Tìm trăng giữa lòng phố

SÂM CẦM 11/02/2017 23:02 GMT+7

TTCT - Lần gần nhất tôi nhìn thấy trăng là mảnh trăng thượng tuần tháng giêng treo chênh chếch trên bầu trời đêm. Khi ấy tôi đang ngồi trên thuyền đi giữa một lòng hồ tĩnh mịch.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 Chú lái đò nhìn tôi cười khề khà hỏi: Ở trên thành phố làm gì có cảnh này mà “thả hồn” nhỉ? Chú gọi việc tìm nơi bình yên, hít thở không khí trong lành để thư giãn đầu óc là “thả hồn”. Tôi ưng cái chữ “thả hồn” của chú quá.

Tôi nghe chú kể chuyện trăng ở vùng bát ngát mây nước, mênh mông gió trời, tôi nghe vị của trăng vừa thanh vừa ngọt vừa yên, và có thêm vị của hẹn hò.

Người ở đây, cây cỏ, sóng nước, con thuyền... có lẽ đều hẹn cùng trăng mỗi độ rằm, như một lẽ tự nhiên, như trăng đã là người tình trăm năm của họ vậy. Tôi không biết ở vùng bát ngát cao ốc, mênh mông đèn đường của tôi thì trăng có phong vị gì?

Phố và người nơi tôi sống mỗi ngày như một cỗ máy chỉ biết mải miết lắc lư lắc lư trong hộp thời gian vốn là điệu disco xoay dập từ ngày này qua năm khác. Giữa vũ điệu cuồng quay ấy, có ai dừng lại nghiêng đầu, ngửa cổ để “thả hồn” với trăng tròn trăng khuyết?

Thế nên, tôi nghĩ trăng giữa lòng phố có phong vị của người lữ khách. Một lữ khách có chút tình trong trẻo, chút hào sảng, chút ôn nhu, chút khiêm nhường “không hẹn mà đến, không chờ mà đi” (1). Cứ xuất hiện lặng lẽ bên đời không vì ai mong ngóng, không vì ai đợi chờ.

Vì mang tình trong trẻo nên “lữ khách” cứ hồn nhiên ghé ngang lòng phố, chịu khuất sau các tòa cao ốc, bảng hiệu để chờ một tiếng reo trong lòng hay bật lên thành tiếng “a, trăng!” của người phố khi ngước lên nhìn trời.

Vì mang chút hào sảng nên “lữ khách” có hề chi chuyện phải hòa ánh sáng thuần nhiên của mình với các loại đèn đường rực rỡ, những apphich, bảng hiệu nhấp nháy.

Vì “lữ khách” khiêm nhu nên trăng của phố không vằng vặc, không bát ngát mênh mông mà sẵn lòng làm một kẻ đi bên lề giữa trùng trùng hào quang đô thị.

Người ở phố có chờ trăng không? Tôi không rõ. Nhưng tôi biết ở những góc quán bên đường, khi người ta phả vào nhau bằng hơi men, thì vẫn có ai đó ngước lên nhìn trời và reo “trăng kìa!”.

Tôi biết giữa lòng phố náo nhiệt, có người không đi bằng đèn đường mà bồi hồi đi theo một đốm sáng dịu êm treo chơi vơi trên trời đêm. Tôi biết trong các hộp diêm lộng lẫy, vẫn có bàn tay tung cánh cửa hay vén bức rèm để đón chút ánh sáng mơ vàng hồn nhiên rọi vào phòng.

Tôi đọc được rất nhiều status (dòng trạng thái) của những kẻ mộng mơ khi bắt gặp trăng qua tán lá, trăng trên cột điện, trăng trên tường vôi...

Người ở phố có tìm trăng không? Tôi không rõ. Tôi chỉ biết người phố không đón trăng bằng con số nhỏ xíu gọi là lịch âm, mà họ đón trăng bằng mùi hương.

Mùi hương của mùa chay theo sự thay đổi thực đơn của hàng quán bên đường. Hôm nay quán đầu ngõ bán đồ chay đó, là rằm tới, hẳn là có trăng. Hôm mai nghe mùi hương của hoa cúc, vạn thọ, cùng các loại trái cây dành cho ngày rằm, cũng sẽ thầm nhủ, liệu hôm nay có trăng về?

Hôm mốt đi qua ngôi chùa nào đó, thấy hoa lài, hoa cau được tết thành chiếc vòng trăng trắng thơm thơm cùng mùi hương của khói nhang quấn quýt là biết rằm về, trăng lên.

Phong vị nào cũng được, trăng vẫn là trăng của đất trời. Chỉ có lòng người mới hay trăng còn lấp lánh hay nhạt nhòa trong tâm tưởng. Nhưng tôi chắc rằng người ở phố luôn có cách “thả hồn” của riêng mình để níu giữ, để nhớ đến, để mộng tưởng về một thứ ánh sáng trong trẻo “xua tan những nghi ngờ” (2) ấy.

Mùa xuân, tôi được ngắm trăng thượng tuần trên mặt hồ bình yên. Mùa trăng đầu tiên của năm mới, mùa trăng tròn đầy nhất của tháng khởi đầu một năm mới, mùa trăng Nguyên tiêu.

Trăng bấy giờ chỉ mới là một chữ D hoa, mà ánh sáng thì thanh trong lắm, tôi mong mình giữ được sự hào sảng mà khiêm nhu như trăng để khi đi bất kỳ nơi đâu, tôi có thể là một “lữ khách” luôn mỉm cười an nhiên với cuộc đời dù cho “bốn mùa thay lá thay hoa” (3), lòng người rộng hẹp khôn lường.■

(1), (2), (3): Ca từ của Trịnh Công Sơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận