Lưỡi tầm sét

LÊ QUANG TRẠNG 31/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Mấy ông nông dân ngồi uống trà, than thở: “Người ngoài Giáp Nước nói mùa mặn đã liếm tới chân cánh đồng Tứ Giác”. Tin không mới, sáng nào vợ ra đồng mà không thấy cua ốc chết nổi lên vì mặn. Lục bình di cư theo nước, nước đẩy đi đâu thì đi theo đó nên khi nước đột ngột trở mặn, lục bình đau lòng mà héo lá, chờ sống và chờ chết.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

Chồng ngồi đốt thuốc liên tục, khói thuốc trắng như mây, bay cuộn thành vòng rồi tan vào đêm đen khi vừa đi được một đoạn. Vợ không ngủ được, ngồi dậy nhìn con bò nhai rơm ngán ngẩm, mắt vợ nghe như xót: “Mặn về vầy chắc mình cầm cự không nổi nữa...”. Chồng dụi thuốc: “Trời không hại mình đến tận cùng đâu!”. Vén mùng bước vào, chồng nằm cuộn tròn, giấc ngủ nghe phập phồng theo từng cơn sóng thở.

Lúc đó có hạt mưa rơi, nhưng lâu lâu hạt nước mới nương gió rơi rào nhỏ rồi thôi. Hai vợ chồng nghe tiếng mưa, nhưng không ai ngồi dậy vì nghĩ chắc mình mơ. Mấy hôm rồi, tối nào chồng cũng mơ có mưa, mưa to đến mức mừng ra nước mắt. Bên cạnh, vợ cũng mơ, nhưng vợ mơ thấy gió lớn, trốt đi bay mất cái chòi, vợ giật mình quay sang ôm chồng khóc thét vì sợ. Trong khi chồng cũng khóc, nhưng khóc vì mừng mưa.

Đến lúc gió thổi lạnh thì mưa đến. Mưa bay mấy giọt nước lạnh vào chòi, chồng thấy như sương phun trên mặt. Lúc đó mới biết là mưa thật: cơn mưa đầu mùa trên cánh đồng Tứ Giác. Chồng ngồi bật dậy, mừng rơn. Chưa bao giờ chồng thấy mình mừng mưa như lúc này, cảm giác hơi giống tuổi thơ, thèm tắm mưa dữ dội. Chồng chạy ra mưa. Đất dưới chân nghe lộp độp, như đất cũng hớn hở mừng đón mưa. Vợ ngồi dậy, chỉ nhìn chồng, vợ không bước ra. Đôi mắt như có thể nói được nỗi niềm.

Chồng bước vô chòi khi toàn thân đã ướt mưa. Chồng lục đục hồi lâu, lôi ra cái thùng thiếc. Vợ hỏi đem thùng thiếc đi đâu? Chồng chỉ nói một câu, nghe như muốn khóc:

- Đi bắt cá rô, mưa đầu mùa cá rô trườn lên nhiều lắm, bắt một mớ kho tộ cho thằng nhỏ, nó thèm.

Cá rô đầu mùa mưa lóc lên bờ ruộng tìm chỗ sinh. Những con cá rô trú hạn mấy tháng ròng ốm nhom, thịt dai, đầy nhớt. Nhưng chồng nghĩ dù sao món cá rô kho tộ ngay lúc hạn mặn này chắc sẽ làm thằng nhỏ mừng. Ý nghĩ đó đẩy chồng đi về phía cánh đồng. Bước chân cảm nhận được đất cứng như đá, mưa đến đâu bốc hơi đến đó. Hơi đất bay lên muốn ngộp. Không lâu nước đã thấm đất, cá rô bắt đầu rạo rực di cư. Bắt cá bỏ vô thùng thiếc, dưới những lằn chớp, chồng nghĩ ông trời đang rọi đèn pin cho mình nhìn thấy cá đây mà. Cho đến khi có một tiếng sét thật to, vang trời. Một lằn sét đậm, nhiều gay. Và cái gay chính, lớn nhất đã bắt vào đất.

Vợ nghe tiếng đập lớn. Vang dội. Khi định thần chạy ra thì không thấy bóng dáng chồng đâu nữa. Mãi đến khi sét nhá nhẹ một lần nữa, ánh sáng như bóng đèn điện khổng lồ sáng cả một cánh đồng. Lúc đó, vợ thấy chồng!

Chồng bất lực ghê lắm, chớ không phải nhanh nhẹn như hồi mới cưới; chồng im hơi lặng tiếng lắm kìa, chớ không hớn hở như lúc nói: “Đi bắt cá rô kho tộ”. Nỗi hoang mang khiến vợ đứng chết trân với những ý nghĩ không đâu. Đến khi định thần lại, dẫu không tin vào mắt mình, nhưng trước mắt vợ là chồng. Chồng nằm sấp ở bờ đê, tay còn cầm thùng thiếc. Những con cá rớt ra đầy trên mặt ruộng mới được uống nước chưa kịp hả hê, giờ nằm im re không cục cựa. Chồng cũng lặng lờ, không thở, không cọ quậy đòi những con cá rô rớt đầy trước mặt mà chỉ cần với tay là dính ngay. Hơi thở của chồng đã bị cơn sét khát hơi uống mất.

Tiếng khóc của vợ nứt ra, từ nghẹn ngào cho đến gào thét, tiếng khóc loang như nước động, dần dần lan rộng khi cơn mưa dần dần bớt đi. Mấy chòi vịt gần đó biết chuyện chẳng lành nên túa đến đông. Người ta hỏi chồng ra mưa làm chi khi sét đầu mùa ai cũng biết. Lúc đó vợ không biết phải nói sao cho đúng nghĩa một câu trả lời...

Mọi người đưa chồng về chòi. Bộ đồ cháy đen cùng da thịt. Cái áo mới may để dành đi đám cưới thằng Út cuối mùa giáp hạt này chồng chưa lần mặc. Và lần này vợ mặc cho chồng để đi xa có áo mới che lại lớp da đen. Chiếc tắc ráng nổ máy xình xịch, chân vịt chém nước trắng xóa. Mưa lại đổ cơn lúc lớn lúc nhỏ như muốn át cả tiếng khóc đau của vợ, tiếng khóc tiếc thương của bà con chăn vịt trên đồng. Tắc ráng đưa chồng về nhà, đi hết một ngày mới đến. Bà con tụ lại cũng đông, người ta chia sớt nhau công việc giúp vợ một bữa đám buồn. Trời lại cứ đổ mưa, góp thêm những ngày thê thiết vắng tiếng người. Hôm sau chồng nhập thổ trên mảnh đất sau nhà.

Ban đầu mảnh đất chồng nằm là mảnh đất hoang, sau đó trên giấy tờ có tên chủ. Chủ thấy đất có cái mả chết sét cũng xấu nên kêu vợ lại bán rẻ cho, chỉ vài ba giạ lúa. Mót hết một mùa, vợ đổi lúa ra đất. Mả chồng chính thức nằm trong mảnh đất mà giấy tờ đề tên vợ.

Vợ không trở lại cánh đồng, mà bám lại quê nhà nuôi đứa nhỏ. Những luống rau được trồng, bầy vịt được thả nuôi, vừa đủ cho hai mẹ con lay lắt sống qua ngày. Có mẹ ở kề bên nhưng thằng nhỏ ngày một lớn, lại lù lù ít nói. Mắt nó lúc lim dim, lúc láo lia nhìn như người có vong hồn nhập. Đêm mưa to là nó khóc thét. Tiếng khóc nó như nức nở, sau đó là tiếng rên như tiếng người sắp chết vì bị một đòn đánh chí tử. Bà thầy lên cốt cô Năm nói “thằng nhỏ bị vong ám”. Lời đồn rằng cha chết oan khuất, vong hồn sẽ theo con. Đêm con mơ thấy cha bị xiềng, tủi thân mà khóc thét.

Ban đầu vợ không tin, nhưng sau đó không tin không được. Vì có đêm vợ mơ thấy chồng. Rõ ràng là chồng, vì mùi thịt da quen lắm. Chồng nói: “Thiên Lôi đánh nhầm anh, chứ không phải đánh trúng. Ông Thiên Lôi lỡ đánh nhầm nên bỏ lưỡi tầm sét lại. Anh chết oan, không đầu thai được. Nếu em tìm được lưỡi tầm sét thì hoặc anh sống lại, hoặc anh được đầu thai...”. Giấc mơ hơi kỳ lạ làm vợ hoang mang. Vợ hỏi bà thầy lên cốt cô Năm, bà thầy nói thấy vong chồng đi loanh quanh trong nhà, đầu còn gắn cái cồng to, không tháo ra được. Chỉ khi nào vợ tìm được lưỡi tầm sét để kiện Thiên Lôi thì mới may ra giải oan cho chồng.

Vợ quyết định gửi ruộng vườn lại cho hàng xóm, trở lại đồng Tứ Giác tìm lưỡi tầm sét để giải oan cho chồng. Kiện rằng do Thiên Lôi đánh lộn người, chớ số của chồng chưa tận.

***

Năm nào cũng vậy, cứ sau vụ lúa là bà nội tôi lại ra đồng dỡ đất. Bà đội nắng đội mưa ra dỡ từng cục đất cày coi cho thật kỹ. Hồi đầu lúc còn khỏe thì bà trực tiếp dỡ đất, sau làm không nổi nữa thì bà mướn người dỡ. Đất được dỡ tung lên sâu hơn lối cày. Dỡ mấy mươi năm nát cả cánh đồng, nhưng vẫn không kiếm đâu ra được lưỡi tầm sét.

Lúc còn tỉnh táo, bà nội ngồi ăn trầu kể: “Tụi con nhớ, lớn lên tìm lưỡi tầm sét cho ông nội. Cái lưỡi đó bằng sắt, màu nâu, y như lưỡi búa, cắm sâu trong đất nhà mình”. Không biết cha tôi có tin là lưỡi tầm sét sẽ giải oan cho ông nội hay không? Ông không nói bất cứ điều gì trái ý bà nội, ông vẫn miệt mài mỗi năm dỡ đất, ông cũng cặm cụi dỡ từng cục, coi từng mảnh một thật kỹ càng, như muốn tìm một thứ gì đó để giấc ngủ bà nội được yên, lòng bà được an tâm, nhẹ nhàng những năm tháng tuổi già bên con cháu. Mùa vừa xong, đất được dỡ lên vừa tìm lưỡi tầm sét vừa phơi đất. Mùa mới lại cận kề về đến khi cánh đồng được dỡ đất xong. Mùa lại nối đuôi mùa, lúa lại ra bông, mùa gặt về, mùa dỡ đất đến...

Những năm tháng tuổi thơ, dỡ đất với bọn tôi là mùa thú vị với những con dế lửa. Khi lớn hơn, dỡ đất là mùa cày, mùa làm đất sạch và tươi để bước vào mùa mới. Tuy háo hức mùa dỡ đất nhưng trong anh em tôi, không ai tin lưỡi tầm sét là có thật, cũng không ai tin rằng dưới lòng đất nhà mình có một vật gì đó có thể giải oan cho một vụ án Thiên Lôi đánh nhầm mấy mươi năm trước. Tuy vậy, mỗi mùa dỡ đất vẫn được diễn ra, bà nội đứng sau nhà nhìn đám cháu con dỡ đất mà lòng bà như thấy nỗi oan của ông được giải sắp gần kề. Nhưng mấy mươi năm, hết bà nội, đến cha, đến anh Hai tìm, tìm hoài vẫn không sao tìm ra được...

Đến khi người ta quy hoạch quốc lộ, theo lộ trình quốc lộ đi vắt ngang mảnh đất nhà, đi ngay chỗ mộ ông nội. Bà nội và cha bốc mộ ông đem về cánh đồng. Lúc đó bà nội vẫn còn nghĩ ông còn nguyên da thịt chờ bà đi tìm lưỡi tầm sét. Nhưng khi lấy cốt lên, da thịt ông tan. Tan hết, chỉ còn mớ xương ngón tay. Bà nội cầm mớ xương ngón tay nức nở, “nhớ hồi xưa bàn tay đẹp lắm!”, bàn tay dắt bà đi trốn mùa hạn mặn, bàn tay bảo bọc bà từng đợt gió bão ngang qua, bàn tay ấm áp cuối cùng hôm cơn mưa đầu mùa, hạn mặn...

Khi cải táng ông nội về cánh đồng, bà nội chọn chỗ đất gò cao để ông yên nghỉ. Rồi bà lại mòn mỏi cuộc truy tìm lưỡi tầm sét. Lời kể về lưỡi búa đánh nhầm của Thiên Lôi được nhắc đi nhắc lại như một huyền thoại. Bà nội ngày một yếu, cho đến lúc bà già, bà lẫn lộn. Nỗi ám ảnh lưỡi tầm sét khi xưa vẫn hay trở về mỗi khi bà mê sảng, bà la ó, bà gào thét trong đêm...

Một ngày trước lúc đi xa, bà nội vẫn còn nhắc lưỡi tầm sét. Bà ôm gối quay mặt vào vách ngủ và ra đi nhẹ nhàng trong đêm, mắt vẫn còn như thức, nghĩ suy về cuộc truy tìm dang dở.

Tôi đào huyệt cho nội. Những lớp len đầu ngọt xớt, đất mềm phù sa như ứ nỗi niềm chôn giấu trăm năm. Đến đáy huyệt thì bất chợt có người la lên: “Lưỡi tầm sét! Lưỡi tầm sét! Lưỡi tầm sét kìa!”. Dưới chân tôi là một cục sắt, hình như lưỡi búa y như lời nội kể. Lúc đó mọi người buồn vui lẫn lộn đem lưỡi tầm sét về nhà. Thật lạ, lúc liệm nội thì mắt bà đã nhắm lại tự khi nào.

Bữa chôn nội mưa to. Sét đánh ngang mấy lượt. Nhưng tiếng sét âm u, ẩn hiện không rõ ràng. Có lúc nhẹ nhàng như thút thít. Người ta nói vậy khi nghe tiếng sét trong buổi chiều đưa nội về với ông bà. Lưỡi tầm sét tôi cầm trên tay, gió cố giật như muốn cướp. Và khi cục đất cuối cùng đắp lên mộ nội thì lưỡi tầm sét rơi ra thành từng hạt cát, màu nâu, khi rơi xuống đất thì lẫn vào mớ phù sa cổ, không thể nào phân biệt được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận