh tế cánh tả - một nước Nga mà tôi mong muốn thấy - chúng tôi sẽ đi một bước lùi về thời Yeltsin và nhận lấy nỗi nhục quốc gia.

 “Tôi chưa bao giờ tới Việt Nam nhưng dự định sẽ tới đây trong thời gian gần. Trong tuyển tập văn xuôi quân đội mà tôi xuất bản ở Nga có các bản dịch truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam: dân tộc này biết chiến đấu tuyệt vời.(Ở Nga hiện nay vẫn còn bài hát về đề tài này!). 

Về Việt Nam thì ở Nga - cũng như trên toàn thế giới - người ta chỉ biết đến qua những bộ phim của Mỹ kiểu như Platoon hay The Deer Hunter. Sự khác biệt có lẽ là ở chỗ chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam khi xem những bộ phim này”.

Zakhar Prilepin

Lần trước, khi cho chúng tôi đăng truyện ngắn của mình, ông đã nói về sự ủng hộ nhân dân Việt Nam, về phẩm giá và danh dự. Cơ sở nào khiến ông cho rằng “phẩm giá, danh dự đang ngày càng ít đi trên thế giới này”?

- Tôi nhìn cách mà thế giới phương Tây, một tỉ vàng (*), “những ngài da trắng” đối xử với Syria, với Afghanistan, Libya. Tôi nhìn cách họ đối với bất cứ một nền độc lập nào, cho dù đó là nước Nga hay bất cứ ai khác, và tôi có cảm tưởng thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa những thảm họa lớn.

Ở châu Âu mới đây không phải ai cũng đồng ý với trật tự sự việc đang diễn ra tại đó, nhưng thế giới của “sự khoan dung và đúng đắn chính trị” đã được xây dựng theo kiểu bất kỳ một quan điểm nào thoát khỏi xu hướng quốc gia đều trở thành bất thường.

Con người sẽ mất đi vị thế, tên tuổi, và có lúc là cả tự do nếu công khai nói về việc lũng đoạn tài chính thế giới, về sự độc đoán của Hoa Kỳ, về những vấn đề về di trú, về lịch sử diệt chủng do “thế giới da trắng” thực hiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hay cuộc chiến tranh hiện nay ở Ukraine với những người dân nói tiếng Nga không muốn trở thành “người Ukraine”. “Danh dự” và “phẩm giá” gì ở đây. Đó chỉ là lừa mị, trò hề.

Những thảm họa lớn đó, theo ông, dự báo sẽ là gì? Việc nhập cư vào châu Âu hàng triệu người có phải đó là một tai họa không?

- Vâng, nạn nhập cư ồ ạt có thể là một trong số đó. Những hành động khủng bố cũng có thể gia tăng. Ở châu Âu có thể nổ ra chiến tranh thật sự. Đáp lại sẽ có những cuộc chiến tranh mới. Nền hòa bình rất chênh vênh.

Ông cùng lúc là nhà văn, nhà báo, dẫn chương trình truyền hình và thường xuyên tham gia những chuyến đi thiện nguyện tới đông Ukraine mà hiện giờ ông đang ở đó và thực hiện chuyên mục “Thư Donbass” cho Russia Today. Thời gian nào ông dành cho việc đọc mà có lần ông đã nói, “một dân tộc thôi không đọc nữa sẽ trở thành đám đông”?

- Tôi đọc vào bất cứ lúc nào: trên máy bay, trên xe lửa, tôi dậy sớm và đi ngủ trễ. Nếu người ta muốn làm gì đó, họ sẽ tìm được thời gian.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của TTCT.■

(*): Trong tiếng Nga, thuật ngữ "một tỉ vàng" (золотой миллиард) thường được sử dụng để ám chỉ sự mất cân bằng trong mức sống và tiêu dùng giữa nhân dân các nước phát triển với nhân dân các nước đang phát triển. Một tỉ này là tính dân số các nước giàu: Mỹ 310 triệu, Canada 34 triệu, Úc 22 triệu, các nước EU hơn 500 triệu (lúc đó chưa có Brexit), Nhật 127 triệu (tính đến đầu thiên niên kỷ thứ ba). 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận