Biết kể làm sao ?

BORIS P. EKIMOV (NGA) 22/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT - Boris Petrovich Ekimov (1938) là nhà văn, nhà chính luận, từng được nhiều giải thưởng văn học Nga từ năm 1976, giải thưởng Solzhenitsyn năm 2008. Tháng 5 vừa qua, ông được trao “Giải thưởng văn học của giáo trưởng”. Được phép của Nhà xuất bản Nikea (sở hữu bản quyền tác phẩm của B. P. Ekimov), TTCT giới thiệu truyện ngắn Biết kể làm sao? trong tuyển tập Trở về của ông.

Minh họa: Kiều Hải
Minh họa: Kiều Hải


Cứ vào xuân, đã năm năm liên tục, Grigori nghỉ phép đi câu cá mùa xuân trên sông Đông.

Anh làm thợ hàn - lắp ráp tại nhà máy, có vợ và hai con, gái và trai. Lãnh đạo nhà máy và người nhà thấy thú vui của anh thì cười nhạo, nhưng độ lượng. Đúng cách đối xử nhân đạo với kiểu chơi kỳ lạ nhưng chẳng làm phiền ai của người đàn ông bốn mươi tuổi, một nhân viên gương mẫu, một ông chủ gia đình tử tế.

Anh lấy phép mười ngày và luôn xoay xở về đúng lúc, chẳng bao giờ trễ. Tới hẹn anh trở lại, mang theo một ít cá khô, năm chục cá chép và vịt Scoter muối; thậm chí còn ma mãnh mang được cá vược tươi về, xẻ và muối, bởi trời đã ấm. Nhưng anh vẫn mang về được.

Người nhà ăn và khen món canh cá chép và cá măng luộc. Hàng xóm cạnh nhà nhìn ganh tị khi Grigori đến hẹn lại treo, phơi ngoài bancông không phải cá bống Moskva, mà là cá chép và cá gáy - loài cá tốt lành của sông Đông mà nếu hong khô đúng sẽ ăn trọn nắng.

Còn Grigori sau tuần này khỏe hẳn ra, mặt và tay rám nắng, nhìn tươi trẻ. Vợ anh hân hoan vì sức khỏe là thứ mà chồng chị không thể tự hào. Anh sinh ra trong chiến tranh, mồ côi cha mẹ, lớn lên trong trại mồ côi rồi trường nghề vào những năm đói kém - nên giờ hiển nhiên mọi thứ đều dội lại.

Năm nay, như những năm trước, từ cuối tháng hai Grigori đã chăm chú xem tivi, nghe dự báo thời tiết của chương trình “Vremya”. Thậm chí anh còn ghi nhiệt độ ra giấy. Còn trên tờ “Tin Tức” anh theo dõi trang cuối, nơi luôn thông báo tỉ mỉ về thời tiết. Anh cần biết khi nào sông Đông lộ ra, băng trôi và trời ấm áp hơn.

Nhưng năm nay mùa xuân đến muộn. Tháng ba tới, rồi tháng tư kéo dài, trời vẫn lạnh. Grigori bồn chồn, mệt mỏi. Mọi thứ đang nằm chờ: đồ lề câu cá, túi nhựa đựng cá, một ít thức nhắm cho mấy người quen, nơi Grigori luôn ghé lại. Mọi thứ đã sẵn sàng.

Cuối cùng thì giờ đã điểm. Ở miền nam mùa xuân đã đến. Grigori mua vé, viết đơn xin nghỉ 10 ngày phép của mình rồi lên đường.

Con tàu rời Moskva vào chiều tối, từ nhà ga Kazan. Họ đi qua những sân ga quen thuộc của ngoại ô Moskva. Đến sáng thì ngoài cửa sổ đã là vùng đất khác, mùa xuân. Gió xuân thổi trên những luống đất cày đen. Lũ quạ gào thét ở các vườn hoa sân ga. Những chiếc xe kéo màu cam với máy gieo màu đỏ bò trên các cánh đồng. Grigori bắt đầu hồi hộp. Anh buồn cười nhưng không biết làm gì với mình. Anh hút thuốc thường hơn. Nghĩ mãi sẽ đến nơi như thế nào, đi trên đường thế nào, mở cổng ra sao. Anh nghĩ về cuộc gặp và bất giác cười: anh thấy dễ chịu.

Như bất cứ người nào từ bé không biết gì về người thân của mình, Grigori luôn tiếc nuối điều đó. Anh luôn ganh tị với những ai có bà con ở thành phố khác... Anh hằng mong được đến thăm bà con. Nhưng anh chẳng có họ hàng gì. Hay có thể từng có, nhưng đã mất trong chiến tranh.

Anh vào trại mồ côi khi còn quá bé nên chẳng nhớ được gì...

Còn bây giờ, trên toa tàu, khi xe lửa tiến gần tới Volgograd, Grigori bắt đầu bồn chồn. Anh sợ muộn. Rồi sau đó, ở nhà ga, anh lo âu: anh muốn đi nhanh hơn chứ không chờ ở đây.

Vé cho chuyến xe buýt gần nhất đã hết, anh xin bác tài cho anh đứng cũng được. Đã vượt qua hàng trăm dặm, anh không thể đợi ở bước cuối cùng, chỉ 50-60 cây số gì đó.

Tới Novo Rogachik, đâu đó giữa đường, nhiều người xuống xe, khi đó anh ngồi xuống ghế và nhìn qua cửa sổ. Ngoài cửa sổ là mùa xuân thật sự. Đã thấp thoáng xanh trên những cánh đồng. Hai bên đường cũng bắt đầu xanh.

Trong những ngôi làng dọc đường, người ta bắt đầu đào đất, trồng gì đó, có lẽ là khoai tây. Rồi Grigori trấn tĩnh, hiểu rằng năm nay anh đến đúng lúc, không bị trễ...

Từ bến xe buýt là con đường thẳng, qua ba khu phố. Grigori rảo nhanh, mở cổng rào trên. Anh đặt vali lên thềm nhà rồi hút thuốc.

Cánh cửa chỉ gài chốt, có nghĩa chủ nhà đâu đó trong sân. Grigori ngồi trên hiên nhà, hút thuốc và đợi. Có một sự lúng túng nào đó kéo đến, một nỗi rụt rè. Nói gì thì nói, anh đã vào một ngôi nhà lạ.

- Đến rồi, Grisha! Lại đến rồi!... - cuối cùng thì từ trong nhà kho một giọng cất lên - Đến rồi...

Grisha đứng dậy, cười, nhìn một bà cụ trong chiếc khăn choàng ấm và áo bông chần đang bươn đến chỗ anh.

- Vâng, cháu tới rồi đây, dì Varya... Dì tiếp cháu chứ?

- Vị khách như thế sao mà không tiếp, cháu yêu quý... - giọng người phụ nữ run run và bà bắt đầu khóc.

- Được rồi, dì Varya, có gì mà khóc... - Grigori dỗ dành bà.

Họ lại gặp nhau lần nữa, mùa xuân thứ năm hay sáu gì rồi, nhưng vẫn chưa thể thích nghi được chính vào lúc này, ở bước đầu tiên, những phút đầu của cuộc gặp gỡ. Có chút gì đó do dự, bối rối. Ôm nhau thì không tiện, bởi với nhau họ hoàn toàn xa lạ. Mà nếu chỉ đơn giản bắt tay - cũng vụng về, vì như thế là quá lạnh lùng.

Vậy nên họ chỉ chào hỏi, nhìn nhau, nói với nhau những lời gì đó và như thế kết thúc cuộc đón tiếp. Lần này cũng vậy. Họ đứng một lúc, dì Varya bật khóc, Grigori hút thuốc.

- Đi, Grisha, đi vào nhà - bà chủ nói - Dì đang chờ cháu. Dì vừa nấu xúp bắp cải ngon lắm, với thịt heo. Nhà hàng xóm mới mổ một con heo rừng, dì lấy một ít thịt. Dì nấu bao nhiêu là xúp, một mình ăn cả tuần không hết. Vậy là, Chúa đã mách bảo...

Trong bữa ăn dì Varya hỏi về vợ Grisha và bọn trẻ, còn Grigori hỏi thăm tin tức trong vùng và về sức khỏe.

Sức khỏe của dì Varya không thể tốt hơn, dì đã tám mươi ngoài. Còn tất cả tin tức địa phương được loan báo ngay khi Grigori bước ra vườn.

- Đứa con tốt lành của tôi về rồi đây! - dì Manya hàng xóm làm ầm lên, hỉ mũi và khóc - Nhìn xem, nhìn xem, ai về kia! - dì nói to cho ông chồng điếc của mình nghe - Ông nhìn kìa! Thật là điếc đặc, nói cho ông nghe được thì rách hết cả cổ - Còn chúng ta ở đây ấy à - dì than thở với Grigori - Bị mùa đông hành hạ.

Tất cả đều đổ bệnh, nghĩ chắc chết hết cả đám... Con tốt bụng ơi... tốt làm sao... - rồi dì lại khóc. Con thương hại chúng ta, lũ già ngu ngốc. Mà con cần hạnh phúc này để làm gì? - rồi dì quay sang dì Varya - Người như thế, được Chúa trời gửi tới cho bà đấy, như vàng...

Nhìn xem, cậu ấy từ đâu, từ miền nào tới tận đây... Người thân chúng ta ngay cạnh mà còn không tới, ta còn không kêu tới họ được... Tôi đã rang hạt hướng dương xong rồi, này, cắn đi - dì đãi một nhúm tay hào phóng.

Dì Manya cũng đã già, thích nói, khóc, than thở, la rầy ông chồng, dạy dỗ hàng xóm khôn ngoan lẽ đời - nói chung dì sống không buồn và cũng không cho người khác buồn.

Từ phía nhà láng giềng khác, sau hàng rào, bác Sasha đứng nhìn. Cả mùa đông bác không cắt tóc, bạc trắng. Những chỏm tóc thưa thớt trắng của bác bị gió thổi dựng lên. Điếu thuốc vấn thò ra từ miệng. Ông già mỉm cười, để lộ cái răng đen duy nhất với sự tự hào đùa cợt của mình: “Ai sao cũng được, còn tôi vẫn có cái để ăn đấy”.

- Cháu tới rồi à? Cừ lắm! - bác Sasha nói khi Grigori đến chỗ ông và chào hỏi - Có mang lưỡi câu theo không? Giỏi lắm... Ở đây cả mùa đông ta kéo được toàn cá măng. Đấy thế này... - bác không nói dối, bác từng là ngư dân. Gương mặt của bác, đen nhẻm vì gió đông, đã nói lên điều đó - Hiện giờ cá đang đi đấy. Giun có rồi, bác đã gom được một mớ giun. Nên chuẩn bị đi... Hôm nay chúng ta sẽ đi.

- Đi chứ, tôi sẽ đi cho ông coi - bà vợ hãm bớt tốc độ của bác, một bà già thấp béo, đi lại khó khăn vì cụt chân, nhưng lúc cần thì bà từ bếp ngóng ra - Đào và gieo khoai tây đi. Còn cà chua những người đàng hoàng cũng đã trồng hết rồi. Tôi bẻ hết cần câu của ông bây giờ. Xin chào, chúc mừng cậu vừa đến - bà chào hỏi Grigori. Bà luôn gọi Grigori là cậu - Cậu tới giúp à? - có gì đó không thân thiện trong giọng nói của bà.

Dường như bà ta muốn ám chỉ gì đó. Mà vâng, Chúa phù hộ bà ấy. Bởi thực sự Grigori tới đây là để giúp. Năm ngoái anh đã đến, năm trước nữa và liên tục những năm qua.

Sáu năm trước, vào một ngày xuân như thế này, lần đầu tiên Grigori đến nhà dì Varya. Mùa xuân đó, bốn người họ đi công tác ở một nhà máy sửa chữa tàu nhỏ tại vùng này, lắp ráp cần cẩu. Mọi việc sắp xong, đến lúc chuẩn bị ra về, họ đi tìm cá hồi muối. Người ta chỉ họ lại nhà bác Sasha. Họ đến chỗ ông và bắt gặp ông trong vườn. Họ trò chuyện ở đó.

Ở bên cạnh, phía sau hàng rào gỗ, một cụ bà xắn đất. Bà đội khăn choàng ấm, mặc áo bông xám... Mỗi nhát xẻng bà đưa mới nặng nề làm sao! Bà xắn xuống vài lần, rồi thẳng người dậy. Bà đứng, ngực tựa vào cán, nặng nề thở, với tiếng nấc, thở xong bà lại xắn. Rồi một lần nữa lại đứng, há miệng tham lam đớp không khí. Thật chẳng hay khi nhìn bà như thế.

Nói chuyện với bác Sasha xong, ông tiễn bọn họ ra sân. Họ hút thuốc trên đường, phía sau cánh cổng. Còn Grigori cứ nhìn bà cụ. Bây giờ bà đã ở xa, tận trong vườn. Họ không còn nghe được tiếng thở nặng nề của bà. Nhưng bà đứng yếu ớt làm sao, tựa vào cán xẻng! Và nhìn đi đâu đó.

- Bà ấy sống một mình à? - Grigori hỏi bác Sasha.

Bác không hiểu câu hỏi ngay. Khi hiểu ra, bác thở dài:

- Một mình. Chồng mất rồi. Có con gái... Ở đâu đó...

- Bà ấy xắn đất làm gì mà dốc sức thế?

- Còn làm gì nữa... Trồng khoai tây.

- Nghe này - Grigori nói với người bạn - Hãy giúp bà cụ. Trồng cái mớ khoai chết tiệt đang làm bà ta khổ sở đó - anh nhăn mặt thông cảm.

- Được - người bạn đồng ý dễ dàng - Đi giúp bà ta đi.

Họ mở cửa rào và cùng bác Sasha bước vào vườn.

- Đây, tôi dẫn người tới giúp bà đây - bác Sasha nói với bà cụ láng giềng - Nhìn này, nhân lực thế nào đây.

Bà già không vui mừng, mà sợ hãi:

- Không, không - bà lắc đầu - Tôi chẳng có gì trả cho họ, chẳng có gì... Tôi không có tiền, các cậu ạ.

- Bọn cháu chẳng cần tiền đâu. Chúng cháu chỉ giúp thôi...

- Tôi không nấu rượu, các cậu à. Không...

Họ đẩy bà ra.

Và tìm thấy cái xẻng thứ hai. Mọi việc nhanh chóng vào guồng.

- Đấy, đấy, đấy là kiểu chủ công... Tiến lên, tiến lên! - từ bên vườn của mình, bác Sasha động viên - Chuyển sang tốc độ thứ tư, tiên phong.

Thời tiết rất đẹp, nắng rực. Họ say sưa, làm việc cật lực. Và đếm, trong hai giờ họ đã đào và trồng được tới năm thùng khoai tây.

Dì Varya lúc đầu không dám tin, nhưng sau thì dì rối rít cảm ơn. Và dĩ nhiên, dì dọn bàn. Nhưng dì có thể đãi gì chứ? Nhà bà góa, già nua. Và cái nghèo, tuy gọn gàng nhưng nghèo khó thấy rõ từ các góc.

Khoai tây luộc và dưa chuột muối, trứng và mỡ muối. Và dĩ nhiên dì đem ra một chai. Chai Vodka.

- Tôi để dành phòng khi tối lửa tắt đèn - dì giải thích - Có thể đèn không cháy. Đấy, tôi sẽ dùng để lau các ống. Hay cái máy đun nước, lạy trời, bị hỏng. Gọi ai đó mà không có chai này họ sẽ không tới. Các cậu tự mở đi, dì mang ra mấy cái ly.

Grigori và người bạn nhìn nhau.

Trời ạ, chẳng lẽ có thể uống thứ rượu già nua đắng cay này... Nhưng không uống cũng không được, không thể đứng dậy đi mà không thử một ít bánh mì...

Grigori cũng tìm ra cách. Anh giải thích công việc của mình, làm trên cao, không thể uống Vodka và chạy ra cửa hàng gần đó mua bia. Rồi họ ngồi uống bia. Ngồi khá lâu, cùng trò chuyện. Bà chủ cảm ơn họ, cảm ơn và chúc họ đường xa không mỏi gối.

Khi họ rời đi, bà khóc. Chia tay, bà đứng ở cửa rào, nước mắt chảy trên mặt bà, bà để chúng rơi xuống, cười như có lỗi và nuốt cơn tủi nghẹn trào trong cổ họng.

Grigori nhớ những giọt nước mắt này, để thêm hai lần ghé qua nhà dì Varya. Anh lau sạch cái bồn đựng nước, sơn lại, chỉnh cái máy bơm.

Sau đó anh ra đi. Ra đi và dường như đã quên ngôi làng nhỏ xa xôi đó.

Mùa xuân mới đến. Và bỗng nhiên một lần anh nhớ đến dì Varya. Grigori thấy rõ miền đất mùa xuân, khu vườn, mặt trời, bầu trời xanh và bà cụ già, người dùng chút sức lực cuối cùng đào và xắn đất. Đến độ tưởng như giờ đây bà sẽ quỵ. Sẽ tắt hơi và ngã gục, đầu va xuống lớp đất mềm. Ngã và không đứng dậy...

“Ôi lạy Chúa, chẳng lẽ ít người trên thế gian này khổ sở hay sao” - một giọng tỉnh táo nói với Grigori. Nhưng trái tim vẫn nhớ và không muốn quên dì Varya, đau buồn cho dì.

Có thể lỗi là chính ở sự côi cút của riêng anh. Những ngày cay đắng... Giờ đây, nhìn từ xa, cuộc đời đó với Grigori đã không còn nặng nề đến thế. Trại mồ côi. Trường nghề... Không chết đói. Ra đời. Nhưng đã có bao nhiêu tai ương! Biết kể sao đây... Và đã có những ngày hạnh phúc, tuyệt vời ra sao...

Một lính thủy trẻ đã dẫn bọn anh đi xem xiếc. Hai đứa bé. Chuyện đó xảy ra như thế nào... Anh không nhớ... Nhưng ngày ấy đã là ngày hạnh phúc. Và đến chết anh không quên niềm vui của viên kem đóng đá, tròn trên những chiếc bánh xốp giòn năm xu.

Học xong trường nghề, Grigori thực tập lần đầu tiên ở nhà máy, và dì kiểm soát viên ngày nào cũng cho anh bánh nướng. Những cái bánh nướng lò bình thường, nhân bắp cải. Mỗi sáng mở mắt ra anh đã vui sướng: “Dì Katya sẽ đem bánh tới”. Anh vội tới nhà máy và biết: “Có bánh nướng của dì Katya”.

Mà nếu làm rõ ra thì mất bao nhiêu công? Với người lính thủy - mất hai đến ba giờ và vài xu cho chiếc kem. Với dì Katya - nướng thêm năm cái bánh. Việc chẳng phải lớn, nhỏ bé thôi...

Nhưng trời ạ, người ta có lúc chỉ cần những điều nhỏ bé thế nào để thấy hạnh phúc! Kem đá, bánh nướng nhân bắp cải, một ô đất nhỏ được xắn lên... Biết kể làm sao...

Còn anh, Grigori, một trăm rưỡi dặm khốn khổ là gì đối với anh? Một tuần lễ phép?

Dằn vặt hết ngày này sang ngày khác, cuối cùng Grigori quyết định. Anh vẫn chưa biết sẽ nói thế nào về chuyến đi của mình với dì Varya. Với vợ, anh giải thích bằng sự hấp dẫn của việc câu cá mùa xuân trên sông Đông, bằng sự mệt mỏi và chị đã tin. Anh lấy mười ngày phép, năm mươi rúp đi đường, cần câu, một ít bánh kẹo và lên đường.

Và tất cả diễn ra tốt đẹp. Anh kể cho dì Varya về công việc nặng nhọc, bệnh tật, các bác sĩ và những chẩn đoán anh cần không khí trong lành. Về mặt lương tâm, quả tình anh có nói dối một chút. Anh là thợ hàn, làm việc nhiều, hít xỉ lò ngày này sang ngày khác. Nên lạy trời, chẳng phải là tội lỗi nếu anh hít dư đôi chút không khí trong lành.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Dì Varya tin, các láng giềng của dì cũng tin. Và giờ đây, hằng năm, cứ vào mùa xuân, ở đây anh ngày càng trở thành người mình. Anh thường đến nơi đúng lúc công việc vườn tược bắt đầu, ở lại một tuần.

Chuyện đồng áng thật thà của dì Varya không có nhiều việc cho bàn tay mạnh mẽ đàn ông: trồng khoai trong vườn, đặt máy bơm nước và bồn chứa, đào xới quanh cây và tỉa cành, quay bãi chăn mùa hè cho đàn gà, dọn lò sưởi. Tất cả những việc còn lại là vặt vãnh, dù những chuyện vặt vãnh này cũng không phải là ít.

Grigori làm việc từ tốn, chẳng vội đi đâu. Anh dậy sớm và cả ngày dài ở ngoài trời. Anh đào, trồng, dọn dẹp chuồng gà, sơn bồn chứa, chỉnh cái máy bơm hay đơn giản chỉ ngồi, hút thuốc và nhìn quanh. Những ngôi nhà nhỏ đứng xung quanh, hàng rào thấp, những chiếc cây còn trơ trụi, vì thế nên vô cùng thoáng đãng, nhìn được rất xa và nghe được tất cả: tiếng ríu rít đùa nghịch của lũ chim sẻ, tiếng líu lo của chim ác là, tiếng kêu nhịp nhàng của anh chàng sặc sỡ đẹp trai rẻ quạt, tiếng con người.

Anh không nói chuyện nhiều với chủ nhà, bà không phải là người nói nhiều. Còn dì Manya láng giềng lại hay nói.

- Dậy rồi à, người tốt của tôi? - bà nói với anh mỗi sáng - Làm việc đấy à? Giỏi lắm. Ta đã rang hạt hướng dương rồi, hãy cắn đi...

Ngay ngày đầu tiên dì đã sấn sổ hỏi Grigori về tất cả mọi thứ. Cháu, hình như, có một mình à? - dì quan tâm - Hay sống không hợp với gia đình? Bệnh tật thế nào?

Grigori nói hết tất cả chẳng chút phiền hà, còn về bệnh tình anh bịa đủ mọi chi tiết. Có thể, cháu muốn bà ta để lại nhà cho cháu sau khi chết? Bởi bà ta có con gái và cháu gái nữa.

Sau những lời này Grigori phá lên cười, thoải mái và rất lâu, đến độ dì Manya tin anh:

- Cười đi, cười đi... Vì cháu như thế, một người hồn nhiên. Chứ con người có đủ loại...

...Mỗi ngày trước buổi tối dì hay qua sân nhà lân cận chơi khá lâu.

- Chồng tôi đã đi nằm - dì thông báo - Ông ấy uống trà, ăn hai quả trứng rồi đi ngủ. Còn tôi không muốn vào nhà. Ở ngoài trời thích hơn.

Đúng là ngoài trời rất thích. Ánh chiều mơ màng, ấm áp, tĩnh lặng. Những bà già ngồi trên băng ghế, bắt đầu trò chuyện. Một ít tin tức, sau đó họ kể nhiều về quá khứ, về những điều đã trải. Tuổi thơ xa xăm, những người mẹ từ lâu quá cố, những đứa con đã bỏ đi, chiến tranh và tai ương, những niềm vui nhỏ bé...

- Chôn mẹ tôi xong, tôi được đưa về thái ấp, tới chỗ người bác. Cha tôi trước khi chết như có linh tính, bán nhà và tất cả trang trại. Bây giờ tôi còn nhớ, ông mang về cả nửa bao tải tiền. Năm triệu. Đủ mệnh giá. Ông đem về, nói tiền này cho con. Rồi nửa tháng sau họ đổi tiền. Tôi lấy chúng dán nhà thay giấy bồi.

Grigori ngồi, lắng nghe và lắng nghe. Cuộc đời người lạ trải ra trước mắt anh. Một cuộc đời rất xa, không giống đời sống hiện nay. Nhưng một cuộc đời rõ ràng đến thế. Anh yêu những giờ chiều hồi tưởng đó. Có thể vì trong tuổi thơ côi cút của anh đã chẳng có ai kể chuyện.

Họ nói về tất cả. Về việc trước kia người ta làm ruộng thế nào, nướng bánh mì ra sao... Dì Manya chỉ ra về khi trời chạng vạng.

- Chúng ta ngồi... Và cháu, cháu tốt lành, cũng ngồi, lắng nghe chúng ta, những bà già ngớ ngẩn... Cầu trời...

Dì cầu chúc cho anh nhiều điều tốt đẹp rồi ra về. Dì Varya cũng theo sau. Còn Grigori rất lâu không ngủ. Anh vẫn ngồi trong sân. Những đêm khác nhau theo từng năm. Sáng trăng hoặc tối đen. Nhưng chung quanh luôn là sự tĩnh lặng, bình yên. Chó sủa, ai đó cười trẻ trung, tiếng người nói gì không rõ - và tất cả. Tiếng ếch ngân rung từ xa, tiếng kêu hiếm hoi của chim đêm.

Dường như chưa bao giờ trong đời anh, suốt 40 năm qua, Grigori ngồi như thế trong đêm, một mình, đắm chìm trong suy tư điềm tĩnh. Những nghĩ ngợi chín chắn làm sao, sáng rỡ làm sao... Anh nghĩ về bọn trẻ, về con gái, con trai.

Grigori đồ rằng khi con trai trưởng thành đôi chút, cần đưa nó về đây. Họ sẽ đi cùng nhau. Anh sẽ không kể gì. Kể gì đây chứ... đơn giản là cứ tới, sống một tuần, làm việc và sẽ hiểu. Nó phải hiểu. Đàn ông cần như thế, bởi vì đàn ông, đặc biệt thời còn trẻ, họ thường nhẫn tâm. Mà họ cần biết xót thương ai đó, khi đó họ sẽ bớt nghiệt ngã hơn.

Anh không buồn ngủ. Một ngày vừa trôi, mới sống qua, đã trở thành cổ tích xa xôi. Chim én kêu ríu rít... Đường bay chúng cao, chớp nhoáng. Đã bao lâu rồi anh không thấy chim én! Còn giờ đây chúng làm tổ sát bên, ngay dưới mái hiên chái bếp. Và cả ngày chúng líu lo bên cạnh.

Và cao trên bầu trời, trong màu thiên thanh xa xôi cũng nghe thấy tiếng kêu vang dịu dàng cả ngày của những con chim sẻ óng vàng. Năm nay chúng rất đông. Và chúng kêu vang, kêu vang tận đỉnh trời từ sáng sớm đến đêm khuya.

Khó mà rời khỏi một ngày như thế. Được ngẫm ngợi thấu đáo mọi điều đến không muốn ngủ. Vẫn còn thời gian để ngủ, vẫn còn mà.

Grigori bước ra cổng. Mảnh lưỡi liềm hẹp trăng vàng treo trên bầu trời, và ngay cạnh nó là một ngôi sao vàng. Cây chi phong thấp vẫn chưa trút lá. Nhưng đã nở hoa. Và giờ đây đêm đến có thể chạm tay vào những sợi tóc con trẻ, vàng óng, dịu dàng như những mớ tóc màu phong...

Rồi cả năm anh nhớ lại những đêm này. Và nhiều trong số những suy nghĩ thấu đáo này đã giúp anh sống tiếp.

Anh biết chắc mỗi năm anh sẽ vẫn đến đây, khi nào dì Varya còn sống. Vì một khi dì đã mất, anh đến đây chẳng để làm gì... Dù thật xót xa... Khi nào điều đó sẽ xảy ra...

Mười ngày phép. Hai ngày đi đường - đi và về. Một ngày dự trữ phòng chuyện bất ngờ.

Bạn bè trong nhà máy hay hỏi han anh về chuyến câu cá mùa xuân trên sông Đông. Và anh kể họ nghe về sông Đông, về những thành quả săn bắt của mình. Anh không bao giờ nói sự thật. Thậm chí với vợ. Không phải anh không tin chị... Nhưng biết kể làm sao...■

Phan Xuân Loan (dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận