Triết gia Byung Chul Han: “Chúng ta đang tiến đến thảm họa”

LÊ QUANG (CHUYỂN NGỮ) 01/11/2016 22:11 GMT+7

TTCT - “...Ta giao lưu nhiều đến nỗi không có quãng lặng, không có quãng nghỉ nữa. Ta không chịu nổi mỗi lỗ hổng trong dòng lũ thông tin ấy, vì nghỉ ngơi không đóng vai trò gì nữa trong xã hội thông tin của chúng ta. Nghỉ là chết. Do đó chúng ta ba hoa xích tốc không nghỉ và quên mất cách phân biệt giữa cái quan trọng và không quan trọng” - triết gia Byung Chul Han trò chuyện với tạp chí SZ-Magazin.

Byung Chul Han
Byung Chul Han

SZ-Magazin: Thưa ông Byung Chul Han, bất luận hôm nào giở báo ra cũng thấy tất cả đòi sự minh bạch. Phe đối lập đã đành, nhưng có cả người Cơ Đốc, người lao động, người tiêu dùng, các chính khách. Tại sao vậy?

- Byung Chul Han: Ông nói đúng, đòi hỏi minh bạch đã dần dần mang tính toàn trị, khiến tôi thấy rất bức xúc.

Nhưng sự minh bạch là nền tảng của tự do thông tin, nó không thể thật sự mang tính tiêu cực?

- Đó là câu thanh minh chung chung, nhưng tôi cho rằng có một lý do sâu xa hơn cho đòi hỏi ngày càng mãnh liệt ấy. Để hiểu được lý do đó, ta phải bàn về nó trên bình diện triết học, chứ không hời hợt như ngồi trước ống kính truyền hình.

Khái niệm “Làm cho minh bạch” nghe như phải quyết liệt soi rọi xuyên suốt từng li từng tí như máy soi người của an ninh sân bay. Tôi quan tâm đến quy mô của quyền lực nằm trong bản chất của hiện tượng minh bạch.

Nhưng ông cũng tin là minh bạch sẽ hạn chế được lạm quyền, gia đình trị và tham nhũng?

- Tôi không phủ nhận nhưng theo thời gian, đòi hỏi minh bạch đã chĩa mũi dùi vào mọi hình thức của quyền lực. Và ta không được phép thu gọn khái niệm “quyền lực” vào khả năng lạm quyền. Quyền lực bản thân nó không có gì tiêu cực, thậm chí là cơ sở của hành động chính trị.

Ta đừng bao giờ quên: chính trị không thể tồn tại thiếu quyền lực. Và sự đòi hỏi minh bạch theo kiểu đập chết ăn thịt này đã mở mắt cho ta thấy không chỉ một nhóm chính đảng nào đó, mà chính bộ máy chính trị đang ở trong một cuộc khủng hoảng.

Khủng hoảng đó là gì?

- Người ta không đánh giá một chính khách theo hành động chính trị của người đó nữa. Hãy xem bộ trưởng Guttenberg hay Steinbrueck, một người loay hoay xử lý luận án tiến sĩ đạo văn, người kia bận giải trình các thu nhập phụ.

Tôi không tin là ngày xưa các cử tri quan tâm thủ tướng ngoại tình hay đòi thù lao quá cao cho một lần thuyết trình. Ngày ấy người ta tôn trọng thủ tướng.

Chẳng ai muốn biết ông ấy làm gì trong đời tư của mình. Hôm nay, một chính trị gia chỉ được coi là đáng tin khi bày tỏ cảm xúc cá nhân. Chúng ta đang sống trong bầu không khí khủng bố của đời tư và sự chọc ngoáy.

Vậy là một chính khách muốn làm gì thì làm, cốt là phải hành động chính trị thông minh?

- Tôi nói ra điều đó một cách trung tính, không có ý đánh giá. Tôi chỉ cả quyết cơn rồ đòi minh bạch không thúc đẩy, mà làm tổn hại nền dân chủ và chúng ta đã mất đi các giá trị như lòng tin và tôn trọng.

Quyền lực có phải là một giá trị?

- Quyền lực là một công cụ quan trọng trong chính trị. Hành động chính trị cần một quyền lực thông tin nhất định, một sự làm chủ về sản xuất và phát tán thông tin.

Chính trị cũng bao gồm cả động thái kìm lại các thông tin nhất định. Không thể có nền chính trị nào không có bí mật. Chính trị là hành động có tính chiến lược, là trò chơi tung hứng quyền lực. Nhưng đã chơi thì không thể lật bài ngửa.

...Bản chất của sự tín nhiệm là nó không cần phải chứng minh. Thật nực cười khi bắt một chính khách cho xem số dư tài khoản, vì sau đó sẽ tiếp diễn một logic chết người. Người ta chỉ hô hào đòi minh bạch khi lòng tin bị giảm sút.

Ta đang chứng kiến sự tàn lụi của xã hội tín nhiệm. Thay vào đó ta đòi minh bạch, kết quả là ta ngày càng rời xa xã hội tín nhiệm, vì minh bạch luôn đòi thêm minh bạch nữa và đòi phải giám sát.

Steinbrueck bị công kích dữ dội vì câu “Minh bạch chỉ có trong chế độ độc tài”?

- Ông ấy nói đúng. Chỉ có minh bạch tuyệt đối thông qua giám sát tuyệt đối và điều đó chỉ có trong chế độ độc tài. Một cấu thành của dân chủ là con người không thể biết tất cả.

Trong dân chủ có những không gian không được phép soi rọi. Nhà báo CHDC Đức Ulrich Schacht từng nói từ năm 1973: “Minh bạch là từ mới cho chủ nghĩa cào bằng”. Bây giờ chúng ta mới hiểu ý ông ấy. Không chỉ có trí tuệ tập thể thôi đâu, mà có cả sự ngu xuẩn tập thể và độc tài tập thể.

Ông phải giải thích rõ hơn.

- Khi một chính khách có đủ hào quang, ông ta sẽ thực thi được quan điểm, lập trường và ý chí của mình mà không vấp phải nhiều trở ngại.

Người dân tin lời ông ta vì họ kính phục ông ta. Đó là quyền lực. Hôm nay không còn chính khách nào như thế nữa. Hôm nay cử tri “ném đá” chính khách, làm tê liệt và cản trở hành động chính trị.

Một điều trớ trêu là chính xã hội minh bạch lại rất thiếu minh bạch vì rối rắm và ồn ào quá thể. Nhà nghiên cứu luật hiến pháp Carl Schmitt nói: “Người làm chủ tình thế là người ra thiết quân luật”, tức là tạo ra được sự im lặng tuyệt đối.

Người ta có thể hiểu là ông xiển dương chính thể toàn trị. Truyền thông một chiều ở Trung Quốc và Nga hoạt động rất tốt.

- Tôi lặp lại. Một chính khách có quyền lực và có tầm nhìn sẽ có thể quản lý xã hội một cách tối ưu.

Đó có thể là ai, Barack Obama?

- Tôi không biết, liệu ông ấy có quyền lực không.

Wael Ghonim, chuyên gia tiếp thị của Google, đề ra khẩu hiệu: “Để giải phóng một xã hội, chỉ cần cho xã hội ấy tiếp cận Internet”. Ông nghĩ sao?

- Ta thử nghĩ đến Trung Quốc hoặc Iran. Ở đó Internet là công cụ cực hữu hiệu để giám sát. Mạng lưới kỹ thuật số tạo ra một cái nhà gương kỹ thuật số.

Và nó hoạt động hoàn hảo vì cho đến nay ai cũng tự nguyện lột truồng mình ra. Lột truồng là bóc lột - và chúng ta tự nguyện chấp nhận cả hai việc đó, à không, chính chúng ta muốn thế. Chúng ta cảm thấy tự do trong sự bóc lột, điều đó làm cho xã hội giám sát hữu hiệu.

Ông lại nói kháy các mạng xã hội chứ gì? Ông có chơi Facebook không?

- Không. Tôi không hiểu vào đó làm gì, tôi thấy tẻ lắm. Peter Handke viết: “Tôi sống nhờ vào những gì người ta không biết về tôi”. Đúng quá. Đằng nào thì phần lớn thời gian tôi nói chuyện với chính tôi, vậy tôi cần gì Facebook.

Một tỉ người cho rằng cần Facebook. Tại sao?

- Câu hỏi là: Tại sao chúng ta giao lưu? Nhà lý thuyết giao lưu Vilém Flusser cho rằng chúng ta giao lưu để né cái chết, nhưng giao lưu kỹ thuật số không có khả năng kiến tạo ý nghĩa, mà chỉ đối thoại với một người đối diện mới sinh ra ý nghĩa.

Cầu nguyện cũng là đối thoại. Trên Facebook hay Twitter không thể đối thoại, để đối thoại người ta cần nhiều hơn là “like”. Nhưng ngày càng nhiều người bỏ nhà thờ, ngày càng nhiều người đến với Facebook.

Một giáo hội mới đã xuất hiện, nhưng nó không tạo ra ý nghĩa. Trên Facebook ta không thể né tránh cái chết. Và vì cảm nhận được điều đó nên con người giao lưu ngày càng nhiều hơn và ngày càng nhanh hơn.

Nhưng một cuộc trò chuyện, kể cả trên Facebook, có thể làm ta vui, suy ngẫm, được ai ủi...

- Lượng thông tin trên Facebook đúng là khổng lồ, nhưng số lượng không tạo ra cường độ. Ta tưởng càng gửi và nhận nhiều tin hơn thì ta càng xích lại gần một người khác hơn.

Không đúng sao?

- Không. Người ta có thể chạm tay vào người ở gần hoặc nghĩ đến một người ở xa, nhưng gửi cho người đó một tin nhắn thì có tạo ra sự gần gũi không? Đó là vấn đề.

Và phải chăng nên nhìn ngược lại: chính vì ta gửi nhiều tin như vậy mà ta đánh mất khả năng chạm tay vào một người ở gần và nghĩ đến một người ở xa. Tất nhiên có gì đó xuất hiện khi tôi trao đổi thông tin với ai đó một cách mạnh mẽ, nhưng tôi không muốn gọi đó là sự gần gũi, mà gọi là phi khoảng cách thì đúng hơn.

Có gì khác nhau?

- Sự gần gũi là một vật thể biện chứng. Trong gần gũi luôn mặc định có xa cách và nếu ta lấy đi sự xa cách khỏi sự gần gũi, nó sẽ tha hóa thành phi khoảng cách.

Trong một bài thơ tình của Paul Celan có câu: “Em gần anh đến nỗi dường như em không cạnh anh”. Nghe có vẻ phi lý nhưng đúng lắm. Hai người chỉ có thể gần nhau khi họ cách nhau. Và sự kết mạng kỹ thuật số triệt tiêu biện chứng đó, nó ép tất cả vào Ở ĐÂY và BÂY GIỜ, kết quả là sự gần gũi biến mất.

 
 

 Ông có tin sự kết mạng kỹ thuật số về lâu dài sẽ có tác động tiêu cực đến thần kinh con người?

- Hôm nay chưa thể nói được. Nhưng có điểm nổi bật là ta giao lưu nhiều đến nỗi không có quãng lặng, không có quãng nghỉ nữa. Ta không chịu nổi mỗi lỗ hổng trong dòng lũ thông tin ấy, vì nghỉ ngơi không đóng vai trò gì nữa trong xã hội thông tin của chúng ta. Nghỉ là chết.

Do đó chúng ta ba hoa xích tốc không nghỉ và quên mất cách phân biệt giữa cái quan trọng và không quan trọng, trong khi sự gạt bỏ hay quên lãng có tính xây dựng rất cao, chưa kể trực giác của chúng ta bị mất đi trước lượng thông tin khổng lồ. Để tư duy, con người cần sự yên tĩnh và trống trải.

Làm gì còn nữa?

- Đúng thế, hiện tại chúng ta chứng kiến một gia tốc kinh khủng của vòng quay các chỉ dấu, thông tin và đồng vốn. Để đạt được gia tốc đó phải gọt nhẵn mọi bí mật, không gian lui về nghỉ ngơi, những điểm độc đáo, góc cạnh.

Chỉ trong xã hội minh bạch thì dòng hàng hóa và thông tin mới không vấp phải trở lực nữa. Trong xã hội minh bạch thì mọi thứ đều lộn từ trong ra ngoài, bị bóc vỏ, bị lột truồng và bị bày ra. Chúng ta tự trưng bày mình để được chú ý.

Và hậu quả là?

- Chúng ta ủng hộ chủ nghĩa tư bản cao tốc và xã hội thành tích kiểu tự do mới mà trong đó chúng ta thành món hàng. Giá trị duy nhất còn tồn tại là giá trị bày hàng. Đó là sự rút gọn thê thảm của cuộc đời và sự tồn tại.

Nhưng chúng ta liên tục post thông tin để chứng tỏ sự độc nhất vô nhị của chúng ta.

- Nhầm đó. Facebook là chốn cào bằng, là nơi ai cũng giống nhau bởi họ muốn khác biệt. Ai cũng bị biến thành dạng hàng hóa để hợp với hệ thống. Trên Facebook, không ai có thể khác biệt được nữa. Và trung tâm của sự giống nhau là nút “like”. Vì sao không có nút “dislike”? Chúng ta sống trong địa ngục của sự giống nhau.

Ông nhìn thấy ranh giới sự phát triển này ở đâu?

- Tôi cho rằng chúng ta đang tiến đến một thảm họa.

Nhưng mốt thời đại là chống tư bản và ý thức hệ sinh thái. Chẳng lẽ ta không thể phá tung cái logic về minh bạch và phát triển để cải tạo hệ thống này trước khi quá muộn?

- Hãy nghĩ ngược lại theo lịch sử, ngược bao lâu cũng được, sẽ thấy rằng con người chỉ học qua thảm họa chứ không bao giờ qua nhận thức. Hòa bình ở châu Âu hôm nay sẽ không có nếu thiếu Thế chiến II.

Arthur Schnitzler từng nói: “Con người hành xử như giống trực khuẩn, con người phát triển và đồng thời hủy hoại không gian sống, rốt cuộc sẽ tàn lụi”. Tôi tâm đắc so sánh ấy. Vì ta liên tục phát triển, ta sẽ tàn lụi bởi sự phát triển đó.

Tờ Tấm Gương từng gọi ông là “triết gia của tâm trạng tiêu cực”, giờ thì tôi biết vì sao.

- Tôi thà là triết gia của tâm trạng tiêu cực hơn hoan hỉ. Thú thật là tôi chẳng có tâm trạng gì. Tư duy luôn là một dạng phản kháng, theo tôi, để né cái chết và phụng sự cuộc sống. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận