Thế giới, là thế giới nào?

PHAN XUÂN LOAN 22/09/2016 16:09 GMT+7

TTCT - Chưa để thế giới thôi ngạc nhiên khi xúc phạm nguyên thủ một nước bằng lời khiếm nhã, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp tục thóa mạ - lần này là - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon là “thằng ngu”.

Minh họa
Minh họa

Tường thuật từ Reuters: Vẫn liên quan câu chuyện truy quét tội phạm ma túy trong nước ông, khi bị ông Ban Ki Moon chỉ trích vi phạm nhân quyền, ông Duterte nói: “Sabi ko, isa ka pang tarantado (you are another fool - ông là một thằng ngu nữa)”.

Chúng ta đang sống trong thế giới nào đây? Câu hỏi người ta không khỏi đặt cho mình, khi ngay cả trong lĩnh vực ngoại giao vốn được cho là lịch lãm thì giờ đây nguyên thủ đốp chát như chốn chợ trời và một quốc gia chọn trả đũa kẻ khác bằng những “phương pháp lễ tân”: cất đi một tấm thảm đỏ, mở một lối ra cửa sau chỉ để bỉ mặt nhau. Chẳng lẽ phải ngước mặt lên trời tự hỏi đâu rồi những quý ông (gentleman) của thế giới văn minh tiến bộ vượt bậc này?

Một nghiên cứu giúp ta suy ngẫm: Công ty giáo dục Hoa Kỳ The Princeton Review đã phân tích các bản ghi những cuộc tranh luận của một số ứng viên tổng thống: Gore - Bush năm 2000, Clinton - Bush - Perot năm 1992, Kennedy - Nixon năm 1960 và Lincoln - Douglas năm 1858.

Họ rà xét lại những bản ghi này bằng cách sử dụng một bản từ vựng tiêu chuẩn chỉ ra chuẩn mực giáo dục tối thiểu một người đọc cần để nắm bắt văn bản. Kết quả: trong các cuộc tranh luận năm 2000, ngôn ngữ mà George W. Bush sử dụng ngang “trình” với học sinh lớp 6 (6,7 điểm), còn Al Gore nói ở trình độ lớp 7 (7,6 điểm).

Trong cuộc tranh luận 1992, Bill Clinton được chấm ở mức lớp 7 (7,6 điểm) trong khi George H. W. Bush ở mức lớp 6 (6,8 điểm), ngang với H. Ross Perot (6,3). John F.Kennedy và Richard Nixon phát biểu ở “trình” học sinh lớp 10.

Riêng Abraham Lincoln và Stephen Douglas thì điểm tương đương là 11,2 và 12,00. Chris Hedges, nhà báo Hoa Kỳ từng đoạt Pulitzer, đọc nghiên cứu này xong kết luận: “Nói ngắn gọn, hùng biện chính trị ngày nay được thiết kế để dễ hiểu với một đứa trẻ lớp 10 hay một người lớn ở trình độ đọc lớp 6.

Nó đứng ở cấp độ này bởi hầu hết người Mỹ nói, suy nghĩ và giải trí ở cấp độ này. Đó là lý do vì sao các bộ phim, sân khấu và những thể nghiệm nghệ thuật nghiêm túc khác, cũng như báo chí và sách vở, bị đẩy ra bên lề của xã hội Mỹ. Voltaire từng là người nổi tiếng nhất thế kỷ 18. Ngày nay, “người” nổi tiếng nhất là chuột Mickey”.

Ừ thì đây là góc nhìn ở Hoa Kỳ. Nhưng nhìn rộng ra thế giới, nếu có một công ty giáo dục toàn cầu nào đó thử làm việc của The Princeton Review thì chẳng hiểu “trình” của thế giới chúng ta đang ở đâu?

Với ngôn ngữ của tổng thống Philippines và cách hành xử của nước lớn nào đó, chắc chắn người nổi tiếng nhất toàn cầu hiện nay cũng chẳng phải Voltaire rồi! Chris Hedges cho rằng sở dĩ người Mỹ “tụt hạng” như thế là vì “đang có hai nước Mỹ.

Một nước Mỹ, giờ chỉ là thiểu số, có thể hoạt động trong một thế giới biết chữ, dựa trên văn bản in. Nó có thể đương đầu với sự phức tạp và có những công cụ trí tuệ để tách bạch ảo tưởng và sự thật.

Và một nước Mỹ khác, bao gồm đa số, tồn tại trên một hệ thống niềm tin không dựa vào thực tế. Nước Mỹ đó, bị lệ thuộc vào những hình ảnh đã bị khéo léo thao túng làm thông tin, đã tự tách nó khỏi nền văn hóa dựa trên văn bản in, có học”.

Nếu đồng tình với nhà báo Chris Hedges và nhìn trên lăng kính của ông, thì đâu chỉ riêng nước Mỹ khổ về vấn đề “trình” này. Mới tuần qua thôi, một cuộc tranh luận liên quan đến “hình ảnh” và việc “tự tách mình khỏi nền văn hóa dựa trên chữ in” cũng đã nổ ra ở cấp độ thế giới.

Khi tấm ảnh đã đi vào lịch sử của nhà báo Nick Ut về cô bé Nguyễn Thị Kim Phúc chạy trốn khỏi bom napal được tác giả Na Uy Tom Egeland tải lên Facebook của ông cùng sáu tấm ảnh mà ông cho là “làm thay đổi thế giới”, Facebook kiểm duyệt bức ảnh.

Tom Egeland trả đũa bằng cách đăng chỉ trích của bà Kim Phúc. Kết quả: Facebook chặn, không cho tác giả này đăng những thông tin mới. Tổng biên tập tờ báo Na Uy Aftenposten Espel Egil Hansen đã gửi thư ngỏ cho ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, chỉ ra những sai lầm của Mark trong câu chuyện.

Theo đó, 1/ Mark đã tự tạo ra luật lệ không phân biệt được hình ảnh khiêu dâm trẻ em với những bức ảnh chiến tranh nổi tiếng. 2/ Áp dụng luật này mà không tạo một không gian cho tranh luận. 3/ Kiểm duyệt những chỉ trích và thảo luận chống lại quyết định này, trừng phạt ai dám nêu ý kiến tranh luận.

Để tỏ đồng tình với Tom Egeland, nhiều người Na Uy đã post lại tấm ảnh Kim Phúc trên Facebook của mình. Thủ tướng Na Uy cũng lên tiếng ủng hộ Tom Egeland.

Nhưng câu chuyện rồi sẽ chìm vào quên lãng. Khi người ta quá lệ thuộc đến độ bị thao túng, khi người ta quen được dọn đường để cứ việc làm theo, khỏi phải “suy nghĩ cho mệt” thì chả trách Mark Zuckerberg, ông chủ trang mạng xã hội với số người tham gia đã là 1,18 tỉ, trở nên quyền lực đến độ có thể chi phối góc nhìn của thế giới.

Đáng lo ngại hơn là những ông chủ mới, giàu có này của thế giới trở thành người “tạo ra luật lệ”, một loại chuẩn mực thay cho những giá trị cơ bản vốn có sẵn trong kho tàng tri thức nhân loại nhưng bị xao lãng bởi “khó tiếp cận”, như triết gia Hannah Arendt thừa nhận: “Văn hóa đang bị hủy diệt để nhường đường cho giải trí”.

Một thế giới như thế chả trách những nguyên thủ “giang hồ”. Và chả trách, những “người mới nổi” của thế giới khạc nhổ ầm ĩ trên đường phố một cố đô trầm mặc hay cho con tè ngay trong một di tích văn hóa lừng danh...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận